Giáo dục VN “đẽo cày thành tăm”
bauxitevnTue 7:42 AM
BBC tiếng Việt
Có ý kiến cho rằng giáo dục Việt Nam gặp bế tắc
Mới đây Nhóm Đối thoại giáo dục gồm các nhà khoa học trẻ và tâm huyết với ngành giáo dục do giáo sư Ngô Bảo Châu chủ trì vừa đưa ra khuyến nghị Đại học Việt Nam tới giới lãnh đạo ngành.
Bản khuyến nghị là kết quả ba năm nghiên cứu của nhóm về Cải cách Đại học cho rằng “Hệ thống giáo dục Đại học Việt Nam cần được cải cách cơ bản và sâu sắc ngay từ nguyên lý và quy tắc tổ chức” và là một quá trình lâu dài và liên tục.
Nhân khuyến nghị này, trong cuộc phỏng vấn với BBC Việt Ngữ, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt Nam ở Hà Nội, cho rằng Giáo dục Việt Nam đang ở trong tình trạng khủng hoảng về đường lối, triết lý giáo dục, kéo theo khủng hoảng về phương thức và quản lý tổ chức giáo dục.
“Do triết lý Giáo dục của Việt Nam hiện nay không được xác định tốt nên người học, người dạy và cả người quản lý đều lúng túng. Vì thế không thúc đẩy được sự hình thành những tài năng giáo dục cho thời kỳ mới, không giúp nảy nở những nhân tố tích cực của dân tộc, kể cả tâm thức của người học cũng như tâm thế của người dạy”.
Ông nói thêm chính trong tình hình ấy “sự vươn lên để có tài năng từ người quản lý đến người thầy thật giỏi đang là cái Việt Nam còn thiếu”.
Theo giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Phó Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, “nguyên nhân cơ bản là lý thuyết Marx- Lenin không giải đáp nổi vấn đề này và những người gọi là nắm chủ thuyết này cũng không biết về chủ thuyết đó, không biết cái gốc cũng như cái ngọn, hay cái hệ thống và vì thế nó như thợ thuyền đẽo cày ở ngã ba. Cuối cùng đẽo một thanh gỗ thành cái tăm”.
“Cùng nơi Ngôn cú”
Để giải giải quyết tình trạng hiện nay, giáo sư Mai trích dẫn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói năm ngoài là phải đổi mới thể chế và Đảng cũng đã thấy vấn đề tuy nhiên ông cho rằng giới lãnh đạo “không dám đi đến tận cùng”.
“Ông tổ về văn hóa, cụ Trần Nhân Tông, trong một tác phẩm rất lớn là “Cư trần lạc đạo”, có nói một câu là “Cùng nơi ngôn cú”, tức là nơi lĩnh vực tư duy, khoa học, lý thuyết, văn hóa, tinh thần thì phải đi cho tới tận cùng, đến điểm cao nhất, sâu xa nhất, bao quát nhất, gốc rễ nhất, nhưng mình có chịu đi theo đâu mà chỉ loanh quanh vào những cái phần hình thức. Đấy là vấn đề”.
Việc các nhà lãnh đạo Việt Nam không làm được điều đó theo ông là “khó hiểu mà dễ nhìn thấy”.
“Không ai trong những người lãnh đạo Việt Nam hiện nay có thể trở thành người được gọi là những nhà khoa học, nhà tư tưởng”.
Nguyễn Khắc Mai
“Không ai trong những người lãnh đạo Việt Nam hiện nay có thể trở thành người được gọi là những nhà khoa học, nhà tư tưởng, tức cái vốn trí thức, tư tưởng và tư duy của họ rất nông vì thế họ suy nghĩ hời hợt, bề ngoài và đấy là cái khó,” giáo sư Mai nói.
Trước câu hỏi Việt Nam hiện nay đang có những cải cách giáo dục ráo riết thì liệu những cải cách này đi tới đâu, có hiệu quả và có đi đúng hướng hay không, giáo sư Mai nói:
“Nếu căn cứ vào những người quản lý, lãnh đạo thì tôi không hy vọng. Cái lò đào tạo ra người quản lý là trường Nguyễn Ái Quốc, trường Đảng, thì đó là những nơi xơ cứng nhất, giáo điều nhất, kiến thức hẹp nhất.
“Họ lại rất thích áp đặt, không thích cãi lại, không thích hoài nghi khoa học thì làm sao họ có thể là người chủ xướng cho một sự khai phóng trong giáo dục, để cho mỗi học sinh là một nhân phẩm tự do, một thuyết khách tự do, để trưởng thành thành một con người – con người chính nó, của nó và riêng nó và đấy là một vấn đề lớn”.
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai cũng cho rằng xã hội đồng thời buộc phải sống và có những nhóm người phải gồng mình lên để phát triển tài năng, phẩm chất, phẩm hạnh của mình.
“Nhu cầu ấy tồn tại thường xuyên trong xã hội cho nên chúng ta thấy có những nhân vật kiệt xuất nổi lên, những người trẻ trong nhà trường khi ra nước ngoài, trong môi trường khoa học xã hội thuận lợi, họ phát triển được tài năng. Như thế tức là xã hội đang cố gắng bù đắp lại những thiếu sót, những lỗ hổng mà cơ chế và chính sách đang tạo ra”.
Bước đột phá
Liệu có hy vọng là những khuyến nghị mới nhất sẽ được giới lãnh đạo giáo dục ở Việt Nam tiếp thu, quyết tâm thực hiện hay không?
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai cho biết là bao giờ cũng có những hy vọng nhưng có đạt được như mong ước tối đa hay không thì đó còn là câu hỏi.
“Trong tình hình hình nay thì còn ở trong trạng thái nhùng nhằng. Hy vọng tới đây sẽ có được một sự bứt phá khỏi con đường đi hiện nay, tạo ra một chân trời mới”.
Và để có được bước đột phá này theo ông cần có một số yếu tố như những người tử tế, có học, có tâm huyết, có đạo đức trong số các nhà lãnh đạo phải vươn lên, thực hiện lời dạy của Trần Nhân Tông, đi tới cùng chứ không thể nửa chừng nửa vời.
Ông hy vọng nếu giới trí thức hành động, suy nghĩ, dấn thân thì có thể đây sẽ là bước đổi mới.
Cuối cùng ông kết luận rằng để có một nền giáo dục mới hay cả trong các lĩnh vực khác thì phải xây dựng ba cột trụ, đó là lớp trí thức hiện tại phát triển với số lượng đông thêm; những doanh nhân cấp tiếp (không phải những doanh nhân thành đạt do ăn cắp ăn cướp của xã hội của nhà nước của dân mà thành đạt); và chính sách nhân văn.
“Đó là những cột trụ sẽ hy vọng đỡ cho ngôi nhà của đất nước,” giáo sư Nguyễn Khắc Mai nói.
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/06/150619_viet_education_nguyenkhacmai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.