Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2019

Trí thức, bạn là ai?

Trí thức, bạn là ai?

22-3-2019
Hôm qua, cô thư ký ở tòa soạn báo gửi cho mình cái mail “Từ số báo …, do ban biên tập có sự sắp xếp lại nội dung của trang …….. nên con rất tiếc khi phải đột ngột thông báo với chú tạm dừng đặt bài của chú ạ…”.
Tối hôm ấy, cô gọi phone cho mình, giọng xúc động nhắc lại nội dung email mà mình vì quá bận chưa kịp đọc. Nói chuyện xong với cô ấy, đọc mail xong, mình không vui, cũng chẳng buồn. Chuyện đời có hợp, có tan, có gì trường tồn mãi đâu. Mình viết cho cô ấy “No problems, Th. . Không còn duyên với nhau nữa thì dừng lại thôi. Lụi hụi cũng đã hơn 15 năm rồi, nhanh quá!”. Nhanh thật, 15 năm hợp tác cùng nhau cũng dài bằng quãng đời luân lạc của nàng Kiều. Từ nhiều tháng qua, khi tờ báo xuống dốc, nhuận bút giảm, mình không nỡ nghĩ đến chuyện dứt áo ra đi, nay thì sự chia lìa không thuộc về mình nữa. Thế thì buồn làm chi?
Năm 1995, khi nhận được thư của Sở Ngoại vụ thành phố yêu cầu tham dự cuộc phỏng vấn đi HO, mình đã chọn con đường ở lại, vào lúc mà nghề viết báo đã đến với mình bất ngờ như một nghiệp dĩ. Đến nay, cái nghiệp dĩ đó kéo dài cũng đến 28 năm, cộng tác với hơn 10 tờ báo khác nhau, và bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Chính vì thế, mình đón nhận sự chia tay như một lẽ tất yếu của đời sống.
Còn nhớ khi rời khỏi trại cải tạo ngày 12.4.1982, chỉ còn 2 tháng nữa là đủ 7 năm tù, mình đã “vào đời” từ con số âm, chưa có quyền công dân, hộ khẩu thì tạm trú, ở nhờ trong căn nhà mua bằng những đồng tiền mồ hôi của mình và chủ hộ có quyền đuổi mình ra khỏi nhà là những người cật ruột từng sống trong sự cưu mang của mình. Lúc đó, thấm thía nhất là cái câu “tha hương ngay trên đất nước của mình” của một người bạn được tha tù trước đó hơn một năm.
Rồi “thân lươn bao quản lấm đầu”, mình lăn lóc với bao nhiêu cái nghề không có số má trên đời này: nuôi gà, câu cá, xếp hàng trước cửa hàng mậu dịch, mua từng gói thuốc lá Đà Lạt, Hoa Mai, từng bịch sà bông VISO, từng gói đường cát ngà, khi mà giá “duyệt mua” ở cửa hàng cách nhau rất lớn với giá bán trên thị trường… Rồi năm 1986, mình lọt vào một đơn vị xuất nhập khẩu khá lớn, hơn 5 năm lăn lộn trong ngành ngoại thương, mình thiếu hẳn một cái nghề mà rất nhiều bạn đồng nghiệp coi như một thứ “vũ khí” không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, đó là nghề … xu nịnh. Trong cái thế giới của anh anh, em em, của chị Ba, chú Sáu, những kẻ không biết xu nịnh là những tên phản động nhất, khó sống nhất. Vì thế, giữa năm 1971, khi sự kìm nén đã đến hồi căng thẳng nhất, với tư cách một phó trưởng phòng kiêm Trưởng trạm chế biến hàng xuất khẩu, một địa vị khá béo bở nếu biết móc ngoặc với tư thương cung cấp hàng, mình tống tờ đơn xin nghỉ việc trước con mắt tròn xoe của gã giám đốc. Và mình đã về nhà đóng chuồng nuôi cút, thưởng thức đủ thứ loại mùi, từ mùi bột tôm, bột cá đến phân chuồng …
Đó cũng chỉ là một phương thức mưu sinh tạm bợ, để xoa dịu sự bất mãn của người thân, và khéo léo chối bỏ phần nào trách nhiệm của người đàn ông trụ cột gia đình. Mỗi buổi chiều buồn ngồi cà phê với người bạn thân từng là một Tiểu đoàn trưởng, từng thừa chết thiếu sống nơi chiến trường, nhìn ra cái doi đất trải dài trước mắt, mình cùng bạn ôn lại những năm tháng đã qua, để thấy hết cái vô nghĩa của đời mình. Và rồi, cuối năm 1991 ấy, cái nghiệp biên dịch báo chí đến với mình thật bất chợt, thật tình cờ, và đeo đẳng bên nhau suốt gần 30 năm trời, như một định mệnh. Đó là quãng đời tự do đúng nghĩa, bài vở thuận mua vừa bán, kiếm được những đồng tiền từ mồ hôi của mình mà không bị sứt mẻ chút mảy may lòng tự trọng của một người được tạm gọi là trí thức của xã hội miền Nam trước 1975.
Vì thế, ngày hôm qua, nhận được lời chia tay của tờ báo cũ, mình không vui, cũng chả buồn. Thân phận người trí thức hôm nay còn bao nhiêu bi kịch, chuyện ấy có chi mà buồn. Hãy ngẩng mặt đón nhận một ngày mới, với một tâm hồn trong sạch, thanh thản như ngày nào, ngươi nhé!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.