Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

CÁCH MẠNG 1989 (Kỳ 37)

CÁCH MẠNG 1989 (Kỳ 37)

bauxitevnWed 7:25 AM


Victor Sebestyen
Dịch giả:  Phan Trinh
CHƯƠNG 35
ĐÔNG ĐỨC: GIAN LẬN BẦU CỬ 
SỐ PHIẾU GẦN TUYỆT ĐỐI - BẦU NGOAN NGOÃN, BẦU DŨNG CẢM - KHÁC LẠ: DÂN ĐÒI QUYỀN GIÁM SÁT - 10% PHIẾU CHỐNG VÀ KẾT QUẢ NGỤY TẠO - TRUYỀN HÌNH TÂY ĐỨC Ở ĐÔNG ĐỨC - BIỂU TÌNH, KIẾN NGHỊ - BẤT MÃN: “TƯ BẢN TỐT HƠN HẲN” - 160 NHÓM ĐẤU TRANH, 2.500 NGƯỜI - GIÁO DÂN, CÁI GAI TRONG MẮT HONECKER - “TỰ DO LÀ QUYỀN ĐƯỢC NGHĨ KHÁC” - LỐI THOÁT MỚI: VƯỢT BIÊN.
*** 
Đông Berlin. Chủ nhật, ngày 7 tháng 5, năm 1989
SỐ PHIẾU GẦN TUYỆT ĐỐI
1.
HÔM ĐÓ LÀ NGÀY BẦU CỬ hội đồng nhân dân địa phương, và mọi sự có vẻ suông sẻ như vẫn từng. 
Kết quả bầu cử các nơi không giống nhau hoàn toàn. Buổi tối khi công bố kết quả, người ta thấy danh sách ứng cử viên được chọn trước của Mặt trận Dân tộc – gồm đảng viên Đảng Cộng sản và các đảng chị em – giành được 98,6% phiếu bầu. Ở một số quận, chế độ hiện hành sau 40 năm cai trị đất nước cho thấy họ còn được ủng hộ cao hơn nữa. Chẳng hạn quận Erfurt, họ được 99,6% số phiếu, quận Magdeburg ấn tượng hơn với 99,97%, ở Dresden con số này khiêm tốn hơn, chỉ còn 97,5%. Kết quả này gần giống kết quả những cuộc bầu cử địa phương trước đó, và phần nào cao hơn số phiếu tại các quận này bốn năm trước. 
Quan sát sự việc từ những biệt thự sang trọng trong khu Wandlitz, các đầu lĩnh cộng sản cho biết họ hài lòng với kết quả bầu cử. Một bài xã luận trên tờ báo Đảng Neues Deutschlandtuyên bố: “Nhân dân nước Cộng hòa Dân chủ Đức quyết tâm tiếp tục … dấn bước trên con đường dẫn tới một xã hội xã hội chủ nghĩa phát triển, và quyết tâm củng cố tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Hiện đang tồn tại một quan hệ tin cậy vững chắc và keo sơn giữa Đảng và nhân dân … Kết quả bầu cử là một bước tiến đến gần hơn sự hoàn hảo của nền dân chủ nước ta”. 
2.
Người đứng đầu ủy ban bầu cử là Egon Krenz, 52 tuổi, người sẽ kế vị Erich Honecker và là “tư lệnh xử lý tình huống khó” của Đảng, tỏ vẻ hài lòng khi tuyên bố cuộc bầu cử đã diễn ra một cách hoàn toàn chỉnh chu. Krenz, một quan chức cộng sản lâu năm, chẳng may có hàm răng hô và thường được nhân dân toàn Đông Đức biết đến với tên tục là “Mặt Ngựa”, các Đảng viên cũng gọi ông như thế. Ông phát biểu, với lối nói ai nấy đều thuộc nằm lòng: “Kết quả bầu cử … là lời xác minh hùng hồn về sự ủng hộ dành cho đường lối chính trị hòa bình và định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng, Đảng của giai cấp công nhân”[1]
*
BẦU NGOAN NGOÃN, BẦU DŨNG CẢM
3.
Nhưng, cần biết rằng việc bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử ở Đông Đức rất khác với việc thi hành quyền dân cử trong một nước dân chủ như ở phương Tây. 
Tại một trạm bỏ phiếu Đông Đức, cử tri phải ra trước một ban gồm hai hoặc ba cán bộ bầu cử, trình Chứng minh Nhân dân để được cấp phiếu bầu. 
Nếu muốn bỏ phiếu cho một người đã được chọn trước từ danh sách ứng viên chính thức thì công việc thật đơn giản: cử tri chỉ cần gấp giấy lại và bỏ vào thùng gần lối ra vào. Còn nếu muốn bỏ phiếu khác đi thì đây là một việc khó khăn và đòi hỏi cử tri phải dũng cảm. Cử tri phải đi ngang qua phòng phiếu, đến đánh dấu vào một lá phiếu trong phòng kín nơi có ít nhất một, thường là hai, “Vopos” (Volkspolizei - Công an Nhân dân) đứng sẵn. 
Tên của những cử tri khác thường này sẽ được ghi xuống cẩn thận và hậu quả có thể rất nghiêm trọng cho họ và cả gia đình. Họ có thể bị sa thải hoặc giáng chức tại nơi làm việc. Sinh viên có thể bị đuổi khỏi đại học. Và chắc chắn từ đó họ sẽ bị mật vụ Stasi giám sát gắt gao. 
*
KHÁC LẠ: DÂN ĐÒI QUYỀN GIÁM SÁT
4.
Người dân Đông Đức đã quen với lối bầu cử này trong 40 năm qua. Nói chung, họ ngoan ngoãn tuân phục, hoặc không nghĩ quá nhiều về nó làm gì. Nhưng cuộc bầu cử lần này vẫn có một khác biệt. Khác biệt đó là: có nhiều người chấp nhận rủi ro hơn và đã dũng cảm bỏ phiếu không theo ý chế độ, vì lần này có một lượng người đông hơn biết chắc rằng kết quả bầu cử đã được sắp xếp từ trước. 
Lần đầu tiên, tại khá nhiều trạm bỏ phiếu, số phiếu được giám sát. Mục sư Rainer Eppelmann, 46 tuổi, nói năng nhỏ nhẹ, thuộc Giáo hội Luther đến từ Berlin Friedrichshain, cùng với một số giáo sĩ khác đã xin phép chính quyền cho các hội nhóm của Giáo hội thực hiện một quyền hạn của người dân được ghi trong hiến pháp Đông Đức, đó là quyền giám sát việc bỏ phiếu. Ngoài các nhóm tôn giáo, một số nhà hoạt động khác cũng tham gia, họ đến từ các nhóm vận động cho hòa bình vừa hình thành và các tổ chức bảo vệ môi trường được nhà nước miễn cưỡng cho phép. 
Chính quyền chấp thuận yêu cầu của họ. Nhưng sau này, chính quyền hiểu ra rằng quyết định cho dân tự kiểm phiếu là một sai lầm tệ hại.[2]
*
10% PHIẾU CHỐNG VÀ KẾT QUẢ NGỤY TẠO
5.
Những người giám sát thấy ngay khi những con số đầu tiên được công bố rằng kết bầu cử là ngụy tạo. Con số họ có được về những cử tri không bỏ phiếu cho người của nhà nước khác xa con số chính thức. 
Họ cho biết, nhìn chung, có từ 9% đến 10% bỏ phiếu “chống”. Với những cử tri trẻ tuổi và cử tri sinh viên, con số này cao hơn nhiều – một số nơi còn cực kỳ nhiều. Chẳng hạn tại Trường Mỹ thuật Berlin, 105 sinh viên đã bỏ phiếu chống các ứng cử viên nhà nước, trong khi chỉ có 102 phiếu thuận. Tuy nhiên, con số được nhà nước chính thức công bố lại là 98,5% phiếu thuận. 
Tại Dresden, Bí thư Đảng bộ Hans Modrow biết rằng số phiếu không bỏ cho ứng cử viên nhà nước cao gấp bốn lần số trong báo cáo chính thức, nhưng ông cứ công bố con số giả mạo này, như một việc đương nhiên, xưa nay vẫn thế nên cứ thế mà làm. 
6.
Honecker và giới lãnh đạo hiểu ngay rằng đáng lẽ họ không nên cho những người giám sát kia đến gần các trạm bỏ phiếu. Nhiều ngày liên tiếp, truyền hình Tây Đức chiếu đầy những bản tin có nguồn đáng tin cậy về vụ gian lận bầu cử. 
Các bản tin thường nhắc đến sự kiện là ở Liên Xô vài tuần trước đã có một cuộc bầu cử có thể xem là tự do – ít nhất việc kiểm phiếu đã diễn ra minh bạch và công bằng. Còn ở Ba Lan, một tháng nữa sẽ có cuộc bầu cử mà phe đối lập đúng nghĩa được phép ra tranh cử. 
Trong khi đó ở Đông Đức, chế độ vẫn bám víu vào lối bầu cử giả dối lỗi thời của Liên Xô ngày trước, mà qua đó bất cứ ai có chút thông minh đều cảm thấy mình bị sỉ nhục, vì bị ép phải tin rằng trong 100 người, có chưa tới một người bất đồng với chế độ. 
*
TRUYỀN HÌNH TÂY ĐỨC Ở ĐÔNG ĐỨC
7.
Đây là lần đầu tiên truyền hình Tây Đức giữ vai trò quan trọng trong sinh hoạt chính trị Đông Đức. 
Hầu hết người Đông Đức đều xem truyền hình Tây Đức, ngoại trừ vùng chung quanh Dresden, nơi vì lý do gì đó không bắt được sóng. Vùng này được gọi vui là “Thung lũng không biết gì sất”. Gương mặt những người dẫn chương trình Tây Đức cũng quen thuộc với khán giả Đông Đức như họ quen với người dẫn truyền hình nước mình. Nhìn chung, người dân xem truyền hình Tây Đức để giải trí, một phần cũng vì truyền hình Đông Đức quá chán và không bao giờ chiếu phim hoặc chương trình truyền hình Mỹ. 
Tin tức từ Tây Đức lâu nay chưa tạo được ảnh hưởng đáng kể tại Đông Đức, nhưng giờ đây, khán giả Đông Đức có thể thấy được một cách nhìn khác về thực tại của chính mình tại Đông Đức, chiếu ngay trên TV phòng khách nhà mình, bằng tiếng Đức. Nếu muốn, và ngày càng nhiều người muốn, họ có thể xem 30 phút tin tức, bắt đầu từ 7 giờ tối, trên kênh ZDF của Tây Đức, rồi sau đó là tin thời sự của truyền hình Đông Đức lúc 7 giờ 30 tối, và rồi từ 8 giờ tối họ lại có thể xem tin tức và các chương trình thời sự trên kênh ARD của Tây Đức.
*
BIỂU TÌNH, KIẾN NGHỊ
8.
Sự có mặt của truyền thông phương Tây trong lòng Đông Đức rồi sẽ mang lại những ảnh hưởng sâu rộng. Ảnh hưởng bắt đầu khi người dân Đông Đức biết rõ bầu cử chỉ là giả dối, và họ kinh ngạc, giận dữ. Các cuộc biểu tình tự phát và ôn hòa đã nổ ra tại các thành phố chính, ban đầu chỉ một số ít người tham gia. Những tố cáo gian lận bầu cử tới tấp đến tay các ủy ban Đảng phụ trách bầu cử trên toàn quốc. Nhưng guồng máy tuyên truyền nhà nước gọi đó là “những lời vu khống vô căn cứ của truyền thông phương Tây và tay sai chủ nghĩa đế quốc, nhằm bêu xấu nhà nước.” Dĩ nhiên, quần chúng biết tin tức Đông và Tây bên nào đáng tin hơn. 
Một tuần sau bầu cử, tại một nhà thờ ở Berlin Friedrichshain, 400 người đã họp lại để soạn một Kiến nghị, yêu cầu chính quyền mở cuộc điều tra chính thức về cách tổ chức bầu cử. Xong việc, khi một số rời nhà thờ trở về thì một chiếc xe tải chở mật vụ ập tới. Nhân viên mật vụ tấn công dân chúng bằng gậy gộc, dùi cui. Khoảng 20 người bị thương được chuyển về trụ sở Stasi, ở đó, họ còn bị đánh đập dữ dội hơn. 
9.
Sau này, các lãnh tụ cộng sản công nhận bầu cử có gian lận. Một số trong ban lãnh đạo cho biết họ chấp nhận có từ 5% đến 7% số phiếu bất đồng, nhưng “các chủ tịch quận huyện cứ nghĩ rằng Đảng muốn có một kết quả đẹp hơn”, với số bất đồng ít hơn. Gunter Schabowski, Bí thư Thành ủy Đông Berlin, nói: “Kết quả bị nhào nặn. Và các quan chức có trách nhiệm đã duyệt con số nhào nặn … như bổn phận họ phải làm trong đời và cứ thế làm. Họ làm thế vì thói quen và vì tuân thủ kỷ luật Đảng”.[3]
*** 
BẤT MÃN: “TƯ BẢN TỐT HƠN HẲN”
10.
Thực ra, các ông lớn trong Đảng cầm quyền ở Berlin không cần tổ chức một cuộc bầu cử mới biết phe đối lập đang lớn mạnh. Các báo cáo chính xác của Stasi về mức độ bất mãn trong dân được gửi đến trùm mật vụ Mielke, dù không rõ Mielke sau đó đã trình bao nhiêu thông tin lên cho Honecker. Một báo cáo, do một sĩ quan cao cấp tại tổng hành dinh Normannenstrasse của Stasi soạn, nói rằng tuy lúc nào cũng có những phàn nàn và khiếu nại của công nhân, nhưng lần này thì:
“… bất mãn về kinh tế đang làm mất uy tín chế độ … Công nhân đang công khai bày tỏ họ nghi ngờ sự khách quan và độ tin cậy trong những báo cáo tài chính và thành tích kinh tế được công bố trên báo chí đại chúng ở Đông Đức. Công nhân thường xuyên đòi hỏi họ phải được biết vấn đề đang là gì và giải pháp ra sao … Nếu nói chuyện với du khách Tây Đức, họ sẽ phàn nàn về hiệu quả sản xuất của nền kinh tế Đông Đức và lên án nó … Những biểu hiện chán chường và buông xuôi đang gia tăng ngày càng nhiều. Công dân Đông Đức trở về, sau khi đi thăm gia đình ở Tây Đức, thường ca tụng phương Tây … nhìn chung, họ nói rằng chủ nghĩa tư bản tốt hơn hẳn”.[4]
*
160 NHÓM ĐẤU TRANH, 2.500 NGƯỜI 
11.
Một báo cáo tương tự được đưa đến bàn ông trùm mật vụ Mielke, vào khoảng thời gian bầu cử nói trên, đã làm ông lo lắng. Lần này, ông chuyển thông tin đầy đủ lên các lãnh tụ Đảng. Báo cáo cho biết hiện có một không khí ảm đạm và sự ngã lòng ngay trong hàng ngũ Đảng viên cấp dưới và cấp trung. 
Báo cáo viết: “Nhân dân không còn tin vào mục đích của Đảng và của chế độ nữa. Thái độ này đặc biệt càng rõ trong hàng ngũ những người từ xưa đến nay vốn là phần tử tích cực trong xã hội, nhưng nay ... họ đã trở nên mệt mỏi, buông xuôi và cuối cùng bỏ cuộc”. 
Trong một báo cáo khác gửi Mielke và được trình cho Honecker vài ngày sau bầu cử, mật vụ Stasi đã tính toán, và tính toán vẫn chính xác, con số những người chống đối. Báo cáo viết có 160 nhóm riêng lẻ, “bao gồm những người hoạt động vì hòa bình, đấu tranh cho nữ quyền, đấu tranh vì môi trường … có 2.500 người tham gia và 600 người ở vị trí điều hành … 60 người là những nhà hoạt động nòng cốt”[5]
*
GIÁO DÂN, CÁI GAI TRONG MẮT HONECKER
12.
Con số này thấp nhưng không xa thực tế bao nhiêu vào thời điểm đầu năm 1989. Thực vậy, không có nhân vật nào nổi trội và truyền được cảm hứng cho quần chúng như Lech Walesa ở Ba Lan, hoặc có uy tín như Vaclav Havel ở Tiệp Khắc. 
Một số mục sư tin lành quan tâm tích cực đến chính trị, như mục sư Eppelmann ở Berlin, khi là thợ hồ từng bị tù chín tháng vì không đi lính. Cũng như nhiều người trong giới giáo sĩ Đông Đức, ông tu hành và học thần học vì lý do thực tế hơn là vì lý do đạo đức. Mục sư kể: “Tôi tự hỏi, tôi phải làm gì để có thể hài lòng với đời sống, thậm chí hạnh phúc nữa, trên đất nước này? Và câu trả lời duy nhất của tôi là làm mục sư. Chỉ có việc học thần học mới cho đầu óc tôi chút tự do”. 
Christian Fuhrer, vị mục sư tại Nhà thờ Thánh Nikolai nổi tiếng ở Leipzig, thành phố lớn thứ nhì Đông Đức, đã sáng lập một nhóm hoạt động vì hòa bình vào giữa thập niên 1980 để vận động giải giới hạt nhân ở cả hai bên Bức màn Sắt. Ban đầu, những nhóm hòa bình này được phép hoạt động, thậm chí được chế độ khuyến khích, vì họ nghĩ các nhóm không hại gì, và cũng gây khó chịu cho Tây Đức không thua gì Đông Đức. Nhưng rồi cộng đồng giáo dân chung quanh mục sư Fuhrer đã trở thành cái gai trong mắt Honecker. 
Sau cuộc bầu cử gian lận kể trên, các cuộc biểu tình đã diễn ra thường xuyên sau giờ cầu nguyện mỗi tối thứ hai. Ban đầu, số người tham dự chỉ vài trăm, nhưng đến mùa hè 1989, con số lên đến hàng ngàn người. 
13.
Nhưng nói chung, giáo hội đã bị chế độ vô hiệu hóa sâu rộng và chỉ một số ít giáo sĩ muốn làm điều gì đó để phản kháng chính trị. 
Nhà sinh vật học Frank Eigenfeld muốn thành lập một nhóm hoạt động vì hòa bình tại Halle, khoảng 140 km phía tây nam Berlin. Ông cho biết: “Chúng tôi gặp những vấn đề rất căn bản với các giáo xứ. Chúng tôi gặp khó khăn khi tìm phòng để mọi người đến họp. Chúng tôi chỉ dễ dàng hoạt động nếu được các giáo xứ cho mượn phòng để hội họp. Hầu hết rất khó mượn. Ở Halle, chỉ có ba trong số 14 giáo xứ cho mượn phòng họp … Đa số không muốn dính líu đến chúng tôi”[6].
*
“TỰ DO LÀ QUYỀN ĐƯỢC NGHĨ KHÁC”
14.
Nhóm dân sự nổi tiếng nhất lúc bấy giờ là nhóm Sáng kiến vì Hòa bình và Nhân quyền, do một nữ họa sĩ 43 tuổi, Barbel Bohley và người cộng sự Werner Fischer thành lập. Vào tháng 1/1988, họ bị bắt vì biểu tình tưởng niệm vụ sát hại Rosa Luxemburg và Karl Liebknecht, hai người sáng lập Đảng Cộng sản Đức và có thể gọi là hai vị anh hùng liệt nữ Mác-xít. Tội của Bohley và Fischer là đã dám tung ra một lá cờ trên có dòng chữ to ghi câu danh ngôn nổi tiếng nhất của Luxemburg: “Tự do là quyền được nghĩ khác.” 
Bohley được chọn hoặc tiếp tục ở tù hoặc ra nước ngoài. Sau khi gần 400 người diễu hành ở Đông Berlin phản đối cách nhà nước đối xử với bà, Bohley đạt được thỏa thuận với Đảng cầm quyền, một thỏa thuận được đưa đến tận tay Honecker để ông duyệt. Theo thỏa thuận, bà sẽ qua Anh Quốc ở sáu tháng, với điều kiện bà được phép trở về nước. Tháng 5/1989, bà trở về Đông Đức và lãnh đạo những nhóm phản kháng mới và các ủy ban dân sự mà chế độ xem như những “hội nhóm bất hợp pháp”.
*
LỐI THOÁT MỚI: VƯỢT BIÊN
15.
Tuy vậy, chẳng mấy người muốn thương lượng hoặc thỏa hiệp với những người cộng sản. Một số bạn trẻ Đông Đức năng động xoay ra tìm cách khác để bày tỏ nguyện vọng. 
Năm ngày trước cuộc bầu cử địa phương nói trên, truyền hình Tây Đức đã chiếu một chương trình phát hình đặc biệt từ biên giới Áo-Hung. Hình ảnh cho thấy những người lính Hungary cắt hàng rào kẽm gai – tức Bức màn Sắt – và mở cửa biên giới qua phương Tây. 
Đó là những hình ảnh phi thường chưa từng có, và mở ra cho một số người Đông Đức con đường thoát khỏi đất nước ngục tù. Nếu họ đã không thể leo qua Bức tường Berlin, không đào hầm chui qua được, cũng không bay qua được, thì phải chăng giờ đây họ vẫn có thể đi đường vòng? 
Bắt đầu với những nhóm ít người, họ từ Đông Đức đi qua Hungary để từ đây đến nước Áo, với hy vọng sẽ không bao giờ phải trở lại Cộng hòa Dân chủ Đức nữa.
V.S.

[1] Báo Neues Deutschland, ngày 8/5/1989
[2] Timothy Garton Ash, luận văn “Sketches from Another Germany, trong cuốn The Uses of Adversity: Essays on the Fate of Central Europe(Granta, London, 1989)
[3] Charles Maier, Dissolution: The Crisis of Communism and the End of East Germany (Princeton University Press, 1997), tr. 72
[4] “Ich Liebe euch doche alle …” Befehle und Lageberichte des MfS, tr. 113
[5] Charles Maier, sđd, tr. 89
[6] Dirk Philipsen, We Were the People(Duke University Press, Durham, NC, 1992), tr. 93
-----------
Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 - The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 - Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại. 
Phan Trinh
Dịch giả gửi cho BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.