Tập quán thông thường của người đi biển lành nghề
bauxitevn8:14 AM
Cựu chiến binh - Luật sư Cao Xuân Bái
Trong giáo trình giảng dạy của lớp sỹ quan hàng hải, Trường sỹ quan hải quân (nay là Học viện hải quân Việt Nam) giai đoạn 1978, 1979 có giới thiệu bộ Quy tắc quốc tế tránh va trên biển. Vì đã học quá lâu nên tôi không nhớ rõ là Colreg 72, Colreg 60 hay bộ quy tắc cũ hơn. Trong đó có quy định thế này: Tàu thuyền của bất cứ quốc gia nào khi đi ngang qua tọa độ có đánh dấu vị trí tàu đắm thì phải kéo một hồi còi dài (hồi còi dài được định nghĩa là từ 3 đến 6 giây). Việc làm này có ý nghĩa chia sẻ nỗi đau, sự mất mát và thay lời chào vĩnh biệt đến con tàu xấu số không may phải nằm lại vĩnh viễn dưới đáy biển. Và được gọi là "Tập quán thông thường của người đi biển lành nghề". Xét về bản chất và hình thức, tập quán này giống hệt "Một phút mặc niệm, bắt đầu" mà tất cả các buổi mít tinh, lễ kỷ niệm, hay đại hội Đảng các cấp thường áp dụng trước khi khai mạc. Một con tàu sau khi bị đắm và không thể trục vớt thì đó chỉ là đống sắt vụn, han rỉ. Thế nhưng vẫn được con người trân trọng, chia sẻ, cảm thông, thương tiếc và "linh hồn" nó vẫn sống mãi trong lòng những người đi biển lành nghề.
Bức tranh "Vòng tròn bất tử" của họa sỹ Bùi Lệ Trang được đấu giá để lấy tiền ủng hộ gia đình 64 liệt sỹ đã hy sinh tại Gạc Ma 1988
Cùng nằm lại dưới đáy biển với những con tàu xấu số còn có 64 cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam trong trận Gạc Ma 1988 và 74 quân nhân của Quân đội Việt Nam Cộng hòa trong trận Hoàng Sa 1974. Mặc dù có giai đoạn lịch sử, họ ở về hai phía của chiến tuyến, nhưng trong cả hai trận Gạc Ma và Hoàng Sa họ có chung kẻ thù, đó là bọn xâm lược bành trướng Bắc Kinh. Sự anh dũng hy sinh của những người con đất Việt vì sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc Việt Nam đời đời được nhân dân ghi nhớ.
Năm 1988. Một buổi tối trên đường Lê Lợi, thành phố Huế, tôi thả bộ dọc bờ sông Hương sau một ngày thực hiện kế hoạch tuyển quân vất vả. Bỗng nghe Đài tiếng nói Việt Nam đọc danh sách 64 cán bộ, chiến sỹ bị quân Trung Quốc sát hại. Do không theo dõi từ đầu, tôi cứ tưởng là danh sách thi đua, khen thưởng được Nhà nước phong tặng. Nhưng qua giọng đọc nghiêm trang của phát thanh viên tôi linh cảm có chuyện gì chẳng lành, rồi đúng vậy!
Đã mấy chục năm các anh nằm dưới đáy biển, máu đổ, xương tan, đợi mãi, đợi hoài mà "không thấy một hồi còi dài xuất hiện". Nghe phong phanh hình như có ai đó đã từng có ý kiến với Nhà nước là đề nghị phía Trung Quốc cho phép Việt Nam tiếp cận lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam - Gạc Ma để đưa các anh về, nhưng rồi lại có ai đó sợ tốn kém mà đề nghị ngăn lại! Ngày nào Gạc Ma [và Hoàng Sa nữa – BVN] chưa trở về với đất mẹ Việt Nam, thì ngày đó xương cốt các anh còn chìm trong giá lạnh.
Lúc còn ở đơn vị chiến đấu, tôi là xạ thủ số 2 khẩu đại liên. Khi được điều động về Trường sỹ quan hải quân, tôi bàn giao lại "vị trí công tác" cho một đồng đội khác, quê Hải Phòng. Bẵng đi mấy chục năm, khi nghe tin xạ thủ số 1, là anh Sơn (nay là Đại tá, Ban chỉ huy quân sự huyện đảo Phú Quốc, đã nghỉ hưu) đang điều trị tại Quân y viện 175, tôi đến thăm. Anh Sơn kể cho tôi nghe người thay thế tôi ở vị trí xạ thủ số 2, khi đơn vị đổ bộ vào cảng Rem (Cam pu chia) thì bị dính một quả M79, đứt nửa người, tử trận. Tôi lặng người. Không biết nói gì với linh hồn của anh – người đã chết thay tôi. Hàng năm, cứ đến ngày kỷ niệm đơn vị nổ súng, tôi lặng lẽ thắp một nén hương để tưởng niệm anh.
Một hình ảnh đáng mừng, cho dù còn khá lẻ loi, nhân kỷ niệm ngày bùng nổ cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã về thăm một số tỉnh, thắp hương tưởng nhớ đồng bào và chiến sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược. Nói là lẻ loi bởi cùng ngày đó, tại TP.Hồ Chí Minh hình ảnh có vẻ ngược lại.
Những ai đang sống trong nhung lụa, đang hưởng vinh hoa, phú quý mà không thắp nổi một nén hương để tỏ lòng tri ân với người đã khuất, người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, thì xét về cả tâm và tầm, đều không đạt "chuẩn thông thường"của người đi biển lành nghề!
C.X.B.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.