Ukraine đã tiêu diệt soái hạm Moskva của Nga như thế nào?
Nguồn: “How did Ukraine destroy the Moskva, a large Russian warship?” The Economist, 20/04/2022
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Ảnh: Chiến hạm Nga chìm ở Biển Đen sau khi bị tên lửa Ukraine tấn công, 18/04/2022 (Bản quyền thuộc về Shutterstock, 12898948a)
Đây là một trong những hình ảnh đầu tiên được đăng tải trên Twitter về tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Moskva của Hải quân Nga vốn đã bị chìm vài ngày trước trên Biển Đen. Soái hạm Nga hoặc đã bị trúng tên lửa của Ukraine – được cho là thuộc dòng 2xR-360 “Neptune” ASM – hoặc bị nổ kho đạn, tùy thuộc vào việc bạn chọn tin báo cáo của Ukraine hay Nga. Tuy nhiên, hình ảnh này có vẻ phù hợp với tuyên bố của Ukraine, rằng con tàu đã bị hai tên lửa tấn công vào mạn trái trước khi chìm, và có vẻ trái ngược với lời kể của Nga, rằng con tàu đã bị chìm khi biển động.
Sự sáng tạo của Kyiv và sai lầm của Moscow có lẽ đều đóng một vai trò nhất định.
Trước khi bị chìm, soái hạm của Hạm đội Biển Đen là một con tàu rất lớn. Moskva dài 186m, gần bằng chiều dài của hai sân bóng đá, và được trang bị các cảm biến, thiết bị gây nhiễu sóng vô tuyến, và súng. Con tàu được bảo vệ bởi ba lớp phòng không: các tổ hợp tên lửa S-300F và OSA-MA để bắn hạ mối đe dọa ở tầm xa lẫn tầm gần, cùng với súng tự động AK-630 Gatling sẵn sàng bắn đạn chì vào bất cứ thứ gì đến quá gần. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố con tàu chiến đã bị chìm sau khi một vụ hỏa hoạn do tai nạn đã làm nổ kho đạn trên tàu. Nhưng các đoạn phim quay lại cảnh con tàu bị hư hại, xuất hiện vào ngày 18/04, dường như lại xác nhận tuyên bố của Ukraine, rằng chính họ đã bắn trúng soái hạm Nga. Làm thế nào mà một bên được coi là yếu thế lại có thể gây ra tổn thất hải quân đáng kể như vậy?
Ngày 14/04, các quan chức Ukraine cho biết hai tên lửa chống hạm Neptune đã đánh trúng tàu Moskva. Giới chức Mỹ cũng xác nhận tuyên bố của họ. Các đầu đạn này được thiết kế và sản xuất tại Ukraine, dựa trên một mẫu tên lửa chống hạm của Nga có tên gọi là Kh-35. Tên lửa Neptune, mà phía Ukraine cho biết họ đã bắn từ một bệ phóng di động trên đất liền, là loại bay thấp, là là trên mặt nước. Điều này khiến chúng khó bị mục tiêu phát hiện hơn, đặc biệt là ở khoảng cách xa. Việc bám theo bề mặt cong của Trái Đất có thể giúp một tên lửa nằm ngoài vùng phủ sóng của radar, ít nhất là trong một thời gian. Sóng, mưa, và thậm chí sương mù đều có thể gây nhiễu sóng radar. Nhưng tốc độ của Neptune không thể sánh bằng khả năng tàng hình của nó. Khác với nhiều loại vũ khí chống hạm, tên lửa này di chuyển chậm hơn tốc độ âm thanh.
Thành công của vụ tấn công có lẽ còn nhờ các chiến thuật thông minh. Một thời gian ngắn trước cuộc tấn công, lực lượng Ukraine đã cho máy bay không người lái Bayraktar TB-2 bay đến gần tàu Moskva, một đại tá ở Kyiv, thủ đô Ukraine, nói với Economist. Những chiếc máy bay không người lái này, được sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ, đã rất hiệu quả trong việc chống lại các phương tiện bọc thép và pháo binh của Nga. Do đó, sự hiện diện của chúng phía trên tàu Moskva có thể khiến những người trên tàu bị mất lo lắng, đồng thời đánh lạc hướng hệ thống radar. Vị đại tá, người yêu cầu được ẩn danh, tuyên bố rằng máy bay không người lái đã đánh lạc hướng thủy thủ đoàn thành công, trong khi thu thập thông tin về mục tiêu cho tên lửa.
Nếu các máy bay không người lái có thể truyền thông tin về vị trí của Moskva trở lại cho tên lửa, thì radar của Neptune sẽ không phải hoạt động trong phần lớn thời gian tiếp cận mục tiêu. Đây là một sự trợ giúp lớn. “Thu thập thông tin” về một tàu chiến bằng radar nhắm mục tiêu có thể kích hoạt báo động. Theo Pierre-Henri Chuet, một cựu phi công chiến đấu thuộc Hải quân Pháp, radar của tên lửa có thể chỉ được bật trong khoảng hai phút cuối cùng của hành trình bay có thời gian kéo dài gấp 5 lần.
Vụ chìm tàu Moskva cũng phản ánh những thiếu sót của người Nga. Con tàu chiến chỉ hoạt động cách Odessa 60 hải lý, với hỗ trợ hạn chế từ phần còn lại của hạm đội, có lẽ vì Nga đã đánh giá thấp mối đe dọa từ Ukraine. Thiết kế của con tàu cũng khiến nó dễ bị tổn thương. 16 xi-lô chứa tên lửa chống hạm P-1000 “Vulcan” của con tàu đặc biệt dễ bị tấn công. Các mảnh đạn từ cuộc tấn công của Neptune có thể đã đốt cháy nhiên liệu tên lửa trong hầm, hoặc kích nổ một hoặc nhiều đầu đạn.
Dù khẳng định rằng tàu Moskva đã chìm vì lý do tai nạn, nhưng Nga vẫn cho di chuyển các tàu còn lại của hạm đội ra cách xa bờ biển Ukraine ngay sau khi vụ việc xảy ra. Họ cũng tiến hành các cuộc tấn công trả đũa vào Ukraine, bao gồm cả nhà máy sản xuất tên lửa Neptune nằm gần Kyiv. Nhưng giờ đây, người Nga sẽ gặp khó khăn hơn trong việc cung cấp năng lực phòng không cho hạm đội của mình. Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa Eo biển Bosphorus và Dardanelles, chặn đường các tàu chiến bổ sung, vì vậy Nga không thể gửi tàu thay thế. Vì vậy, một cuộc tấn công đổ bộ vào Odessa có vẻ sẽ rủi ro hơn nhiều. Và, theo lời vị đại tá, việc Ukraine thể hiện khả năng xuất sắc của mình có thể khuyến khích các đồng minh cung cấp nhiều hơn những tên lửa chống hạm mà họ đã hứa.
N.T.K.P. d.
Nguồn: Nghiencuuquocte
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.