Thứ Hai, 16 tháng 5, 2022

Tranh luận cuối cùng trước ngày bầu cử Tổng thống tại Pháp năm 2022

 

Tranh luận cuối cùng trước ngày bầu cử Tổng thống tại Pháp năm 2022

Quản Mỹ Lan

Ngày 24 tháng 4 nghĩa là còn vài ngày nữa sẽ là ngày bầu cử vòng II, người dân Pháp chọn người lãnh đạo tối cao và ngày 20 tháng 4 là buổi tranh luận cuối cùng trước khi người dân Pháp sử dụng lá phiếu thi hành quyền và bổn phận công dân của mình. Cuộc tranh luận được tổ chức tại phòng thu hình La Plaine Saint Denis tại Seine Saint Denis, một vùng phụ cận phía bắc Paris và được tất cả mọi đài Truyền hình cũng như hầu hết các đài Phát thanh đồng loạt thu hình, thu âm để phát ra trên toàn nước Pháp và các vùng lãnh thổ thuộc Pháp, mọi cử tri ở mọi nơi có thể theo dõi dễ dàng.

Hai ứng cử viên là Tổng thống đương nhiệm ông Emmanuel Macron (EM) (sinh ngày 21/12/1977 tại Amiens) lãnh đạo đảng La République En Marche và Marine Le Pen (MLP) (sinh ngày 05/08/1968 tại Neuilly-sur-Seine – Hauts-de-Seine), đại diện đảng Rassemblement National, tên mới của đảng Front National thuộc phe cực hữu nhưng nay đang cố gắng xóa mờ hình ảnh nguồn gốc đó của bà. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dương tính với COVID-19 | Châu Âu |  Vietnam+ (VietnamPlus)

Ứng cử viên Tổng thống Pháp cảnh báo về viện trợ vũ khí cho Ukraine

Điều đầu tiên là Marine Le Pen không chấp nhận người phóng viên đề nghị (Anne Sophie Lapix) nên tổ chức đã phải đổi và mời cô Léa Salamé và Gilles Bouleau thay thế. Về việc gặp gỡ những nhà báo thì MLP hơi khó tính, như khi được chương trình “C à Vous” của đài France 5 mời phỏng vấn đặc biệt bà ấy đã từ chối vì trong nhóm phóng viên của chương trình này có mặt Patrick Cohen, một nhà báo rất giỏi! Ngoài ra phe MLP cũng đòi hỏi EM phải “thảo luận đứng đắn” (!!!) cũng như không được chiếu hình người thứ 2 khi người thứ 1 đang phát biểu, kinh nghiệm lần tranh luận cách đây 5 năm khi Macron đang nói thì Le Pen lo lục hồ sơ! Cuối cùng thì MLP cũng phải chấp nhận là được đưa hình người thứ 2 nếu người này đang nhìn người thứ 1 phát biểu. v.v… Sau cuộc bốc thăm, MLP được nói trước và ngồi bên tay phải trước mặt hai phóng viên. Hai ứng viên sẽ được 23 caméras lấy hình trên tất cả mọi góc cạnh. Phe của MLP chỉ lo bà ấy sẽ có những nụ cười khinh mạn, sẽ quá căng thẳng, dễ mất bình tĩnh sẽ có những phản ứng hớ hênh v.v… như kỳ trước cách đây 5 năm. Trong khi đó thì EM được khuyên là nên phát biểu với những từ ngữ dễ hiểu*, không nên “hạ” đối thủ sát ván quá (khiến cử tri thấy tội nghiệp cho MLP và bầu cho bà ấy!) 

19 giờ 46: Marine Le Pen đến phòng thu hình.

19 giờ 51: Emmanuel Macron đến.

Vừa đến nơi MLP đã tỏ ra bất mãn vì trang trí màu sắc trong phòng (vàng, xanh, đỏ!). Tuy nhiên sau đó, trước khi ngồi vào bàn tranh luận, EM và MLP đã tươi cười bắt tay nhau. MLP chỉ hơi bị trục trặc chút xíu khi Léa Salomé vùa nói xong phần giới thiệu, nhạc chưa chấm dứt thì MLP đã bắt đầu nói nên phải bắt đầu lại.

Như tiên đoán, những vấn đề hóc búa của nước Pháp được đưa ra và người ta nghĩ EM sẽ bị MLP tấn công vì thường thì người nắm quyền bị chỉ trich bởi người không nắm quyền. Ở đây MLP còn được lợi hơn là ở thế tiên phong, nghĩa là người nhờ bốc thăm được đặt vấn đề trước.

Chủ đề đầu tiên MLP đưa ra trong cuộc tranh luận là mãi lực của người dân sút giảm, một nước Pháp chia rẽ vì người nghèo sống không nổi, thiếu an ninh, khủng hoảng năng lượng v.v… Theo MLP thì 5 năm nắm quyền của EM hoàn toàn thất bại. MLP cho rằng nếu được đắc cử thì bà ấy sẽ tăng lương 10% cho mọi người, sẽ cắt bỏ thuế thu nhập cho người trẻ dưới 30 tuổi, sẽ bỏ (loại) thuế 5% đánh vào những nhu yếu phẩm thiết yếu. MLP nói: “Trả lại tiền cho người dân” (được lặp lại nhiều lần). “Nước Pháp là một đại cường, chính EM đã làm giảm uy tín của nước Pháp khi đặt quốc gia dưới ảnh hưởng của Mỹ và Đức! Pháp cần phải được độc lập, không phụ thuộc vào các nước khác v.v…“.

EM đã trả lời là MLP không thể tăng lương cho bất cứ ai vì đó là việc chủ nhân doanh nghiệp quyết định, không phải việc của Tổng thống. EM chủ trương là chính phủ sẽ cấp tiền (chèque, chi phiếu) cho những ai xét thấy cần thiết, đó là việc chính phủ làm được. EM cũng chủ trương giảm thuế cho giới chủ nhân để họ có thể thu nhận nhiều nhân viên hơn, giảm thất nghiệp cho đất nước.

Còn việc miễn thuế cho người trẻ dưới 30 tuổi thì các nhà phân tich đã đề cập đến cái sai tai hại của việc này nhưng có lẽ MLP và phe của bà ta đã không lưu ý! Rất đơn giản là việc này sẽ tạo ra sự bất công khủng khiếp khi 1 người 31 tuổi lương 24.000 euros/năm sẽ phải đóng thuế trong khi Kylian Mbappé, người chơi túc cầu (bóng đá) quốc tế nổi tiếng thế giới, lương 2 triệu euros/năm không phải đóng thuế vì cậu ấy dưới 30 tuổi (chưa đủ 24 tuổi sinh 20/12/1998)!

Việc cắt giảm thuế TVA** 5% trên nhu yếu phẩm cần thiết thì EM cũng thấy không được vì việc ấy sẽ gây ra một khoản thất thu khổng lồ cho ngân sách quốc gia, trong khi đó “hai chúng ta không cần đến”, sau đó Macron thêm “4 người trong chúng ta ở đây không cần khoản tiền giảm thuế đó!” (EM muốn nói là 2 phóng viên và 2 người được phỏng vấn không “nghèo” để cần mua nhu yếu phẩm rẻ được vài đồng bạc)! Về năng lượng thì chúng ta không nên lo lắng vì nước Pháp có nhà máy điện nguyên tử, có các éoliennes (điện gió). 

Vấn đề thứ hai được nêu ra là việc ứng xử quốc tế trước tình hình thế giới trong đó có cuộc chiến tại Ukraine, MLP cho rằng việc EM đi gặp Putin là vô ích, Putin không coi TT Pháp ra gì nên vẫn đánh Ukraine. Trong khi đó EM thấy việc gặp Putin cố gắng thuyết phục nhà lãnh đạo Nga là việc phải làm vì EM không phải chỉ đại diện nước Pháp mà đại diện cả cho cộng đồng Âu Châu vì ông ấy đang giữ chức vụ Chủ tịch của Âu Châu. Thương thuyết là một lãnh vực mà EM làm được***, MLP không làm được vì MLP là con nợ của một ngân hàng Nga, môt ngân hàng gần gũi với Putin, 1 lần Jean Marie Le Pen vay 2 triệu euros, lần thứ 2 là món nợ 9,1 triệu euros do Marine Le Pen từ 2014 thời còn có tên Front Nationnal (khi ấy MLP đã là chủ tịch của FN), đến nay chưa trả. Thực ra vì bị ngân hàng làm áp lực nên năm 2020 MLP mới bắt đầu trả! MLP biện luận rằng đảng của mình là một đảng nghèo (?) bắt buộc phải vay tiền ở Nga vì không thể vay của bất cứ ngân hàng nào của Pháp hoặc của Âu Châu! Theo MLP thì bất cứ người dân nào cũng có quyền mượn tiền ngân hàng để mua nhà, mua xe v.v… Nhưng không người dân Pháp nào lại nghĩ chạy sang Nga mượn tiền để mua nhà mua xe! Chẳng ai đặt câu hỏi tại sao không ngân hàng nào tại Pháp hoặc Âu Châu không cho MLP vay tiền!

MLP không thể chối cãi là từng sang Nga gặp Putin trong kỳ bầu cử trước và luôn luôn tuyên bố ủng hộ, ca tụng Vladimir Putin cho tới gần đây MLP mới thay đổi khi nói Putin xâm lăng Ukraine. Trong một lần xuất hiện trên truyền hình, MLP bị một phụ nữ giơ cao tấm bảng hình MLP chụp chung với Putin, lập tức những người bảo vệ an ninh của bà đã lôi xềnh xệch người đàn bà dưới đất kéo đi. Khi bị tố cáo, MLP lấp liếm bảo đó là cảnh sát! Một sự dối trá trắng trợn. 

Ngay chính nhà bất đồng chính kiến người Nga luật sư Alexei Navalny, từng bị đầu độc bởi thế lực của Putin, tuy đang ở trong tù, từ Moskva cũng gửi message ra ngoài kêu gọi mọi người dân Pháp bầu cho Macron vì thấy MLP thân thiết với Putin. 

Bà Le Pen gặp ông Putin, kêu gọi dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga

Người dân Pháp không thể nghĩ nước Pháp được điều hành bởi một người thân Putin, một con nợ của Nga, mượn tiền của một ngân hàng thân cận với Tổng thống Nga, là nơi rửa tiền, những đồng tiền mờ ám! Đó là chưa nói đến chính bản thân MLP lấy tiền của Quốc hội Âu Châu trả lương cho nhân viên làm việc cho đảng RN của bà ta. Sau khi bị tòa án kết tội, MLP đang trả dần!

MLP cũng chủ trương nước Pháp cần độc lập, nên rút khỏi NATO (minh ước quân sự Bắc Đại Tây Dương). Trước đây MLP còn lý luận rằng Pháp cần rút ra khỏi cộng đồng chung Âu Châu (UE), ra khỏi khối tiền tệ euros. Nay vì xảy ra chiến tranh tại Ukraine nên MLP không dám nhắc tới trong cuôc tranh luận cuối cùng nhưng vẫn có trong chương trình cùa bà ta và nói trớ đi là Pháp cần độc lập, không thể để bị chế ngự bởi các thế lực mạnh trong khối (nhằm ám chỉ Mỹ và Đức) trong khi đó với EM chính Pháp là một lực lượng mạnh trong UE và cà NATO. Pháp là quốc gia duy nhất trong 27 nước UE có vũ khí nguyên tử và sự liên kết Pháp Đức là một liên minh mạnh trong khối. Nếu không ở trong UE thì chúng ta đã không có vaccine sớm để khống chế đại dịch Covid-19. Không ở trong UE chúng ta không có máy bay thương mại Airbus! Kiểu co cụm do MLP chủ trương rất tai hại cho nước Pháp.

Một vấn đề khá nhạy cảm mà thường những người dân túy (populist) bám vào để lấy lòng cử tri đó là việc hưu trí. Trong khi EM chủ trương dần dần tiến tới việc về hưu ở tuổi 65 hoặc 64 thì MLP chủ trương người dân về hưu ở tuổi 60, 62! Nên nhớ là người dân Pháp sống no đủ nên ở lứa tuổi 64, 65 vẫn còn rất tráng kiện và phần đông, nếu họ về hưu đều tìm làm những việc khác kiếm tiền thêm. Trong khi đó quỹ nhà nước sẽ thâm thủng khi số người trẻ đi làm đóng thuế không đủ để nuôi người về hưu chưa già và quá đông. Vẫn biết thế, biết đó là chuyện đương nhiên người bình thường còn thấy huống gì một người làm chính trị chuyên nghiệp như MLP nhưng bà ta vẫn nói để câu khách, những cử tri kém hiểu biết chỉ thấy, chỉ muốn nghe những điều bùi tai. Ai cũng biết người dân Pháp cấp thấp vốn chỉ thích làm ít (muốn làm 32, 35 giờ 1 tuần) nhưng nghỉ hè, nghỉ đông dài, về hưu sớm (lãnh tiền hưu rất cao so với lương khi đi làm) và phải có nhiều tiền để đi chơi khắp nơi! Vì thế luận điệu vuốt ve mị dân của MLP rất đẹp lòng dân chúng, bà ta luôn luôn tự gắn mình với nhân dân và phân biệt Tổng thống Macron và nhân dân, làm như đó là hai thực thể đối chọi nhau. 

MLP cũng chỉ trích EM về chuyện hưu trí đưa đến vấn đề người già trong những nhà hưu dưỡng, nhà già, rồi liên quan đến số bác sĩ, y tá, nhân công chăm sóc những người đó mà bà ấy cho là một sự thất bại nặng nề của chính quyền EM… Trong khi đó nhà nước hiện nay chủ trương giúp đỡ người già ở tại nhà của họ lâu nhất có thể được, tạo hơn 50.000 việc làm giúp đưa người đến nhà chăm sóc cho họ. Kiểm soát thường xuyên tại những viện dưỡng lão dành cho những ai cần chăm sóc y tế thường trực. Tương lai chính quyền Macron sẽ thành lập quỹ “tiền giúp thích ứng” (prime d’adapt) có thể giúp thanh toán đến 70% chi phí người già phải bỏ ra để được chăm sóc tại gia.

Vấn đề tương lai con em, bảo vệ súc vật, về trường học, nhà ở cho sinh viên, về vấn đề di dân, chuyện về phương pháp chuyển sức gió thành điện năng éoliennes mà MLP cho là vô ích cần dỡ bỏ v.v… MLP nhìn đâu cũng thấy đen tối, thất bại của EM. Trong khi đó, theo EM, 700.000 chỗ ở cho sinh viên và người trẻ đã được xây cất trong 5 năm qua. Quạt điện gió (éoliennes) chính là năng lượng sạch cần xây cất thêm ngoài biển để không làm mất vẻ mỹ quan của khung cảnh hiện hành. EM phản bác ý tưởng của MLP là đòi dỡ bỏ những éoliennes hiện có. 

EM cũng chủ trương giúp đỡ những công ty khởi nghiệp (start up), giúp họ bằng cách giảm thuế để có thể phát triển về những ngành liên quan đến tin học. Những bậc cha mẹ cũng cần kiểm soát những phương tiện điện tử của con cái và quan tâm để ngăn ngừa sự tấn công tình dục tại học đường. EM cho rằng nhà trường cần dạy thêm về tiếng Pháp, toán và thể dục, tài trợ cho học sinh gặp khó khăn cũng như tuyển chọn thêm và tăng lương cho giáo chức. 

Về việc cho rằng Pháp bị tràn ngập di dân, MLP nói nếu bà ấy được trúng cử làm Tổng thống thì sẽ tổ chức trưng cầu dân ý để cấm dân nhập cư. Bà ấy cho rằng từ nhiệm kỳ 2017 của ông Macron đến nay đã có hơn 1 triệu 500 người di dân bất hợp pháp tràn vào và những người Hồi giáo đã làm cho đời sống dân chúng không còn an toàn nữa, ăn cắp, ăn cướp khắp nơi. Ở đây MLP đã nhầm lẫn giữa đạo Hồi (Islam) và những phần tử khủng bố theo đạo Hồi (térroriste islamique)! EM nói một cuộc trưng cầu dân ý như thế cần phải có sự thỏa thuận của lưỡng viện Quốc hội và việc chống di dân như thế là đi ngược lại Hiến pháp vì Hiến pháp của Pháp quốc ghi rõ Pháp là 1 nước “laïque” (nhà nước độc lập với các tổ chức Giáo hội), ca ngợi lòng bao dung. Tẩy chay người hoạn nạn không phải là truyền thống của người dân Pháp nhưng nước Pháp chống khủng bố và đã tăng cường hàng 10.000 công việc trong ngành cảnh sát, hiến binh (gendarmes) để giải quyết vấn đề an ninh xã hội. Tóm lại để giải quyết di dân đến Pháp và Âu Châu một cách bất hợp pháp, cần có sự thỏa thuận ở tầm mức quốc tế, giữa những quốc gia liên quan chứ khi chưa có 1 hiệp ước nào về việc này thì sự việc sẽ không thay đổi. 

Nhận xét chung cho thấy là những vấn đề MLP đưa ra nhằm “kết án” sau 5 năm cầm quyền của EM đã được EM trả lời, phân tích một cách thông suốt và lắm khi làm cho nữ ứng cử viên bị bối rối. Điều làm người ta lo sợ là cách hành xử của EM quá ngạo mạn đã không xảy ra, trái lại sự việc diễn ra cho thấy đây như 1 lần trả bài của một học sinh hơi yếu kém trước một ông thầy! 

Phải nói là Emmanuel Macron nắm vững vấn đề và quá “trên chân” Marine Le Pen. Điều ấy dễ hiểu vì EM có 5 năm thực sự điều hành đất nước, thực sự đối mặt với vấn đề và đã thực sự giải quyết vấn đề, nên chuyện “con mèo vờn chuột” không thể tránh khỏi. Vì vậy với 5 năm chuẩn bị chỉ để chờ ngày này thì quả là MLP đã không tạo được cảm tưởng tốt cho ngay cả những người muốn “thử lửa” xem một người phụ nữ như MLP có thể nào nắm vận mệnh nước Pháp hay không! Kinh nghiệm khi nhìn qua nước khác trước phong trào dân túy đang nở rộ, người ta cũng thấy rằng việc đất nước rất khác với việc chơi một canh bài.

Bầu cử tại Pháp cho ta thấy việc con người sống trong dân chủ, có ý niệm vững chắc về dân chủ không phải nhiều dù rằng nước Pháp là một trong những nước đi đầu về dân chủ. Những gì MLP đưa ra trong dự án chính trị của bà ta cho thấy đó là một con người phi-dân-chủ và mị dân tự trong tâm can.

Vì chỉ có 2 người được số phiếu cao nhất tranh chức Tổng thống nên mặc dầu chỉ thua MLP không bao nhiêu nhưng Jean Luc Mélenchon (JLM), đại diện cho cực tả (nhưng chưa phải là Cộng sản), đã không được vào chung kết! Điều ấy gây bực bội cho JLM. Với một khuôn mặt biểu lộ sự tức giận cực độ, ông ta kêu gọi dân chúng khi bầu Quốc hội vào tháng 6 sắp tới, mọi người nên bầu cho đảng LFI của ông ta để nếu đảng này được đa số, sẽ có chuyện “cohabitation” (sống chung) và Tổng thống phải đề cử một Thủ tướng của phe đa số trong Quốc hội, như đã xảy ra trước đây với Mitterrand và Chirac.

Có ngưởi hỏi tại sao nước Pháp lại có quá nhiều ứng cử viên Tổng thống? Điều đó không gây phiền hà cho người dân vì những ứng cử viên đó đại diện cho những nhóm người có khuynh hướng chính trị khác nhau và người cuối cùng được bầu làm Tổng thống là người quan tâm đến mọi khuynh hướng khi lãnh đạo đất nước, như thế mới thực là dân chủ vì mọi người có quyền lên tiếng về một vấn đề hệ trọng của đất nước. Dĩ nhiên là cuối cùng ý kiến nào được đa số người dân biểu đồng tình thì ý kiến đó mới được thi hành.

Kết quả của vòng I cho thấy hai khối cực tả và cực hữu gặt hái được số phiếu hầu như ngang nhau, chỉ có người chủ trương trung dung là đạt được số phiếu cao nhất; như vậy khi điều hành đất nước phe trung dung cần lưu ý tới những gì “hai phe thua trận” đưa ra. Trong một quốc gia tự do dân chủ nếu chúng ta có chừng 5% cho cực tả và 5% cho cực hữu là tốt, không có gì phải phàn nàn cả. Những phần tử này, một khi họ không nắm chính quyền, không thể áp đặt một nhà nước độc tài chuyên chính (dù cực tả hay cực hữu) nhưng để lấy lòng dân họ thường đưa ra những ý kiến tốt cho dân khiến chính quyền phải quan tâm thì mọi sự đếu tốt đẹp. 

Tin cuối cùng ngày 21 tháng 4 cho thấy sau cuộc tranh luận ngày 20 kết quả cuộc thăm dò thì Tổng Thống đương nhiệm Emmanuel Macron được 57, 5% phiếu bầu và ứng viên cực hữu Marine Le Pen được 42, 5% phiếu. Con số này hiện nay vẫn du di tùy theo cơ quan thăm dò hay người phát biểu ý kiến. Người dân chỉ còn chờ đợi kết quả chính thức sau ngày chủ nhật 24 tháng 4 để chào đón Tổng thống nước Pháp nhiệm kỳ 2022-2027.

Q.M.L.

Pháp quốc, ngày 21/4/2022

Chú thích

* Ở nhiệm kỳ đầu, Macron đã từng bị chỉ trích khi dủng những từ ngữ cao siêu khó hiểu mà một nhà báo đã nói muốn hiểu những bài thuyết trình của TT thì phải có quyển tự điển bên cạnh. 

** Thuế TVA (taxe sur la valeur ajoutée or VAT value added tax) thuế trị giá gia tăng đánh trên sản phẩm tiêu dùng hoặc dịch vụ.

*** Trong cuộc chiến tại Ukraine, EM, UE và NATO đã vô tình áp dụng binh pháp của Mã Tốc (Cũng có tên là Mã Tắc 馬謖): công tâm (攻心) là ưu tiên 1, công thành (攻城) là ưu tiên II và ai đó đã thêm vào công lương là ưu tiên III. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.