Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2019

TRẦN ĐỨC THẢO VÀ ĐÊM Ả ĐÀO CHUI Ở ATK NĂM ẤY

TRẦN ĐỨC THẢO VÀ ĐÊM Ả ĐÀO CHUI Ở ATK NĂM ẤY

NHÀ VĂN NGUYỄN TUÂN CHIÊU ĐÃI TRIẾT GIA TRẦN ĐỨC THẢO MỘT CHẦU HÁT CÔ ĐẦU CHUI Ở ATK

Trần Đức Thảo và đêm hát cô đầu chui ở ATK

Phan Ngọc Khuê ghi
Thời gian sống ở ATK (An Toàn Khu), tôi (Trần Đức Thảo) bị sai khiến làm mấy việc vơ vẩn như ngồi dịch những tài liệu cũ kỹ, mà rồi sau chẳng dùng được vào việc gì! Hoặc là theo chân mấy phái đoàn Trung ương đi thanh tra này nọ với vai trò của một cây cảnh: đi tới đâu cũng được giới thiệu là trí thức ở bên Tây mới về tham gia cách mạng! Rồi được vỗ tay, hoan hô. Chứ chẳng làm được một việc gì hữu ích cả!

– Sống như thế thì tẻ nhạt quá, làm sao bác chịu nổi?

– Ấy trong quãng thời gian sống ở bên lề chính trị như thế không hẳn là tẻ nhạt đâu. Thỉnh thoảng cũng có những giây phút rất thú vị, rất vui. Bởi sống ở hậu phương thời kháng chiến, luôn luôn được chứng kiến những ngang trái xảy ra thật là bất ngờ, làm bật cười, cười đến chảy nước mắt. Trong cách mạng mà cũng có lúc ăn chơi lén lút, đáng ghi nhớ về cái “thời bao cấp” ấy. Những thú vui chui lén như vậy cũng làm cho mình phải suy nghĩ, tìm hiểu hiện tượng cách mạng và những khát vọng của con người…

– Thú vui lén lút đáng nhớ ấy là gì?

Bác Thảo kể có một lần, “không thể nào quên được”. Đó là lần được nhà văn Nguyễn Tuân mời đi ăn một bữa cơm Tây, tại một xóm dân Hà Nội tản cư về sống gần ATK. Khi vào tới xóm ấy, là phải chui qua mấy hàng giây thép, trên phơi đầy quần áo màu mẻ sặc sỡ khác hẳn với quần áo nâu sồng của nông thôn, được giặt để cất đi, ở sân sâu bên trong một căn nhà cổ, để tới cái quán ăn chui lậu hiếm hoi ở hậu phương. Chủ nhân tự khoe mình từng là đầu bếp của cựu thống sứ Bắc kỳ Graffeuil! Bữa ăn hôm ấy có cả món thịt bò. Chateaubriand, có cả rượu vang Bordeaux. Thịt tươi là do cánh công an vừa săn được một con nai! Còn rượu cũng là do cánh công an mang từ Hà Nội ra! Ăn xong, Tuân chửi vui: “Sư bố chúng nó! Tàn dư phong kiến, thực dân mà sướng thế đấy!”. Thảo ngơ ngác không biết Tuân chửi ai? Ăn uống ngon lành thế sao lại chửi?

Sau bữa ăn, Tuân còn cao hứng dẫn Thảo đi hát “cô đầu”! Dĩ nhiên cũng là hát chui, hát lậu. Địa điểm là một căn nhà chòi có cót che kín mít, dùng để chứa nông cụ thúng, mẹt, cày bừa… ở ngay giữa một cánh đồng lớn mới gặt xong. Thảo được đưa tới chờ ở đó, nên rất lấy làm lạ. Ngồi một mình ngắm trăng mười sáu sáng ngời, chung quanh là một cánh ruộng bàng bạc màu vàng khô khốc của những gốc rạ mới gặt xong, xa xa là những luỹ tre xanh vi vu gió thổi. Cảnh thật đẹp và buồn.


Mãi sau, Tuân trở lại lố nhố với năm, sáu người lạ mặt, trong đó có một phụ nữ khoảng ngoài ba mươi tuổi, mỗi người ôm một cái túi khá lớn. Họ vào trong căn chòi rồi cài cài mấy tấm cót cho kín đáo. Một ngọn đèn dầu hoả được thắp lên cho vừa đủ sáng để thấy tỏ mặt nhau. Họ mở túi lấy ra, người thì một cái trống nhỏ, người thì một cây đàn Đáy. Chị phụ nữ cũng lấy ra hai que gỗ và một cái phách. Tuân nói thật trịnh trọng:

– Hôm nay tôi lén tổ chức chầu hát này là để đãi ông bạn trí thức ở tận bên tây mới về. Yêu cầu em Đức hát cho thật đạt chỉ tiêu đấy nhé!

Cô ca nương nhìn Thảo rồi đáp:

– Anh Tuân ơi! Anh ép, thì vì nể anh em cũng cố mà ra đây hát thôi. Bởi em đã giải nghệ từ mấy năm nay rồi. Nêu công an mà biết thì em sẽ bị đi tù mất. Hát ả đào bây giờ bị coi là thứ nhạc sa đọạ của thời phong kiến, nó đã bị khai tử từ lâu rồi!

– Không sao đâu, anh đã lo lót hết rồi. Tuân này bảo đảm mà!

– Cứ hát đi, đã có ông chủ tịch xã kiêm trưởng công an ngồi nghe đây thì còn sợ gì!

– Thôi đừng khách sáo nữa! Ta bắt đầu đi, kẻo đã quá canh khuya rồi. Đàn lên! Xin mời quan viên giữ trống ra tay! Bắt đầu “Hồng, Hồng, Tuyết Tuyết” đi em!

Vài tiếng đàn chậm rãi vẳng lên, trầm bổng, thánh thót day dứt trong đêm khuya thanh vắng. Rồi một giọng ca trong vắt, ngân nga, luyến láy vang lên giữa cánh đồng vằng vặc ánh trăng.

Rồi tiếng trống vào nhịp:

– Tom! Chát! Chát! Tom!

– Hồng, hồng, tuyết, tuyết ứ ư ừ mới ư ừ ngày nào chửa… ư biết cái chi chi…

– Tom, tom, chát…

Tiếng hát, tiếng đàn nhịp trống bỗng đưa mọi người nhập vào một thứ nghi lễ tôn giáo linh thiêng… gợi cảm, trữ tình của nghệ thuật!

Bác Thảo vui vẻ, thích thú kể lại thật chi tiết về một chầu hát ca trù lén lút vô cùng cảm xúc, trong đêm khuya ấy, giữa một cánh đồng khô, trong lúc tình hình chiến tranh sôi động, mọi người lo âu, bồn chồn không biết ngày mai sẽ ra sao!

Bởi đấy là lần đầu tiên trong đời bác Thảo được nghe tiếng hát “trong như pha-lê, luyến láy ngân nga, thấm nhập tâm can, làm rung động toàn thân xác.,.”. Bác say sưa khen:

– Ôi! Lúc ấy, tiếng đàn, tiếng hát, sao có thể thuần khiết, âm vang sâu thẳm đến thế! Tiếng trống bắt nhịp thật lịch duyệt, như thúc dục, như khuyến khích ca nương!

Bài ca vừa chấm đứt, Thảo không nhịn được phản ứng ngạc nhiên, nên hỏi:

– Sao thứ ca dân gian này có thể nghệ thuật đến thế! Hay như vậy sao lại cấm? Trong đời tôi, tuy đã từng biết thưởng thức những tiếng đào, lời ca cổ điển vô cùng nghệ thuật của lối hát đại nhạc (opéra) phương Tây, nhưng đây là lần đầu tiên tôi khám phá ra một lối ca nghệ thuật tuyệt kỹ, vừa trữ tình, vừa huyền bí, thiêng liêng như của một tôn giáo, nghe mà rợn cả người, cứ y như bỗng mình được lạc vào cõi Thiên Thai. Một thứ nghệ thuật truyền thống quý như vậy, sao lại bắt nó phải chết?

– Tại vì xưa kia nó phục vụ giới quan lại, phú hộ thời phong kiến! – Tuân giải thích – Thôi bây giờ thì ca tiếp đi chứ!

Người nghệ sĩ chơi đàn, người “quan viên” giữ nhịp trống điều khiển, rồi ca nương, tất cả đều đắm say diễn tả, như hoà tâm hồn vào mấy bài hát nói danh tiếng của mấy nhà thơ trứ danh thời trước. Tay đàn, tay trống và ca nương, tất cả đều biểu diễn, với tất cả sở trường, y như đang làm sống dậy giây phút thanh bình của đất Hà thành thanh lịch xa xưa!

Thảo giải thích thêm với chúng tôi:

– Tiếng hát ả đào đúng là hợp với tâm tư, hoàn cảnh của từng người lúc ấy. Ai ai cũng đang mang nặng một tâm tư u buồn, nên mới hát được như thế, mới nghe thấu được nỗi niềm của giọng hát, lời ca. Tôi đã từng biết lối hát đại nhạc (opéra) của phương Tây. Lối hát ấy là dùng sức buồng phổi đẩy làn hơi qua thanh quản để đưa nốt nhạc vọt lên chói vót như thi tài với tiếng đàn. Nhưng lối hát ả đào thì tế nhị hơn, vì ca nương phải kiềm chế làn hơi, rồi từ từ vừa đẩy, vừa níu lại làn hơi qua họng, để uốn nắn âm thanh qua thanh quản, làm nó uyển chuyển, luyến láy, nghẹn ngào; như than van, nức nở, để bầy tỏ nỗi niềm… Nghệ thuật hát ả đào, do đó tinh vi, truyền cảm tình tiết cao siêu, sâu sắc, huyền bí hơn hẳn đại nhạc phương Tây. Tôi không hiểu sao một nghệ thuật tuyệt vời như thế mà lại nỡ lòng mang vứt bỏ nó đi! Một dân tộc có một nền văn minh cao độ mới có thể có một lối hát nghệ thuật đậm tính văn hoá dân tộc đến thế, sao lại chê bai, kết tội nó!

– Ôi dào! Bây giờ thì cái gì của thời cũ đều bị phá đi, vứt bỏ hết! Bây giờ người ta tính áp dụng lối tiêu thổ kháng chiến ở Liên Xô, phá sập, dẹp hết, đốt hết, san thành bình địa ráo, để địch không thể xâm chiếm được. Nơi nào có tinh thần kháng chiến cao như vùng Vinh, Thanh Hoá, Nghệ An thì đã bắt đầu có lệnh thi hành chính sách “tiêu thổ”. Với hô hào “tất cả cho kháng chiến”. Tiếc gì cái lối đa truyền cảm, trữ tình, nay bị coi là truỵ lạc, là sa đoạ này!

Chầu hát ả đào dần tới hồi kết thúc. Quan viên cầm trống bỗng đứng dậy, bước tới trước mặt nhà văn Nguyên Tuân, nghiêm chỉnh cúi đầu nói:

– Xin kính mời quan bác! Quan bác là người đã nổi tiếng là tài danh cầm chầu là tài tử lịch duyệt của ca trù, đệ xin trả lại ngôi quan viên cho quan bác, để quan bác giữ nhịp cho bài ca cuối cùng của chầu hát chui này. Đệ chọn bài “Tỳ bà hành” để kết thúc, y như trong các buổi ca trù của các nhà hát trứ danh của Hà thành thanh lịch thủa xa xưa.

Nguyễn Tuân nghiêm nghị đón nhận chiếc trống nhỏ, sửa lại thế ngồi cho ngay ngắn, đặt trống xuống đúng tầm tay, đưa roi trống lên cao, rồi nhìn tay đàn và ca nương, đúng cách quan viên sành điệu, như vị nhạc trưởng của ban đại hợp tấu, chuẩn bị phát lệnh trên một chiếu hát. Mọi người chờ tiếng trống phát ra. Nhưng Nguyễn Tuân lại đặt nhẹ rồi trống xuống và nói với giọng trầm buồn:

– Này em Đức ơi! Anh biết em từng là ngôi sao ca nương sáng chói của lò hát bà Đốc Sao ở Hà Nội. Xưa kia thì phải là cỡ Tuần phủ, Tri huyện trở lên tới Tổng đốc mới được nghe tiếng em ca. Thế rồi cách mạng về thì nhà bà Đốc Sao biến đâu mất tích. Nay được tin em trôi dạt về đây, anh đã phải bịa chuyện xin đi công tác phương này, cốt là để tìm em, để được nghe em hát thêm một lần, cho dù mai sau có chết vì bom đạn thì anh cũng mãn nguyện là đã tận hưởng cuộc đời. Bởi hôm nay đây, cái cánh đồng khô giữa vùng đất núi rừng Tuyên Quang này bỗng trở thành một bến Tầm Dương! Và em Đức sẽ là người đưa tiễn anh với anh Thảo đây, đều là những Tư mã của thời đại, đang bị thời thế lưu đày về cái đất Giang Châu của Tuyên Quang này… Em hãy ca thật hay lên, để tiễn đưa chúng anh ngày mai lại lên ứ… ư đường! Chỉ tiếc ở đây không có rượu ngon để anh ngâm mấy câu thơ cổ:

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi!

(Thơ Vương Hàn, Lương Châu từ, Trung Quốc)

Rồi Nguyễn Tuân cao hứng, đằng hắng, lấy giọng ngâm thật thống thiết tiếp:

Rượu ngon thơm ngát chén ngà
Chén chưa kịp cạn, tỳ bà thúc đi
Sa trường say, cười mà chi
Xưa nay chinh chiến, mấy ai trở về!

(Người dịch khuyết danh)

Cây roi giơ lên phát lệnh bắt đầu bài hát:

– Tom! Tom! Chát!

Nhưng tất cả ngạc nhiên vì ca nương không cất tiếng hát mà lại ôm mặt khóc nức nở! Thảo ngồi đấy cũng long lanh nước mắt. Vì trong lòng cũng cảm thấy một nỗi u buồn thấm thía khó tả, chẳng rõ vì sao. Nức nở, sụt sùi một hồi, ca nương lấy lại bình tĩnh nói:

– Em xin lỗi! Em xin lỗi! Vì nhìn mấy anh ăn mặc nâu sồng vất vả, mặt mày hốc hác, em thấy thương mấy anh quá! Mà em cũng khóc cả cho thân phận em! Thôi để em hát, để tiễn đưa các anh, và cũng là đưa em nữa, vì mai đây gia đình em sẽ tìm đường về xuôi, vì cái bến Tầm Dương của em là bên quê ngoại ở mãi vùng Thái Bình cơ!

– Thôi nín đi em! Hát đi em!

Nguyên Tuân lại nổi trống giục:

– Tom! Tom! Tom! Chát!

Ca nương bắt đầu lên giọng ngân nga, luyến láy não lòng:

Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách
Quạnh hơi thu lau lạch đìu hiu

Dời thuyền ghé lại thăm tình
Chong đèn, thêm rượu, còn dành tiệc vui

Nghe não nuột mấy dây buồn bực
Dường than niềm tấm tức bấy lâu
Mày chau tay gẩy khúc sầu
Dãi bầy hết nỗi trước sau muôn vàn

Thuyền không, đậu bến mặc ai
Quanh thuyền trăng dãi, nước trôi, lạnh lùng

Nghe não ruột khác tay đàn trước
Khắp tiệc hoa sướt mướt lệ rơi
Lệ ai chan chứa hơn người
Giang Châu Tư mã đượm mùi áo xanh…

(Trích thơ Bạch Cư Dị, Phan Huy Vịnh dịch)

– Tom! Chát! Chát! Tom!

Tiếng trống vang lên như để khen “Thật tuyệt vời!”, tiếng đàn cùng tiếng hát ngưng bặt. Cả cái chòi cót giữa cánh đồng không ấy bỗng im lặng hoàn toàn. Chỉ còn tiếng gió, xào xạc, qua một bụi tre, vọng lại từ xa.

Trong chòi, mọi người, như chết lặng vì quá cảm xúc. Tất cả êm thấm đứng dậy, chậm rãi thu xếp trống, đàn, từ từ rút lui. Tất cả họ bùi ngùi, câm nín, ra về trong sợ sệt, nhìn trước, ngó sau, lắng tai, phóng mắt ra khắp phía xa chung quanh, không ai nói với ai nửa lời. Mỗi người mỗi nặng một tâm tư luyến tiếc, lo âu, sợ hãi…

Nguyên Tuân ghé tai Thảo:

– Này ông bạn trí thức của tôi ơi, nhớ cho kỹ là đừng cho ai biết là tôi đãi ông chầu hát ca trù này đấy nhé! Phải “bem” (giữ bí mật) kẻo lại bị ngồi viết kiểm điểm thì mệt lắm đấy!

– Thú thật là ngồi nghe, tuy không hiểu hết ca từ, nhưng tôi cảm thấy lòng mình chùng xuống y như mình cũng đang khóc cho nỗi niềm u uất của chính mình. Không thể ngờ là lối ca này nó thấm thía vào tim gan đến thế!

– Anh có biết tại sao ca trù nó thấm thía vào tâm hồn mọi người không? Tại vì đây là một lối ca trữ tình. Bởi lời ca toàn là những bài thơ, bài hát nói của một nền văn chương quý phái đã lâu đời. Cách diễn tả lại càng trữ tình hơn. Vì làn hơi bị ức chế trong lồng ngực để rồi được đẩy ra thành tiếng luyến láy nghẹn ngào, nức nở, để bầy tỏ những tình cảm uất ức khó diễn tả, nên ca mà cứ như nấc nghẹn, muốn than van, nuối tiếc, khóc thương một thời hạnh phúc đã mất… Ai mà có nỗi niềm trong lòng thì mới thưởng thức hết được cảm xúc sâu thẳm của ca trù. Tôi biết anh cũng đang có nhiều nỗi niềm bị ức chế ở trong lòng nên tôi mới mời anh đi hát hôm nay. Có đúng như vậy không nào?

Thảo nhìn Tuân chằm chằm, rồi ngần ngừ nói:

– Anh hỏi tôi câu ấy làm tôi chột dạ. Cố phải anh là môn đệ của Freud đã nhìn thấy tâm can tôi không? Hay anh là cán bộ của “cụ Hồ” đang gài bẫy để bắt quả tang lập trường chao đảo của tôi đây?

– Tôi chưa hề đọc Freud. Và anh cũng đã mắc cái bệnh cảnh giác nặng rồi đấy. Nhưng cứ yên tâm, vì thằng Nguyễn Tuân này dù thế nào thì cũng không thể hèn mạt đến nỗi bán rẻ tình bạn cho cách mạng đâu. Anh cứ bình tĩnh mà chịu đựng và chờ đợi, chờ thời… Tôi hỏi thật, anh có hiểu tại sao ca trù nó lại thấm thấu tâm can chúng ta như vậy không?

– Tại sao vậy anh?

– Tại vì ca trù toàn chuyên chở âm điệu những nuối tiếc, những tình hận, những chí cả sinh bất phùng thời của những kẻ bất mãn, bất đắc chí như anh đấy!

– Sao anh thấy được tận đáy lòng tôi như thế? Xin cảm ơn anh! Nhưng cũng xin anh đừng làm tôi sợ vì đúng là anh đã bắt quả tang tôi đang chao đảo lập trường đối với cách mạng!

– Anh đừng lo. Tôi hiểu anh vì tôi hiểu tôi. Bởi chúng ta chỉ là bọn Giang Châu Tư mã đang bị giông bão thời cuộc đánh trôi dạt về cái bên Tầm Dương rừng rú này. Buồn lắm! Thảm lắm anh ơi! Với anh tôi mới dám thổ lộ tâm sự u buồn của tôi. Bởi tôi biết sợ cũng như anh biết sợ…

Rồi bác Thảo còn cho biết sau khi về tiếp thu Hà Nội, Nguyễn Tuân còn mời bác đi nghe hát ca trù chui lậu thêm hai lần nữa, nhưng những lần sau này thì không còn xúc động mạnh như lần đầu, trong cái chòi tranh thô kệch nghèo nàn ở giữa cái cánh ruộng khô, đêm trăng ấy nữa.

Trích “Trần Đức Thảo – Những lời trăn trối”,
Phan Ngọc Khuê ghi.
Nguồn: FB La Khac Hoa

Tỳ Bà hành - thơ Bạch Cư Dị qua bản dịch của Phan Huy Vịnh
NSND Quách Thị Hồ trình bày 

10 nhận xét :

  1. Bây giờ thì các quan chức thích nghe hát bằng tay thôi
    Trả lời
  2. vì thằng Nguyễn Tuân này dù thế nào thì cũng không thể hèn mạt đến nỗi bán rẻ tình bạn cho cách mạng đâu.HAY
    Trả lời
  3. Thời gian sống ở ATK, tôi (Trần Đức Thảo) bị sai khiến làm mấy việc vơ vẩn như ngồi dịch những tài liệu cũ kỹ, mà rồi sau chẳng dùng được vào việc gì! Hoặc là theo chân mấy phái đoàn Trung ương đi thanh tra này nọ với vai trò của một cây cảnh: đi tới đâu cũng được giới thiệu là trí thức ở bên Tây mới về tham gia cách mạng! Rồi được vỗ tay, hoan hô. Chứ chẳng làm được một việc gì hữu ích cả!
    (hết trích)
    _______________________
    Lúc này Mao Trạch Đông nó chỉ đạo sử dụng các nhà trí thức tây học Việt Nam như cụ Trần Đức Thảo làm chim mồi để lôi kéo các nhân sĩ có ảnh hưởng, có uy tín trong nước ta đi theo. Sau Điện Biên Phủ, thằng tầu nó bám chặt ở việt Nam rồi thì lúc đó nó lại chỉ đạo đày đọa các vị nhân sĩ, trí thức ở nước ta. Cụ Trần Đức thảo đã chịu một quãng đời đau đớn cho đến lúc sắp qua đời. Thằng Mao nó như thế đấy!
    Trả lời
    Trả lời
    1. người ta lôi kéo các nhân sĩ trí thức từ nước ngoài về để phục vụ cho mục đích chính trị của họ thôi . chứ không phải là tập hợp đội ngũ trí trức để xây dựng nền tảng cho đất nước, vì vậy trí thức chỉ như những cây cảnh, mà không được giao một công việc nào cho xứng tầm, thậm chí còn bị lãnh đạo bởi một bọn vô học. vì vậy tài năng cứ mai một dần trong tàn lụi. Thật thương thay.
  4. Đấy! Công an đã ăn nhậu từ hồi ấy cơ đấy!
    Trả lời
  5. Ăn vụng mới ngon ! Nhưng mà nay nghĩ thời ATK nay chẳng còn thú vị gì ! Kể ra triết gia Trần Đức Thảo bỏ Paris hoa lệ mà về chốn này cũng là một việc quá vĩ đại rồi . Sau đó lạ còn bị đoa đầy vì NVGP . Uổng cả một đời tài hoa !
    Trả lời
  6. Cái gì vào tay cộng sản, cái gì chịu ảnh hưởng của Mao, của Stalin ... thì cũng biến thành vô hồn, vô nhân.

    Cộng sản cấm cản tất cả những gì bày tỏ tâm hồn con người. Những kẻ ăn nên làm ra trong xã hội cộng sản chỉ là 1 bọn kền kền ăn xác chết và ăn lẫn nhau!
    Trả lời
  7. Nói đến cụ Trần đức Thảo-một triết gia lỗi lạc-từ bỏ nước Pháp hoa lệ để về Việt nam tham gia đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vậy mà cuộc đời cụ thật cay đắng về nước 2 lần,lần thứ nhất về chiến khu Việt bắc công việc như bài viết đã mô tả, lần thứ 2 hài cốt cụ được để trong bình tro đưa về HN không 1 cơ quan nào nhận phải gửi tạm dưới chân cầu thang nhà tang lễ Phùng Hưng phải trả 50 ngày đêm giá 5000đ/1 ngày đêm mới được về yên nghỉ ở Văn điển(xem trong "Năm phút sự thật" tác giả Phùng Quán) ...Đời là vậy đó... 
    Trả lời
  8. Ca trù rất phong lưu. Nếu chỉ ngồi nghe thì chưa phải là phong lưư. Người nghe phải đồng điệu thấu cảm với ca nương để biết khi nào tom chát khi nào tom tom chát...v...v...
    Đại để ví dụ một tiếng tom là thưởng 1 đồng, một tiếng chát là thưởng 2 đồng. Hết bài ca là khách nghe bỏ tiền ra thưởng, không thiếu 1 xu.
    Hát hay thì được tom chát nhiều, hát dở thì được tom chát ít. Đấy là hồi nhỏ tôi nghe các cụ kể lại. Thời gian cũng lâu lắm rồi, bây giờ nhớ lại không biết còn chính xác được mấy phần..
    Trả lời
  9. Đọc đâu đó, cụ Hồ nhận xét về Nguyễn Tuân: tay này ghê lắm!
    Cái tội lớn nhất của Trần Đức Thảo là thông minh, uyên bác hơn lãnh đạo. Họ cố dạy ông, hèn nhân thường thắng cao nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.