Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2022

Cần giám sát chặt tín dụng ngân hàng chảy vào “sân sau” bất động sản

 


Cần giám sát chặt tín dụng ngân hàng chảy vào “sân sau” bất động sản

Hoài Lam

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng có quy định giới hạn cho vay vào bất động sản, tuy nhiên nếu đó là chủ ngân hàng, thành viên HĐQT… thì họ sẽ có nhiều cách để cho doanh nghiệp “sân sau” được vay vốn.

Bóng dáng doanh nghiệp bất động sản ở các ngân hàng

Có thể nói, tài chính và bất động sản là 2 lĩnh vực khá khăng khít. Với đặc điểm tính thâm dụng vốn cao và vòng quay vốn dài của ngành bất động sản (BĐS), hậu thuẫn từ nguồn vốn tín dụng là điều không thể thiếu. Do đó, việc các “ông lớn” BĐS hiện diện tại các ngân hàng không phải là hiện tượng mới.

Theo các chuyên gia, nếu lãnh đạo các công ty BĐS đồng thời là chủ sở hữu của ngân hàng tuân thủ chặt chẽ các quy tắc hoạt động thì không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng việc hàng loạt các nhà phát triển BĐS lớn bất ngờ xuất hiện trong vai trò lãnh đạo ngân hàng làm gia tăng lo ngại về rủi ro cho vay, khi dòng vốn ngân hàng có thể bị điều tiết để cho các doanh nghiệp “sân sau” vay một các dễ dàng.

Nhiều ông lớn bất động sản là cổ đông lớn của các ngân hàng

Một số ví dụ cho sự song hành của doanh nghiệp BĐS và ngân hàng có thể kể đến như trường hợp ông Nguyễn Đức Thụy, nhà sáng lập Thaiholdings, một tập đoàn BĐS và năng lượng, trở thành phó chủ tịch tại LienVietPostBank. Ông Thụy và các thành viên trong gia đình sau đó cũng mua một lượng lớn cổ phần tại LienVietPostBank. Mặc dù ở thời điểm hiện tại, Thaiholdings và người nhà ông Thụy đã thoái hết cổ phần tại LienVietPostBank, song bầu Thụy vẫn giữ chức vụ Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng và là cổ đông lớn, nắm giữ gần 25% cổ phần tại Thaiholdings.

Hay gần đây nhất, vào tháng 2.2022, cuộc họp cổ đông thường niên năm 2021 của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã bầu ra 7 thành viên Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ mới 2022-2026. Đáng chú ý, trong số này có ông Nguyễn Thanh Hùng là Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bamboo Capital; đồng thời là Phó chủ tịch điều hành Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghiệp và vận tải (Tracodi).

Ngoài ra, còn nhiều mối quan hệ mật thiết giữa ngân hàng và doanh nghiệp BĐS có thể kể đến như Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Tập đoàn Masterise, VPBank và MIK Group, SEABank và Tập đoàn BRG, HDBank và Tập đoàn Sovico…

Theo Luật Các tổ chức tín dụng, một tổ chức tín dụng hiện có thể cung cấp khoản vay tối đa 15% vốn cho một khách hàng, tối đa 25% vốn cho một khách hàng và các tổ chức liên quan. Tuy nhiên, với việc các nhà phát triển BĐS hiện sở hữu rất nhiều công ty con, công ty liên kết, rủi ro dễ thấy là các doanh nghiệp BĐS có thể sử dụng các công ty liên kết mà chủ sở hữu không liên quan trực tiếp để vay vốn ngân hàng. Trong những trường hợp đó, ngân hàng hoàn toàn có thể cho vay vượt quá quy định tối đa 25% vốn một cách “hợp pháp”.

Lo ngại dòng vốn ngân hàng chảy vào doanh nghiệp sân sau

Một số chuyên gia phân tích cảnh báo các hình thức sở hữu mới này có thể ảnh hưởng nặng nề cho hệ thống ngân hàng, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường BĐS gián đoạn. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải đặc biệt quan tâm tới các ngân hàng đóng vai trò “sân sau” của các tập đoàn BĐS.

Tại Trung Quốc, sự sụp đổ của tập đoàn BĐS lớn Evergande, kéo theo “bom nợ” trái phiếu doanh nghiệp phát nổ cũng là bài học cảnh báo cho các doanh nghiệp BĐS Việt Nam - nơi có cách thức và hoạt động và huy động vốn tương tự. Ngay sau khi sự kiện Evergande diễn ra, các cơ quan quản lý tại Việt Nam cũng đã có nhiều động thái siết chặt lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng Ngân hàng Nhà nước có quy định giới hạn cho vay vào BĐS, tuy nhiên, nếu đó là chủ ngân hàng, thành viên hội đồng quản trị… thì họ sẽ có nhiều cách để cho doanh nghiệp sân sau được vay vốn. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu và ngân hàng sẽ đứng ra mua. Đây cũng là một hình thức cho vay, song rủi ro cho vay đã bị che lấp. Điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trong việc cho vay cũng như tạo sự mất bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Ông Thịnh cho rằng để hạn chế tình trạng tín dụng chảy vào các sân sau, các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động cho vay BĐS tại các ngân hàng có lãnh đạo liên quan đến doanh nghiệp BĐS. Đồng thời, cần giám sát các hình thức cho vay khác nhau, kể cả việc mua bán trái phiếu, cho vay thông qua các lĩnh vực khác… để hướng dòng tín dụng của ngân hàng chảy vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phục vụ cả nền kinh tế.

Tại một hội thảo mới đây, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết thị tường trái phiếu của Việt Nam đáng buồn khi gần 50% trái phiếu là BĐS, 30% là ngân hàng, 20% còn lại thì 5-7% rơi vào điện mặt trời phát hành ồ ạt. Khối lượng trái phiếu phát hành vài năm qua dường như không có bóng dáng của khu vực sản xuất, công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp, thương mại… mà tập trung chủ yếu cho ngành có cơ hội đầu cơ cao nhất là BĐS.

“Ngân hàng phát hành trái phiếu chỉ để tăng vốn chủ sở hữu (tăng vốn cấp 2), để có thêm nhiều cơ hội huy động vốn, tăng tổng tài sản lên, mà huy động vốn lại để cho vay. Tuy nhiên, việc cho vay này chủ yếu tập trung vào các công ty sân sau, tập trung vào BĐS”, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa nhấn mạnh: “Số ngân hàng cho các tập đoàn sân sau vay lớn tới mức đáng báo động, chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, các con số công bố chính thức gần như vẫn đúng theo Luật Các tổ chức tín dụng và đây là điều rất đáng lo ngại”, ông Nghĩa nói và cho biết trái phiếu “buồn” vì vắng bóng các khu vực sản xuất, dịch vụ, thương mại…

Cũng theo ông Nghĩa, bao nhiêu năm phát triển trái phiếu doanh nghiệp mà không vào sản xuất - lĩnh vực cần trái phiếu nhất. Lý do là lãi suất quá cao thì ngành sản xuất không chịu đựng được, ngoài ra kỳ hạn trái phiếu phần lớn chỉ 3 năm thay vì 5 năm, 10 năm, 15 năm thì các doanh nghiệp không xoay xở được.

Ông Nghĩa cũng cho biết có sự cạnh tranh của ngành ngân hàng đối với toàn bộ thị trường tài chính, không chỉ trái phiếu mà cả cổ phiếu. 96% tài sản của thị trường tài chính là của ngành ngân hàng, do đó có thể thấy sự phụ thuộc quá lớn của doanh nghiệp Việt Nam vào ngân hàng, cả ngắn hạn và trung hạn. Thị trường vốn rủi ro cao như cổ phiếu và trái phiếu rất khó phát triển. Đây là điều trái ngược với quốc tế.

H.L.

Nguồn: 1 Thế giới.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.