Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn vừa bị khởi tố và có lệnh bắt giam, là ai?
BTV Tiếng Dân
29-4-2022
LGT: Nhân sự kiện bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC, vừa bị khởi tố và có lệnh bắt giam (cùng với ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai); để bạn đọc có thêm thông tin về nhân vật này, chúng tôi xin được giới thiệu lại bài viết của tác giả Thu Hà, đăng trên Tiếng Dân ngày 15-11-2020: Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người gây sóng gió chính trường trước đại hội XIII (Phần 1) và Phần 2:
Ngay sau khi Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban kinh tế Nguyễn Văn Bình nhận kỷ luật cảnh cáo, chính thức giã từ sân chơi đại hội XIII, thì một cái tên khác cũng “hot” không kém, được các trang mạng xã hội xướng lên với nhiều đồn đoán: Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Nhưng Nguyễn Thị Thanh Nhàn là ai? Nhàn sinh năm 1969, quê Thuân Thành, Bắc Ninh. Nhàn là con ông Nguyễn Văn Mỹ và bà Nguyễn Thị Hy. Xuất thân từ gia cảnh nghèo khó, Nhàn quyết tâm phải làm giàu bằng mọi giá, trong đó có quyết định bỏ tấm bằng sư phạm, để lấy văn bằng thương mại.
Sau khi ra trường, Nhàn làm đủ thứ việc. Đến cuối năm 1999, Nhàn dừng chân tại một đơn vị nhà nước, trở thành người của ngành giao thông vận tải. Nhà được đề bạt là cán bộ phụ trách công việc kinh doanh xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Trung tâm Xây dựng và Thương mại (Traenco) trực thuộc bộ Giao thông Vận tải (GTVT).
Nhàn dẻo miệng, ăn nói lưu loát và có tài mê hoặc đối phương rất nhanh, cộng thêm ngoại hình chỉnh sửa, trở thành vũ khí lợi hại giúp nàng thành danh, “vua biết mặt, chúa biết tên” sau này.
Tháng 9/2002, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Trung ương Đảng khoá IX, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính, được điều về làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Bà Ngân là người phụ nữ duy nhất ở Việt Nam vào thời điểm đó giữ chức Bí thư Tỉnh ủy và là người phụ nữ độc nhất nắm quyền điều hành cao nhất tỉnh Hải Dương từ trước đến nay.
Công ty Traenco lúc đó có chi nhánh ở Hải Dương để “cò mồi” xuất khẩu lao động người Hải Dương và vùng phụ cận sang nước ngoài làm thuê. Luồn lách, láu cá và cơ hội, Nhàn nhanh chóng tiếp cận được bà Bí thư Tỉnh uỷ. Phụ nữ miền Nam vốn chân thành và cả tin, họ kết nghĩa chị em từ đó.
Traenco ngày ấy gần như độc quyền về xuất khẩu lao động trên cả nước. Thị trường lao động phổ thông các nước từ Đài Loan, Hàn Quốc, châu Phi, Trung Đông như UAE, Ả Rập Saudi, Libi, Iran, Iraq, Oman, Bahrain… là rất lớn. Đơn vị đưa người đi lao động cứ thế mà đếm tiền, họ cướp hàng trăm triệu đồng trên đầu người tham gia, từ khâu thủ tục giấy tờ hợp đồng, đến cả cắt xén lương của công nhân trên đất khách quê người. Trong khi đó, họ lại vô trách nhiệm, phủi tay khi người đi xuất khẩu có tai nạn lao động, bị bạo hành, bị quỵt lương hoặc ốm đau.
Không biết thời gian ở đâu, học khi nào và làm cách gì, Nhàn có bằng Thạc sỹ Quản trị kinh doanh do Đại học La Trober (Australia), rồi tiến sĩ tại Viện IASS ở Nga. Hệ thống cầm quyền với hàng trăm tờ báo quốc doanh đã ca tụng theo lời “nổ” của Nhàn, rằng để có kiến thức về quản trị kinh doanh, tài chính, kế toán, thương mại, ngoại ngữ, Nhàn đã phải học rất nhiều, học mọi lúc, mọi nơi, học những lúc ngồi trên ô tô, trên máy bay… Vì vậy mà Nhàn sử dụng thông thạo 5 thứ tiếng: Anh, Trung, Nga, Hàn và cả tiếng Nhật.
Tháng 10/2005, Traenco được cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC). Dĩ nhiên, Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhảy lên ghế Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc AIC. AIC dưới thời Nhàn điều hành đã xảy ra nhiều vụ bê bối trong xuất khẩu lao động, qua những cáo buộc của khách hàng của họ là “đem con bỏ chợ”.
Phần bà Nguyễn Thị Kim Ngân, sau khi rời Hải Dương hồi đầu năm 2006, bà Ngân lần lượt làm thứ trưởng Bộ Thương mại, bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, rồi Phó chủ tịch Quốc hội. Năm 2011, khi quân đội đảo chính do Gaddafi cầm đầu (sau này lập nên chế độ độc tài, khát máu) chiến sự nổ ra nguy hiểm. Sợ liên luỵ, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã cầu cứu bà Kim Ngân, giúp AIC của Nhàn và một số công ty XKLĐ khác, thiết lập cầu hàng không để đưa 10.000 lao động VN từ Libya về nước. Sau vụ này, bà Kim Ngân trở nên nổi tiếng và AIC cũng được ăn theo.
Qua cầu nối từ bà Kim Ngân, Nhàn bắt đầu quen biết và “dắt mũi” hàng loạt Ủy viên Trung ương Đảng để sai khiến, lợi dụng họ, đánh bóng tên tuổi của Nhàn và làm nên những phi vụ kinh thiên, động địa. Những cái tên đình đám dính líu đến Nguyễn Thị Thanh Nhàn là: Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Phạm Minh Chính, Nguyễn Thiện Nhân, Hoàng Bình Quân, Trịnh Đình Dũng, Nguyễn Nhân Chiến, Phạm Thị Thanh Trà, Nguyễn Xuân Thắng, Trần Bình Minh, Châu Văn Minh…
Tháng 2/2015, Nguyễn Thị Thanh Nhàn gây sửng sốt cho những người quen biết bà ta và làm bất ngờ cả giới học thuật Việt Nam khi được Viện nghiên cứu hệ thống Liên Bang Nga (Viện IASS) trao tặng hai danh hiệu: Viện sĩ có thành tích xuất sắc nhất giai đoạn 2004-2014 và phần thưởng Ngôi sao Vernadski. Đích thân Ủy viên Bộ chính trị khoá XI, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cùng nhiều quan chức bộ ngành, đã đến dự.
Mặc dù viện này cũng không tiếng tăm gì với quốc tế, nhưng báo Đảng và báo quốc doanh thổi nó thành “Viện hàn lâm nổi tiếng thế giới” và Nguyễn Thị Thanh Nhàn là “người phụ nữ đầu tiên của khu vực châu Á và Việt Nam được Viện hàn lâm IASS trao tặng hai danh hiệu danh giá“.
Với mục tiêu loè bịp thiên hạ, phục vụ cho ý đồ gây thanh thế để dễ kiếm tiền, Nhàn vơ hết tất cả các giải thưởng, từ Sao đỏ, Bông hồng vàng, doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu nhất, gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu nhất, thương hiệu quốc gia xuất sắc nhất… cùng nhiều bằng khen của Thủ tướng, huân, huy chương, nhiều bằng khen của các bộ, ban, ngành và địa phương trên cả nước, đến cả… Huân chương Lao động và các huy chương danh giá khác.
Có tiền, có chức vụ, mua được học hàm học vị, từ một con buôn, “cò” XKLĐ ăn trên mồ hôi, nước mắt và cả máu của người lao động tha phương nơi xứ người, Nguyễn Thanh Nhàn đã trở thành người đàn bà quyền lực, uy danh cả nước, trúng thầu các dự án “khủng”, thu tóm hàng trăm ngàn tỷ đồng từ các dự án công béo bở. Hiện bà ta là cái tên gây sóng gió, chao đảo chính trường Việt Nam trước thềm đại hội XIII của đảng cộng sản.
______
Phần 2:
Tham vọng của Nguyễn Thị Thanh Nhàn đúng là không có điểm dừng. Ngàn tỷ, học hàm, học vị “đụng nóc nhà” vẫn chưa đủ. Năm 2017, Nhàn chạy để Tạp chí Forbes Việt Nam đưa tên mình vào danh sách công bố “50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017“, xếp trong “top 10” cùng các chính trị gia là Uỷ viên Bộ chính trị Nguyễn Thị Kim Ngân, Tòng Thị Phóng, Trương Thị Mai.
Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) của Nguyễn Thị Thanh Nhàn, thực chất là một công ty buôn người. Lấy danh nghĩa “đào tạo” rồi xuất khẩu lao động (XKLĐ), là cái cách mà AIC móc túi người dân đăng ký đi XKLĐ. Những năm AIC đưa công nhân đi bán sức lao động tại thị trường Đông Âu, Trung Đông và Bắc Phi, tiền môi giới khoảng từ 2000 đến 3000 đô la một người, chưa kể các khoản thu “trời ơi đất hỡi” khác.
Sau này chuyển qua khai thác thị trường XKLĐ Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, số tiền mà công ty AIC của Nguyễn Thị Thanh Nhàn thu, đã nhân lên gấp mấy lần. Họ kê ra hàng loạt các khoản thu, mà người đi XKLĐ chỉ nhắm mắt đưa chân, không đủ thời gian để tìm hiểu:
1. Tiền môi giới
2. Chi phí dịch vụ (bằng 3 tháng lương theo hợp đồng)
3. Chi phí đào tạo kỹ năng
- Chi phí dạy ngoại ngữ tốc hành
5. Tiền đặt cọc chống trốn
6. Chi phí khám sức khoẻ
7. Tiền visa, giấy tờ khác, vé máy bay
8. Phụ phí phát sinh nếu có: áo quần, đồng phục, sách vở giáo trình, vali..
Ai thắc mắc, AIC sẽ ném ra, nào là: Nghị định 95/2013/NĐ-CP; Thông tư liên tịch 16/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTC “Về tiền môi giới và tiền dịch vụ trong hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng“; Thông tư 21/2013/TT-BLĐTBXH về mức trần tiền ký quỹ XKLĐ tại một số thị trường.
Công ty AIC có mạng lưới nhiều tầng, nấc, khắp các tỉnh thành để thông báo, săn tìm nguồn “hàng” XKLĐ. Nhiều nam thanh nữ tú ở miền quê, thậm chí vùng miền núi, bị XKLĐ của AIC chiêu dụ, bỏ học, bỏ ruộng đồng, rủ nhau cầm cố sổ đỏ cho ngân hàng, vay cho đủ 15.000 đến 20.000 đô la để đóng trọn gói đi Nhật Bản, Hàn Quốc. Rất nhiều đau thương, hệ luỵ nảy sinh từ XKLĐ, thân phận người lao động nơi xứ người, mà báo chí trong nước và cả ngay nước sở tại đã nhiều lần làm những thiên phóng sự cảnh báo. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không đi sâu vào những vụ việc này.
Nguyễn Thị Thanh Nhàn và AIC không chỉ dừng lại ở XKLĐ. Cô ta cho lập hàng chục công ty con trên toàn quốc, tạo thành AIC Group. Lĩnh vực mà Nhàn công khai công bố nhúng tay vào không khác gì một chính phủ thu nhỏ: Bất động sản; Y tế; Giáo dục; Dạy nghề; Đào tạo nhân lực; Xử lý ô nhiễm và kiểm soát môi trường; Chống biến đổi khí hậu; Khoa học công nghệ; Giao thông; Công nghệ thông tin; Phòng cháy chữa cháy; Đầu tư; Tư vấn; Tài chính ngân hàng; Xuất khẩu lao động.
Từ năm 2008, qua nhịp cầu của bà Kim Ngân, dưới sự chống lưng của các Uỷ viên Trung ương, giúp Nhàn đấu thầu nhiều dự án, nên Nhàn đã có biệt danh “Nhàn đấu thầu” và trở thành siêu lừa có hạng. AIC thành lập Cty CP Bất động sản AIC để ôm hai dự án lớn hàng chục hecta ở thành phố Hà Nội rồi sau đó bỏ hoang từ đó đến nay, gây kiện tụng và phẫn nộ trong dân.
Năm 2010, UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Nam Sơn cho AIC theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) với kỳ vọng sẽ giải quyết được bài toán quá tải rác thải sinh hoạt kéo dài nhiều năm. Nhưng sau khi ôm đất vàng của thành phố và ôm đất lúa của người dân để phân lô bán nền hoặc bỏ hoang, rồi tháo chạy, không thực hiện dự án, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã gây ra nhiều bức xúc cho chính quyền sở tại và người dân.
Năm 2013, AIC ăn được phi vụ khổng lồ, khi nhập 150 lò đốt rác thải cũ của Nhật với tổng giá 45.000 USD, nhưng bán cho các bệnh viện làm lò đốt rác thải y tế, tổng thu khoảng 300 tỷ đồng.
Tháng 9/2013, một phi vụ lừa thành công nữa của AIC. Nguyễn Thị Thanh Nhàn thầu “Xây dựng lắp đặt vận hành nhà máy rác thải An Khê” tổng vốn đầu tư cho nhà máy là 117 tỉ đồng.
Nhà máy xây dựng xong, không hoạt động được, do máy móc cũ hư hỏng. AIC và Nhàn ôm gần 120 tỷ bỏ chạy, để lại chủ đầu tư là UBND thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai một đống sắt bỏ hoang từ đó đến nay.
Như đã nói ở trên, nhờ bảo kê của các “anh đại, chị đại” mà Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn thắng thầu rất nhiều các dự án trăm tỷ, ngàn tỷ trên khắp đất nước.
– Tại Hà Nội: 41 tỷ. AIC trúng gói thầu số “Mua sắm thiết bị học tập” từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
– Tại TP HCM: Đề án “Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP.HCM năm học 2014-2015” với kinh phí thực hiện là 4.000 tỉ đồng. AIC của Nhàn nhập laptop của Trung Quốc giá 900 ngàn về bán chi dự án 5 triệu / cái. Như vậy vốn bỏ ra tầm 500 triệu, thu về 4000 tỷ, người ta ước tính Nhàn đã “xơi” được 3500 tỷ.
– Tại Bắc Ninh: 99 tỷ. Gói thầu “Mua sắm thiết bị tin học và thiết bị phòng học đa năng trang bị cho các trường học”.
– Tại Sơn La: 11 tỷ. Gói thầu lắp đặt “Nâng cấp hệ thống xử lý chất thải y tế Bệnh viện”.
– Tại Tây Ninh: 99 tỷ. Gói thầu thuộc dự án: “Nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý chất thải y tế tại bệnh viện”.
– Tại Đồng Nai: 64 tỷ. Gói thầu “Xây dựng Hệ thống xử lý chất thải y tế cho các Trung tâm y tế, phòng khám”.
– Tại Gia lai: 20 tỷ.
***
Nguyễn Thị Thanh Nhàn đi đâu cũng “nổ” tung trời, rằng AIC Group khai dân trí Việt Nam, mở cánh cửa quốc gia thông minh. Báo chí thổi AIC Group thành doanh nghiệp tiên phong trong việc cung cấp các thiết bị, giải pháp công nghệ phục vụ cho quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh cho các địa phương, đơn vị.
Nhờ vậy, khắp 63 tỉnh thành và các bộ ban ngành trải thảm đón Nguyễn Thị Thanh Nhàn đến xây dựng và bấm nút “đề án thông minh công nghệ 4.0”. Đơn giản nơi nào cũng muốn địa phương, đơn vị mình “thông minh”, không ai muốn “lú”. Cứ thế ngàn tỷ khắp mọi miền tự nguyện vào túi, vì thế chỉ buôn nước bọt, mà Nguyễn Thị Thanh Nhàn tự tin phấn đấu đạt doanh thu 1,2 tỷ USD/ năm.
Không những đầu tư trong kinh tế để kiếm tiền, Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn đầu tư cả về… chính trị. Nhàn kết thân với Trần Đại Quang từ thời ông ta mới lên Bộ trưởng Bộ Công an. Họ nồng nàn như anh họ và “em gái mưa”.
Cuối tháng 7/2017, trong chuyến thăm Cộng hoà Belarus, Trần Đại Quang ngất xỉu mấy lần, phải vào bệnh viện Belarus. Căn cứ trên đánh giá lâm sàng, các bác sĩ điều trị đã nghi ngờ ông nhiễm phóng xạ. Về nước, gia đình muốn ông Quang đi Hoa Kỳ chữa trị, song Nguyễn Thị Thanh Nhàn thuyết phục cứ sang Nhật điều trị, mọi vấn đề cứ để cô ta lo liệu. Ngày 21/9/2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ giã cõi đời.
Thể chế cộng sản thật hay, làm việc cho quốc gia, lên đến Trưởng ban Nội chính Trung ương đảng như Nguyễn Bá Thanh, mà khi lâm trọng bệnh, cả tổ chức đảng lẫn Ban bảo vệ chăm sóc sức khoẻ Trung ương (BVSKTW) đều vô trách nhiệm, phó mặt cho Vũ “nhôm” cùng một tay bác sĩ vô danh Phạm Trần Xuân Anh tháp tùng đi Mỹ chữa bệnh, đến khi chết Ban BVSKTW cũng không biết rõ bệnh gì.
Lần này cũng vậy, họ cũng để cho gia đình ông Chủ tịch nước và “em gái mưa” Nguyễn Thị Thanh Nhàn muốn làm gì thì làm. Kết quả ông Quang chết, trưởng ban BVSKTW Nguyễn Quốc Triệu nói bệnh của ông Quang do “virus lạ”, thế giới chưa biết, còn Phó ban, giáo sư Phạm Gia Khải, cho rằng “bệnh máu ác tính”.
Trước thềm đại hội XIII của Đảng, cái tên Nguyễn Thị Thanh Nhàn được nhắc kèm với một nhân vật được cho là tham gia cuộc đua giành một ghế “tứ trụ” khoá XIII: Uỷ viên BCT, Bí thư Trung ương đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính.
Cũng cần nói thêm, năm 1993 Nguyễn Thị Thanh Nhàn kết hôn, sinh được hai cô con gái. Đa mang và để rãnh tay “ngoại giao”, cô ta ly dị chồng ở quê nhà. Từ đó, đi đâu Nhàn cũng bóng gió nói về các mối quan hệ “nghiêng trời”, cùng dáng dấp những người đàn ông quyền lực trong bóng tối.
Thời còn làm Bí thư tỉnh uỷ Quảng Ninh, người ta thấy ông Chính đi với Nhàn nhiều hơn đi bên vợ. Đề án “Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2030” là của Nhàn vẽ ra và Phạm Minh Chính hô hào cả hệ thống chính trị Quảng Ninh phải giúp Nhàn triển khai thực hiện. Trăm tỷ hay ngàn tỷ ở Quảng Ninh đã chảy vào túi Nhàn, câu hỏi dành cho Uỷ ban Kiểm tra Trung ương trả lời.
Những ngày này, hàng trăm đơn thư tố cáo bay về bàn làm việc TBT Nguyễn Phú Trọng, Tiểu ban nhân sự, Tiểu ban An ninh, chính trị nội bộ đại hội XIII vạch trần Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cùng các chính trị gia hàng đầu.
Không biết ông Trọng và đảng của mình sẽ xử lý ra sao, nhưng có một điều người dân ở những nơi Nhàn đã đi qua đều cho rằng, những phi vụ lọc lừa kiếm tiền trên sức khỏe của dân, sự hình thành nhân cách và tri thức của học sinh, là kiểu kiếm tiền khốn nạn, tồi tệ và vô đạo nhất.
Những kẻ ngồi trên “đỉnh cao chói lọi” bán rẻ lương tâm, câu kết nhau hút máu nhân dân, làm nghèo đất nước, kéo đất nước đi thụt lùi, sớm muộn gì cũng sẽ trả giá cho tội lỗi của mình.
_______
Mời đọc thêm: Khám xét trụ sở Công ty AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Ra lệnh bắt chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và giám đốc Sở Y tế Đồng Nai (TT). – Khởi tố doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn, bắt Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai (TN). – Nữ tiến sĩ Việt Nam giành giải xuất sắc cuộc thi “quốc gia thông minh” tại Anh(LĐ). – Doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn: Một tháng 2 phần thưởng quốc tế lớn(TP).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.