Sáu năm sau thảm hoạ Formosa, nhiều người vẫn chờ đền bù Formosa
2022.04.05
RFA Tiếng Việt
Người dân một huyện ở Hà Tĩnh yêu cầu Chính quyền địa phương đền bù thiệt hại do thảm hoạ Formosa vào năm 2016. Người dân gởi cho RFA
Cách đây sáu năm, tại bờ biển Vũng Áng, Hà Tĩnh bắt đầu xuất hiện cá hiện tượng cá chết hàng loạt, dạt trắng bờ biển. Sau đó, trình trạng này nhanh chóng lan rộng ra bốn tỉnh miền Trung Việt Nam, bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Công ty sản xuất thép Hưng Nghiệp Formosa đóng tại Vũng Áng, Hà Tĩnh, bị xác định là thủ phạm xả thải gây ra thảm hoạ môi trường đó. Công ty đã đứng ra xin lỗi và đền bù 500 triệu đô-la, nhưng không trao cho nạn nhân là những người dân trực tiếp chịu thiệt hại, mà lại trao cho Chính phủ Việt Nam.
Cho đến nay, hậu quả mà thảm hoạ môi trường do Formosa gây ra vẫn chưa khắc phục hoàn toàn. Rất nhiều nạn nhân chưa nhận được tiền bồi thường, hoặc số tiền nhận được quá thấp so với thiệt hại.
Một số người mà Đài Á châu Tự do phỏng vấn trong bài viết này đều xác nhận rằng họ chưa được đền bù thoả đáng. Thậm chí có gia đình còn đang đứng trên bờ vực phá sản.
“Đang trên bờ vực phá sản”
“Chúng tôi đang đứng bên bờ vực thẳm phá sản, chúng tôi bị thiệt hại rất chi là lớn và chúng tôi đã bán đất hết rồi chứ không phải là gần hết nữa. Và bây giờ chúng tôi đang phải cầm cự từng ngày từng giờ!”.
Đó là lời của chủ một doanh nghiệp sản xuất các loại mắm ở Lộc Hà, Hà Tĩnh khi nói với Đài Á châu Tự do về tình trạng kinh tế gia đình ông hiện nay, sáu năm sau thảm hoạ Formosa.
Gia đình ông có truyền thống làm mắm tại Lộc Hà, Hà Tĩnh, đến nay tuổi nghề đã được 40 năm. Vì biển nhiễm độc, cá chết hàng loạt, không ai chịu thu mua nên hiện ông còn tồn khoảng 340 tấn mắm từ năm 2016, mỗi tấn trung bình khoảng 70 triệu đồng.
Chính quyền địa phương ban đầu chỉ đồng ý đền bù cho ông 17 triệu đồng tiền hỗ trợ người lao động. Còn số mắm tồn, không bán được thì bị từ chối bồi thường với lý do “không nằm trong danh mục được bồi thường”:
“Từ năm 2017, họ (chính quyền địa phương - PV) đã gửi một cái biểu mẫu bảo chúng tôi kê khai, thì sau đó đã không cho chúng tôi vào danh mục được bồi thường. Vì họ bảo là Chính phủ nói không có trong danh mục được bồi thường, chỉ được bồi thường về vấn đề tiền lao động mà thôi.
Hàng của chúng tôi là hàng hải sản tẩm ướp nhưng Hà Tĩnh không công nhận mắm ruốc là hải sản tẩm ướp”.
Đến năm 2020, Thủ tướng lúc đó là ông Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với tỉnh Hà Tĩnh, rồi sau đó ra một bản thông báo trong đó có nội dung quy định hợp nhất về vấn đề từ ngữ, xác định “hải sản tẩm ướp” có bao gồm mắm ruốc và các loại mắm khác. Khi đó, các mặt hàng mắm ruốc do gia đình ông sản xuất được xếp vào danh mục được bồi thường.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Hà Tĩnh ban hành Kế hoạch 218 để rà soát, xác định thiệt hại của các hộ kinh doanh mặt hàng hải sản tẩm ướp trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, ông cho biết mặc dù đã gửi tất cả hồ sơ để chứng minh, nhưng chính quyền Hà Tĩnh sau đó kết luận rằng hàng trăm tấn hàng tồn của ông không phải là thiệt hại do thảm hoạ Formosa năm 2016:
“Huyện Lộc Hà và Ngọc Hà là đã có kết quả bằng giấy tờ rằng không đáp ứng được tiêu chí ở trong kế hoạch số 218. Nói chung cái phương án đó đặt ra là để ngăn chặn đồng tiền bồi thường cho dân thôi”.
Chia sẻ về tình hình hiện nay, người này nói tổng cộng gia đình ông đã lỗ khoảng 15 tỷ đồng từ sau thảm hoạ Formosa, phải bán bốn miếng đất để gồng gánh chờ ngày được đền bù:
“Bây giờ chúng tôi vẫn sản xuất nhỏ lẻ, nhưng chúng tôi không đủ sức để gồng gánh tiền bảo quản cái hàng tồn này nữa. Nó tạo nên cái sự hôi thối, để lâu quá thì nó sẽ biến chuyển thành một chất khác. Và cũng không đủ sức để mua các vật liệu để bảo quản nữa.
Yêu cầu Chính quyền địa phương phải thực hiện đúng theo các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện bồi thường, kiểm tra sớm và giải quyết tiêu hủy các lô hàng bị hôi thối để đỡ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của địa phương.
Chúng tôi vay nợ ngân hàng mà không bán được hàng thì chúng tôi phải bán đất và chúng tôi đang phải ở trên đất thuê. Chúng tôi đã phải bán năm miếng đất rồi, trị giá cũng hơn một chục tỷ (đồng) rồi”.
Khách hàng quay lưng
Bà T, ở Lộc Hà, Hà Tĩnh làm nghề chế biến các loại mắm và các mặt hàng hải sản khô như khô cá, khô mực… cũng nói với RFA rằng từ sau năm 2016, tất cả các mặt hàng cá mắm, hải sản đều bán rất chậm, chỉ bằng hai - ba phần ngày xưa, mặc dù giá cả đã hạ thấp hơn so với lúc trước.
“Trước đây tôi làm ăn bình thường, đầu năm mua bao nhiêu thì cuối năm bán là thanh toán hết hàng. Rồi năm 2016 là mua bao nhiêu hàng đó, nhưng bởi vì sự cố môi trường nên không buôn bán được nữa, tồn đọng lại không bán được. Hàng đó bị nhiễm độc cho nên chị cũng không bán, để lại đó chờ tiêu huỷ”.
Còn bây giờ chị vẫn bán, bình thường bán được 10 phần thì bây giờ bán còn hai - ba phần thôi. Bởi vì là ảnh hưởng môi trường nên họ không ăn nữa”.
Cơ sở kinh doanh của bà T cũng còn tồn khoảng 70 tấn ruốc và mắm mà chưa được bồi thường.
Gia đình bà chỉ được bồi thường khoảng 17 triệu đồng, chứ không đả động gì tới chuyện đền bù cho các mặt hàng mắm, hải sản tẩm ướp không bán được:
“Chỉ nhận được 17 triệu, tiền đó là trả cho người lao động. Nhà chị năm 2014 có mua nguyên liệu để làm mắm nhưng đến năm 2016 không bán được, còn tồn đọng lại ở trên kho”.
Bà Thanh nói hiện giờ giá bán xuống mà chi phí sản xuất tăng cao nên đời sống gia đình khó khăn, nhiều người không kiếm được việc làm phải bỏ ra nước ngoài xuất khẩu lao động
Hình minh hoạ: một em trai ngồi cạnh một con cá chết dạt vào bờ biển tỉnh Quảng Trị hôm 20/4/2016. AFP
Bỏ quê, ra nước ngoài lao động
Chị H, làm nghề chạy xe kéo chở sò và chế biến mắm nói rằng thiệt hại mà gia đình chị phải chịu là rất nặng. Kinh tế gia đình năm đó gần như là suy sụp, một người con của chị, dù đã tốt nghiệp đại học nhưng việc làm không đủ trang trải, nên phải xuất khẩu lao động sang nước ngoài làm việc:
“Nói chung thời điểm đó thì kinh tế gia đình bị suy sụp. Đứa đầu đi đại học xong ra cháu cũng về phụ việc này kia nhưng không có việc. Cháu nói là bây giờ kinh tế khó khăn cháu làm không được bao nhiêu cho nên bố mẹ cho con đi ra nước ngoài. Thế là cháu đi”.
Theo lời chị H, số hàng tồn kho cho đến nay còn chục tấn hàng không thể bán được:
“Trong thời gian mấy năm đó có bán được cái chi mô. Vụ Formosa hồi đó là ảnh hưởng nhiều lắm chớ, tổng cộng là khoảng mấy chục tấn.
Khi đó chúng tôi thiệt hại rất nhiều vì ảnh hưởng sự cố môi trường mà khách hàng không có lấy hàng của mình nữa. Khách hàng thì họ cũng nói là mắm ruốc của mình bị nhiễm độc cho nên họ không sử dụng. Mấy năm sau khi mình làm lại thì mất rất nhiều khách”.
Vài năm trước cũng có đoàn cán bộ của tỉnh xuống kiểm kê, ghi chép các thiệt hại của cơ sở làm ăn của chị, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy được bồi thường:
“Họ đến đến kiểm định xem nhà mình có bao nhiêu thùng, bao nhiêu mắm. Họ không nói với mình là đền bù thiệt hại bao nhiêu cả, nhưng họ có ghi trong sổ là nhà mình có bao nhiêu mắm, muối ngay lúc đó. Họ đi một đoàn bốn - năm người đến để kiểm tra, người thì mở ra xem, người thì định lượng là bao nhiêu rồi ghi vô trong sổ.
Ruốc, mắm, tép… từ đó đến giờ đã có chi bồi thường mô. Mọi người cùng nhau để đi khiếu nại, đòi nhưng nói chung cũng chưa có ai trả lời chi cả!”.
Theo mạng báo Hà Tĩnh, vào năm 2020, còn hơn 240 cơ sở kinh doanh các mặt hàng hải sản tẩm ướp chưa nhận được đền bù với tổng khối lượng sản phẩm kê khai trên toàn tỉnh là hơn 9300 tấn. Cho đến nay, toàn bộ những hộ dân này chưa ai nhận được tiền đền bù.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/formosa-victims-wait-for-compensations-after-six-years-04052022153117.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.