Việt Nam: Luật Đất đai và Luật Điện ảnh nên được sửa theo hướng nào?
LS Ngô Ngọc Trai
Hiện nay Luật Đất đai và Luật Điện ảnh là hai trong số nhiều văn bản luật đang được Quốc hội Việt Nam đưa ra sửa đổi. Là một luật sư thường xuyên dành mối quan tâm cho công tác lập pháp nên tôi cũng muốn chia sẻ ý kiến của mình.
Chụp lại hình ảnh: Hình ảnh một khu du lịch tại Phú Quốc, Việt Nam vào năm 2021
Củng cố quyền sở hữu
Đối với dự thảo sửa đổi Luật Đất đai tôi cho rằng cần được sửa theo hướng củng cố quyền sở hữu tài sản của công dân.
Qua nghiên cứu tìm hiểu thì thấy Luật Đất đai năm 2013 đang có hiệu lực tuy chỉ có 212 điều luật nhưng đã sử dụng tới 208 lần từ 'kế hoạch sử dụng đất' và 71 lần từ 'quy hoạch sử dụng đất'.
Điều này phản ánh quan điểm nhận thức về mức độ coi trọng quyền hạn rất lớn của các ban ngành quản lý đối với tài sản đất đai.
Thực tế thẩm quyền ban hành các bản quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đang được trao rộng rãi cho các cơ quan từ trung ương đến địa phương, tới tận các cấp tỉnh, huyện.
Cũng nên biết rằng đằng sau những bản quy hoạch, kế hoạch này là việc định đoạt thu hồi thay đổi chủ sử dụng và mục đích sử dụng đất đối với những mảnh ruộng vườn mà dân đang sử dụng.
Với thực tế hiện nay về tầm mức phát triển kinh tế xã hội đã đạt được, để giảm đi những hệ lụy của việc thu hồi đất, thì việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần phải thay đổi.
Thực tế lâu nay nhiều ban ngành quá coi trọng các mục tiêu phát triển theo kế hoạch mà chưa coi trọng yếu tố công lý và công bằng, từ đó ảnh hưởng tới chất lượng hiệu quả trong quản trị quốc gia.
Chụp lại hình ảnh: Luật sư Ngô Ngọc Trai cho rằng việc sửa đổi Luật Đất đai lần này cần củng cố thêm và tôn trọng quyền sở hữu sử dụng tài sản của công dân
Bởi thế tôi cho rằng việc sửa đổi Luật Đất đai lần này cần củng cố thêm và tôn trọng quyền sở hữu sử dụng tài sản của công dân.
Một ví dụ về hệ quả của những bất cập hạn chế trong những việc lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của địa phương, đó là mới đây khi tỷ phú bất động sản Trịnh Văn Quyết bị khởi tố hình sự, báo chí đã đưa tin về một dự án khu công nghiệp 286 hec ta trở thành bãi chăn trâu.
Đó là dự án được phê duyệt cấp phép cho tập đoàn FLC từ năm 2015 ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa để làm khu công nghiệp, nhưng sau 7 năm thì ngoài một chiếc cổng chào được xây dựng ghi tên chủ đầu tư thì phần còn lại của 286 hecta đất, trước đó là đất ruộng của người dân, lại đang bị để hoang trở thành bãi chăn thả trâu bò.
Liên quan đến bàn thảo về Luật Đất đai lâu nay nhiều ý kiến đã đặt vấn đề cần ghi nhận quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai như thông lệ các nước trên thế giới.
Nhưng nếu Luật Đất đai lần này vẫn chưa tiếp thu ghi nhận bằng câu chữ về quyền sở hữu tư nhân thì tôi cho rằng cần thúc đẩy quan niệm đó trong thực tế qua sự hiệu chỉnh các định chế.
Theo đó thì cần lược giảm đi thẩm quyền về ban hành những bản quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, để tiết giảm đi sự can thiệp và định đoạt của ban ngành quản lý địa phương đối với tài sản của công dân.
Nếu điều đó được thực hiện thì sẽ bù đắp phần nào cho điều đúng đắn chưa thực hiện được và có thể được kiểm chứng qua sự lược giảm đi cơ số lần sử dụng các thuật ngữ 'quy hoạch sử dụng đất' và 'kế hoạch sử dụng đất' vốn đã xuất hiện quá dày trong văn bản luật.
Đối với Luật Điện ảnh
Chụp lại hình ảnh: LS Ngô Ngọc Trai cho rằng Việt Nam cần phải cởi mở về nhận thức quan điểm về hoạt động của các nhà làm phim nước ngoài đến quay phim tại đây
Một vấn đề còn đang khúc mắc đó là liên quan đến hoạt động của các nhà làm phim nước ngoài đến quay phim tại Việt Nam.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản về sửa đổi Luật Điện ảnh muốn đoàn làm phim nước ngoài quay tại VN phải cung cấp kịch bản phim đầy đủ.
Báo chí dẫn lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ Văn hóa đặt vấn đề rằng phải làm thế bởi nếu nội dung phim của nhà làm phim nước ngoài gây ảnh hưởng tới an ninh chính trị thì ai chịu trách nhiệm và có dẫn ra một trường hợp làm ví dụ.
Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến của các Đại biểu Quốc hội khác đã cho rằng kịch bản phim là cái mà nhà làm phim muốn giữ bí mật, nay đỏi hỏi họ cung cấp thì sẽ khiến người ta e ngại làm mất đi cơ hội quảng bá đất nước qua phim ảnh.
Tôi thấy vấn đề nêu ra của cơ quan soạn thảo dự luật chỉ là cá biệt và không nên chỉ vì điểm cá biệt hãn hữu đó mà làm mất đi toàn bộ lợi ích của việc phát triển kinh tế văn hóa đất nước qua phim ảnh.
Thực tế nhà làm phim nước ngoài họ đến quay phim ở Việt Nam có thể vì cảnh đẹp thiên nhiên, vì muốn gắn bộ phim sản xuất với một thị trường tiềm năng dân số trẻ và đông, hoặc vì cảnh sắc phố thị có nét đặc sắc, đó là những điểm chính.
Còn nội dung xấu chỉ là hiếm có, có chăng là do có chút khác nhau về quan điểm nhận thức về một tình tiết đoạn cảnh nào đấy trong phim mà thôi.
Nếu điều đó xảy ra thì tôi cho rằng vấn đề là ở nơi mình cần phải cởi mở về nhận thức quan điểm.
Việc đặt ra những đòi hỏi chặt chẽ như cung cấp kịch bản phim nhằm ngăn ngừa triệt để nguy cơ rủi ro sẽ làm mất đi cơ hội lợi ích.
Khắt khe trong kiểm soát mà khiến đời sống kinh tế văn hóa ngột ngạt chậm tiến hẳn là điều không ai mong muốn.
Tôi lấy ví dụ như có thể hình dung về sự kiểm soát gắt gao ở Triều Tiên sẽ khó thể tạo ra phát triển kinh tế và nhận được giải điện ảnh danh giá như giải Oscar mà nền điện ảnh Hàn Quốc tự do đã đạt được.
Ngược lại, nếu Luật Điện ảnh mà để tồn tại một điểm hạn chế bất lợi cho phát triển mà vẫn được chấp nhận, thì hãy hình dung là nhiều dự luật khác cũng cứ với tâm lý e ngại tương tự, hy sinh một chút lợi ích phát triển cho công tác quản lý.
Mỗi nơi một ít, mỗi mảng lĩnh vực một ít, khi cùng tồn tại và tạo ra những trở ngại hạn chế chung thì điều đó sẽ gộp lại sẽ ảnh hưởng lớn tới tốc độ phát triển của đất nước.
N..N.T.
Bài thể hiện quan điểm riêng của LS Ngô Ngọc Trai từ Hà Nội.
Nguồn: BBC Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.