Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

Việt Nam-Hoa Kỳ: Tiếp tục hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh

Việt Nam-Hoa Kỳ: Tiếp tục hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh

RFA
2019-03-27
Quang cảnh một phiên thảo luận trong hội thảo về khắc phục hậu quả chiến tranh do Mỹ và Việt Nam tổ chức ngày 26/03/19.Quang cảnh một phiên thảo luận trong hội thảo về khắc phục hậu quả chiến tranh do Mỹ và Việt Nam tổ chức ngày 26/03/19.icon-zoom.pngRFA
Hội thảo với chủ đề “Khắc phục hậu quả chiến tranh: Chặng đường hòa giải và hợp tác tương lai giữa Việt Nam và Hoa Kỳ” do Bộ Quốc Phòng của Việt Nam và Mỹ cùng hợp tác tổ chức tại Viện Hòa Bình Hoa Kỳ, ở thủ đô Washington D.C, diễn ra trong ngày 26 tháng 3 năm 2019.
Chương trình của Hội thảo gồm 3 phiên thảo luận, xoay quanh nội dung về những nỗ lực chung giữa Hòa Kỳ và Việt Nam trong việc tìm kiếm những người mất tích trong chiến tranh (MIA), xử lý những mối đe dọa từ vật liệu chưa nổ và tẩy rửa các điểm nóng về dioxin kể từ sau Chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Tại Hội thảo, đại diện phía Việt Nam, Đại tá Nguyễn Hữu Lương, Giám đốc Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích cho biết Việt Nam có thiện chí trong việc tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh từ rất sớm là vì nhân đạo mà không gắn với bất kỳ điều kiện chính trị nào.
Hồi trung tuần tháng 12 năm 2018, Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích và Cơ quan Tìm kiếm Tù binh và Người mất tích thuộc Bộ Quốc Phòng Mỹ cùng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm hợp tác tìm kiếm những người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA) ở Đông Nam Á. Trong buổi lễ này, phía Mỹ cho biết có 1.973 quân nhân và nhân viên dân sự Hoa Kỳ được coi là mất tích ở Việt Nam vào thời điểm kết thúc chiến tranh hồi cuối tháng 4 năm 1975 và đã có 726 bộ hài cốt được xác định và đưa về cho các gia đình thân nhân ở Mỹ, đồng thời đang tiếp tục hợp tác tìm kiếm 1247 người còn lại.
Đại tá Nguyễn Hữu Lương, tại Hội thảo ở Viện Hòa Bình Hoa Kỳ cho biết Việt Nam và Mỹ cùng thực hiện 134 lượt tìm kiếm chung với sự tham gia của hàng trăm người của cả hai nước Việt Nam và Mỹ. Đại tá Nguyễn Hữu Lương cho biết thêm rằng sẽ có một đợt trao trả kỷ vật và xương vào đầu tháng 4 tới đây.
Chương trình tìm kiếm những người mất tích trong chiến tranh (MIA) được đánh giá là gặp nhiều thách thức trong tương lai do thời gian càng kéo dài thì vết tích càng bị bào mòn cũng như ở các vùng núi cao tại Việt Nam thì càng khó khăn hơn trong việc tìm kiếm. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam-Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại Hội thảo rằng Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với Hoa Kỳ cho đến khi những người Mỹ mất tích cuối cùng được trở về với gia đình của họ, và ngược lại Việt Nam cũng mong muốn Hoa Kỳ cùng Việt Nam tẩy sạch hậu quả chất độc hại sau chiến tranh. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo vào sáng ngày 26 tháng 3 tại Viện Hòa Bình Hoa Kỳ:
“Ở Việt Nam, chúng ta thấy rằng thảm họa về chất độc hóa học, ở đây tôi muốn nói đến nhiều chất độc hóa học trải qua niều giai đoạn, nhiều thời kỳ, của nhiều nguyên nhân gây ra, chứ không phải chỉ dioxin, nhưng chúng ta thấy dự án Biên Hòa là một hình mẫu về sự hợp tác Việt-Mỹ. Sự hợp tác ấy thể hiện mối quan hệ về chính trị, thể hiện sự vượt trội về công nghệ, thể hiện đóng góp của cả hai bên cho hòa bình, cho môi trường của thế giới. Tôi nghĩ đây là một điểm sáng của thế giới, chứ không chỉ trong quan hệ Việt-Mỹ về việc đóng góp cho sự nghiệp môi trường và mục tiêu thiên niên kỷ của thế giới.”

Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh cho biết ông và Thượng nghị sĩ Patrick Leahy đã cùng khởi động chương trình tẩy độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng 6 năm trước và chương trình này vừa hoàn tất hồi tháng 11 năm 2018. Trong tháng 4 năm 2019, một lần nữa Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh và Thượng nghị sĩ Patrick Leahy sẽ cùng khởi động chương trình tẩy độc ở sân bay Biên Hòa.
Giám đốc Văn phòng Phát triển môi trường và Xã hội của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), ông Christopher Abrams cho biết mức độ độc hại ở khu vực sân bay Biên Hoa cao hơn và phạm vi rộng hơn gấp 4, 5 lần so với ở Đà Nẵng và chi phí tẩy độc ở Biên Hòa được ước tính vào khoảng 390 triệu đô la Mỹ. Bên cạnh đó, ông Christopher Abrams cho biết Hoa Kỹ hỗ trợ các chương trình y tế trực tiếp cho 50% trong số khoảng 95 ngàn người khuyết tật tại Việt Nam do bị ảnh hưởng bởi chất độc dioxin.
Chương trình hơp tác dò tìm và tháo gỡ bom, mìn và chất liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam cũng được đưa ra thảo luận tại Hội thảo. Người phụ trách chính của chương trình này, ông Jerry Guilbert cho biết Việt Nam nằm trong số 16 quốc gia trên thế giới mà Hoa Kỳ hợp tác trong công việc dò tìm và tháo gỡ bom, mìn. Ông Jerry Guilbert nói rằng việc hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ ở Quảng Trị đã mang lại kết quả địa phương này không còn bị ảnh hưởng nào bởi hậu quả của bom, mìn nữa và đây là có thể xem như một hình mẫu không chỉ cho các địa phương khác ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu.
Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh (thứ 3 từ bìa trái), một trong các diễn giả của phiên thảo luận về xây dựng mối quan hệ bền vững giữa Mỹ và Việt Nam trong tương lai.
Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh (thứ 3 từ bìa trái), một trong các diễn giả của phiên thảo luận về xây dựng mối quan hệ bền vững giữa Mỹ và Việt Nam trong tương lai. RFA
icon-zoom.png
Qua 3 phiên thảo luận tại Hội thảo, khách tham dự đề cập đến sự hợp tác trong tương lai giữa hai nước sẽ như thế nào trong bối cảnh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc trong lãnh vực an ninh, quân sự. Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc trả lời cho những thắc mắc như vừa nêu:
“Tôi nghĩ rằng trong quá trình hợp tác giữa hai quốc gia, chúng tôi đã vượt qua được sự căm thù và oán giận, đã chuyển đổi từ xấu thành tốt và bây giờ chúng ta chia sẻ những lợi ích chung trong khu vực. Quý vị luôn đề cập đến Trung Quốc, nhưng chúng tôi có nhiều vấn đề để làm việc cùng nhau để duy trì ổn định hòa bình, hợp tác trong khu vực, hay hỗ trợ ASEAN là con đường huyết mạch trong vùng và gần đây hai quốc gia đã cùng nhau đẩy nhanh tiến trình dàm phán hòa bình, phi hạt nhân hóa ở bán đảo Triều Tiên. Do đó, tôi tin tưởng rằng Việt Nam và Hoa Kỳ có nền tảng vững chắc cho sự hợp tác của nhiều thế hệ tiếp nối.”
Diễn giả Patrick Murphy, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng, thuộc Cục Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết kể từ khi Việt Nam và Hòa Kỳ bình thường hóa quan hệ hồi năm 1995 và nâng tầm quan hện thành đối tác toàn diện vào năm 2013, hai quốc gia không chỉ hợp tác trong các lãnh vực cùng có lợi ích chung mà còn thường xuyên thảo luận cả những vấn đề có sự khác biệt như vấn đề nhân quyền. Ông Patrick Murphy nhấn mạnh:
“Hai nước trong vài tháng tới sẽ có Đối thoại song phương về nhân quyền. Đây là một khía cạnh quan trọng trong hợp tác toàn diện. Có rất nhiều đối thoại nhân quyền trên khắp thế giới và Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ là một trong số đó và chúng tôi mong muốn nhìn thấy có sự tiến triển.”

Diễn giả Patrick Murphy cho biết thêm Việt Nam và Mỹ còn phối hợp chặt chẽ trong việc đối phó mối nguy đang đe dọa ở vùng hạ nguồn sông Mekong, mà Việt Nam là một trong 4 quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Joseph Felter, đặc trách khu vực Nam và Đông Nam Á, tại Hội thảo tuyên bố rằng Việt Nam và Mỹ cùng cam kết sự hợp tác hơn nữa giữa hai quốc gia trong thời gian tới, trong đó quan trọng về quốc phòng nhằm duy trì ổn định an ninh và hòa bình trong khu vực và trên thế giới.
Chia sẻ với Đài RFA về mối quan hệ Việt-Mỹ cũng như sự hợp tác trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy nói rằng:
“Điều ý nghĩa nhất mà tôi ghi nhận là sự hợp tác giữa hai nước càng trở nên tốt hơn. Hành trình sẽ còn rất dài nhưng luôn tiến về phía trước.”
Ban tổ chức của Viện Hòa Bình Hoa Kỳ và của phái đoàn Việt Nam đồng ý sắp xếp cho Đài RFA một cuộc phỏng vấn ngắn 5 phút với Thứ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh. Thế nhưng, chúng tôi đã không thể thực hiện cuộc phỏng vấn với lời giải thích không còn thời gian dành cho RFA.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.