Loài cướp biển mới
5-5-2022
1.
Những kẻ cướp biển, từ ngàn năm xa xưa, mai phục rồi tấn công một tàu thuyền, sau đó cướp đi của cải trên tàu thuyền. Đó là bọn cướp biển truyền thống. Nhưng ở thế kỷ 21 này, vào thời đại văn minh rực rỡ của loài người, lại xuất hiện một loài cướp biển “siêu hạng”, chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Chúng không cướp của cải trên thuyền, mà cướp cả một đại dương rộng lớn đòi biến thành biển riêng của chúng. Tất cả tài nguyên trong vùng biển chúng tuyên bố cướp – đều bị coi là tài sản riêng của chúng. Chúng không cho ai khai thác tài nguyên trong lòng biển, ngoài chúng. Chúng cấm mọi tàu thuyền của nước khác đánh bắt cá trên vùng biển chúng tuyên bố cướp. Đó là loài cướp biển mới.
Trung Quốc lại cấm đánh bắt cá trên vùng biển của Việt Nam. Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc ký năm 2000.
Mặc cho phía Việt Nam kịch liệt phản đối, năm này qua năm khác, Trung Quốc thích cấm đánh bắt cá lúc nào thì ban lệnh lúc đấy. Trung Quốc không đếm xỉa đến phản đối của Việt Nam. Sự thật là tàu thuyền của ngư dân Việt Nam không thể đến đánh bắt cá tại vùng biển của Việt Nam mà Trung Quốc tuyên bố cấm. Đơn giản là Trung Quốc cậy vào sức mạnh hải quân.
2.
Trung Quốc ngang nhiên vẽ đường lưỡi bò, chiếm khoảng 80% diện tích cả vùng Biển Đông Nam Á làm biển riêng của Trung Quốc. Là vì Trung Quốc cho rằng không có nước nào trong khu vực có lực lượng hải quân mạnh bằng hải quân Trung Quốc.
Theo thống kê năm 2020 thì hải quân Trung Quốc có số lượng tàu chiến đông nhất thế giới (777), tiếp theo là Nga (603), Bắc Triều Tiên (492) và Hoa Kỳ (490). Đông nhất không có nghĩa là mạnh nhất.
Một chỉ số quan trọng về sức mạnh hải quân chính là tải trọng. Theo chỉ số này (thống kê 2014), Hoa Kỳ xếp số 1 (3.415.893 tấn). Tiếp theo là Nga (845.739 tấn), Trung Quốc (708.886 tấn), Nhật Bản (413.800 tấn), Anh quốc (367.850 tấn), Pháp (319.195 tấn), Ấn Độ (317.725 tấn), Italia (173.549 tấn), Đài Loan (151.662 tấn).
Theo bảng xếp hạng tổng thể về sức mạnh hải quân thì Hoa Kỳ là số 1. Sau đó là Nga. Rồi đến Trung Quốc.
3.
Nhưng cuộc chiến tranh Nga – Ukraine đã cho thấy là sự xếp hạng sức mạnh quân sự theo lý thuyết không trùng với thực tế. Không ai ngờ được, cường quốc quân sự thứ 2 thế giới là Nga đang bị tổn thất nặng nề trên chiến trường Ukraine.
Không chỉ trên bộ, mà trên biển, không ai khác, cũng chính Ukraine, bằng hai tên lửa Neptune đã đánh chìm soái hạm Matxcova, làm các nước thức tỉnh về sức mạnh đích thực của hải quân, làm thay đổi “bảng xếp hạng” sức mạnh hải quân thế giới.
Trước chiến tranh Nga – Ukraine, trên biển, Trung Quốc có lẽ chỉ ngại mỗi hải quân Hoa Kỳ. Nhưng sau sự kiện soái hạm Matxcova bị đánh chìm, Trung Quốc chắc chắn đã nghĩ lại.
Liệu Trung Quốc có tiếp tục đua tranh với Mỹ về số lượng hàng không mẫu hạm hay không? Chỉ sau một thập niên Trung Quốc đã có 3 hàng không mẫu hạm. Với tốc độ đó Trung Quốc sẽ đuổi kịp số lượng 11 hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ trong tương lai. Nhưng liệu số phận hàng không mẫu hạm và tàu chiến của Trung Quốc có sống sót trước các tên lửa diệt hạm tiên tiến không? Hay rồi sẽ chịu chung số phận như tuần dương hạm Matxcova nếu xảy ra một cuộc đối đầu?
Với những gì đã xảy ra trên chiến trường Ukraine, có thể dự đoán rằng, vào thời điểm hiện tại, hải quân Trung Quốc chưa phải là đối thủ của hải quân Anh và hải quân Nhật Bản. Trung Quốc sẽ gờm hải quân Nhật Bản hơn mà bớt diễu võ dương oai trên biển Hoa Đông. Nhưng ở Biển Đông, Trung Quốc vẫn sẽ không ngừng lấn tới.
Thực tiễn Ukraine cho thấy, có thể bẻ gẫy sức mạnh của những kẻ cướp cường quyền trên bộ và trên biển. Trước hết là đừng sợ. Cùng với không sợ là vũ khí khắc tinh và hiện đại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.