Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Biển Đông – Cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á (Kỳ 9)

Biển Đông – Cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á (Kỳ 9)

bauxitevnMon 12:29 AM


Bill Hayton
Phan Văn Song dịch
Hoàng Việt hiệu đính

Chương 3 (tiếp theo) 

Nguy hiểm và Ranh Ma*: 

1946-1995

(Danger and Mischief: 1946 to 1995)
Mục tiêu của Mao Trạch Đông đối với các đảo chẳng thành thứ gì. Dầu vẫn chưa tìm thấy xung quanh Quần đảo Hoàng Sa và giá trị chiến lược của chúng vẫn chưa được chứng minh. Việc chiếm đóng nhóm Trăng Khuyết chắc chắn không ngăn chặn Hải quân Liên Xô sử dụng cảng tại vịnh Cam Ranh trên bờ biển Việt Nam sau khi Hà Nội chiến thắng, đúng như Bắc Kinh đã lo sợ. Các căn cứ nhỏ bé như trên đảo Phú Lâm và đảo Hoàng Sa hầu như không thể bảo vệ được. Đó chính là quan điểm Hải quân Anh hồi những năm 1940 và cũng là quan điểm của Hải quân Mỹ sau đó. Nhưng sự không chắc chắn đó đã không làm ngưng việc chiếm đóng thêm nữa. Bừng tỉnh trước cuộc xâm lược Quần đảo Hoàng Sa, chính quyền VNCH vội vã củng cố vị trú đóng của họ ở Quần đảo Trường Sa. Có ít nhất 120 binh sĩ đã được phái đi và 5 đảo bị chiếm đóng. Nhưng Trung Quốc không thực hiện bước chuyển nào theo hướng đó. Trên thực tế, họ đã làm điều ngược lại, xuống thang cuộc xung đột, thả tất cả các tù binh từ Quần đảo Hoàng Sa trong vòng vài tuần và làm im tiếng các phát ngôn dân tộc chủ nghĩa. Nhưng lãnh đạo cộng sản Bắc Việt (vốn đã công khai im lặng về trận chiến) đã tin chắc rằng Bắc Kinh có ý định giành lấy nhiều đảo hơn. Tháng 4 năm 1975, ba tuần trước khi Sài Gòn sụp đổ, Hà Nội chiếm lấy 6 đảo thuộc Quần đảo Trường Sa từ VNCH để đảm bảo chúng không lọt vào tay Trung Quốc. Viên trung úy phụ trách đơn vị trú đóng Việt Nam trên đảo Song Tử Tây (Southwest Cay) đã chọn cách bơi 3 km sang đảo Song Tử Đông (Northeast Cay, người Philippines gọi là đảo Parola) do Philippines chiếm hơn là để bị bắt.
Trong tháng 11 năm 1975, lần đầu tiên, các tranh chấp giữa Bắc Kinh và Hà Nội đối với các đảo xuất hiện trước công chúng khi báo Quang Minh (Guangming Ribao [Quang Minh nhật báo]) của Trung Quốc chỉ trích những yêu sách lãnh thổ của Việt Nam. Vào thời điểm đó, Trung Quốc đơn giản là không có khả năng đảm đương nổi một chiến dịch quân sự xa về phía Nam tới Quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, họ đã lặng lẽ chuẩn bị. Trong suốt phần còn lại của thập kỷ đó họ củng cố vị thế của mình ở Quần đảo Hoàng Sa, mở rộng cảng và mở một đường băng trên đảo Phú Lâm năm 1978. Một thập niên sau đó họ có thể làm cho sự hiện diện của họ cảm nhận được theo một cách dứt khoát.
Trong 30 năm đầu tồn tại của mình, Hải quân Quân đội Nhân dân Giải phóng Trung Quốc (PLA) từng là một quân chủng nhỏ, chuyên chú vào việc bảo vệ bờ biển. Lãnh đạo Bắc Kinh cho rằng bất kỳ cuộc chiến tranh nào phải thắng trên đất liền và vai trò của hải quân sẽ như chiến tranh du kích trên biển: hàng trăm tàu thuyền nhỏ quấy nhiễu kẻ tấn công từ mọi góc độ và cắt đường tiếp tế. (Chiến dịch Hoàng Sa 1974 là hết sức bất thường và đòi hỏi nhiều tháng tập luyện đặc biệt). Nhưng khoảng năm 1982, sự kết hợp giữa Đặng Tiểu Bình ở chóp bu Đảng Cộng sản và đô đốc Lưu Hoa Thanh (Liu Huaqing) phụ trách hải quân mang lại sự thay đổi lớn. Lưu Hoa Thanh vốn là một người cộng sản trung kiên từ khi còn nhỏ và trở nên nổi tiếng trong các ngành chính trị và chống xâm nhập nhạy cảm nhất của quân đội và trong trận chiến chống lại các lực lượng quốc dân đảng trong nội chiến Trung Quốc.[1] Cuộc chiến cũng đã đưa ông tiếp xúc với Đặng Tiểu Bình và quan hệ của họ đã trở thành cùng có lợi. Câu chuyện của thập niên tiếp theo, dẫn theo Giáo sư John Garver, là “sự tương tác của các lợi ích quan liêu và quốc gia”[2] hoặc có lẽ, nói theo cách của nhân vật Milo Minder-binder trong quyển tiểu thuyết Catch-22, “cái gì tốt cho họ Lưu thì tốt cho Hải quân và cái gì tốt cho Hải quân thì tốt cho Trung Quốc”. Đặng Tiểu Bình muốn Trung Quốc lấy lại sức mạnh kinh tế nên họ cần nguồn tài nguyên và các tuyến đường thương mại đáng tin cậy cho nó. Ông cũng lo lắng về nguy cơ đất nước bị Liên Xô và các đồng minh, bao gồm cả Việt Nam, bao vây. Lưu Hoa Thanh rất tham vọng, và cùng với các lãnh đạo khác của hải quân, đang kiếm thêm uy tín. Mở rộng vị thế của Trung Quốc ở Biển Đông là một mục tiêu làm hài lòng tất cả.
Trái với Mao, vốn nghiêng về tự lực cánh sinh nên cho xây dựng các ngành công nghiệp ở khu trung tâm của Trung Quốc, cách xa các mối đe dọa từ bên ngoài, cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình nghiêng về thương mại và, do đó, chú trọng vùng bờ biển. Đặc khu kinh tế đầu tiên được tạo ra tại Thẩm Quyến, gần Hồng Kông, trong năm 1980 và tiếp theo là 14 đặc khu nữa tại các thành phố ven biển khác trong năm 1984. Ngành công nghiệp đầu tiên mở cửa cho đầu tư nước ngoài là dầu hoả ngoài khơi và hai vòng đấu thầu đầu tiên, trong năm 1982 và năm 1984, tập trung vào các lô ngoài khơi bờ biển Hồng Kông và Hải Nam. Chính sách của Đặng Tiểu Bình phụ thuộc vào việc sử dụng các tuyến đường thương mại quốc tế và sớm nhất là ngày 4 tháng 3 năm 1979, có thể sau sự vận động của Lưu Hoa Thanh, ông đã đưa ra những chỉ thị đầu tiên cho hải quân tổ chức các chuyến công tác đường dài.
Ngay sau khi Lưu Hoa Thanh phụ trách lực lượng hải quân, ông bắt đầu xây dựng chiến lược phòng thủ mà ông gọi là “phòng thủ năng động nước xanh”. Điều này có nghĩa là kiểm soát vùng biển giữa vùng “nước nâu” ven biển và vùng “nước xanh” ngoài khơi xa cho phép phòng thủ chiều sâu và che chắn các thành phố ven biển đang phát triển nhanh chóng không bị tấn công.[3] Lưu Hoa Thanh định nghĩa vùng “nước xanh” là khu vực nằm giữa bờ biển Trung Quốc và cái mà ông gọi là “chuỗi đảo đầu tiên” - kéo dài từ Nhật Bản đến Đài Loan rồi đến Philippines, Borneo và Singapore. Tàu mới đã được đưa vào, các căn cứ dọc theo bờ biển phía Nam và ở Quần đảo Hoàng Sa đã được mở rộng và tin tình báo đã được thu thập. Theo lịch sử Hải quân Trung Quốc tự xuất bản, tháng 4 năm 1983, Cục Hải dương đã được lệnh phải bắt đầu khảo sát các điều kiện ngay phía Bắc của Quần đảo Trường Sa. Sau đó, tháng 5, hai tàu đã được phái về phía Nam tới tận bãi ngầm James, rạn san hô chìm cách đảo Hải Nam hơn 1500 km và cách bờ biển của Malaysia chỉ 100 km, nhưng lại được tuyên bố là “điểm cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc”. Trên tàu có hàng chục nhà hàng hải và các giảng viên đại học hải quân.[4] Năm 1984, nhiều tàu nghiên cứu đã khảo sát hầu hết các khu vực của Quần đảo Trường Sa, gần như tới tận bờ biển Philippines. Tháng 2 năm 1985, một đội tàu thực hiện một hành trình dài tới Nam Cực. Tới năm 1987, lực lượng hải quân đã sẵn sàng cho cuộc chiến nơi xa.
Lãnh đạo Trung Quốc lo ngại rằng, ngay cả khi họ đã trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Biển Đông, họ đang mất chỗ đứng trong Quần đảo Trường Sa. Tháng 6 năm 1983, Malaysia đã góp mặt cùng Đài Loan, Việt Nam và Philippines trong việc chiếm đóng các rạn đá. Danh sách các lựa chọn cho hải quân tìm kiếm các căn cứ về phía trước ở Biển Đông đã trở nên ngắn hơn. Đã đến lúc ra tay và thời điểm này là thích hợp. Nền kinh tế đã phát triển và cung cấp các nguồn lực bổ sung cho hải quân. Cải tổ của Mikhail Gorbachev đã chấm dứt các mối đe dọa từ Liên Xô và các quan hệ với Hoa Kỳ là tốt hơn bao giờ hết. Trung Quốc không có gì để mất khi kích động một cuộc xung đột với Việt Nam. Từ khi Việt Nam xâm lược Campuchia vào tháng 12 năm 1978 và Trung Quốc xâm lược trừng phạt miền Bắc Việt Nam hai tháng sau đó, quan hệ giữa hai bên chỉ tốt hơn thù địch một ít.[5]Việt Nam bị quốc tế cô lập vì đang chiếm đóng Campuchia và khó có khả năng nhận được ủng hộ gì nhiều từ đồng minh chính Moscow ngoài ủng hộ bằng lời. Theo nhà theo dõi Trung Quốc Taylor Fravel, đầu năm 1987 Bắc Kinh đã đưa ra quyết định chiếm đóng lãnh thổ.[6] Bây giờ điều mà lãnh đạo cần là một cái cớ.
Tháng Ba năm 1987, một cuộc họp của UNESCO uỷ nhiệm các nước thành lập các trạm theo dõi như là một phần của một cuộc khảo sát các đại dương thế giới. Không ai, kể cả Việt Nam, dường như đã nhận thấy rằng một trong những vị trí do Trung Quốc đề xuất là tại Quần đảo Trường Sa. Ngày 4 tháng 4, Học viện Khoa học Trung Quốc đã cử ra một phái đoàn đi khảo sát các đảo. Tháng 5 hải quân phái một đội tàu nhỏ để tham gia cùng họ, thực hành tiếp tế và chữa cháy trên đường đi và đặt một khối bê tông lên đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef, Trung Quốc gọi là Yongshu [Vĩnh Thử]), tuyên bố đó là lãnh thổ Trung Quốc. Nhiều cuộc khảo sát diễn ra trong những tháng tiếp theo cho đến ngày 6 tháng 11 năm 1987, lãnh đạo Bắc Kinh đã bật đèn xanh cho xây một trạm quan sát trên đá Chữ Thập. Điều bất thường đối với một trung tâm nghiên cứu dân sự là kế hoạch xây dựng lại bao gồm một trại lính hai tầng, cầu cảng, một nhà chứa máy bay trực thăng và một bãi đáp.
Không ai ngay từ đầu lại chọn đá Chữ Thập để đặt một trạm nghiên cứu. Lúc triều cao, nó gần như hoàn toàn nằm dưới mặt nước, trừ một mỏm đá duy nhất cao một mét ở đầu phía Tây Nam. Phần còn lại bao gồm một vòng san hô, dài 25 km và rộng 7 km. Lý do chính khiến nó không bị chiếm đóng là hầu như chẳng có gì để chiếm ở đó. Nhưng điều này không ngăn cản lực lượng hải quân của Lưu Hoa Thanh. Ngày 21 tháng 1 năm 1988 bốn tàu Trung Quốc với công binh và vật liệu xây dựng đến và bắt tay tạo ra một cái gì đó có thể giống như một khu đất nổi. Ngày hôm sau, một tàu Việt Nam đến để xem điều gì đang diễn ra rồi rời đi không có sự cố gì xảy ra.[7]
Cho đến tận ngày đó, Việt Nam có lẽ cảm thấy khá an toàn trong khu vực này của Quần đảo Trường Sa: họ chiếm đóng tất cả mọi thứ đáng chiếm đóng. Trên rạn London, cách đá Chữ Thập 72 km về phía Nam, và trên bãi Union, khoảng 93 km về phía Đông của nó, họ kiểm soát hầu như tất cả mọi thứ nhô khỏi mặt nước. Đá Chữ Thập chỉ được coi hơn một ít so với mối nguy hiểm cho lái tàu trên tuyến đường trở về nhà. Nhưng họ đã đánh giá thấp công binh hải quân Trung Quốc. Trong 9 ngày những kẻ mới đến đã cho thấy sự quyết tâm của họ đối với môi trường biển qua việc khai phá các kênh xuyên qua rạn san hô và sau đó nạo vét các mảnh vụn san hô đủ tạo thành khu đất khô ráo 8 000 mét vuông.[8]
Việt Nam chợt tỉnh với những gì đã xảy ra và vào ngày 31 tháng 1 đã phái hai tàu để đưa một toán công tác lên đá Chữ Thập. Nhưng nhiệm vụ này thất bại khi đối mặt với thời tiết khắc nghiệt và sự vượt trội quân số phía Trung Quốc. Ngày 18 tháng 2 Trung Quốc đã đi một bước xa hơn, cho lính thủy đổ bộ trên thể địa lý duy nhất của rạn London mà Việt Nam không chiếm đóng: đá Châu Viên (Trung Quốc gọi là Huayang [Hoa Dương]), một mỏm đá hình hạt đậu khoảng một mét rưỡi trên mực nước biển. Việt Nam tức giận và Hà Nội đã đưa ra phản đối công khai: Châu Viên chỉ cách tiền đồn gần nhất của họ 19 km. Các phương tiện truyền thông Việt Nam cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tất cả những hậu quả nếu họ không rời khỏi hai rạn đá này. Vùng biển này gay gốc và chính trị lại trở nên gay gốc hơn.
Gần một tháng sau đó, do sợ lặp lại sự cố Châu Viên, Việt Nam có bước chuyển để giữ an toàn cho các thể địa lý trên bãi Union mà họ không chiếm. Bãi Union là một gò đá lớn dưới mặt nước, có diện tích khoảng 470 cây số vuông, bao phủ trong các rạn san hô nhú lên khỏi mặt nước ở 31 chỗ. Thể địa lý duy nhất trên bãi Union gần với định nghĩa về đảo của hầu hết mọi người là đảo Sinh Tồn (Sin Cowe) trên đó có một đơn vị trú đóng của Việt Nam vào năm 1988. Nằm cách đảo Sinh Tồn 17 cây số về phía Đông Nam là đá Gạc Ma (Johnson Reef - Trung Quốc gọi là Chigua [Xích Qua]) hầu như nằm dưới nước dù có một số mỏm đá nhô lên mặt nước, mỏm cao nhất chỉ hơn một mét trên sóng nước. Cách đá Gạc Ma ít hơn 2 km về phía Bắc là đá Cô-Lin [Collins Reef] (đôi khi được gọi là Johnson Reef North) và cách nó 15 km về phía Đông Bắc là rạn Lansdowne, cả hai đều không ở được và chủ yếu chìm dưới nước khi triều cao.[9]
Tối 13 tháng 3, Hải quân Việt Nam phái 3 tàu chia nhau đi tới đá Gạc Ma, đá Collins và đá Lansdowne. Thật không may cho những người trên tàu, các con tàu cũ rỉ sét này[10] đã bị phía Trung Quốc phát hiện, họ đã chạy tới ngăn chặn với một lực lượng lớn hơn và trang bị vũ khí nhiều hơn. Rạng sáng ngày 14 tháng 3 năm 1988, Việt Nam chiếm được đá Collins và Lansdowne (và vẫn duy trì sự kiểm soát ở đó cho đến ngày nay). Chiến dịch đá Gạc Ma biến thành thảm họa. Đích xác chuỗi sự kiện là gì vẫn còn tranh cãi nhưng có vẻ như Việt Nam đổ bộ trước trên một chiếc thuyền nhỏ chở đầy các dụng cụ xây dựng, và cắm cờ trên san hô. Sau đó quân Trung Quốc đến và đã cố nhổ bỏ các lá cờ. Hai bên to tiếng với nhau và sau đó xô xát. Các tường trình phía Trung Quốc nói rằng một lính Việt Nam nổ súng và làm bị thương một lính Trung Quốc sau đó họ rút lui khi các tàu Việt khai hỏa bằng súng máy. Phía Việt Nam nói điều ngược lại: Trung Quốc bắn chết phó chỉ huy của lực lượng đổ bộ Việt Nam và rút lui trước khi tàu của họ nổ súng. Điều lạ là một bộ phim tuyên truyền do Hải quân Trung Quốc đưa ra năm 2009 để chào mừng kỷ niệm lần thứ 60 của hải quân cho thấy phiên bản của Việt Nam đáng tin hơn. Video này, bây giờ đã có trên YouTube, được quay từ một trong các tàu Trung Quốc và cho thấy lính Việt Nam đứng trong nước sâu tới gối khi thủy triều dâng lên các rạn san hô. Sau đó nhiều cột nước lớn tung toé xung quanh các binh sĩ Việt Nam khi tàu Trung Quốc nổ súng. Trong vài giây hàng người mong manh đã hoàn toàn biến mất và 64 chết trong sóng nước: các khẩu súng máy là của Trung Quốc và các nạn nhân là Việt Nam. Người Trung Quốc đã thắng trận Gạc Ma với ưu thế.
Với 3 tàu yểm trợ hoạt động của Việt Nam cũng bị phá hủy, người Trung Quốc có thể tự do hơn trong hành động trong vài tuần kế tiếp. Họ đã chiếm 3 rạn đá: ChữThập, Châu Viên và Gạc Ma. Tới ngày 8 tháng 4 năm 1988 họ đã chiếm thêm 3 rạn đá nữa: Kennan hoặc McKennan Reef - một phần của bãiUnion cách đảo Sinh Tồn (do Việt Nam chiếm đóng) 19 km về phía Đông, đá Subi cách đảo Thị Tứ (do Philippines chiếm đóng) 15 km và đá Lạc/Gaven phần của bãi Tizard mà đảo Ba Bình (đảo lớn nhất trong Quần đảo Trường Sa và đảo duy nhất do Đài Loan chiếm đóng), và Nam Yết (do Việt Nam chiếm đóng) cũng nằm trên đó.
Danh sách này cho thấy mức độ hoạch định và nguồn lực mà nhà nước Trung Quốc đã dành cho chiến dịch này. Đối mặt với kháng cự vũ trang và thời tiết xấu họ đã chiếm 6 rạn san hô chủ yếu nằm dưới mặt biển và chỉ trong vòng hai tháng đã xây dựng xong các nhà giàn sinh sống, các cơ sở tiếp tế và các ụ phòng thủ. Hơn nữa, mỗi một trong 6 rạn san hô này là vị trí chiến lược nằm trong vòng một vài km của các đảo chính do các đối thủ TQ nắm giữ và từng rạn chưa từng bị chiếm đóng trước năm 1988. Các đoàn điều tra đã thực hiện công việc của mình một cách xuất sắc. Trung Quốc hiện nay đã có nhiều hơn một chỗ đứng trong Quần đảo Trường Sa.
Lưu Hoa Thanh đã thắng. Chiến lược “nước xanh” của ông bây giờ là một thực tế. Đặng Tiểu Bình thưởng cho ông hàm đô đốc thực thụ, một chỗ trong Quân Uỷ Trung ương của cả Đảng và nhà nước và một ghế trong Quốc hội. Bốn năm sau đó, sau khi Đặng Tiểu Bình nghỉ hưu, ông trở thành một thành viên của tập đoàn bên trong nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc: ban Thường vụ Bộ Chính trị. Trong tất cả các vai trò này ông tiếp tục thúc đẩy ngày càng nhiều nguồn lực dành cho hải quân. Ông yêu cầu, và đã nhận được nhiều tàu lớn, công nghệ tốt hơn và giúp cho giấc mơ của ông về lực lượng hải quân nước xanh có đầy đủ năng lực. Nhưng Trung Quốc nói chung đạt được gì? Bây giờ họ đã có thêm nhiều căn cứ mới trên Biển Đông, nhưng còn gì khác? Điều tốt nhất có thể nói là việc chiếm đóng đã ngăn chặn các nước khác tăng cường các vị trí của họ. Không nước nào khác có thể khoan dầu hoặc độc quyền hoạt động đánh bắt cá trong vùng nhưng dù có tất cả nỗ lực đi vào việc chiếm giữ và xây dựng căn cứ, Trung Quốc cũng thế - không thể làm các điều đó.
**********
Từ ngày đắc cử, tổng thống Philippine, Fidel (Eddie) Ramos, đã phải đấu tranh với một làn sóng mạnh mẽ tình cảm chống Mỹ. Sự phẫn uất đối với ủng hộ trước đó của Washington đối với chế độ độc tài Marcos kết hợp với trào lưu chủ nghĩa dân tộc sâu sắc hơn, làm nên kết quả bỏ phiếu của Thượng viện Philippines, trong tháng 9 năm 1991, tống Hoa Kỳ ra khỏi hai căn cứ quân sự rộng lớn. Căn cứ không quân Clark đã thực sự đóng cửa vào ngày 15 tháng 6 năm 1991 khi núi lửa Pinutabo phun trào, trút xuống nó hàng ngàn tấn vụn đất đá. Việc bỏ phiếu có nghĩa là nó sẽ không được chỉnh sửa. Ngày 24 tháng 11 năm 1992, cờ sao sọc đã được kéo xuống lần cuối cùng tại căn cứ hải quân vịnh Subic. Ngày hôm sau Philippines trên thực tế không còn khả năng tự vệ. Tệ hơn nữa, trợ cấp hàng năm mà Mỹ cấp cho lực lượng vũ trang Philippines (AFP) cũng biến mất. Tài trợ thiếu thốn trong nhiều năm, hải quân và không quân không thể nào lấp đầy khoảng trống để lại do sự ra đi của người Mỹ. Hải quân của một quốc gia với vô số đảo mà chỉ gồm khoảng 50 tàu tuần tra và vận chuyển cổ điển dư thừa của Mỹ thời chiến tranh thế giới thứ hai và lực lượng không quân chỉ có 5 máy bay phản lực F5 hoạt động được, đóng vào năm 1966.
Sau nhiều năm trì trệ kinh tế xen lẫn với hỗn loạn chính trị, mục tiêu của Ramos là cố gắng sử dụng tiềm năng dầu chưa được khai thác của nước này để giúp người dân thoát cảnh đói nghèo. Từ khi có các cuộc thăm dò đầu tiên trong thập niên 1970 đã có những hi vọng rằng sự giàu có hơn nữa nằm ở ngoài khơi. Vì vậy, tháng 5 năm 1994, chính phủ Ramos bí mật chấp thuận đơn của công ty Philippines, Alcorn Petroleum (một công ty con của một công ty Mỹ, Vaalco Energy, tiến hành đánh giá trên giấy tiềm năng dầu khí tại một khu vực ngoài khơi bờ biển Palawan. Mặc dù không dính dáng đến bất cứ công việc khảo sát hay khoan trên biển, điều này bị cho là vi phạm Tuyên bố Manila, một thỏa thuận vào năm 1992 giữa 6 thành viên của ASEAN lúc đó (Hiệp hội các nước Đông Nam Á) phải thực hành kiềm chế trong hành động ở Biển Đông. Năm 1992, Trung Quốc đã trao quyền khoan cho công ty Mỹ, Crestone, trong một khu vực xa hơn về phía Tây và Việt Nam đã trao cho công ty Mỹ khác, Conoco, các lô chồng lấn với khu chuyển nhượng của Crestone (xem chương 5 để biết thêm về điều này). Tuy nhiên, sau khi tin tức về cuộc khảo sát rò rỉ ra ngoài, Trung Quốc phản đối điều mà họ coi là xâm phạm chủ quyền của mình. Ngòi nổ đã loé lên cho một cuộc khủng hoảng khu vực.
Thuyền trưởng Joefel Alipustain là người đầu tiên phải gánh chịu hậu quả. Ông và các đồng đội của mình trên chiếc tàu đánh cá Analita đang sắp tiến hành công việc bình thường của họ ngày 10 tháng 1 năm 1995 thì phát hiện một điều bất thường. Nhô lên mặt biển vài mét, nằm bên trên những con sóng khổng lồ trên các cột to, là bốn mặt sàn lớn, mỗi mặt sàn có ba hoặc bốn lô cốt bát giác. Trong mùa mưa bão, ở ngư trường truyền thống của đoàn đánh cá này, một khối đá hình móng ngựa ngập nước khi triều cao đã bị chiếm đóng. Và những kẻ chiếm đóng khó mà hài lòng khi bị phát hiện; người trên tàu Analita nhanh chóng thấy mình bị các tàu thù địch vây quanh. Trước sự ngạc nhiên của họ, họ phát hiện ra những kẻ xâm phạm là Trung Quốc, 114 km gần Philippines hơn so với chỉ một vài tháng trước. Những người trên tàu đã bị giữ một tuần tới khi được trả tự do với điều kiện không được nói cho ai biết những gì họ đã thấy. Nhưng cam kết đó chỉ kéo dài cho tới khi Analita về tới bến và thế giới nhanh chóng biết được tên nơi họ bị giam giữ: đá Vành Khăn (Mischief Reef, Trung Quốc gọi là Meiji Jiao [Mỹ Tế tiêu], Philippines gọi là Panganiban)[11].Và vị trí của đá Vành Khăn ở đâu? Hầu như nằm ngay chính giữa khu vực được Alcorn Petroleum khảo sát.[12]
Nhà chức trách Philippines phủ nhận. Họ một mực cho rằng “điều đó không thể là sự thật”. Chính phủ đã có những điều khác trong đầu. Manila đang chủ trì cuộc họp mặt Kitô giáo lớn nhất trong lịch sử: 4 triệu người đến xem Giáo Hoàng John Paul II cử hành Thánh Lễ (Khu vực cũng đã phần nào bị phân tâm bởi trận động đất Kobe cũng trong tuần đó). Chỉ sau khi Giáo Hoàng rời khỏi thành phố thì chính quyền Ramos mới có thể chuyển sự chú ý của mình ra biển. Một máy bay hải quân đã được phái đi nhưng dường như không thể tìm thấy bất kỳ bằng chứng về lô cốt trên sàn. Người Trung Quốc đã đi vào một hình thức chối bỏ khác: không có sự việc gì cả với chiếc thuyền đánh cá, họ nói, và không có căn cứ trên đá Vành Khăn. Nhưng tới ngày 9 tháng 2 chính phủ Ramos đã có bằng chứng ảnh chụp trưng cho báo chí thế giới thấy và câu chuyện của Trung Quốc cũng thay đổi. Vâng, có các công trình kiến trúc, họ thừa nhận, nhưng chúng do Ngư chính xây, không phải hải quân. Tuy nhiên, điều đó dường như không phải để giải thích sự hiện diện của các đĩa thu sóng vệ tinh trên các túp lều hoặc 8 tàu vận chuyển hải quân vũ trang xung quanh rạn san hô này. Sau đó, họ nói với các nhà chức trách Philippines rằng căn cứ này do các nhân viên hải quân “cấp thấp” không có thẩm quyền thích đáng xây lên.[13]Nhưng ý tưởng rằng hàng trăm tấn gỗ và thép, các đơn vị nhà tiền chế, thiết bị thông tin liên lạc và tất cả những con người và vật liệu cần thiết để thiết lập 4 cơ sở này có thể được vận chuyển hàng trăm cây số mà không có sự cho phép chính thức là buồn cười.[14]
Ở Manila phản ứng tức giận lại bị làm trầm trọng thêm bởi cảm giác bất lực. Sau khi tổng thống Marcos đổ và Chiến tranh Lạnh kết thúc, công chúng và các chính trị gia cho rằng nước này không phải đối mặt với mối đe dọa nào từ bên ngoài và cứ theo đó mà bỏ phiếu. Năm 1989, với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, Ramos đã đề xuất kế hoạch hiện đại hóa quân sự $ 12,6 tỷ trong 15 năm. Ông đã cố giành ưu tiên cho nó một lần nữa sau khi trở thành tổng thống, nhưng nó vẫn nằm chắc trên kệ. Phải mất đến hai tuần sau khi Ramos trình bày rõ rằng lực lượng hải quân Trung Quốc đã lao lách xây dựng một cơ sở ngoài khơi cách bờ 209 km mà không ai để ý thì cuối cùng Quốc hội mới dành cho thời gian để thảo luận về kế hoạch này.[15] Đạo luật Hiện đại hóa đã được phê chuẩn trong vòng vài ngày nhưng nghị quyết để thực sự thực hiện nó phải mất thêm gần 2 năm nữa mới được thông qua.[16] (Năm 1997, do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, hầu hết các nguồn tài trợ đều biến mất). Tháng 2 năm 1995, do bị nhiều trì hoãn, Ramos không có phương án quân sự. Ông đã bị Bắc Kinh lừa dối. Hoa Kì, vẫn còn giận về việc ngưng hợp đồng về căn cứ quân sự và lo lắng nhiều hơn bởi các sự kiện ở Bosnia, nên không vội vã giúp đỡ. Ông quay sang các nước láng giềng để thay vào.
Đó là một bước ngoặt. Mãi cho đến tháng 1 năm 1995, việc bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông mới chỉ thật sự ảnh hưởng Việt Nam - và vào lúc Hà Nội bị quốc tế cô lập. Tất cả các thể địa lý do Trung Quốc chiếm được đều hoặc ở Quần đảo Hoàng Sa hoặc chạy dọc theo cạnh phía Tây của Quần đảo Trường Sa, xa các bên tranh chấp khác. Nhưng với việc chiếm lấy đá Vành Khăn ở cạnh phía Đông, lần đầu tiên Trung Quốc đã lấn vào vùng biển do một thành viên của ASEAN tuyên bố chủ quyền. Sau động thái này của Trung Quốc, không những Philippines mà cả Malaysia, Brunei và Indonesia tất cả đều cảm thấy bị đe dọa trực tiếp. Việt Nam, do gia nhập ASEAN tháng 7, cũng đã vận động hành lang để có chung một lập trường vững chắc. Ngay cả Singapore, thường vẫn thích ưu ái Bắc Kinh, cũng đã quan ngại. Sau đó trong một cuộc phỏng vấn đáng nhớ với BBC, cựu thủ tướng Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew) so sánh các hành động của Trung Quốc với “một con chó lớn leo lên một cây và giơ cao chân ra dấu là nó có mặt ở đó để cho các con chó nhỏ hơn trong khu vực sẽ biết rằng con chó lớn đã qua đó và nó sẽ trở lại”.[17]
Nhưng ASEAN cũng không có phương án quân sự: không một thành viên nào sẵn sàng mạo hiểm gây chiến với Trung Quốc. Cấm vận cũng ở ngoài tầm, nên thay vào đó, vào ngày 18 tháng 3, họ đã đưa ra một tuyên bố với lời lẽ mạnh mẽ bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng, kêu gọi tất cả các bên kiềm chế thực hiện những hành động gây mất ổn định khu vực và đe dọa hòa bình và an ninh Biển Đông và đặc biệt kêu gọi sớm có giải pháp cho những vấn đề gây ra bởi các diễn biến gần đây ở đá Vành Khăn. Đây là một đàm phán khá khó khăn theo tiêu chuẩn ASEAN, nhưng nó không có ảnh hưởng ngoài biển: các lô cốt vẫn nằm trên các mặt sàn. Trung Quốc vẫn giữ thái độ bất hợp tác. Tháng 4, tại Diễn đàn ASEAN-Trung Quốc mới tổ chức lần đầu, rõ ràng đó là nơi có thể thảo luận về vấn đề này, Bắc Kinh chỉ đơn giản là không chấp nhận đưa nó vào chương trình nghị sự. Thay vào đó vấn đề đã được nêu lên, và theo như tường thuật là khá mạnh mẽ, tại một cuộc họp không chính thức trước đó. Chính phủ Philippines cho biết họ hài lòng với sự ủng hộ, nhưng các công trình kiến trúc vẫn còn trên rạn san hô.
Bắc Kinh từ chối thảo luận về vấn đề này tại các cuộc họp chính thức của khu vực mà Ramos mong muốn. Vì vậy Ramos buộc phải đồng ý theo kênh ưa chuộng của Trung Quốc - thảo luận song phương – để thay vào, và tháng 8, hai bên đã thống nhất “bộ quy tắc ứng xử” để tránh những sự cố trong tương lai: nhiều báo cáo hơn, nhiều giấy hơn, nhưng vẫn không có sự thay đổi thực tế. Ngay từ đầu, Trung Quốc đề xuất Philippines cùng phát triển triển vọng dầu khí trong những khu vực mà TQ yêu sách – trên thực tế là đòi hỏi Philippines công nhận các quyền lãnh thổ của họ ở Quần đảo Trường Sa. Chính sách này - được gọi là vừa chiếm lấy vừa đàm phán, hay ngắn gọn hơn, vừa lấy vừa đàm - là một cái gì đó mà không một bên tranh chấp nào sẵn sàng chấp nhận.
Vậy tại sao Trung Quốc chiếm đá Vành Khăn vào cuối năm 1994? Nguyên cớ ban đầu rất có thể là thông báo của Philippines về kế hoạch phát triển dầu khí. Nhưng cũng có những lý do nội bộ. Nhà phân tích khu vực Ian Storey ở Singapore cho rằng đó là kết quả của việc chạy đua quyền lực trong tầng lớp chóp bu của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào lúc quyền lực của Đặng Tiểu Bình suy giảm.[18] Người kế tục do Đặng Tiểu Bình chọn, Giang Trạch Dân, không phải từ quân đội nên cần sự ủng hộ của lãnh đạo PLA cũng như các phe phái dân tộc chủ nghĩa nếu ông nắm vị trí đứng đầu. Năm 1994, một người cũng được Đặng Tiểu Bình bảo trợ, Đô đốc Lưu Hoa Thanh, là uỷ viên chủ chốt trong ban Thường vụ Bộ Chính trị và là phó chủ tịch Quân Uỷ Trung ương - hai cơ quan đầu não trong chính trường Trung Quốc. Có vẻ rất có nhiều khả năng là ông đã thấy việc chiếm đóng đá Vành Khăn là một phần quan trọng của chiến lược “nước xanh” và rằng một chính trị gia khôn ngoan như Giang Trạch Dân sẽ hoàn toàn ủng hộ nó. Động thái này rõ ràng là một thành công. Lực lượng Trung Quốc chiếm đóng đá Vành Khăn cho đến hiện nay và hậu quả [với Trung Quốc] nằm ở mức tối thiểu.
Các láng giềng của Philippines đã rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng. Vào tháng 4 năm 1995, chính phủ Indonesia phát hiện rằng Trung Quốc đã đưa ra một yêu sách trên vùng biển gần Quần đảo Natuna, trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Được báo động bởi các sự kiện tại đá Vành Khăn, Jakarta quyết định phương án tốt nhất của họ là ngăn chặn. Tháng 8 năm 1996, Indonesia, Malaysia và Brunei tổ chức tập trận chung ở Borneo, tại rìa phía Nam của Biển Đông. Tháng sau đó, Indonesia tổ chức tập trận hải quân lớn nhất từ trước đến nay xung quanh quần đảo Natuna: 27 tàu, 54 máy bay và gần 20 000 nhân viên đã tham gia vào trò chơi chiến tranh, với đỉnh cao là một cuộc tấn công đổ bộ lên hòn đảo mà dự án khí tự nhiên nhiều tỷ đô la của Exxon sẽ triển khai ở đó. Hải quân Trung Quốc đã cử 5 tàu tới quan sát cuộc tập trận nhưng chỉ để cho thấy chắc chắn rằng Bắc Kinh đã nhận được thông điệp, tổng tham mưu trưởng Trung Quốc, Phó Toàn Hữu, được mời đến Jakarta họp với Tổng thống Suharto và những người đứng đầu quốc phòng của ông.[19] Trung Quốc vẫn cứ giữ nguyên yêu sách phần phía Bắc của mỏ khí nhưng cho đến rất gần đây, chẳng hành động gì nhiều để khẳng định nó. (Một vài sự cố kể từ năm 2012 đã cho Indonesia lý do để quan ngại lại, trong đó có nhiều sự cố trễ hơn sau này.)
Sau nhiều tháng Indonesia nói chuyện nhẹ nhàng nhưng vung vẩy một cây gậy lớn còn Philippines thì làm ngược lại, tình hình ở Biển Đông ổn định đúng thời gian có cuộc họp hàng năm của Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Do trùng hợp ngẫu nhiên cuộc họp tháng 11/1996 tổ chức tại Manila, có đến 21 người đứng đầu chính phủ tham gia. Nó đã cho Giang Trạch Dân có cơ hội để thực hiện chuyến thăm Philippines lần đầu tiên của người đứng đầu nhà nước Trung Quốc. Khi APEC kết thúc, ông đã giành ba ngày gặp gỡ và chào đón các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị của nước này. Vào đầu ngày thứ hai, tổng thống Ramos tổ chức cho Giang Trạch Dân và đoàn tuỳ tùng một chuyến đi thuyền vào sáng sớm trên Vịnh Manila. Khi họ ăn sáng, một ban nhạc Hải quân Philippines đánh lên một loạt bản nhạc từ một tập bài hát có tựa Sailing Together to the 21st Century (Cùng đáp tàu đến thế kỷ thứ 21). Hai nhà lãnh đạo đã xuống sàn cùng hát bản song ca “Love Me Tender của Elvis Presley. Khi khoảng 60 khách vỗ tay, tình trạng thù địch của đá Vành Khăn dường như ở quá xa xôi. Nhưng ngoài biển, chẳng có gì thay đổi. Gần đúng hai năm sau chuyến đi tàu karaoke, Hải quân Trung Quốc đã chuyển nhà giàn trên đá Vành Khăn thành lô cốt bê tông với bến tàu và sân đỗ trực thăng. Trung Quốc đã vừa đàm vừa lấy.
Ước muốn thu tóm các đảo ở Biển Đông bắt đầu với việc phất cờ dân tộc chủ nghĩa và kết thúc bằng một cuộc chạy đua khẳng định chủ quyền các mỏ dầu tiềm năng và quyền đánh cá. Chưa có cuộc chiếm đóng nào mang lại phần thưởng mong đợi. Thay vào đó chúng đã tạo ra sự bất an thường xuyên, ngăn chặn việc khai phá các nguồn tài nguyên biển và ép các nhà chính trị đi vào các trận đấu võ mồm và có các cử chỉ chauvin hiếu chiến vào lúc mà họ có thể muốn tìm kiếm sự hợp tác khu vực hơn. Trung Quốc là kẻ đến sau trong bữa tiệc Trường Sa nhưng mỗi lần họ chiếm thêm một thể địa lí, vị thế đàm phán của Bắc Kinh trở nên mạnh mẽ hơn. Thế thì những lợi ích thiết thực nào họ đã đạt được? Chỉ có những tác động tiêu cực trong việc ngăn chặn những bên khác không làm nên thắng lợi. Bắc Kinh rõ ràng xem đây là một chiến lược dài hạn để cuối cùng sẽ buộc các nước khác chia sẻ quyền chủ quyền. Nhưng họ sẽ chia sẻ hay không? Có một thay thế cho “mạnh là đúng” hay không? Các nguyên tắc của luật pháp quốc tế có thể cung cấp một thay thế hay không?
-----------------------
* Tên dịch từng chữ hai thể địa lý ở Biển Đông (Nguy Hiểm từ North Danger Reef [cụm Song Tử] và Ranh Ma/Mãnh từ Mischief Reef [đá Vành Khăn]) mà việc chiếm đóng của TQ vẫn còn gây tranh cãi và cũng là hai đặc điểm đáng lưu ý của các tranh chấp ở Biển Đông trong giai đoạn này. (ND)
B.H.
Dịch giả gửi BVN 

[1] China: Peoples Liberation Army (Washington, JPRS Report, Foreign Broadcast Information Service, JPRSCAR, 22 January 199O.
[2] Garver, John W, Chinas Push through the South China Sea: The Intersection of Bureaucratic and National Interests, China Quarterly 132 (December 1992) 9991028.
[3] You Ji, The Evolution of China’s Maritime Combat Doctrines and Models: 19492001, RSIS Working Papers, no. 22 (Singapore, May 2002). Available at httpdrintueduhandle102.204422.
[4] Yang Guoyu (ed), Dangdai Zhongguo Haijun [The Modern Chinese Navy] (Beijing, 1987), cited by John W. Garver, Chinas Push through the South China Sea: The Interaction of Bureaucratic and National Interests, The China Quarterly, no. 132 (1992), 9991028.
[5] Muốn biết thêm về điều này xem Chương 9 quyển Vietnam: Rising Dragon (New Haven, Connecticut, and London, 2010).
[6] Taylor Fravel, Strong Borders, Secure Nation: Cooperation and Conflict in China’s Territorial Disputes(Princeton, New Jersey, 2008), 292.
[7] Chen Hurng, ‘The PRCs South China Sea Policy and Strategies of Occupation in the Paraceland Spratly Islands’, Issues & Studies, vol. 36, no. 4 (2000), 95131.
[8] John W. Garver, ‘Chinas Push through the South China Sea: the Interaction of Bureaucratic and National Interests’, The China Quarterly, no. 132 (1992), 9991028.
[9] David Hancox and Victor Prescott, ‘A Geographical Description of the Spratly Islands and an Account of Hydrographic Surveys Amongst those Islands’, Maritime Briefings, vol. 1, no. 6 (1995). Có thể xem tại https://www.dur.ac.ibru/publications/view/?id=229.
[10] Two of the ships were American-built Second World War tank landing craft left behind at the end of the Vietnam War. HQ-505 was formerly the USS Bulloch County, built in 1943. The third was a freighter.
[11] Chinese Navy Detains Filipino Fishermen in Spratlys: Report, Agence France Presse, Manila, 24 January 1995; Lianhe Zaobao (United Morning Post), Singapore, 25 January 1995, 34, quoted in Chen Hurng, The PRCs South China Sea Policy and Strategies of Occupation in the Paracel and Spratly Islands, Issues & Studies, vol. 36, no. 4 (2000), 95131
[12] Liselotte Odgaard, ‘Between Deterrence and Cooperation: Eastern Asian Security after the Cold War’, IBRU Boundary and Security Bulletin,vol. , no. 2 (1998), 73 (map). Có thể cem tại https://www.dur.ac/ibru/publications/view/?id=131.
[13] Philippines Orders Forces Strengthened in Spratlys, Reuters News Service, 15 February 1995, quoted in Ian James Storey, Creeping Assertiveness: China, the Philippines and the South China Sea Dispute, Contemporary Southeast Asia, vol. 21 (1999), 95118.
[14] ‘Dragon Flexes its Muscles in Islands Dispute’, Independent on Sunday, 19 March 1995, quoted ibid.
[15] ‘Spratlys Tension Helps Push Forces Upgrade’, Jane’s Defence Weekly, 25 February 1995, quoted ibid.
[16] . Renato Cruz de Castro, ‘The Aquino Administration’s 2011 Decision to Shift Philippine Defense Policy from Internal Security to Territorial Defense: The Impact of the South China Sea Dispute,’ Korean Journal of Defense Analysis, vol. 24 (2012), 67.
[17] East Asia Today, BBC, Interview with Lee Kuan Yew, broadcast 6 June 1995.
[18] Ian James Storey, Creeping Assertiveness: China, the Philippines and the South China Sea Dispute, Contemporary Southeast Asia, vol. 21 (1999), 95-118. 
[19] China Accepts Natunas Drill, Says Indonesia, AFP report, Straits Times, 12 September 1996, 21.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.