Trẻ em như một con bài mặc cả
Lê Thanh Nhàn, dịch
29-4-2022
Nhiều trẻ vị thành niên từ Ukraine bị mang sang Nga. Moscow khẳng định, nhiều em trong số đó là trẻ mồ côi.
DNIPRO / MOSCOW — Cậu bé có thể khoảng năm hoặc sáu tuổi, tóc đen và răng thưa, có tên là David. Cậu bé nói: “Ở đó có những chiếc xe tăng. Họ đã bắn rất nhiều. Chúng cháu đã đi xuống hầm“. Cậu cùng với anh (em) trai Maxim xuất hiện trong một đoạn video mà hãng thông tấn Nga Ria phát hồi tháng Ba. Chủ đề: “Chính phủ” của “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” và chính phủ Nga đang làm gì để đưa trẻ em ra khỏi vùng chiến sự. Tất nhiên, Nga không gọi các hoạt động tác chiến là “chiến tranh” mà là “hoạt động quân sự đặc biệt”.
Ria, cũng như David và Maxim, cùng với mười bảy bé trai và bé gái khác, là những đứa trẻ và những đứa con nuôi từ Mariupol mà cha mẹ đã từ bỏ, những đứa trẻ hoặc cha mẹ nuôi của chúng đã biến mất. Nga coi chúng là trẻ mồ côi. Bài báo viết rằng: Khi các cuộc tấn công vào thành phố bắt đầu thì những đứa trẻ này đang được chữa trị trong một viện điều dưỡng Mariupol. Tất cả người lớn từ viện điều dưỡng đã rời khỏi thành phố và bỏ trẻ em lại, bài báo khẳng định.
Chỉ lúc đó quân đội Nga mới “cứu” các đứa bé từ 4 đến 17 tuổi này và đưa chúng đến một trại trẻ mồ côi ở Donetsk. Khuôn mặt của hai anh em này cũng có thể thấy trên các phương tiện truyền thông nhà nước khác của Nga. Đó là những bài báo về một trại trẻ mồ côi ở Nga.
Theo các nhà chức trách Ukraine và Nga, Nga mang hàng trăm người khỏi Ukraine mỗi ngày. Nga gọi đó là “sơ tán”; Ukraine nói đó là “bắt cóc”. Người Ukraine – được ở trong các ký túc xá chuyển tiếp trên khắp nước Nga hoặc ở nhờ nhà người thân, hoặc trong các trại trẻ mồ côi. Việc tiếp cận của các nhà báo sau hàng rào ở các cơ sở dân cư như vậy đều bị cản trở – hoặc chỉ được phép một cách có tổ chức.
Theo thông tin của Nga, Nga tuyên bố đã đưa 915.000 người Ukraine ra khỏi Ukraine, trong đó có 170.000 trẻ em. Bà Maria Lwowa-Belowa, ủy viên phụ trách bảo vệ trẻ em của Nga, cho biết, 1.700 trong số đó là trẻ mồ côi. Rất khó để nói liệu những con số này có đáng tin cậy hay không. Cơ quan Người tị nạn LHQ (UNHCR) cho đến nay đã xác nhận 550.000 người Ukraine bị trục xuất, trong đó có 121.000 trẻ em.
Ludmila Denisova, thanh tra viên tị nạn Ukraine, nói: “Họ đếm số người bằng cách đếm xe buýt . Chúng tôi đã yêu cầu danh sách với tất cả tên họ. Nhưng vẫn chưa có được điều đó. Do giao tranh liên tục, chúng tôi chưa có được các danh sách như vậy, vì không có thể tiếp cận các khu vực do Nga chiếm đóng. Và cũng không thể đến lãnh thổ của Nga”.
Trong khi đó, Nga đang đơn giản hóa luật nhận con nuôi đối với trẻ em từ Donbass. Tất cả các tin tức ở Nga chỉ nói về trẻ em từ khu vực này, mặc dù theo báo cáo của Ukraine, trẻ em từ các khu vực khác của Ukraine cũng đã bị bắt cóc.
Theo các chuyên gia Ukraine, điều này có thể liên quan đến việc Nga đang cùng soạn thảo với các khu vực ly khai Donetsk và Luhansk về các luật chung, bao gồm cả việc thay đổi luật nhận con nuôi. Vì lý do này, tất cả trẻ em Ukraine bị quân đội Nga bắt đi đầu tiên đều “đi qua” cái gọi là các cơ sở chăm lo ở “Cộng hòa Nhân dân” Donetsk và Luhansk, chủ yếu ở Donetsk. Sau đó, chúng được coi là “trẻ mồ côi từ Donbass”.
Những đứa trẻ cần phải học tiếng Nga
Trên các diễn đàn của Nga, những cha mẹ chăm sóc trao đổi lẫn nhau về cách nhanh chóng nhận trẻ em Ukraine làm con nuôi. Các nhà chức trách Nga không còn bận tâm đến cái quốc tịch Ukraine của những đứa trẻ. Người Ukraine phàn nàn rằng, người Nga cũng đang cố gắng phá hủy bản sắc Ukraine thông qua các biện pháp như vậy.
Trong khi đó, đài truyền hình nhà nước Nga phát những hình ảnh về cuộc đón tiếp vui vẻ của trẻ em Ukraine ở Moscow. Nhà ga được trang trí, vị thống đốc chờ đợi với những chú gấu nhồi bông màu hồng và xanh nhạt. Đó là những hình ảnh đáng lo ngại về cách ông ta lao về phía những đứa trẻ với món đồ chơi, ôm các cô bé, vui mừng, khi lũ trẻ gọi những người phụ nữ mà chúng không biết, bằng “Mẹ”. Ông ta chụp ảnh với bọn trẻ và tuyên bố rằng chúng vẫn ổn cả. Các tình nguyện viên đã xếp hàng để tiếp nhận những đứa trẻ làm con nuôi, bài báo cho biết.
Tại cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tuần này, Lvova Belova, Ủy viên bảo vệ Trẻ em của Nga, cho biết, các sổ đăng ký đặc biệt đang được thiết lập cho trẻ mồ côi Donbas. Việc chăm sóc nuôi dưỡng và nhận con nuôi từ Ukraine trở nên dễ dàng hơn. Putin nói: “Hãy cho tôi biết các rào cản quan liêu nẳm ở đâu để chúng tôi tiêu diệt chúng“. Chỉ có điều: Những đứa trẻ từ Donbass thực sự không còn gia đình sao?
Không (phải vậy).
Kia là cô bé Obedinska mười hai tuổi. Cô bé cũng bị mắc kẹt ở Mariupol. Cha cô đã chết trong cuộc không kích của Nga vào ngày 17 tháng 3, và mẹ cô đã chết trước chiến tranh. Kira được cho là đã ở trong một tầng hầm bên cạnh người cha đã chết trong nhiều ngày. Các binh sĩ Nga đã đưa cô bé bị thương cùng những đứa trẻ khác đến bệnh viện ở Donetsk, và sau đó là đến Nga. Theo nhà chức trách Nga thì cô bé chỉ có một mình.
Tuy nhiên, ở quê nhà Ukraine, Alexander và Svetlana Obedinski đã đấu tranh vì cháu gái của họ. Họ đã muốn đưa cô bé ra khỏi Donetsk, điều này hóa ra là không khả dĩ. Cơ quan chức năng yêu cầu họ trình giấy tờ quyền giám hộ. Nhưng họ phải làm thế nào để có được giấy chứng tử của con trai mình? Ông bà của cô bé không bỏ cuộc. Kira hiện đã trở về với người thân của cô ở miền tây Ukraine.
Kể cả hai anh em David và Maxim cũng không phải trẻ mồ côi. Chúng được cho là có mẹ nuôi người Ukraine, Ria để bà nói chuyện qua điện thoại. Đúng, Olga Lopatkina nói, những đứa trẻ đã đến viện điều dưỡng ở Mariupol để điều trị, sau đó bom ập đến. “Chúng tôi muốn đón và mang chúng nó ra, nhưng từ nhà của chúng tôi ở Wuhledar đến Mariupol phải mất hai đến ba giờ đi ô tô“.
“Tôi đã phải ẩn mình trong tầng hầm cùng với hai đứa con trai khác của mình. Chỉ là chúng tôi đã không đến được Mariupol“, cô ấy nói, nói về “sự đau khổ vô nhân đạo“. Cô mất liên lạc với David và Maxim, đành di tản cùng những đứa con khác của mình. Hiện gia đình này đang ở Pháp. Các nhà chức trách thông báo với cô rằng, hai đứa con trai bị lạc đang ở Nga. Cô ấy hỏi, gần như khóc: “Nhưng tôi phải làm thế nào để đưa chúng ra khỏi nước Nga?”.
Người Ukraine đang tìm kiếm người thân ở Nga
Không biết có bao nhiêu gia đình Ukraine đang tìm kiếm người thân của họ ở Nga. “Chúng tôi phải kiểm tra kỹ từng trường hợp cụ thể và cố gắng tìm hiểu xem những đứa trẻ đến với chúng tôi có thực sự là trẻ mồ côi hay không. Ekaterina Lakhova, chủ tịch Hội Phụ nữ Nga ở Moscow, nói về việc nhận con nuôi nhanh là quá sớm“. Tổ chức này thân với chính phủ Nga, nhưng phản đối việc nhanh chóng xếp trẻ em từ Ukraine vào các gia đình Nga.
Hội đồng thành phố Mariupol đang cố gắng lưu giữ hồ sơ tất cả những đứa trẻ mất tích. Phó Thị trưởng Mariupol Arkady Meshkov cho biết: “Đây là vấn đề vô cùng khó vì chúng tôi chỉ có thể làm việc với những thông tin do những người bà con cung cấp. Đôi khi chúng tôi cũng nhận thấy những tin tức tương ứng trên mạng xã hội hoặc trên báo chí Nga. Chúng tôi đang tham gia một cách có hệ thống vào việc giám sát này. Theo thông tin của chúng tôi, chúng tôi có thể xác nhận rằng, 5.487 trẻ em đã được đưa đi khỏi Mariupol“.
Nữ thanh tra Ukraina Denisova nói: “Hiện tại chúng tôi chỉ có thông tin rời rạc về số phận của những đứa trẻ đến Nga”. Họ biết rằng một số trong số chúng ở Okrug, khu tự trị Yamal-Nenets, miền bắc nước Nga.
Có trẻ em Ukraine ở Penza miền trung nước Nga. “Ở đó chúng sống trong một trại cô lập, chúng không được phép rời khỏi khu vực đó. Người ta nói rằng chúng sẽ đến trung tâm học ngôn ngữ, nơi chúng phải học từ tiếng Ukraine sang tiếng Nga”. Cô vừa nhận được một cuộc gọi, cho biết, cách Cheboksary 30 km, trên sông Volga, có 1.000 công dân Ukraina đến từ Mariupol. “Và ở Vladimir có một nhóm thanh thiếu niên 14-15 tuổi đến từ Mariupol. Chúng tôi vẫn chưa nhận được danh sách đầy đủ về những đứa trẻ“.
Không thể tìm hiểu xem những đứa trẻ từ Ukraine sống ở Nga trong điều kiện nào. Khi phương tiện truyền thông Nga gần gũi với báo cáo nhà nước, thì người ta nói rằng những đứa trẻ có “cuộc sống tốt đẹp” và có đủ để ăn, có trường mẫu giáo và trường học, và được “trang bị đồ chơi”.
Các nhà báo nước ngoài không có quyền truy cập gì. Ngay khi văn phòng của nhân viên bảo vệ trẻ em Lwowa-Belowa nghe tin một tờ báo của Đức đang liên lạc, cô thư ký đã gạt họ đi: “Tôi không biết tại sao người có trách nhiệm cũng không nghe điện thoại“. Như vậy “người có trách nhiệm” vẫn chưa biết được người ta đang muốn bàn về chủ đề nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.