Ngư trường truyền thống ngày càng bị thu hẹp
bauxitevnSat 8:31 AM
Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok18-06-2015
Tàu Trung Quốc đẩy ép tàu cá Việt Nam manh động hơn. (ảnh chụp tháng 6/2014)
Doisongphapluat.com
Ngư dân Việt Nam ngày nay khi đi đánh bắt tại ngư trường truyền thống mà cha ông họ từng bao đời ra khơi trước đây, hiện phải đối diện nguy cơ không biết xảy đến lúc nào như bị xua đuổi, va tông, tịch thu hải sản, ngư cụ, phương tiện đi biển; thậm chí bị bắt giam, đốt tàu… Ngư trường truyền thống của họ có thể nói đang ngày càng thu hẹp lại!
Những vụ việc mới nhất
Thông tin mới nhất được truyền thông trong nước loan đi cho biết vào sáng ngày 18 tháng 6, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, ông Nguyễn Thanh Hùng báo cáo vào tối 17 tháng 6 lại có thêm một tàu của ngư dân thuộc nghiệp đoàn đánh bắt tại Hoàng Sa bị phía Trung Quốc đánh và cướp tài sản.
Chiếc tàu cá bị nạn mới nhất mang số hiệu QNg 95431 TS của ngư dân Nguyễn Văn Tẫn. Nạn nhân cho biết vào khoảng 7 giờ 30 tối ngày 17 tháng 6 hai tàu Trung Quốc có số hiệu 3010 và 4044 áp sát rồi sang đánh ngư dân Việt Nam, cướp hết tài sản, ngư lưới cụ trên tàu.
Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu cho biết chỉ trong vòng 10 ngày có bốn tàu của ngư dân trong nghiệp đoàn bị phía Trung Quốc chặn, cướp tài sản cũng như tấn công tại ngư trường Hoàng Sa. Hai ngư dân bị vòi rồng của Trung Quốc xịt mạnh đến nỗi bị thương ở đầu và chân phải đưa vào bờ cấp cứu.
Không chỉ tàu đánh bắt cá mà tàu cứu nạn đưa ngư dân trong trường hợp khẩn cấp vào bờ chữa trị cũng bị phía Trung Quốc cản trở. Vào cuối tháng 5 vừa qua, Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải Khu vực 2 tại Đà Nẵng khi nhận được tin báo một ngư dân trên tàu QNA 90927 TS bị bệnh nặng cần phải hỗ trợ khẩn cấp, đã điều tàu SAR 412 ra để đưa ngư dân vào chữa trị. Tuy vậy khi tàu này đi qua đảo Tri Tôn chừng 8 hải lý thì bị tàu Trung Quốc xuất hiện phát tín hiệu buộc phải rời khỏi khu vực.
Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu cho biết chỉ trong vòng 10 ngày có bốn tàu của ngư dân trong nghiệp đoàn bị phía Trung Quốc chặn, cướp tài sản cũng như tấn công tại ngư trường Hoàng Sa
Sau khi tàu cứu nạn SAR 412 đưa được ngư dân bị bệnh khẩn cấp lên tàu và quay đầu trở về lại bị tàu hải quân Trung Quốc lao vào áp sát. Đây là hành động vi phạm quy tắc, điều luật về hàng hải khi hai tàu gặp nhau trên biển.
Trước những hành động đó Hội Nghề Cá Việt Nam có lên tiếng phản đối. Tuy nhiên cơ quan chức năng của chính phủ Hà Nội vẫn chưa có tiếng nói chính thức về những vụ việc như thế.
Bị bắt ở xa
Một số ngư dân Việt Nam do bị phía Trung Quốc mạnh tay xua đuổi, bắt bớ, tịch thu hải sản, ngư lưới cụ, tàu thuyền và thậm chí bắt giam… nên đã tìm đường đến những ngư trường xa hơn để đánh bắt.
Tuy nhiên lâu nay có một số tàu thuyền của ngư dân Việt Nam đi vào hải phận của những nước khác như Philipines, Thái Lan, Brunei, Indonesia… đã bị bắt và xử phạt theo luật của họ.
Một viên chức đại sứ quán Việt Nam tại Brunei cho biết hiện nước này đang giữ một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi và thuyền trưởng cũng như thuyền viên bị án tù, trong khi đó có hai thuyền viên ở tuổi vị thành niên cũng sắp hầu tòa:
“ Hôm 11 vừa rồi mới xử xong. Họ lại vào vùng nước của Brunei để đánh cá, câu mực. Gồm 1 tàu và 33 ngư dân. Sau khi tòa xử thì chủ tàu và thuyền trưởng bị phạt 6 tháng tù kể từ ngày bị bắt là 17 tháng 5. Hai mươi chín ngư dân bị 3 tháng tù. Có hai ngư dân vị thành niên hiện đang được lưu trú tại Trung tâm Bảo trợ Trẻ em của Brunei. Ngày 25 tháng 6 họ sẽ đưa ra tòa trẻ vị thành niên để xem xét có được về sớm hay chờ các ngư dân được tha rồi về cùng tàu..”
Ngày 10/6/2015, tàu cá của ngư dân Nguyễn Văn Phú, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) bị Trung Quốc phá ngư lưới cụ khi đang đánh bắt ở Hoàng Sa. Ảnh: Tử Trực
Sang ngày 12 tháng 6 tổng thống đảo quốc Palau ở Thái Bình Dương ra lệnh cho đốt 4 tàu cá của Việt Nam vì vào đánh bắt trái phép trong vùng biển của nước này.
Ông Tiêu Viết Là, một ngư dân xã Bình Châu từng bị Trung Quốc bắt giữ khi đi đánh bắt tại Hoàng Sa, và khi được trả về trở bệnh không thể đi biển tiếp. Hai con ông điều khiển chiếc tàu để đi đánh bắt xa quê, nhưng vừa qua bị bắt và đến nay vẫn không rõ ở đâu.
Vào ngày 16 tháng 6 ông Tiêu Viết Là cho biết:
“ Gần thì làm ăn không có, con tôi thấy người ta đi xa nó cũng đi mà giờ thì mất luôn”.
Quyết bám ngư trường
Trong khi đó một ngư dân tại đảo Lý Sơn, không muốn nêu tên, cho biết tàu của ông vào năm ngoái cũng bị Trung Quốc cướp phá phải đưa lên bờ sửa chữa; sau khi sửa xong ông cũng lại cùng các ngư dân khác ra lại vùng biển Hoàng Sa mà theo ông đó là ngư trường truyền thống không thể đi nơi khác được dù có bị xua đuổi, bắt bớt. Ông nói:
“ Họ dí thì dì, còn mình làm thì làm; như đợt trước họ tới quần mình miết, mình cũng làm lì thì họ thả. Họ dí chạy, hết dí thì mình vô làm tiếp vậy thôi! Gặp họ thì gặp nhưng ngư trường mình làm ở đó quen rồi; truyền thống của mình rồi. Họ cấm nhưng từ xưa đến giờ Việt Nam chưa có lệnh cấm biển nên mình làm, chứ giờ làm sao!?
Trường Sa cũng có tàu đi chứ. Một số đi Trường Sa, một số đi Hoàng Sa. Xưa nay thì tàu tôi chuyên Hoàng Sa.”
Hỗ trợ hạn hẹp
Theo người ngư dân Lý Sơn thì mỗi khi có tàu bị nạn về, một số nguồn quỹ, công ty cũng như mạnh thường quân giúp đỡ cho ngư dân không may mắn:
“ Chẳng qua khi bị thiệt hại các mạnh thường quân, cũng như kêu gọi các công ty hỗ trợ, chứ hiện nay Nhà nước cũng chưa có chính sách hỗ trợ cho ngư dân”.
Thông tin từ các cơ quan chức năng Việt Nam cho biết Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông Thôn có đề ra chương trình hỗ trợ cho ngư dân vay vốn để đóng tàu vỏ sắt có thể chống chịu được những cú va đâm của tàu khác, cũng như tàu có công suất lớn hơn, trang bị tốt hơn để có thể đánh bắt được nhiều hải sản.
Tuy nhiên theo người ngư dân Lý Sơn thì thủ tục rất nhiêu khê không dễ gì vay vốn. Nếu như vay được để đóng tàu xong thì cũng chưa đi đánh bắt hiệu quả để trả lãi vay và trang trải của cuộc sống:
“ Ví dụ đóng một con tàu sắt 10 tỷ thì một năm phải đánh bắt được 6 tỷ. Phải mất 3 tỷ phí tổn, còn chia cho “bạn” chừng 3 tỷ thì chủ tàu còn được 1 tỷ hay hơn 1 tỷ thôi. Mà vay 10 tỷ thì mỗi năm phải trả lãi suất 100 triệu và lãi gốc 1 tỷ. Rồi còn phải sửa chữa tàu nữa. Trong khi đó giá cá ở Việt Nam không ổn định nên ngư dân chẳng mặn mà gì với tàu sắt hết.”
Người ngư dân Lý Sơn bày tỏ mong muốn:
“Đối với Trường Sa thì Nhà nước Việt Nam phải cần đấu tranh cứng rắn hơn nữa; chứ để họ xây dựng ở Trường Sa thì sẽ là thiệt hại cho ngư dân rất lớn. Đó là nói về kinh tế trước mắt, chứ còn phần quốc phòng- an ninh nữa; sẽ rất khó khăn cho ngư dân”.
Theo người này thì lâu nay ngư dân Việt Nam như ông đã chịu thiệt thòi vì ngư trường Hoàng Sa mất vào tay Trung Quốc. Nay Trung Quốc cải tạo, xây dựng tại Trường Sa nếu cứ để như thế thì ngư dân Việt Nam sẽ phải chịu thiệt thòi hơn nữa.
G.M
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-fisherm-in-narrw-sea-06182015051637.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.