Việt Nam, một phiên bản tồi của Trung Quốc
Trần Quốc Quân
29-3-2019
Trước hết phải khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc là 2 nước tương đồng về nhiều mặt, nhưng là nước nhỏ, Việt Nam chỉ là phiên bản của Trung Quốc, không những thế, chỉ là phiên bản tồi.
VỀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ: 2 nước đều theo chế độ xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo.
Nhưng Trung Quốc ngoài Đảng Cộng sản, vẫn tồn tại 9 đảng phái chính trị khác: Ủy ban Cách mạng Quốc dân đảng Trung Quốc (Dân Cách), Đồng minh Dân chủ Trung Quốc (Dân Minh), Hội Kiến quốc Dân chủ Trung Quốc (Dân Kiến), Hội Xúc tiến Dân chủ Trung Quốc (Dân Tiến), Đảng Dân chủ Nông công Trung Quốc (Nông Công đảng), Đảng Trí công Trung Quốc (Trí Công đảng), Học xã Cửu Tam và Đồng minh Tự trị Dân chủ Đài Loan (Đài Minh).
Phần lớn các đảng này được thành lập trong thời kỳ Trung Quốc kháng chiến chống Nhật và ủng hộ đảng Cộng sản Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại Quốc Dân đảng vào cuối thập niên 1940.
Các đảng dân chủ này là những tổ chức độc lập, có quyền tự do chính trị, quyền tự quyết về tổ chức và được công nhận địa vị pháp lý trong hiến pháp. Tám đảng này hợp tác với ĐCS theo nguyên tắc “cùng tồn tại lâu dài, giám sát lẫn nhau, đối xử chân thành với nhau và vinh nhục có nhau”.
Còn Việt Nam, nhiều đảng phái và lực lượng chính trị trong Việt Minh đã bị Đảng Cộng sản loại bỏ ngay sau khi giành được chính quyền năm 1945 như: Việt Nam Quốc Dân Đảng, Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội, Đại Việt Quốc dân Đảng, Đại Việt Quốc gia xã hội Đảng, Đại Việt Duy dân cách mạng Đảng… Sau này trong Mặt Trân Tổ quốc Việt Nam ngoài Đảng Cộng sản độc tôn lãnh đạo còn Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội. Nhưng đến tháng 7 năm 1988 dù chỉ tồn tại 1 cách hình thức, 2 đảng này cũng bị xoá xổ.
VỀ KINH TẾ: Sau khi giành được chính quyền, cả 2 nước đều theo đuổi mô hình kinh tế kế hoạch hoá, tập trung quan liêu bao cấp.
Mô hình kinh tế này là sai lầm cơ bản của học thuyết Mác – Lê Nin dẫn cả hệ thống XHCN thế giới đến khủng hoảng toàn diện từ cuối thập niên 70 đến cuối thập niên 80 thế kỷ trước, khiến toàn bộ các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô sụp đổ.
Trung Quốc nhờ sớm đoạn tuyệt với mô hình kinh tế kế hoạch hoá để chuyển sang kinh tế thị trường vào năm 1978 nên không những thoát khỏi khủng hoảng mà còn tăng trưởng qui mô nền kinh tế tới hơn 100 lần để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Việt Nam sau thất bại Giá, lương, tiền năm 1985 buộc phải cải cách để thoát ra khủng hoảng. Mô hình kinh tế thị trường mà Việt Nam tiến hành vào năm 1986 là bản sao của Trung Quốc, tuy thành công nhưng không hiệu quả bằng. Từ mức sống ngang nhau năm 1978, đến nay GDP/người của Trung Quốc đã gấp 3 Việt Nam. Tất nhiên, một phần vì Trung Quốc cải cách trước Việt Nam 8 năm. Nhưng tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam suốt hơn 30 năm qua luôn thấp hơn Trung Quốc 2-3%/năm.
VỀ THAM NHŨNG VÀ CHỐNG THAM NHŨNG: 2 nước đều coi kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo và chỉ thừa nhận sở hữu toàn dân về đất đai. Chính 2 cơ sở “cha chung” này là nền tảng sinh ra tệ tham nhũng trầm trọng và rất khó kiểm soát.
Tuy nhiên, Trung Quốc chống tham nhũng sớm hơn và quyết liệt hơn Việt Nam. Từ đầu thập kỷ 90 đến nay, Trung Quốc đã bỏ tù nhiều Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ trực thuộc Trung ương, Bí thư Tỉnh uỷ, Bộ trưởng, Uỷ viên Trung ương đảng. Từ đầu những năm 2000 đến nay đã xử bắn cả Phó chủ tịch Quốc hội, Bí thư Tỉnh uỷ, Bộ trưởng, tướng Công an, tướng quân đội mắc tội tham nhũng.
Trong khi Việt Nam xử tội tham nhũng không quyết liệt, thậm chí rón rén, bao che, phe nhóm. Đến nay Đinh La Thăng là Uỷ viên Bộ Chính trị duy nhất phải ngồi tù vì tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Các Uỷ viên Trung ương đảng, Bộ trưởng ngồi tù vì tham nhũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều lãnh đạo cao cấp mắc tội tham nhũng, cố ý làm trái mười mươi vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
VỀ LŨNG ĐOẠN TÍN NGƯỠNG: Cả 2 nước XHCN này đều chịu ảnh hưởng đạo Phật mạnh nhất trong các tôn giáo. Trước đây, cả 2 nước đều mạnh tay áp chế tôn giáo, thậm chí phá chùa, ngăn sư. Bây giờ cả 2 nước, nhiều cấp chính quyền, nhiều quan chức và nhà chùa thông đồng nhau, ngấm ngầm lợi dụng tín ngưỡng để kiếm tiền, khuyến khích mê tín dị đoan để mê hoặc dân chúng, ru ngủ tinh thần, làm băng hoại đạo đức xã hội.
Sau một thời gian “trăm hoa nhà chùa đua nở” đến chóng mặt, các tệ nạn mang màu sắc tôn giáo phát triển quá đà vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các cấp chính quyền, giờ đây đã thấy hậu quả khôn lường của lũng đoạn tín ngưỡng, Trung Quốc đã tiến hành siết chặt quản lí chùa chiền, quyết liệt cấm lợi dụng các tệ nạn mê tín dị đoan để làm tiền thiên hạ.
Còn Việt Nam, cuộc chiến chống lũng đoạn tín ngưỡng bao giờ mới bắt đầu. Hay là lại chờ phiên bản lỗi từ Trung Quốc chuyển sang như vẫn từng, nhưng thực hiện luôn đạt kết quả tồi hơn?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.