Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016

VN sẽ cắt làm đôi nếu có sự cố hạt nhân

VN sẽ cắt làm đôi nếu có sự cố hạt nhân

bauxitevn9:33 AM


clip_image002
Thảm họa hạt nhân ở Fukushima để lại hậu quả lâu dài cho Nhật Bản 
Đây là một bài viết cũ của GS Nguyễn Khắc Nhẫn trả lời PV BBC từ năm 2013. Nay nhân có bài viết mới của ông cũng cùng một chủ đề, xin được đăng lại để bạn đọc cùng tham khảo.
Bauxite Việt Nam
Việt Nam có thể sẽ bị chia cắt ra làm đôi, trong khi xuất khẩu, kinh tế bị tê liệt ngay tức khắc và toàn bộ dải đất miền Trung sẽ bị ô nhiễm phóng xạ bao trùm trong nhiều năm nếu xảy ra một thảm họa hạt nhân như vụ Chernobyl hay Fukushima, theo cảnh báo của một chuyên gia điện hạt nhân từ Pháp.
Trao đổi với BBC Việt ngữ hôm 05/9/2013 từ Paris, Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, nguyên cố vấn chiến lược Tập đoàn Điện quốc gia Pháp (EDF) cũng cảnh báo Việt Nam có thể sẽ phung phí hàng chục, hàng trăm tỷ đô-la mà không đem lợi ích gì cho đất nước trong khi sẽ để lại cho hàng chục thế hệ con cháu nguồn chất thải phóng xạ mà theo ông 'ngàn đời vẫn còn nguy hiểm'.
Cựu Giáo sư về điện và năng lượng hạt nhân ở Đại học Grenoble của Pháp đưa ra lời kêu gọi chính quyền Việt Nam khẩn trương tổ chức trưng cầu dân ý về các dự án phát triển điện hạt nhân và các lò phản ứng mà ông cho là quá tham vọng, lãng phí và đầy rủi ro trong khi Chính phủ cho rằng đây là lời giải cho khan hiếm năng lượng điện.
Việt Nam đang trong lộ trình thực hiệnĐịnh hướng Quy hoạch phát triển điện hạt nhân giai đoạn đến năm 2030 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt hồi tháng 6/2010, theo đó 14 lò phản ứng hạt nhân được dự kiến bố trí chủ yếu ở miền Trung Việt Nam, gồm các tỉnh Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Hà Tĩnh, với các khoản kinh phí khổng lồ từ nguồn vốn ngân sách và vay nợ.
Bình luận của Giáo sư Nhẫn, người có trên 30 năm nghiên cứu về điện hạt nhân, được đưa ra sau khi Ban quản lý điện hạt nhân Ninh Thuận cho truyền thông Việt Nam hay họ đã tổ chức tập huấn, tham quan một lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt cho hơn 15 đoàn đến từ Ninh Thuận để học tập kinh nghiệm, tìm hiểu năng lượng hạt nhân và an toàn phóng xạ.
Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn: Việc tỉnh Ninh Thuận đưa các đoàn đi tham quan Lò phản ứng Đà Lạt, như báo Đất Việt đưa tin, có tính chất tuyên truyền nhiều hơn là để cho dân chúng hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của phóng xạ. Lò nghiên cứu Đà Lạt (có công suất) 0,500 MW nhiệt, không nguy hiểm bằng lò Điện hạt nhân ở Ninh thuận 3000 MW nhiệt.
BBC: Theo ông, Ninh Thuận đang đứng trước nguy cơ gì khi nhận đặt 2 nhà máy điện hạt nhân trên địa bàn tỉnh của mình?
Ninh Thuận cũng như các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Hà Tĩnh đều sẽ gặp nguy cơ lớn nếu có biến cố xảy ra, vì theo chương trình Điện hạt nhân của Việt Nam, cả thảy 14 lò phản ứng (1000 MW đến 1500 MW điện) sẽ được xây cất ở 5 tỉnh miền Trung này từ 2014-30.
Nguy cơ bất cứ năm tỉnh đó (gặp phải) là lúc có một tai biến xảy ra, như thảm họa Fukushima chẳng hạn, phóng xạ sẽ lan toàn tỉnh và xung quanh vùng miền Trung. Vì vậy, dân chúng phải di tản. Tôi không biết chính phủ làm thế nào để dân phòng chất thải phóng xạ rất nguy hiểm cho tính mạng. Môi trường sẽ bị ô nhiễm trầm trọng.
'Thao túng thông tin?'
BBC:Theo ông người dân đã được hỏi ‎ ý kiến đầy đủ chưa, hay họ thiếu cung cấp thông tin hoặc bị thao túng? 
Theo tôi người dân không thể nào được hỏi ý kiến đầy đủ vì thiếu thì giờ và trình độ hiểu biết về hiện tượng vật lý và hạt nhân. Lẽ cố nhiên họ bị thao túng vì không được cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ.
BBC: Một nhà khoa học Việt Kiều từ châu Âu, Tiến sỹ Trần Đại Phúc từng được báo Hà Nội Mới trích ý kiến nói ở Việt Nam "từ nay đến năm 2050, không gì thay thế được năng lượng hạt nhân". Giáo sư bình luận gì về nhận định này?
Nói rằng từ đây đến 2050, không gì thay thế được Điện hạt nhân thì hoàn toàn không đúng sự thật. Các nước trên thế giới, năm 2013, đã đầu tư 250 tỷ đô-la vào lĩnh vực năng lượng tái tạo nhất là điện gió và mặt trời. Đan Mạch đến 2050 sẽ sử dụng 100% điện mặt trời, Đức đang dẫn đầu về điện gió và điện mặt trời. Thử hói tại sao Đức đã hy sinh hàng trăm tỷ đô-la, can đảm từ bỏ điện hạt nhân năm 2022 tới?
clip_image004
Vì sự sống còn của đất nước, tôi thiết tha đề nghị Chính phủ VN cấp tốc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về chương trình Điện hạt nhân quá tham vọng, không kinh tế và vô cùng nguy hiểm cho đồng bào vô tội. GS Nguyễn Khắc Nhẫn (đứng) 
Các cuộc lobby (vận động hành lang) hạt nhân tuyên truyền 'láo', đề cao điện hạt nhân đã lỗi thời thay vì khuyến khích việc khai thác triệt để năng lượng tái tạo. Hiện nay ở Pháp và ở Âu Châu, điện gió trên đất liền đã cạnh tranh được với điện cổ điển và hạt nhân.
BBCÝ kiến chuyên gia nói các thảm họa hạt nhân từng biết đã xảy ra ở Ukraina, Mỹ, hay Nhật Bản đều xuất phát từ thiếu sót của con người, theo ông có khả năng nào con người sẽ kiểm soát được hết các sự cố?
Tất cả các biến cố đã xảy ra như Chernobyl, Three Miles Island và Fukushima đều do con người mà ra, do sai lầm, do thiếu trình độ. Những rủi ro ấy, không phải vì thiết bị hay thiết kế, những thảm họa xảy ra hoàn toàn là do con người. Lẽ cố nhiên, có sơ suất về trang bị, về thiết kế, nhưng vấn đề nhân sự là chính.
Nếu Việt Nam chưa có đủ nhân tài, chưa có đủ chuyên gia, chưa đủ kỹ sư để xây cất, để khai thác, theo tôi, không nên làm điện hạt nhân, vô cùng nguy hiểm.
'Bàn tay nhóm lợi ích?'
BBC: Ông có nghĩ là có nhóm lợi ích trong và ngoài nước nào đã thao túng quyết định đặt "bằng được" các dự án hạt nhân ở Ninh Thuận? Có vấn đề gì từ những người buôn bán lò phản ứng cho Việt Nam như từ Nhật, từ Nga?
Ta có thể đặt câu hỏi vì lý do gì Việt Nam không chịu thay đổi chiến lược. Áp lực từ đâu đến? Vấn đề chính trị hay các tay buôn ngoại quốc lợi dụng chúng ta, một hai họ quyết tâm phải bán lò cho Việt Nam mà sự thật là các lò phản ứng tồn kho.
BBC: Có thể biết các công ty trung gian nào có vai trò quyết định trong việc móc nối mua bán lò phản ứng cho Việt Nam?
Sự thật tôi không biết công ty ngoại quốc trung gian nào, ai có ảnh hưởng và quyền lợi lớn trong các lobby này, ai có cơ hội làm giàu trên đầu dân ta, bất kể sự nguy hiểm cho tính mạng con người.
BBC: Ông tư vấn gì cho người dân và chính quyền Ninh Thuận hiện nay và có lời khuyên gì với Việt Nam trong vấn đề điện hạt nhân nói chung và các tỉnh khác có liên quan nói riêng, nhất là trong tình huống xảy ra sự cố?
Nếu một thảm họa như Chernobyl hay Fukushima xảy ra thì cả miền Trung sẽ bị phóng xạ bao trùm và đất nước ta sẽ bị chia đôi lâu dài, du lịch, xuất khẩu, kinh tế sẽ bị tê liệt trong chớp nhoáng. Ta sẽ phung phí hàng chục rồi hàng trăm tỷ đô-la mà không đem lợi ích gì cho đất nước.
Ta sẽ để lại cho hàng chục thế hệ con cháu chất thải phóng xạ ngàn đời vẫn còn nguy hiểm. Vì sự sống còn của đất nước, tôi thiết tha đề nghị Chính Phủ Việt Nam nên cấp tốc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về chương trình Điện hạt nhân quá tham vọng, không kinh tế và vô cùng nguy hiểm cho đồng bào vô tội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.