THI ĐUA VÀ KHEN THƯỞNG NGÀY NAY- LỢI ÍT HẠI NHIỀU
bauxitevnSat 9:07 AM
Nguyễn Đình Cống
1-Tình hình chung
Hiện nay khắp nơi đang tưng bừng mở Đại hội thi đua khen thưởng các ngành các cấp để tiến tới Đại hội thi đua toàn quốc. Trong các ĐH như vậy rất nhiều báo cáo thành tích xuất sắc được trình bày, nhiều danh hiệu Anh hùng , Chiến sỹ thi đua, nhiều huân chương cao quý được ban tặng. Có vẻ như là những ngày hội lớn của các ngành và của dân tộc. Chưa thấy số liệu thống kê nào cho biết số công sức, số tiền ngân sách bỏ ra để tuyên truyền, chuẩn bị và tổ chức các ĐH, để chi cho các đại biểu và quan chức có liên quan. Chỉ có thể đoán rằng cũng phải đến nhiều ngàn tỷ.
Khi chỉ nghe sự tuyên truyền một chiều, chỉ dựa vào báo cáo và gương sáng được trình bày thì mọi người sẽ choáng ngợp vì thành tích vô cùng to lớn, vì kết quả rất cao do thi đua mang lại, vì sự sáng suốt của lãnh đạo của các cấp, các ngành. Nếu kết hợp thêm các huy chương đủ loại do các thí sinh của VN đạt được trong các cuộc thi quốc tế giành cho học sinh và thợ kỹ thuật bậc cao thì thế giới phải trầm trồ ca ngợi sự thông minh, tài giỏi của dân Việt, và hình dung ra một đất nước đang phát triển ở tầm cao. Thế nhưng nếu dám nhìn thẳng vào sự thật thì không khó khăn gì để thấy một đất nước có năng suất lao động vào loại thấp nhất khu vực và thế giới, một dân tộc có nền đạo đức và giáo dục đang xuống cấp nghiêm trọng, một xã hội đang chứa đựng nhiều tệ nạn độc hại. Những người quen suy nghĩ hời hợt, cả tin không thể nào giải thích được thật đúng nguyên nhân cơ bản tạo ra điều mâu thuẩn to lớn ở trên, họ quy kết vòng vo chỗ này, chỗ nọ. Trước đây người ta quy cho “tàn dư của phong kiến , thực dân, đế quốc”, ngày nay đổ tội cho “nhóm lợi ích và sự thoái hóa biến chất của cán bộ”. Thật ra phần lớn là do tuyên truyền dối trá, ngụy biện, chỉ nêu ra một phần của sự thật, phần lấp lánh, rồi tô son điểm phấn vào mà cố tình che dấu đi một phần khác của sự thật, đó là phần cơ bản xám xịt.
2-Bàn về thi đua
Xét về thi đua, tại sao theo báo cáo và tuyên truyền thì phong trào thi đua yêu nước mang lại nhiều thành tích tốt đẹp mà xã hội vẫn cứ xuống cấp. Tôi đã để tâm tìm hiểu và rút ra kết luận xót xa: “Trong hoàn cảnh hiện nay thi đua mang lại lợi ít hại nhiều, hiệu quả thấp”.
Phong trào thi đua được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động vào tháng 6 năm 1948, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn của những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, với mục tiêu: diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm. Khẩu hiệu của thi đua là: Làm cho nhanh, cho tốt, cho nhiều. Phương châm là: Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua. Biện pháp thi đua là lấy sự động viên tinh thần kết hợp sự bình bầu, khen thưởng.
Năm 2003 Chủ tịch nước ban hành Luật Thi đua, Khen thưởng ( Luật số 15/2003/QH 11 ). Năm 2005 và năm 2009 Luật được điều chỉnh. Năm 2013 Luật lại được bổ sung, sửa đổi. Luật ghi rõ: Thi đua là hoạt động có tổ chức với sự tham gia tự nguyện của cá nhân, tập thể nhằm phấn đấu đạt được thành tích tốt nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mục tiêu của thi đua nhằm tạo động lực động viên, lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Như vậy từ phong trào thi đua nhằm diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm đã được Nhà nước nâng lên thành LUẬT, mà đã là Luật thì mọi người phải thi hành. Thi đua của Hồ Chí Minh và thi đua của nhà nước CH XHCN VN khác nhau rất lớn. Thi đua của HCM dựa trên sự động viên tinh thần, mang lại sự phấn khởi cho toàn dân, thi đua của CHXHCNVN là một sự gán ghép, áp đặt, nhằm mang lại lợi ích cho một số ít công việc và một số ít người, trong khi mang lại sự khó chịu cho số đông, sự tha hóa của xã hội, góp phần làm tăng sự dối trá tạo thành tích dổm để được khen thưởng.
Trong nhiều công việc chúng ta thường chỉ chú ý đến kết quả mà không quan tâm đến hiệu quả, là chỉ tiêu quan trọng hơn, quyết định hơn đến sự phát triển hoặc tụt lùi. Khi mà hiệu quả là âm thì kết quả càng lớn kéo theo sự tụt lùi càng lớn, tội càng nặng. Trước đây có nhiều đơn vị đã từng được khen thưởng trong phong trào thi đua tăng gia sản xuất với kết quả thu hoạch được vài tạ sắn. Không ai quan tâm đến việc họ đã chi một số công sức và tài sản tính ra tiền có thể mua được gấp 2 đến 5 lần số sắn ấy. Họ được khen khi làm việc với hiệu suất âm trên 200%, thế có đau xót không, có đáng tủi hổ không.
Chưa thấy có điều tra, khảo sát nào đánh giá hiệu quả của thi đua trong tình hình mấy chục năm gần đây. Trước đây tôi có đọc được một vài bài báo đề nghị xem xét lại việc tổ chức thi đua, nên bỏ thi đua trong một số ngành, nhưng rồi các bài đó chỉ như vài hạt cát ném xuống bể.
Có nhiều lập luận cho rằng mặc dầu thi đua tạo nên những điều làm nhiều người không thích thú gì như tổ chức phát động, đăng ký chỉ tiêu, bình bầu danh hiệu, tổ chức xét duyệt, phần lớn chạy theo hình thức làm tốn công, tốn của, tốn thì giờ mà hiệu suất công việc thấp, lại thêm chuyện khó tránh là việc dối trá được chấp nhận, được bao che, nhưng dù sao thi đua cũng làm cho một số người, một số đơn vị làm việc tốt hơn, đạt thành tích cao hơn, được tặng thưởng huân chương và danh hiệu cao quý, làm người ta phấn khởi hơn.
Lập luận trên mới nói lên chỉ một phần sự thật, đã bỏ sót một phần sự thật khác quan trọng hơn, do đó đã rơi vào ngụy biện. Tôi xin nêu thí dụ. Trước đây, trong kháng chiến 9 năm xe đạp thồ là một phương tiện vận tải rất tốt, hiệu quả cao, nhưng ngày nay với đường rộng, phương tiện cơ giới có đủ thì chỉ nên đưa xe đạp thồ vào viện bảo tàng. Nếu cho rằng xe đạp thồ dù sao cũng tăng năng suất, có hiệu quả hơn gánh bộ để mở rộng, để phát triển mà coi nhẹ việc dùng cơ giới thì không điên cũng là ngu. Trước đây thi đua rất có tác dụng, được dùng có hiệu quả để động viên người ta làm tốt vì chưa có được điều kiện để dùng biện pháp tốt hơn trong cơ chế tạo động lực cho người làm việc, đó là trả công theo kết quả lao động. Tôi đã hỏi một số người câu sau : Bạn cố gắng làm việc tốt để được một trong hai thứ : a- Được bình bầu và khen thưởng thi đua; b- Được trả công theo kết quả công việc. Bạn chọn cách nào. Tuyệt đại đa số chọn cách b. Như vậy nếu thực hiện được việc trả công, trả lương theo kết quả lao động thì sẽ đạt hiệu quả cao hơn chuyện tốn công tốn của để duy trì thi đua. Mà khi người ta quá quan tâm, quá đề cao thi đua thì rất dễ coi nhẹ, thậm chí bỏ qua việc xem xét trả công theo kết quả lao động. Trong các công ty tư nhân và nước ngoài người ta chủ yếu trả công theo kết quả công việc và chẳng cần gì thi đua, còn trong các tổ chức của nhà nước việc trả lương theo kết quả lao động là rất khó vì đòi hỏi khả năng và trách nhiệm của người lãnh đạo và quản lý. Thôi thì nhà nước cứ trả lương theo bằng cấp và chức vụ, vài ba năm lại tăng một bậc. Ai làm việc giỏi thì đã có tập thể bình bầu, được khen thưởng thi đua hoặc tăng lương trước hạn. Cách trả lương như thế có tác dụng kìm hãm sự tiến bộ xã hội, nên sớm được thay đổi.
Thử hỏi, trong các nước có nền kinh tế và văn hóa hàng đầu thế giới người ta có tốn công sức để tổ chức và họp hành vì thi đua hay không, ở các nước ấy không có thi đua thì động lực phát triển là gì. Ở VN bây giờ thi đua chủ yếu chỉ mang lại lợi ích cho một số ít người, đó là những người sống bám vào thi đua, trong đó không ít người giàu lên được nhờ các cơ sở chạy huân chương và danh hiệu.
Nhiều người biết rõ “thi đua lợi ít hại nhiều” nhưng tại sao đa số người, toàn bộ các cơ quan đoàn thể không dám từ bỏ. Tôi thấy có 3 loại. Loại 1 là những người sống bám vào thi đua, hưởng lợi từ thi đua, họ đề cao thi đua, tuyên truyền cho thi đua, bắt ép mọi người thi đua; loại 2 vì nhẹ dạ, cả tin, tưởng nhầm thi đua mang lại lợi ích to lớn nên vui vẻ thi đua; loại 3 vì sợ, không dám làm gì trái với sự chỉ đạo, trên bảo thi đua thì dưới cứ thi đua cho qua chuyện. Hiện nay toàn quốc đang chuẩn bị Đại hội thi đua. Hy vọng rằng sẽ có nhiều phản biện vạch ra mặt trái của thi đua để toàn dân biết, để ĐH sắp tới sẽ là ĐH cuối cùng, để rồi thi đua sẽ được xếp vào bảo tàng lịch sử.
3-Bàn về khen thưởng
Không biết trên thế giới có còn nước nào tặng nhiều huân chương, nhiều danh hiệu anh hùng cho tập thể các địa phương, các đơn vị như ở ta hay không. Tôi biết khá đông người dân VN là thành viên đồng thời của nhiều đơn vị anh hùng, thế mà khi các vị ấy sang thế giới khác, trong điếu văn không ai nhắc đến điều đó.
Riêng chuyện tặng thưởng huân chương, danh hiệu anh hùng, giải thưởng HCM, từ trước đến nay thông tin đại chúng vẫn đưa tin là : “Đảng và Nhà nước trao tặng”, trong lúc tại các quyết định tặng thưởng các thứ ấy không thấy vai trò của Đảng ở đâu cả, chỉ thấy Chủ tịch nước căn cứ vào các luật và đề nghị của cấp dưới, không thấy căn cứ gì vào văn bản nào của Đảng. Tôi đã bỏ công tìm các văn bản liên quan, chỉ mới tìm thấy trong Luật Khen thưởng năm 2013, tại điều 83 có viết :” … Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng các Ban của Đảng và tương đương ở trung ương, … xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ để đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng nhà nước”, danh hiệu vinh dự nhà nước”. Như vậy chỉ là có quyền “ trình thủ tướng để đề nghị…” chứ không có quyền tặng thưởng những thứ đó. Điều 79 có viết “….Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng các Ban của Đảng và tương đương ở trung ương, …. quyết định tặng bằng khen, cờ thi đua, danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng”, Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương”. Như vậy là chỉ được quyết định tặng bằng khen, cờ thi đua… mà thôi, không có quyền tặng huân chương, danh hiệu anh hùng. Tôi đem thắc mắc trao đổi với bạn bè thì bị mắng át đi: “ Ông chỉ hay vẽ chuyện. Đảng lãnh đạo toàn diện thì quyết định cả việc khen thưởng có sao đâu. Quyết định hoặc cho ý kiến bằng miệng cũng được, cần gì văn bản”. Tôi gửi thư điện tử đến VP TƯ Đảng nêu thắc mắc và hỏi xem có văn bản nào của Đảng liên quan đến việc trên hay không. Thư không được trả lời.
Tôi nghĩ, nếu quả thật Đảng có vai trò quyết định việc tặng thưởng huân chương, danh hiệu anh hùng v.v.. thì trong QĐ của CT nước nên ghi rõ cho thêm phần long trọng. Còn nếu không có việc đó thì thông tin đại chúng đưa Đảng vào trong câu “Đảng và Nhà nước tặng thưởng…” mà làm gì. Với những người nhẹ dạ cả tin thì nghe xong họ để ngoài tai, còn với những người hay suy nghĩ thì cho rằng thế là dối trá, nịnh hót. Không biết các cán bộ cấp cao của Đảng có biết chuyện này không, nếu biết sao không tìm cách uốn nắn, cải chính, hay là họ thích được tuyên truyền như vậy.
Việc khen thưởng cũng như cái huân chương, có 2 mặt. Khi làm đúng thì khen thưởng có tác dụng động viên lớn, khi làm không đúng thì nó trở nên phản tác dụng. Thế nào là đúng và không đúng thì nhiều người biết rõ, xin phép không trình bày dài dòng. Tôi chỉ nhận xét là hiện nay ở ta việc khen thưởng mang tính tiêu cực nhiều hơn tích cực, mang lại sự động viên thì ít mà mang lại sự nhàm chán nhiều hơn.
Vừa qua tôi chứng kiến cảnh một số đông cán bộ một trường ĐH vui mừng vì trường không được nhận danh hiệu “Đơn vị anh hùng”. Trường này tự xét có nhiều thành tích ngang bằng, thậm chí một số mặt còn hơn các trường bạn đã được “ Anh hùng”. Cán bộ trong trường chia ra 3 phái, phái A mong muốn lãnh đạo chạy bằng được danh hiệu bằng bất cứ giá nào, phái B yêu cầu lãnh đạo làm hồ sơ nghiêm chỉnh, đúng yêu cầu, đầy đủ thủ tục để trên xét chứ không bỏ tiền ra để chạy, phái C không quan tâm. Kết quả không được anh hùng làm cho phái A mất vui, trách lãnh đạo không chịu chạy, không biết chạy, phái B, đông hơn lại vui mừng vì đã không mất một số tiền lớn cho danh vị hão huyền.
Tôi đọc được trong một tài liệu cổ có đoạn : “Một đất nước khen thưởng nhiều quá chứng tỏ đang bị khủng hoảng vì trì trệ”. Thử xét 2 đơn vị. Ở đơn vị A mọi người làm việc tốt vì tự bản thân họ hiểu đó là lương tâm, là trách nhiệm, là vinh dự và được trả công theo kết quả công việc. Ở đơn vị B mọi người chỉ làm tốt khi có phát động thi đua và hứa hẹn khen thưởng. Nếu được tự do, bạn chọn làm ở đâu.
Trước đây trên 30 năm, trong nhân dân lan truyền bài ca 10 loạn, bắt đầu bằng :”Thứ nhất là loạn Quốc ca. Thứ nhì loạn giá, thứ ba loạn tiền…..Thứ chín là loạn huân chương. Thứ mười là loạn tuyên dương anh hùng”. Đến nay một số loạn dịu bớt, một số tăng thêm, riêng loạn huân chương và anh hùng ít thay đổi.
N.Đ.C
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.