Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

CÁCH MẠNG 1989

CÁCH MẠNG 1989

bauxitevn7:34 AM


Victor Sebestyen

Dịch giả:  Phan Trinh
Giới thiệu của người dịch:

Đây là bản dịch cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-Viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, dài 468 trang, do Nhà Xuất bản Pantheon Books, New York, phát hành năm 2009, nhân 20 năm sau 1989.
Có nhiều sách và cách viết về Cách mạng 1989, nhưng có thể nói cách của Victor Sebestyen là viết lịch sử bằng những câu chuyện người, rất đời. Đó là câu chuyện về nhiều nhân vật mấu chốt, từ Tổng Bí thư, Giáo hoàng, Tổng thống, tướng tá, mật vụ, đến công nhân, giới trẻ, tu sĩ, trí thức phản kháng…, đó cũng là câu chuyện về những vụ việc tiêu biểu, từ bán tù, chiếm đóng nhà máy, công đoàn, biểu tình, đàn áp, thủ đoạn, phản bội, sa lầy, thảm họa, dối trá, đến chuyện đàm phán, thoái vị, bầu cử tự do, đảo chính, tử hình lãnh tụ… Qua những câu chuyện này, lịch sử Cách mạng 1989 có lẽ sẽ trở nên gần gũi hơn với bạn đọc người Việt. Bản dịch này, không phục vụ mục đích thương mại, cũng được thực hiện theo lối dịch thoát ý, để bạn đọc phổ thông nắm bắt dễ dàng nhất, có thể, những sự kiện đã xảy ra cách đây hơn 25 năm ở Đông Âu, lúc thế giới chưa biết đến Internet.
Để bạn đọc dễ theo dõi, nhất là khi đọc trên mạng, các phân đoạn được người dịch đánh số và đặt tiêu đề nhỏ, đầu mỗi chương có liệt kê tiêu đề nhỏ để bạn đọc biết sơ qua nội dung trước khi đọc, các ghi chú trong ngoặc vuông cũng là của người dịch. Bản dịch khó tránh khỏi những sai sót, mong bạn đọc thông cảm và chỉ dẫn để bản dịch hoàn thiện hơn trong những lần hiệu chỉnh. Sách gồm ba phần và 51 chương đoạn, theo mục lục sau.
P.T.


MỤC LỤC
Giới thiệu: Câu chuyện có hậu
Dẫn nhập: Ngày tàn của bạo chúa 
PHẦN I: CHIẾN TRANH LẠNH
Chương 1: Xứ công nhân – Đời ở Đông Âu
Chương 2: Thông điệp hy vọng – Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II
Chương 3: Công đoàn Đoàn kết – Khởi đầu
Chương 4: Anh thợ điện Walesa – Công đoàn Đoàn kết 1980-1981
Chương 5: “Nội chiến” – Thiết quân luật ở Ba Lan
Chương 6: Vết thương rỉ máu – Afghanistan
Chương 7: Quyền lực dân đen – Vaclav Havel
Chương 8: “Cung thủ tài ba” – Cận kề tận thế
Chương 9: Bồ câu Mỹ đầu đàn – Ronald Reagan
PHẦN II: TAN BĂNG
Chương 10: Công đoàn Đoàn kết – Thời kỳ bị đàn áp
Chương 11: Tân Sa hoàng – Mikhail Gorbachev
Chương 12: Thanh kiếm và lá chắn – Mật vụ Đông Đức
Chương 13: Đồ đệ Lenin – Perestroika và Glasnost
Chương 14: Hungary: Chôn sống quá khứ
Chương 15: Không thể thắng ở Afghanistan
Chương 16: “Cho chúng ghét” – Rumani thời Ceausescu
Chương 17: Thảm họa hạt nhân Chernobyl
Chương 18: Bulgaria: Thanh lọc chủng tộc
Chương 19: Xanh mặt giữa Quảng trường Đỏ
Chương 20: Bộ tứ độc tài Đông Âu: Honecker, Zhivkov, Husak, Ceausescu
Chương 21: Afghanistan: “Việt Nam” của Gorbachev
Chương 22: Lãnh tụ già và thế hệ trẻ
Chương 23: Trận cuối ở Ba Lan
Chương 24: Tổng thống Bush nắm quyền
Chương 25: Gorbachev: Ngoài vinh quang, trong đấu đá
PHẦN III: CÁCH MẠNG
Chương 26: Hungary và Rumani đấu khẩu
Chương 27: Tiệp Khắc: Havel vào tù, quần chúng thức tỉnh
Chương 28: Ba Lan: Đàm phán Bàn tròn
Chương 29: Nhảy Tường Berlin: Bắn bỏ
Chương 30: Chiếc cầu hữu nghị – Rút quân khỏi Afghanistan
Chương 31: Chấn động Hungary: Hạ màn Sắt
Chương 32: Bush: Người Mỹ thận trọng
Chương 33: Ba Lan: Đối lập trung thành
Chương 34: Rumani: Nợ hết, độc tài còn nguyên
Chương 35: Đông Đức: Gian lận bầu cử
Chương 36: Bulgaria: Trục xuất người Thổ
Chương 37: Ba Lan: Long trời lở đất
Chương 38: Hungary: Cải táng Nagy, chôn một thời kỳ
Chương 39: Bush đến Đông Âu, Ba Lan lập chính phủ mới
Chương 40: Hungary: Dòng xe Trabant, vấn đề tị nạn
Chương 41: Ba Lan: Giới phản kháng nắm chính phủ
Chương 42: Đông Đức: Người đi tị nạn, kẻ ở xuống đường
Chương 43: Đông Đức: Kỷ niệm 40 năm và đảo chính
Chương 44: Đông Đức: Quyền lực nhân dân
Chương 45: Bức tường Berlin sụp đổ
Chương 46: Bulgaria: Đảo chính
Chương 47: Tiệp Khắc: Cách mạng Nhung
Chương 48: Phút yếu đuối – Cách mạng Rumani
Chương 49: Đoạn kết
CÁCH MẠNG 1989 – GIỚI THIỆU 
CÂU CHUYỆN CÓ HẬU 
40 NĂM ĐỔ TRONG VÀI TUẦN – BẤT NGỜ HAY TẤT YẾU? – MỘT SỐ NGUYÊN NHÂN (MẤT MÁU, NỢ SÂU, NGƯỜI MỚI, TRUYỀN HÌNH, PHƯƠNG TÂY) – VÀI GHI CHÚ
***
40 NĂM ĐỔ TRONG VÀI TUẦN
1.
Đây là câu chuyện kết thúc có hậu. Không ai có dịp chứng kiến niềm phấn kích vỡ òa trên đường phố Berlin, Praha, hay Budapest vào cuối năm 1989 mà không nhớ mãi những cảnh tượng phi thường ấy.
Ý dân đã thắng ý đảng độc tài, thắng chỉ trong vài tháng chóng vánh, và thắng bằng những cuộc cách mạng hầu như hoàn toàn bất bạo động, làm thay đổi bộ mặt thế giới. Đó là đoạn kết của câu chuyện sẽ được kể ở đây, đoạn kết khi người người đầy hy vọng sáng ngời, đầy lạc quan tỉnh táo, đầy lòng biết ơn chân thành, và liên hoan tưng bừng.
Một trong những chế độ bạo ngược nhất trong lịch sử loài người đã bị đốn ngã. Các thi sĩ và triết gia từng bị chế độ đầy đọa trong tù nay lại trở thành Tổng thống, hay Bộ trưởng các ngành.
Khi Bức tường Berlin sụp đổ vào một đêm lạnh buốt tháng 11/1989, ai nấy dường như đều ước ao những vết thương đau đớn của thế kỷ 20 thảm khốc sẽ bắt đầu được chữa lành. Và những giấc mơ ấy không hề hão huyền. Một số chuyên gia – đáng chú ý nhất tuy không phải duy nhất là học giả Francis Fukuyama – còn phấn khích dự đoán rằng lịch sử đã kết thúc, và những cuộc đấu tranh ý thức hệ trong tương lai sẽ không còn. Các chuyên gia đã nói đúng về quy mô và tầm quan trọng của những chuyển đổi năm 1989, nhưng không đúng khi nói lịch sử cáo chung.
Cả một lối sống và một cách nhìn thực tại – qua lăng kính Chủ nghĩa Cộng sản được Marx, Lenin và Stalin cổ xúy – đã lộ nguyên hình là một thử nghiệm thất bại thảm hại và ghê gớm. Sau bốn thập niên bị cầm tù – đến đầu năm 1989, tự do hay độc lập vẫn còn là điều rất xa vời, may ra nhiều năm sau mới có – bỗng chỉ trong vài tuần, tự do và độc lập được tái lập trên một vùng rộng lớn của Châu Âu. Chiến tranh Lạnh được tuyên bố kết thúc. Tuy vẫn còn hai siêu cường với đủ vũ khí hạt nhân để phá hủy thế giới vài lần, nhưng dường như lúc đó chẳng siêu cường nào muốn dùng.
Cách mạng 1989 đã thắp lửa hy vọng cho các dân tộc đang bị áp bức ở những vùng đất khác, rằng nếu dám khao khát, các dân tộc ấy cũng có thể tự giải thoát chính mình.
***
BẤT NGỜ HAY TẤT YẾU?
2.
Sự sụp đổ bất ngờ của đế quốc Xô-Viết hoàn toàn không được báo trước. Sau khi sự việc diễn ra, nhiều vị đáng kính trong giới khoa bảng, cũng như giới quân sự, truyền thông, chính trị hay ngoại giao, đã lu loa lên rằng họ đã thấy trước kết cuộc. Nhưng thật khó chứng minh họ nói đúng, ngay trong các cơ quan tình báo cũng không có chứng cớ đáng tin về việc này.
Hoạt động gián điệp giữ vai trò sống chết trong Chiến tranh Lạnh – trên thực tế lẫn trong tưởng tượng của công chúng Đông Tây, vì họ xem phim gián điệp hơi nhiều. Mặc dù cả phía Cộng sản lẫn Tự do đều chi những khoản tiền khổng lồ cho hoạt động tình báo, các gián điệp của họ vẫn không thể cho cấp trên ở Washington, Moscow hay London biết chế độ Xô-Viết thực sự suy yếu đến mức nào.
Trước khi biến cố 1989 xảy ra, không ai có ảnh hưởng đáng kể dự đoán được rằng toàn bộ cấu trúc nguyên khối hoành tráng, từng làm nhiều người khiếp sợ trong quá nhiều năm trời, sẽ hoàn toàn tan vỡ chỉ trong vòng vài tháng.
Chỉ có một ngoại lệ là nhà báo người Anh tên Bernard Levin. Cuối năm 1988, Levin viết một bài có tính dự báo rất cao, vẽ ra nhiều sự kiện trùng hợp với thực tế đến kỳ lạ. Nhưng khi viết, Levin cũng nói đó chỉ là tưởng tượng cho vui chứ không là dự đoán tiên tri.
Giới phân tích lúc đó hầu hết đều cho rằng Liên Xô sẽ đối mặt với một cuộc suy thoái tiệm tiến, đau đớn và chậm chạp, sẽ phải mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên, trước khi các nước chư hầu ở Trung và Đông Âu có thể thoát khỏi quỹ đạo Liên Xô.
Ngay James Baker, Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ, cũng nói rằng: ”Nếu ai đó bảo bạn rằng họ biết điều gì sẽ xảy ra, thì nói thật nhé, họ chỉ bốc phét”.
3.
Suốt gần nửa thế kỷ, các ông trùm Liên Xô đã giữ chặt chiến lợi phẩm thu được từ Thế chiến II.
Những Sa hoàng Đỏ ở Điện Kremlin xem những nước chư hầu họ sở hữu vừa là chứng cớ cho quyền bá chủ, vừa biện minh cho ý thức hệ Cộng sản – dù vào thập niên 1980, chủ nghĩa dân tộc đã trở thành động lực mãnh liệt hơn ý thức hệ rất nhiều. Họ đàn áp không thương tiếc các cuộc nổi dậy từ trong trứng nước, như đã diễn ra tại Budapest năm 1956 và Praha 1968. Lúc đó, có vẻ như “Bức màn Sắt”, tên gọi của 300 km tường bê-tông và hàng rào kẽm gai chia đôi lục địa Châu Âu, sẽ tồn tại vĩnh viễn.
Nhiều nhà phê bình nhìn lại thời kỳ này cho rằng việc đế quốc Xô-Viết sụp đổ theo cách đã đổ là điều tất yếu. Họ cho rằng đó là trường hợp tiêu biểu của một đế quốc khi bành trướng “quá căng”, rằng Liên Xô không đủ sức giữ những tiền đồn vừa xa vừa đầy trắc trở.
Nhìn lại có thể nói thế, nhưng với người trong cuộc vào thời điểm đó, với hàng trăm ngàn người xuống đường đòi tự do ở Tiệp Khắc, Đông Đức và Bulgaria thì sự sụp đổ của chế độ hà khắc trong nước họ không hề “tất yếu” chút nào. Vì nếu công an, vốn tuân lệnh những nhà độc tài, không sả súng vào họ thì lính Xô-Viết vẫn có thể bắn. Lính Nga đã từng làm thế nhiều lần, và giá máu rất đắt. Hồng quân Liên Xô có nửa triệu quân đóng tại Đông Âu, không phải là không thể ra tay.
Nhưng rồi, cả một hệ thống, một thể chế, một lối sống đã bị quét sạch đi, cùng với nửa tá lãnh tụ vừa độc tài vừa bất tài, lại tham nhũng và độc ác. Và điều đó xảy ra với rất ít bạo động, chỉ trừ vài ngày ở Rumani.
Nhưng, cách mạng cũng không “tất yếu” phải diễn ra trong hòa bình. Đã có thời điểm một mồi lửa nhỏ cũng có thể châm thùng thuốc nổ, suýt làm cho cả nửa lục địa bốc cháy.
Cũng chưa từng có đế quốc nào trong lịch sử từ bỏ quyền thống trị của mình nhanh như thế và ôn hòa như thế. Nhưng tại sao Liên Xô xuôi tay đầu hàng không kháng cự? Và tại sao lại là cuối thập niên 1980?
Tài liệu lưu trữ tại Liên Xô cũ và Đông Âu cho thấy Liên Xô đã kiệt quệ ra sao, đã hư nát thế nào và người Cộng sản Xô-Viết biết rõ, dù đau lòng, rằng Chủ nghĩa Cộng sản đã thất bại. Liên Xô đã đánh mất quyết tâm duy trì đế quốc của mình. Dĩ nhiên, những lãnh tụ ở Điện Kremlin cũng có thể để sự suy tàn diễn ra từ từ, trải qua nhiều thập niên, như Đế chế Ottoman xưa kia. Liên Xô cũng có thể gắng gượng lê chân thêm một thời gian dài nữa, như một đế quốc đáng gờm, tuy “nghèo rớt mùng tơi nhưng chơi hạt nhân”.
Nhưng, người Cộng sản Xô-Viết đã không làm như thế.
***
MỘT SỐ NGUYÊN NHÂN
4.
MẤT MÁU
Trong cuốn sách này, tôi viết kỹ về Afghanistan. Một số độc giả có thể hỏi vì sao tôi lại dành nhiều giấy mực trong một cuốn sách chủ yếu nói về Đông Âu để viết về chuyện xảy ra trên vùng đồi núi vây quanh Kabul? Thực ra, chính thất bại tại Afghanistan trong thập niên 1980 đã khiến các nhà lãnh đạo Xô-Viết phải từ bỏ Đông Âu, được xem như vùng “ngoại vi” của đế quốc, mặc dù lúc đó họ không thấy trước được hậu quả rõ ràng và logic như thế. Thảm bại quân sự ở Kabul đã khiến Liên Xô rụt rè, không muốn xua quân vào những mặt trận khác. Và khi không còn là một mối đe dọa bạo lực nữa, họ cũng không còn ở thế có thể duy trì vùng ảnh hưởng ở Đông Âu.
NỢ SÂU
Một nguyên nhân quan trọng khác là các nước chư hầu ở Đông Âu mắc nợ nước ngoài quá nhiều tiền, thậm chí một số nước vào cuối thập niên 1980 còn không trả được tiền lãi. Liên Xô cũng không còn hứng thú gì trong việc bảo kê những con nợ như chúa chổm này, nhất là khi cuộc khủng hoảng giá dầu giữa thập niên 1980 đã đẩy Liên Xô vào cuộc khủng hoảng kinh tế mà chính họ cũng không thể thoát ra. Trớ trêu là Chủ nghĩa Cộng sản ở Đông Âu chỉ có thể tồn tại nếu các ngân hàng tư bản phương Tây nạp tiền nuôi dưỡng nó.
NGƯỜI MỚI
Và như vẫn xảy ra, yếu tố con người cũng là nguyên nhân nền tảng. Lãnh tụ cuối cùng của Liên Xô, ông Mikhail Gorbachev, là một nhân vật đầy mâu thuẫn. Có thể xem ông như một lãnh chúa ở Điện Kremlin, người có thể đi đứng bằng đôi chân mình, nói năng bằng miệng lưỡi mình và suy tư bằng cái đầu của mình, khác hẳn các lão ông tiền nhiệm, những lão ông mà sức khỏe suy nhược phản ánh tình trạng suy nhược của chính đất nước họ. Ông và một ít cố vấn thân cận nghĩ rằng các nước chư hầu Liên Xô thực ra chẳng đáng giữ làm gì nếu chỉ có thể giữ được bằng xe tăng với vũ lực. Nhưng, tình ngay lý gian, ông làm đúng nhưng vì mục tiêu sai.
Mục tiêu lớn nhất của ông là bảo vệ Chủ nghĩa Cộng sản ở Liên Xô. Ông tin rằng người dân Đông Âu sẽ tự nguyện làm đồng minh với Liên Xô trong một “khối thịnh vượng xã hội chủ nghĩa” nào đó. Ông đã tính sai trầm trọng, vì khi cơ hội đến người dân Đông Âu đã hồ hởi bỏ ngay Chủ nghĩa Cộng sản. Gorbachev cũng không tài nào bảo vệ được nó ngay tại Liên Xô. Theo chuẩn mực của chính ông, có thể thấy ông đã thất bại, nhưng triệu triệu người trên thế giới có lý do chính đáng để mang ơn ông. Và ông cũng được yên ủi phần nào cho những sai lầm của mình khi được trao Giải Nobel Hòa bình năm 1990.
Nhiều nhân vật lớn được nhắc tới trong sách này đã nắm bắt được thực trạng khi đó của chế độ Cộng sản rõ hơn và đúng hơn Gorbachev. Đó là Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, là Lech Walesa, lãnh tụ công nhân đã đánh bại cái gọi là “nhà nước của giai cấp công nhân”, là Vaclav Havel, nhà biên kịch kiêm triết gia tự hóa thân thành một nhà hoạt động, là Erich Honecker, nhà độc tài Đông Đức cứng đầu. Tất cả họ đều biết Chủ nghĩa Cộng sản sẽ tiêu vong, nếu biết đẩy nó ngã đúng cách. Cũng vì đây là cuộc cách mạng được truyền hình đầy đủ đầu tiên, nên họ trở nên những gương mặt quen thuộc của quần chúng.
TRUYỀN HÌNH
Truyền hình có một ảnh hưởng rất lớn trong giai đoạn kịch tính này. Khi dân chúng Praha xem truyền hình thấy Bức tường Berlin sụp đổ, họ bắt đầu nghĩ rằng họ cũng có thể lật đổ kẻ thống trị mình. Chỉ 10 ngày sau, họ làm được điều đó. Nicolae Ceausescu mất mọi quyền lực vào đúng khoảnh khắc mặt ông mất thần sắc và hoảng loạn trên truyền hình Rumani, rồi mặt ông hóa đơ, sững sờ và cuối cùng lộ vẻ bất lực khi đám đông la ó phản đối trong cuộc tụ tập lớn ngay tại thủ đô Bucharest. Bốn ngày sau ông chết.
PHƯƠNG TÂY
Quần chúng Đông Âu tự giải phóng mình, nhưng phương Tây cũng giữ một vai trò quyết định. Mỹ “thắng” Chiến tranh Lạnh và bên thắng cuộc thường là kẻ viết lịch sử. Câu chuyện thường được rao truyền là Tổng thống Mỹ Ronald Reagan nhờ cứng rắn đã làm sụp đổ đế quốc ma quỷ Liên Xô.
Nhưng, người ta đã hiểu lầm Reagan. Thực ra thì chính sách “ngăn chặn” Cộng sản của phương Tây suốt 40 năm đã làm Liên Xô suy yếu, và Reagan đã không tiến thêm được bất cứ bước nào trong nhiệm kỳ bốn năm đầu của ông [1981-1984]. Chỉ sau khi Gorbachev xuất hiện trên chính trường, và khi Reagan áp dụng một đường lối hòa hoãn hơn thì lúc đó quá trình chấm dứt Chiến tranh Lạnh mới bắt đầu. Reagan đáng được kính nể trong nhiều lĩnh vực, như sách này tôi mong sẽ kể được. Nhưng điều oái oăm là những người ca tụng ông lại ca tụng những điều không đúng.
Thực ra thì nghịch lý vừa kể về Reagan còn ít ngược ngạo hơn điều vị kế nhiệm ông gặp phải, đó là Tổng thống George H. W. Bush [tại chức 20/1/1989-20/1/1993], một người cẩn trọng, ôn hòa và nhạy cảm. Bush đề cao “sự ổn định toàn cầu” như một trong những mục tiêu hàng đầu của ông. Trong năm 1989, khi những cuộc cách mạng dồn dập xảy ra, Bush lo ngại toàn cầu sẽ lâm vào tình trạng bất ổn. Ông từng là một nhân vật của Chiến tranh Lạnh, từng đứng đầu cơ quan tình báo CIA, và vào thời điểm này là lãnh tụ của Thế giới Tự do, nhưng – như một số tài liệu và các cuộc phỏng vấn sau này với các trợ lý của ông cho thấy – có những thời điểm vào giữa năm 1989, ông đã cố hết sức để giữ cho các chính quyền Cộng sản tiếp tục nắm quyền, vì nghĩ rằng Đông Âu có thể đang vuột khỏi tầm kiểm soát.
***
VÀI GHI CHÚ
5.
Trước khi vào chuyện, tôi cũng xin nói một chút về địa lý và cách dùng chữ trong sách này. Đây là câu chuyện về sự sụp đổ của vùng mà Liên Xô gọi là “đế quốc ngoại vi” – tức sáu quốc gia tạo thành Khối Warsaw, đặt dưới sự chi phối của Liên Xô. Đó là sáu quốc gia rất khác nhau về lịch sử, văn hóa, tôn giáo và trải nghiệm riêng. Trong quá khứ, họ nhiều lần đối đầu nhau và cũng nhiều lần liên kết với nhau. Tôi không cố gộp họ lại thành một khối đồng dạng, nhưng họ vẫn có một điểm chung lịch sử là trong 45 năm, họ bất đắc dĩ được nối kết với nhau vì cùng nằm dưới trướng của một kẻ thống trị. Vì vậy, cũng hợp lý khi tập trung vào sáu nước Khối Warsaw, vì trong bối cảnh năm 1989, các nước này tạo thành một tổng thể riêng biệt. Tôi không nói về Yugoslavia ở đây, vì nước này bắt đầu trải qua phút lâm chung của mình vào năm 1989 nhưng lại không nằm trong vùng ảnh hưởng của Liên Xô. Bi kịch của nước này cần một cuốn sách riêng.
Trong sách này, tôi dùng cụm từ Trung Âu hay Đông Âu thay thế cho nhau, và xin phép được làm vậy, tuy biết rằng đã có nhiều sách giải thích “Trung Âu” như một ý niệm hoặc một vùng đất riêng, giải thích “Trung Âu” kết thúc ở đâu và nơi nào thì “Đông Âu” bắt đầu. Tôi dùng hai cụm từ này với ý nghĩa như nhau, cốt để tránh lặp lại mãi một từ. Cũng vậy, tôi dùng cụm từ Liên Xô, hoặc Xô-Viết, hoặc Nga để chỉ cùng một điều, dù biết rằng “Nga” không phải là “Xô-Viết”, các cụm từ này được dùng thay nhau để câu văn trôi chảy tự nhiên hơn.
6.
Là một nhà báo vào thập niên 1980, lúc đó tôi đã tường thuật hầu hết những sự kiện kể trong sách này. Việc này có nhiều ý nghĩa với tôi và không chỉ là một câu chuyện. Gia đình tôi đào thoát khỏi Hungary, và tôi, khi ấy còn rất nhỏ, cũng là một người tị nạn đến từ “phía sau Bức màn Sắt”. Trong trí nhớ thuở non nớt nhất của tôi, tôi thấy mọi người quanh tôi nói với nhau như là đế quốc Xô-Viết hùng mạnh hoành tráng kia, kẻ đã làm điên đảo cuộc đời chúng tôi, sẽ tồn tại mãi mãi. Nhưng rồi, chúng ta thấy đế quốc Liên Xô yếu hơn là mọi người tưởng tượng.
Tôi đã may mắn có mặt ở đó vào một số thời điểm quan trọng khi đế quốc đỏ sụp đổ, giữa sự phấn khích và những bi kịch, và tôi xin phép được kể lại ở đây.

London, tháng 12/2008
VICTOR SEBESTYEN
Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-Viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.
P.T.
Dịch giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.