Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

Biển Đông – Cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á

Biển Đông – Cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á

bauxitevnWed 7:25 AM


Bill Hayton
Phan Văn Song dịch 
Hoàng Việt hiệu đính
KỲ 1. MỤC LỤC - BẢN ĐỒ - LỜI MỞ ĐẦU 
Kể từ hôm nay, Bauxite Việt Nam sẽ lần lượt trích đăng từng phần cuốn sách Biển Đông – Cuộc tranh giành quyền lực ở Châu Á của Bill Hayton, một phóng viên của BBC, từng tác nghiệp ở Việt Nam và Myanmar. Bản tiếng Việt do cộng tác viên Phan Văn Song dịch và gửi đến BVN.
clip_image002
clip_image004

MỤC LỤC

Bản đồ

(Các bản đồ do người dịch vẽ lại trên Google Earth dựa theo ba bản đồtrong bản gốc Tiếng Anh, các thông tin chính thức của các bên liên quan và bản đồ trung tuyến của marineregions.org)
clip_image006
Bản đồ Biển Đông thể hiện các yêu sách của các bên (đường lưỡi bò của TQ, lục giác của Philippines, hình gần như chữ nhật của Brunei, các đường 200nm của Việt Nam, Malaysia, Philippines, đường 350nm của Việt Nam) và một số biên giới biển đã thoả thuận (ở Vịnh Bắc Bộ và phần phía Nam của Biển Đông) cùng các trung tuyến với giả định các bên đều có cùng hiệu lực (đường xanh nhạt, nhỏ nét)
clip_image008
Bản đồ quần đảo Hoàng Sa vẽ từ Google Earth cho thấy 2 nhóm đảo An Vĩnh (với vị trí một số đảo thể hiện bằng màu xanh nhạt) và nhóm Trăng Khuyết hay Lưỡi Liềm (với vị trí một số đảo thể hiện bằng màu hồng đậm)
clip_image010
Bản đồ quần đảo Trường Sa vẽ từ Google Earth cho thấy một số vị trí chiếm đóng của các bên: VN (hồng), TQ (đỏ), Đài Loan (đỏ gạch), Malaysia (xanh nhạt), Philippines (xanh).
clip_image012
Các yêu sách biển và EEZ hiện có từ các đảo lớn nhất (với các trung tuyến) và đường biên lãnh hải 12-nm từ các đảo đá (chỉnh từ bản đồ của I Made Andi Arsana of the Dept. of Geodetic and Geomatic Engineering, Faculty of Engineering, Gadjah Mada University, Indonesia)

Lời mở đầu

Một ngày trong tương lai, từ đảo Luzon của Philippines hai chiếc tàu tàu đánh cá có thể ra đi hướng về phía Tây trong vùng biển rộng. Họ sẽ trên đường tới một đảo san hô từng có lần được đặt tên theo tên cảng họ vừa rời đi, Bajo de Masingloc. Hơn 300 năm qua, đảo san hô này có rất nhiều tên. Người Tây Ban Nha cũng gọi nó là Bãi cạn Maroona, người Anh gọi nó là Bãi cạn Scarborough, Quốc dân đảng Trung Quốc đặt tên cho nó Rạn đá Min'zhu (Dân chủ) , Cộng sản Trung Quốc đổi tên thành Hoàng Nham (Đá [màu] Vàng) - và gần đây nhất và ít phù hợp nhất, người Philippines yêu nước cho nó cái tên mới là Bãi cạn Panatag (Tĩnh Lặng). Khi họ đến nơi, đoàn người trên tàu sẽ thấy rất ít: chỉ đỉnh của một ngọn núi nổi lên từ đáy biển 4.000 mét bên dưới. Một tháp đá duy nhất đá đứng một mình giữa Biển Đông.
Nếu nó chỉ thấp hơn 3 mét, ngọn núi sẽ không đáng chú ý ngoài sự nguy hiểm nó sẽ gây ra cho tàu bè qua lại. Nhưng ngay cả lúc triều cao một vài mỏm đá vẫn chọc lên khỏi mặt nước, mỗi mỏm chỉ vừa đủ lớn để đứng lên trên. Và vì định nghĩa chính thức của đảo là ‘một khu đất hình thành tự nhiên có nước bao quanh, nằm trên mặt nước khi triều cao’, những mỏm đá vài mét tạo nên cả một sự khác biệt.[1] Quyền sở hữu được công nhận đối với một đảo cho chủ sở hữu các quyền đối với biển, với cá bơi lội xung quanh nó và các khoáng sản có thể nằm trên hoặc dưới đáy biển. Gần đây hơn, quyền sở hữu còn có ý nghĩa nhiều hơn nữa. Đối với một số người, nó đã trở thành sự khác biệt giữa niềm tự hào và nỗi nhục , giữa địa vị cường quốc và cũng nước tầm thường. Chính vì vậy mà vào ngày này trong tương lai hai chiếc tàu đánh cá đang cố gắng để đi tới đó.
Vào ngày giả định này, hai tàu đó đang chở những người Philippines đang vẫy cờ: đại biểu Quốc hội, cựu sĩ quan quân đội và người từng biểu tình trên đường phố. Trong bóng đêm che phủ họ cố gắng len qua một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đang ở đó để chỉ ngăn chặn một cuộc xâm nhập như thế. Họ gần như đạt được điều mình muốn. Trong khi tàu Trung Quốc đang tuần tra ở phía xa của đảo san hô, họ lách nhanh tới lối vào vụng biển. Đó là một động tác nguy hiểm. Lối vào rộng 350 mét, nhưng các dòng chảy và sóng đẩy con tàu gần như nằm lên trên rạn đá. Ngay lúc đang đến gần họ nghe thấy một tiếng súng và đêm được chiếu sáng bởi một pháo sáng trên đầu. Một chiếc ca nô đang chuồi về phía họ với tốc độ cao và một loa tay gào to một cảnh báo bằng tiếng Anh: ‘Đây là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa. Các vị phải rời khỏi khu vực này ngay lập tức. Rời ngay nếu không chúng tôi sẽ buộc phải có hành động’. Nhưng người Philippines cứ tiếp tục: họ đang gần như ở bên trong vụng biển. Một cảnh báo tiếp: ‘Nếu không rời khỏi ngay lập tức, chúng tôi sẽ có hành động vũ trang đối với các vị. Hãy quay tàu trở lại’. Với chiếc đầu chỉ cách cửa đầm phá 10 mét, một phát súng nữa. Lần này không phải là pháo sáng. Đạn bay tung toé trên mặt nước.
Trên hai tàu đánh cá, các ông gốc quân đội đang thúc giục thuyền trưởng tiếp tục đi tới. Họ đã bị bắn trước đó. Họ không phải bị đe dọa. Họ đã đi quá xa để phải bỏ cuộc bây giờ. Họ sẽ cắm các lá cờ của họ trên mảnh lãnh thổ này của Philippines. Một vụ cháy nổ ra trên boong. Một thủy thủ bị giết; một đại biểu quốc hội bị bắn trúng ở vai và hai nhà hoạt động khác bị thương nặng. Nhưng bây giờ hai chiếc tàu đang ở trong vụng biển - và người phe quân đội rút vũ khí cá nhân và bắn trả lại. Tàu cao tốc Trung Quốc lùi lại, nhưng con tàu mẹ đang chặn lối ra duy nhất. Hoảng loạn trên tàu bị đạn bắn thủng. Cấp cứu sơ bộ được thực hiện, các trợ lí của Quốc hội sử dụng điện thoại vệ tinh để gọi điện cầu cứu và xin giúp đỡ. Phỏng vấn trực tiếp được đưa ra cho các phóng viên truyền hình nói không kịp thở. Tại Manila, đám đông vây quanh Bộ Quốc phòng và toà lãnh sự Trung Quốc đòi hỏi hành động. Tại Bắc Kinh, đám đông khác ném đá vào toà đại sứ Philippines. Chiến tranh trực tuyến bùng nổ, các trang web bị hack và tẩy xóa. Mọi người đều kêu gọi có hành động. Chính phủ Trung Quốc từ chối cho phép hai tàu đánh cá rời khỏi đầm phá, nói rằng hai tàu này đã tiến vào lãnh thổ của họ bất hợp pháp và phải bị xử lí theo pháp luật. Chính phủ Philippines đòi hỏi phải thả hai tàu này và tất cả mọi người trên tàu, và phái tàu chiến lớn nhất, chiếc BRP Gregorio del Pilar, tới hiện trường.
Người Trung Quốc không lùi bước, vì vậy tàu Gregorio bắn một phát súng cảnh cáo. Không phản hồi. Lực lượng đặc biệt của hải quân Philippines được phái leo lên tàu Trung Quốc, đánh nhau bằng tay nổ ra trên đài chỉ huy, hơi cay được sử dụng và một người nào đó bắt đầu nổ súng. Sau đó, hai máy bay Trung Quốc cố bắn phá tàu Gregorio. Họ bắn trượt, nhưng đó là giọt nước tràn li: sau khi đã rút lực lượng đặc biệt về, Gregorio nả pháo vào Trung Quốc, trúng gần đuôi tàu. Nó khập khiễng chạy đi và các nhà hoạt động Philippines thoát khỏi vụng biển và được chuyển lên tàu Gregorio để điều trị y tế. Sự khiêu khích là quá mức chịu đựng của Bắc Kinh. Trong khi thế giới kêu gọi bình tĩnh và kiềm chế, một đội quân được phái đi khởi hành từ Tam Á, bộ chỉ huy hạm đội Biển Đông trên đảo Hải Nam.
Bảo hiểm hàng hải vượt khỏi trần, các chuyến tàu vận chuyển container bị hủy bỏ, các chuyến bay bị đổi lộ trình, các đường cung cấp chất bán dẫn bị gián đoạn và đúng vào lúc đó mạng lưới hậu cần bắt đầu tê liệt. Ngư dân ngưng đánh cá, chợ búa trống rỗng, công nhân đô thị bị đói, các nhà hoạt động trở nên giận dữ hơn, giá dầu tăng vọt, các chính trị gia hét to hơn, cảnh báo khốc liệt hơn: tất cả không có kết quả. Người Trung Quốc thực hiện cuộc đổ bộ đầu tiên lên Đảo Parola (Song Tử Đông), phía Bắc của quần đảo Trường Sa, hàng trăm km về phía Tây Bãi cạn Scarborough. Đơn vị đồn trú nhỏ nhoi của Philippines chỉ có thể kháng cự chiếu lệ. Nhưng cách đó 3 km, lực lượng Việt Nam đóng trên Đảo Song Tử Tây trang bị tốt hơn và xem hành động này là một mối đe dọa chết sống. Với pháo và tên lửa trên bờ họ nhắm vào hạm đội Trung Quốc. Cả hai bên đều gọi không quân yểm trợ.
Cuộc giao tranh lan ra khắp tất cả các đảo khác trong Quần đảo Trường Sa - đổ bộ được thực hiện trên các rạn san hô và các bãi cát trên một khu vực rộng lớn của đại dương. Washington lặp đi lặp lại các đe dọa về lợi ích quốc gia sống còn về tự do trên biển. Mỹ chuyển các nhóm tàu sân bay vào khu vực; các tàu ‘làm dáng’từ các nước khác tham gia cùng họ trong một màn phô diễn về quyết tâm quốc tế. Cuộc đối đầu giữa tàu Trung Quốc và Mỹ ngày càng trở nên ngày càng căng thẳng: có va chạm trên biển và tàu ngầm chơi trò mèo vờn chuột dưới sóng biển. Tàu chiến của Nhật Bản được lệnh hộ tống tàu chở dầu. Trong thời đại hậu Fukushima, công nghiệp điện của nước này cứ 6 giờ cần một tàu chở dầu cặp bến để giữ cho điện luôn chạy trên lưới. Chính phủ Ấn Độ đề nghị trợ giúp cho đối tác chiến lược Việt Nam, tăng mức được thua thậm chí cao hơn. Và sau đó một người nào đó ở Delhi xác định rằng đây sẽ là thời điểm tốt nhất để giành lại lãnh thổ đã mất ở dãy Himalaya ...
Đó chỉ là một kịch bản và thậm chí khi tôi viết điều này thì nhiều người tốt này đang cố sức tìm những cách để ngăn chặn nó không bao giờ diễn ra. Nhưng cũng có những lực lượng đẩy Châu Á theo hướng ngược lại. Cạnh tranh kinh tế, logic của siêu cường và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi đang làm tăng nguy cơ hội xung đột. Biển Đông là nơi đầu tiên mà tham vọng của Trung Quốc đã đến mặt đối mặt với quyết tâm chiến lược của Mỹ. Hàng chục tay chơi khác, từ các nước vừa cho tới các chính trị gia nhỏ nhen, đang tìm cách thủ lợi từ cuộc đối đầu diễn ra. Lợi ích đang được đánh giá và các liên minh được hình thành và chỉnh đổi: quan hệ đối tác chiến lược, các hiệp ước phòng thủ hỗ tuơng - một mạng lưới các cam kết ràng buộc thế giới cho tương lai của khu vực này. Điều gì xảy ra nếu có ai đó bắn một hoàng tử? ( Vụ hoàng tử Áo – Hung Franz Ferdinand bị ám sát ngày 28 tháng 6 năm 1914 được coi là ngòi nổ của Thế chiến thứ nhất - ND)
**********
Để hiểu được tầm quan trọng của Biển Đông với thế giới rộng lớn hơn, hãy bay từ Sân bay Changi của Singapore vào một ngày trời trong và, khi bạn lên cao, nhìn xuống mặt nước bên dưới. Hàng trăm tàu thuyền, từ những chiếc tàu đánh cá nhỏ nhất cho đến các tàu vận tải thô lớn nhất, lắp đầy các tuyến đường thuỷ: tàu kéo, tàu đánh cá, tàu container, tàu chở xe, tàu hàng vận chuyển chuyển tải mọi thứ của cuộc sống hiện đại. Dầu hướng về phía Đông tạo năng lượng cho các nền kinh tế khổng lồ ở đầu kia của Biển Đông: Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Về phía Tây là các dòng sản phẩm đủ loại từ các xưởng của thế giới: phần cứng và phần mềm, mũ nón, giày dép. Dự đoán tốt nhất cho thấy hơn một nửa thương mại đường biển của thế giới đi qua Eo biển Malacca, cùng với một nửa lượng khí thiên nhiên hóa lỏng và một phần ba lượng dầu thô của thế giới. Nếu tàu thuyền ngừng chuyển động thì không bao lâu đèn điện ở một số nơi trên thế giới sẽ bắt đầu tắt đi.
Biển Đông vừa là điểm tựa của thương mại thế giới và một lò lửa xung đột. Có những trận chiến vào năm 1974 và 1988 và đã có hàng chục cuộc đối đầu bạo lực kể từ đó. Hoa Kỳ đã can dự vào từ đầu và Ấn Độ đã bắt đầu có quan tâm. Khu vực này đáng được chúng ta chú ý tuy nhiên, ngoài một nhóm nhỏ của các học giả, các chuyên gia được trả lương và những kẻ đam mê khác, nó rất ít được hiểu rõ. Phần lớn trong số những chân lí được chấp nhận về các tranh chấp, được lặp đi lặp lại trong hầu hết các phương tiện truyền thông, thì hoặc là không đúng sự thật hoặc chưa được chứng minh. Biển Đông không phải giàu tài nguyên dầu và khí đốt một cách đặc biệt, các căn cứ quân sự trên các đảo tranh chấp không có tính ‘chiến lược’ một cách đặc biệt vì hầu như tất cả đều có thể bị phá hủy với một phát tên lửa duy nhất, các tranh chấp lãnh thổ liên quan đến 6 quốc gia, không phải 5, vì Indonesia cũng bị ảnh hưởng mặc dù họ giả vờ không liên quan và các ‘yêu sách lịch sử’ của các bên tranh chấp thật ra chỉ là mới đây.
Phần lớn các tài liệu quan trọng về Biển Đông - ít nhất là trong Tiếng Anh - có thể truy nguồn các tài liệu tham khảo ban đầu của họ từ hai công trình học thuật phương Tây: bài viết năm 1976 của nhà sử học người Đức, Dieter Heinzig, mang tên ‘Disputed Islands in the South China Sea’ (Các đảo tranh chấp ở Biển Đông), và cuốn sách năm 1982 của các nhà địa lí Mỹ Marwyn Samuels, Contest for The South China Sea (Cuộc thi thố giành Biển Đông). Chúng là những mảnh công trình tiên phong và ấn tượng, mang lại nhiều hiểu biết cần thiết về chủ đề này. Nhưng lịch sử mà cả hai cuốn sách kể lại dựa phần lớn vào các bài báo đăng trên các tạp chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc sau khi họ xâm lược Quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1 năm 1974. Một đã được công bố trong ấn bản tháng 3 năm 1974 của Nguyệt san thập kỉ 70 (Ch'i-shi nien -tai yüeh-k’an [Thất thập niên đại nguyệt san]) và hai trong ấn bản tháng 5 năm 1974 của Minh Báo (Ming Pao). Những bài báo này rõ ràng là không phải là những mảng học thuật trung tính: chúng có ý định biện minh cho cuộc xâm lược. Không thể trách Heinzig và Samuels về việc này. Có rất ít các tài liệu khác có thể tham khảo vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, bằng cách dựa vào các công trình lúc đầu (và các công trình dựa trên những công trình này), quá nhiều học giả và nhà bình luận, trên thực tế, vẫn còn cho phép ba bài báo Trung Quốc này đóng khung toàn bộ cuộc tranh luận về Biển Đông, 40 năm sau khi chúng được công bố. Kiến thức về lịch sử và tình hình hiện tại về Biển Đông đã tăng lên nhanh chóng kể từ đó, cho phép các nhà nghiên cứu phải xem xét lại các điều chắc chắc cũ. Có quá nhiều loại tài liệu mới này đang nằm chưa đọc trong tạp chí khoa học. Tôi hi vọng rằng bằng cách đưa một số trong công trình đó vào tầm chú ý rộng rãi hơn, cuốn sách này sẽ góp phần vào việc thay đổi các điều kiện của cuộc tranh luận.
Có nhiều hơn nữa vể Biển Đông hơn là tranh cãi có vẻ thuộc loại Lilliput (vặt vãnh) đối với các mỏm đá cằn cỗi. Nhiều nền văn hóa bí ẩn thịnh rồi suy xung quanh bờ biển của nó, những kẻ xâm lược đến rồi đi, những cơn gió thương mại và chiến tranh đã kết nối trực tiếp Biển Đông với số phận của các đế quốc xa xôi trong nhiều thế kỉ. Lịch sử của nó cũng là một lịch sử toàn cầu. Tương lai của nó phải là một mối quan tâm toàn cầu. Trong thời đại của chúng ta, những gì xảy ra ở Biển Đông sẽ xác định tương lai. Việc trỗi dậy của Trung Quốc sẽ dẫn tới tranh chấp giữa các siêu cường hay không? Liệu các lãnh đạo Trung Quốc có ý định chơi theo luật chơi quốc tế hoặc thách thức chúng? Liệu Hoa Kì có ý chí để giữ vững lập trường của mình? Các nước Đông Nam Á sẽ được hay thua từ cuộc thi thố siêu cường? Việc săn lùng hydrocarbon đã và đang ảnh hưởng đến xung đột như thế nào? Trên tất cả, có thể làm gì để ngăn chặn chiến tranh nổ ra? Các nguồn tài nguyên của Biển Đông có thể chia sẻ công bằng cho hàng trăm triệu người dân, chủ yếu là người nghèo sống xung quanh bờ của nó theo cách nào? Mời đọc tiếp.
Yangon, Myanmar tháng 12 năm 2013
B.H.
Dịch giả gửi BVN 

[1] Công ước Liên HIệp Quốc về Luật Biển, Điều 121.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.