Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Cơn “lũ thoái hóa” của nhân cách người Việt trong nước phải chăng chỉ là do giáo dục?

Cơn “lũ thoái hóa” của nhân cách người Việt trong nước phải chăng chỉ là do giáo dục?

bauxitevnThu 10:15 AM


Trong hai bài viết dưới đây của ông Võ Xuân Sơn, ít nhiều có liên quan nhân quả với nhau, tác giả đã cố gắng chỉ ra nguyên do tình trạng xuống cấp thê thảm của người Việt hiện nay là xuất phát từ một nền giáo dục tồi tệ, liên tục sút kém, kéo dài từ hàng mấy thập kỷ. Nhiều ý kiến tâm huyết của ông xem ra rất chí lý. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin được gợi thêm một đôi điểm, gọi là bổ sung hay chất chính cũng đúng, nhằm góp phần làm chặt chẽ hơn các luận cứ của ông. 
Vấn đề là có phải tất cả mọi “dịch bệnh” trầm kha đang hoành hành trong xã hội chúng ta khiến cho con người trở thành điên đảo, trước sau đều bắt nguồn từ một nền giáo dục “thiểu năng” hay không? Có thể trả lời: Đúng và không đúng. Cái phần đúng thì ông Võ Xuân Sơn đã nói kỹ. Nhưng phần không đúng là gì? Thử nghĩ xem, con người vốn là một sinh vật cao cấp, một sinh vật xã hội, biết tiếp thu ngoại vật bằng đủ 5 giác quan và tiếp thu ở nhiều cấp độ: cảm tính, lý tính, tuệ tính, giác tính, linh tính; lại tiếp thu theo nhiều phương cách: hữu thức rồi lại tiềm thức, vô thức… như thế thì áp lực lên con người và làm biến đổi con người chính là sự tổng hợp của đủ mọi hiện tượng phức tạp ngay giữa đời sống mà ta hàng ngày tiếp xúc, chứ có phải chỉ riêng bài học ở nhà trường thôi đâu, có phải vậy không thưa ông? 
Một em bé vừa đến tuổi cắp sách đến trường, hàng ngày được thầy cô giáo giảng giải cho những điều sơ đẳng về đạo đức công dân, hẳn nhiên trong đầu óc cũng biết được ít nhiều điều hay lẽ phải để theo và điều xấu tiếng nhơ để tránh. Nhưng có phải thế là đủ cho lứa tuổi của em hoàn toàn miễn nhiễm, phần bản năng trong em tự khắc đã bị nhấn chìm? Không, hoàn toàn chưa phải vậy. Khi trở về nhà, vừa kịp đặt chiếc cặp sách nặng chịch lên giường, tai em đã được nghe người lớn bàn câu chuyện hôm qua anh hàng xóm hiền lành vì không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, bị các chú công an lôi vào đồn rồi không dưng… tắc thở, đem vào nhà thương thì vỡ sọ, dập xương sườn, hoặc gãy đùi dập lá lách. Em sẽ cảm nghĩ thế nào? Có phần chắc không sớm thì muộn, một câu hỏi sẽ dấy lên trong em: Ôi, sao nhà trường dạy thế kia mà ngoài đời lại ngược hẳn như vậy? Và chắc chắn một bài học trực quan sẽ đập vào trí óc non nớt của em: Thì ra thầy cô nói dối, chứ mạng con người cũng chẳng có gì đáng quý cho lắm, các chú công an cứ muốn giết ai là giết kia mà. Mà rốt cuộc thì các bác đảng viên lãnh đạo cấp trên, toàn những bậc đạo cao đức trọng, lại bênh che cho các chú làm những việc ghê gớm như kia, các bác ấy phải có cái lý thế nào chứ. Vậy giết người cũng đâu phải là tội! Hỏi nên tin các bác hơn hay là tin thầy cô hơn nào? Mà tất nhiên không phải chỉ cái chết của một chú hàng xóm. Bao nhiêu cái chết khác ở tỉnh này xã nọ xảy ra như cơm bữa, râm ran trên báo và trên nhiều cửa miệng, làm gì không thấm tiếp vào tai các em, như những giọt nước từ khe đá thấm xuống lòng đất. Làm sao em có đủ sức đề kháng với chúng? Rốt cuộc, chẳng phải cái bản năng sinh vật trong người các em vừa được những bài học hay ho ở trường làm cho “êm dằm” thì lại có ngay những bài học “sinh động hơn”, hùng hồn và lôi cuốn hơn, đánh thức trở dậy? Có phải vậy không thưa ông?
Chưa hết. Lại nói đến chuyện công bằng. Thì thầy cô ở trường cũng luôn dạy cho các em, rằng con người sinh ra là được hưởng những quyền công bằng đấy chứ. Chương trình giáo dục của ta cũng có đủ những thứ đó và thầy cô chẳng thể bỏ quên. Nhưng mà… khi bài học ở trường còn chưa ráo mực, thì ở xã bên cạnh xã em gần ngay đường cái lớn lại có một chuyện bức bối phát sinh: một loạt hộ dân đang yên đang lành, bỗng nhận được tờ giấy trên Ủy ban Nhân dân chuyển xuống bắt phải dời nhà, nộp ruộng, trả cho ít tiền đủ sống tiềm tiệm một vài năm rồi muốn ra sao thì ra, đi đâu xin cứ việc, vì đã có một công ty “con ông to nào đấy” nhắm nhía “quy hoạch” những thửa đất thửa vườn của họ, sắp đến đây xây dựng một khu nhà nghỉ cao cấp và làm mấy cái sân golf. Những dự án này đều nằm trong chính sách của Đảng cả chứ nào có phải là vẽ ra một cách tùy tiện, vu vơ. Vì thế, nếu cứ cố tình cưỡng lại ư? Thì hãy xem gương hai anh em chú Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng đấy, chẳng phải ông Đại tá Đỗ Caca Giám đốc công an thành phố – mới được thăng Thiếu tướng – ông ấy đã tổ chức ngay “một trận đánh tuyệt đẹp” tóm cổ luôn cả hai anh em nhà chú bắt nhốt vào tù, dẫu có cựu binh cựu biếc gì cũng mặc xác? Thế thì lần này các em lại được tiếp nhận một bài phản chứng sinh động về lẽ công bằng còn thâm thúy hơn bài trước nữa – công bằng nói trắng ra là công bằng của kẻ có quyền thế – nó làm cho những gì nói về lẽ công bằng nhận được từ lời giảng hay ho văn vẻ của thầy cô bỗng… biến mất tiêu. Có phải vậy không thưa ông?
Vậy đấy thưa ông Phạm Xuân Sơn. Chúng tôi cho rằng muốn xây dựng lại con người trong xã hội chúng ta ngày nay, bên cạnh việc cải cách giáo dục tất nhiên là việc rất cần làm và làm triệt để, còn phải đi kèm với một việc nữa, quan trọng và cấp bách hơn rất nhiều: phải triệt tiêu cho được cái nguyên nhân chủ chốt làm cho con người hư hỏng – đó là một thể chế toàn trị chuyên đối phó với công dân bằng đủ thứ tuyên truyền dối trá, trong khi hoạt động của bộ máy chức năng thực chất là hà hiếp, cướp bóc, bạo hành với nhân dân đủ kiểu lại được tráng một lớp men từ ngữ hết sức mỹ miều: Của dân, do dân, vì dân... 
Bản năng của con người trong xã hội, nhất là lớp trẻ, không bị kiềm chế và loại bỏ mà trái lại, lại được kích thích bởi chính bản chất bạo lực của bộ máy, sẽ như một con thú sổng chuồng, nhảy ra tung hoành ngang dọc, gây nên trong đời sống vô vàn chuyện cuồng điên, làm đảo lộn hết những nề nếp đạo lý có sẵn, thì dẫu có cải cách giáo dục đến mấy cũng làm sao tạo được cái “bầu hồ lô” để thâu tóm nó lại? Ông chẳng thấy bộ máy an ninh đang ngày một phình to tốn hao tiền thuế của dân vô số kể đấy sao. Nhưng càng phình, bạo hành càng bị lạm dụng, thì tội ác lại càng sinh nẩy. Mấy ông cộng sản hình như lâu ngày chúi mũi vào mấy pho thần chú giáo điều đâm lú lẫn, quên mất cả phép biện chứng của Các Mác rồi chăng.
Bauxite Việt Nam
1. Cách mạng giáo dục
Võ Xuân Sơn
Mấy ngày, dư luận lên cơn bão với phát biểu của cậu bé học lớp 8 về giáo dục, nào là thối nát, nào là cải tiến cải lùi, nào là cách mạng… Người khen kẻ chê. 
Cá nhân tôi, tôi không ủng hộ việc lan truyền lời nói của cậu bé này. Cho dù mọi người có mong muốn một Joshua Wong của Việt Nam đi nữa thì tôi vẫn nghĩ, rằng cậu bé đang ở tuổi ăn, tuổi chơi, lẽ ra, chưa đến lúc để cậu có thể thốt ra những từ ngữ tiêu cực như vậy. 
Tuy nhiên, không ai phủ nhận được những điều cậu bé này nói ra. Tôi không công kích ông Bộ trưởng Bộ GD&ĐT hay bất cứ cá nhân nào, dù rằng đã từ lâu, tôi mất niềm tin vào hệ thống giáo dục nước nhà, ở tất cả các cấp học. Bản thân tôi, dù muốn hay không, cũng là một sản phẩm của hệ thống ấy và hiện đang góp một phần nhỏ công sức vận hành cái hệ thống ấy. Nên không thể im lặng mãi được.
Chỉ trong vòng 1 tháng qua, hàng loạt vụ giết người dã man xảy ra khắp nơi trên đất nước này. Thời gian gần đây, bao nhiêu người Việt Nam ra nước ngoài ăn cắp, thể hiện những thói hư tật xấu, để cho người ta phải viết tiếng Việt cảnh báo. Các cô gái Việt Nam ra nước ngoài bán dâm lậu, để cho hết Thái Lan đến Singapore đưa ra những chính sách nhục mạ phụ nữ Việt Nam…
Trong khi nền kinh tế của chúng ta đang trì trệ, người nghèo còn đang chiếm tỉ lệ cao cho dù chuẩn nghèo của chúng ta đã rất thấp, thì một bộ phận quan chức vẫn tìm mọi cách ăn chặn từng đồng, từng gói mì, con gà… mà nhân dân các nơi quyên góp hoặc ngân sách cấp cho người nghèo. Một số rất lớn người dân, trong đó có không ít trí thức, thì đắm chìm vào bia rượu, biến đất nước chúng ta thành một trong những nước tiêu thụ bia rượu nhiều nhất thế giới.
Trong khi nợ công ngập đầu, đến mức đất nước chúng ta được xếp thứ 12 trong số những nền kinh tế nguy hiểm nhất về nợ công trên thế giới, thì các nhà lãnh đạo đất nước đưa ra chương trình xây hàng loạt tượng đài Hồ Chủ tịch, người đã kiên quyết từ chối xây tượng của mình, đã luôn kêu gọi thực hành tiết kiệm. Một số quan chức khác thì “tâm tư” khi không được xây công trình tượng đài nghìn tỉ…
Tất cả những điều trên đây đều là hệ lụy của một nền giáo dục sai hướng. Nền giáo dục của chúng ta nặng về giáo dục tư tưởng cách mạng mà ít chú trọng đến giáo dục về lòng tự trọng, về nhân cách, nặng về đề cao lòng căm thù mà nhẹ về tình thương yêu con người, đồng loại, nặng về tính giai cấp, mà nhẹ về tính nhân văn, nặng về hình thức, phô trương, sáo rỗng mà quên mất thực chất… 
Có vẻ như chúng ta đang đào tạo ra thừa những chiến sĩ cách mạng, yêu chủ nghĩa xã hội, sẵn sàng hi sinh cho lí tưởng, nhưng lại luôn ỉ lại vào sự ban phát, mà thiếu những công dân yêu đất nước, yêu hòa bình, sẵn sàng và biết dùng sức lao động và trí tuệ của mình để làm giàu cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội.
40 năm qua, nước nhà thống nhất, ngoại trừ những người Việt nam ưu tú được thế giới biết đến thông qua chiến tranh, có mấy người Việt Nam trở nên ưu tú, được thế giới biết đến mà không có sự thoát li khỏi nền giáo dục của Việt Nam? GS. Ngô Bảo Châu, vận động viên bơi lội Ánh Viên… đều phải thoát li ra khỏi nền giáo dục của Việt Nam. Những tài năng đi thi quốc tế của chúng ta quay về nước đã làm được gì? Những cầu thủ thần đồng của chúng ta như Văn Quyến, khi đá bóng ở trong nước sẽ thế nào? Chắc tất cả chúng ta đều nhìn thấy những điều đó.
Trong khi đó, các nhà cải cách giáo dục hết loay hoay, nhầm lẫn 34.000 ngàn tỉ đồng với những con số khác. Khi muốn xây dựng một căn nhà, bạn phải biết căn nhà mà bạn xây dựng sẽ như thế nào, cao, to, dài, rộng ra sao, nhà dùng để làm gì, bố trí vật dụng ra sao… 
Bạn không thể cứ xây, rồi muốn ra sao thì ra. Với cách làm như vậy, chúng ta sẽ xây được cái gì, nếu không “thối nát” như lời cậu bé kia thì nó cũng chỉ là một cái chuồng người, chứ làm sao mà có được một ngôi nhà, một biệt thự, một lâu đài… như mơ ước của bao thế hệ cha ông chúng ta mà vì những mơ ước ấy, họ đã không tiếc máu xương mình.
Như vậy, có cần không một cuộc cách mạng trong giáo dục? Câu trả lời có vẻ như không khó lắm.
V.X.S.
Nguồn: https://www.facebook.com/xuanson.vo.5/posts/552202748270189
2. Đứng ngoài đường cầm bảng xin việc: nhục nhã?
“… các bạn không có gì phải cảm thấy nhục nhã khi các bạn không phạm pháp, không trộm cắp, không làm gì ảnh hưởng đến người khác. Các bạn có thể làm bất cứ điều gì mà pháp luật không cấm, điều gì không gây thiệt hại cho quyền lợi, danh dự của người khác để xin việc làm, để kiếm sống. Khi các bạn có khả năng bỏ qua cái sĩ diện hão, các bạn đã bắt đầu bước những bước đi thành công”.
18-08-2015
clip_image001
Một bạn trẻ cầm tấm bìa, trên đó ghi hoàn cảnh của mình, với mong muốn kiếm được việc làm.
Rất nhiều ý kiến chê bạn này. Một Bác sĩ phân tích, rằng cậu ấy là đàn ông mà không có một kế hoạch cho cuộc sống, cho cuộc đời mình, ngay cả việc tìm hiểu và sử dụng các biện pháp tránh thai cũng không biết. Đã vậy lại không ổn định, làm việc 2 tháng rồi nghỉ việc vì… ôn thi, muốn làm thì làm, muốn nghỉ thì nghỉ.
Tôi đồng ý với vị Bác sĩ này. Trong thực tế làm việc, chúng tôi gặp khó khăn rất nhiều với những người như thế này. Không có kế hoạch, không biết sắp xếp cuộc đời mình, coi công việc và công ty như trò chơi, vui thì làm, không vui thì nghỉ. Thậm chí chỉ vì một chuyến du lịch, hay một câu nói của một nhân viên nào đó là sẵn sàng sổ toẹt vào việc công ty đã bỏ ra bao nhiêu tiền của, công sức huấn luyện mình, sổ toẹt vào mọi cam kết, gây khó khăn và xáo trộn cho công ty.
Thế nhưng, khi đọc được một bài báo, cho rằng việc cầm tấm bảng xin việc ấy là nhục nhã đối với một Cử nhân, thì tôi hơi bị sốc. Coi việc cầm tấm bảng xin việc như vậy đối với một Cử nhân là “nhục nhã” thì hơi quá đáng.
Cần phải tách biệt câu chuyện của chàng trai này ra thành 2 giai đoạn. Giai đoạn trước, cậu ta còn đi học, ăn bám cha mẹ, nhưng lại dính vào vợ con, lại không sắp xếp gì cho cuộc sống của mình, đi làm thì cũng không coi trọng việc làm… nói tóm lại, đấy là giai đoạn ích kỉ, ỉ lại vào cha mẹ (hay người khác).
Nhưng kể từ khi cậu ấy ra đường và cầm tấm bảng xin việc như chúng ta thấy, tôi nghĩ rằng cậu ấy đã là một con người khác. Bắt đầu hiểu về trách nhiệm của mình, bắt đầu thấm thía rằng việc làm không phải thứ dễ dãi mà có thể phung phí. Việc cậu ấy sẵn sàng hi sinh sĩ diện để xin việc minh chứng cho những điều tôi nói. Như vậy thì có nên trách khi cậu ta ra đường cầm tấm bảng xin việc không?
Có người bảo, thay vì kể khổ, thì chàng trai ấy hãy ghi ra những thế mạnh của mình. Đó là một góp ý rất hay. Rõ ràng là anh chàng này chưa có kĩ năng xin việc, hoặc anh ta còn chưa đủ tự tin vào bản thân, chưa nghĩ ra được mình mạnh về cái gì.
Hãy mở cho chàng trai ấy một cánh cửa. Cuộc đời cậu ấy vừa mới bước sang một trang mới, cậu ấy vừa mới ý thức được vai trò, vị trí của mình trong cuộc đời này, hãy đừng vì bất cứ lí do gì mà vùi dập cậu ấy, mà bắt cậu ấy mãi mãi phải là con người ích kỉ, ỉ lại, không biết lên kế hoạch cho cuộc đời mình.
Ngoài ra, tôi muốn nói với các bạn trẻ khác, rằng các bạn không có gì phải cảm thấy nhục nhã khi các bạn không phạm pháp, không trộm cắp, không làm gì ảnh hưởng đến người khác. Các bạn có thể làm bất cứ điều gì mà pháp luật không cấm, điều gì không gây thiệt hại cho quyền lợi, danh dự của người khác để xin việc làm, để kiếm sống. Khi các bạn có khả năng bỏ qua cái sĩ diện hão, các bạn đã bắt đầu bước những bước đi thành công.
V.X.S.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.