Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2019

Thư gởi người bạn vô sản khuyên tôi vô vi (Phần 1)

Thư gởi người bạn vô sản khuyên tôi vô vi (Phần 1)

Tôi là người Việt Nam, tôi từ chối: Vô sản-vụ lợi trong cộng sản-tư lợi

GS Lê Hữu Khóa
15-3-2019
Chào bạn,
Cụm từ vô sản nhưng vụ lợi, bạn cũng có thể đổi lại theo ý bạn là cộng sản nhưng tư lợi, đây có lẽ là sự bất đồng của chúng ta trong nhiều năm qua. May quá là tình bạn của chúng ta từ bao năm nay đã biết vượt thoát cái thấp của vụ lợi và vượt thắng cái hẹp của tư lợi, mong sao tình bạn này luôn thật sự là hạnh ngộ giữa cuộc sống này, nhiều trầm luân, lắm thăng trầm.
Tôi xin chân thành trả lời các câu hỏi, kể cả các chỉ trích của bạn về các bài tôi đã đăng, các sách tôi đã xuất bản, phương pháp trả lời của tôi thành thật nên tôi dùng chính lý lẽ của bạn để xây dựng hành trình các câu trả lời của tôi.
Trong ngoại giao, thì các chuyên gia đặt tên cho phương pháp trả lời này là nhân địch luận, dùng chính luận điệu của địch thủ để quật ngã địch thủ, chúng ta là bạn nên tôi xin đổi lại là nhân hữu luận. Thân hữu là bảo vật mà đời trao tặng bạn à! Nên cũng xin cho bạn biết thêm là cả đời tôi sống không có địch thủ, vì không xem ai là đối thủ, không có đối phươngvì không coi ai là đối nghịch, không có ai là tử thù, nên tới cho ngày rời khỏi cuộc đời này tôi cũng sẽ không có kẻ thù.
Nhưng cũng xin bạn hiểu thêm là trong nhân hữu luận của tôi không những có nhân tâmnhận ra bạn là bạn, mà có cả nhân nghĩa biết giữ bạn trong đời mình, không những có nhân đạo song hành cùng bạn qua các thử thách mà có cả nhân từ biết cưu mang bạn khi bạn gặp hoạn nạn, nên phương pháp luận trả lời của tôi hoàn toàn ngược với nhân địch luận, chúng ta hãy đặt tên cho nó là nhân bản luậnnhé!
1. Câu trách móc đầu tiên của bạn là: “Anh hay dùng từ ‘Việt tộc’, ‘Việt học’…, tức là chỉ quan tâm đến người Việt (Kinh), trong khi VN còn 53 dân tộc khác nữa. Điều đó đã được xác định trong tên gọi ngành ‘Việt Nam học’ đối với giới học thuật thế giới… chuyện ‘Việt tộc’ – có vẻ như anh cũng giống những người theo ‘chủ nghĩa Đại Hán’: chỉ thấy Hán tộc trong đất nước Trung Hoa mà không thấy các dân tộc khác…
Xin trả lời:
– “Việt tộc” là ngữ pháp của ngữ văn dân tộc Việt ; còn “Việt học” là chuyên ngành về “Việt Nam học”, mà chúng tôi dùng giữa các đồng nghiệp mà cũng là đồng hương tại Paris có cùng một sở thích và mong muốn được nghiên cứu về đồng bào Việt, quê hương Việt,… cụm từ này bác Hoàng Xuân Hãn, anh Tạ Trọng Hiệp, anh Nguyễn Khắc Hòe, anh Nguyễn Văn Toàn… vẫn thường dùng với tôi, nên tôi dùng nó với phong cách thoải mái của đàn em qua nhân cách thư thái của đàn anh…
Tôi cũng xin trả lời bằng một hành tác khoan dung khác, cụ thể là ai trao “Việt học” tôi cũng nhận, mà ai dùng “Việt Nam học” tôi cũng đón, vì theo M. Weber nếu cả hai nghĩa cùng có thể hiểu được vì giải thích được thì ta cứ dùng cả hai; nếu cả hai đều giải thích được thì cả hai xem như đã được hiểu rõ rồi.
Bùi Giáng nói về chuyện này rất cao: “Đã mở cõi thì đừng ngăn miền”, bạn có thấy cả Weber lẫn Bùi Giáng với thái độ vừa khoan hồng, vừa khoa học này, nó có “dễ thương”không? Tôi thấy nó rất “dễ thương” vì nó rất “dễ hiểu”, nên ta rất “dễ nhận”, bạn cứ nhận cả hai nhé.
– Riêng khẳng định của bạn: “Việt tộc”, tức là chỉ quan tâm đến người Việt (Kinh), trong khi VN còn 53 dân tộc khác nữa”. Bạn ơi, bạn nên thận trọng vì “bút sa gà chết” bạn à. Tôi tôn trọng các dân tộc ít người miền núi lẫn miền xuôi, nên tôi đã làm một chuyện “động trời”mà các người cộng sản hiện nay không sao chấp nhận được: tôi yêu cầu mọi chính quyền, tôi kêu gọi mọi chính phủ hãy trả lại sự tự chủ cho hơn 50 dân tộc này, nếu có liêm sỉ chính trị phải trả lại luôn đất cho họ. Xin bạn xem lại các cuốn sách của tôi về vấn đề này[1]. Vì tôi kịch liệt chống bọn bạo quyền lãnh đạo, bọn tà quyền tham quan, bọn ma quyền lâm tặc đang chặt hết gỗ, đang đốn hết rừng, đang phá hủy môi trường, đang truy diệt môi sinh của hơn 50 dân tộc này.
Đây là điểm dị biệt lớn giữa chúng ta. Có lần tôi thấy bạn cầu nguyện tại các chùa để thỏa mãn được các mong cầu của bạn trong cuộc sống, và ngược lại thì bao năm nay bạn không bao giờ thấy tôi chắp tay cầu nguyện vì tư lợi, mượn cửa chùa để vụ lợi. Tôi tởm bọn lãnh đạo tham nhũng, chúng xây chùa để “rửa tiền”, rồi lấy vé du khách thăm chùa, chúng mượn chùa để buôn gian, bán lận, chúng buôn thần bán thánh để làm ra tiền, chúng đâu có “vô sản”, chúng đâu có “cộng sản”. 
Nhưng khi bạn thấy tôi chắp tay, cúi đầu, miệng thì “lầm bầm” trong các miếu đền của người Chàm, từ Quy Nhơn tới Bình Định, từ Nha Trang tới Phan Thiết, bạn biết tôi đang “lầm bầm” gì không? Tôi đang xin lỗi một mình, nghiêm cẩn và sám hối, để xin lỗi về chuyện các dân tộc Chiêm Thành, Chân Lạp bị người Việt chiếm đất, rồi xóa tên trên bản đồ thế giới. Tôi không hề có một tự hào nào về việc lấy đất của láng giềng, nên tôi kịch liệt với bọn lãnh đạo Bắc Kinh đang chiếm đất, chiếm đảo, chiếm biển của chúng ta, tôi tự chế tác ra ngữ pháp riêng để gọi chúng là: Tàu tặc, Tàu họa, Tàu hoạn, Tàu nạn; mặc dù tôi luôn tôn kính Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh Tử, là những minh sư lớn của nhân loại.
2. Câu thứ hai bạn vừa chỉ trích, lại vừa chỉ giáo: “Nếu để tuyên truyền, giáo hóa về dân chủ, tự do, nhân quyền, nâng cao dân trí, thì các bài viết và diễn đạt cần ngắn gọn, súc tích, không trùng lặp. Những bài anh viết cho giới trẻ Việt tộc mà dài dằng dặc như thế thì ‘tuổi trẻ’ nào có đủ thời gian và trải nghiệm cuộc đời để đọc từ đầu đến cuối…”.
– Bạn bị sa lầy trong ngộ nhận rồi, tôi không hề có có ý định tuyên truyền, nên không hề có ý muốn giáo hóa về dân chủ, tự do, nhân quyền, nâng cao dân trí; chỉ vì tôi được sống nửa thế kỷ trong các xã hội Âu châu, họ códân chủ, tự do, nhân quyền, nên họ đâu có cần phải tuyên truyền, họ xem chuyện tuyên truyền mang ý đồ hỗn man của ngu dân pha lẫn với mỵ dân, là một quá trình ung thư hóa não bộ của công dân, nên họ tránh tuyên tuyền như “tránh tà”.
– Bạn vừa bị sa lầy trong ngộ nhận lại vừa bị sa lưới trong nhận định, tôi chỉ phân tích để giải thích những gì tôi hiểu về dân chủ, tự do, nhân quyền, qua ba cuốn sách[2]. Cuốn thứ nhất viết về dân chủ, có tựa là Dân luận, có tiểu tựa là dân chủ nâng dân sinh, dâng dân trí, trọng dân tộc, tôi phân tích bạo quyền đã độc tài vì tư lợi của nó thì đừng mong nó nâng dân sinh, tà quyền tham quan đã là “cướp ngày là quan” rồi thì đừng mong chúng dâng dân trí, ma quyền ngày đêm cướp đất, cướp của thì đừng mong chúng trọng dân tộc.
Cuốn thứ nhì viết về tự do, với tựa là Tự luận,qua tính liên kết của phương trình tự do, tự chủ, tự tin, tự trọng, tôi đưa ra lập luận là trong một chế độ bạo quyền độc đảng, thì công dân mất đi cả một khối bảo vật: tự do-tự chủ-tự tin-tự trọng, tức là mất đi chính nhân phẩm của mình.
Cuốn thứ ba viết về nhân quyền, với tựa là Nhân luận và Nhân Việt, có tiểu tựa Nhân cách giáo lý Việt tộc nơi mà nhân tâm, nhân nghĩa, nhân đạo làm nên nhân tính; nơi mà nhân lý, nhân tri, nhân trí làm nên nhân vị; nơi mà nhân bản, nhân văn, làm nên nhân cách để mỗi người sống ngẩng đầu trong nhân sinh, để mỗi người sống thẳng lưng trong nhân thế; để mỗi người sống mà không quỳ gối ngay trong nhân kiếp của chính mình.
– Bạn vừa bị sa lầy, lại sa lưới, giờ lại sa vào mê luận:  thì các bài viết và diễn đạt cần ngắn gọn, súc tích, không trùng lặp…”, thưa bạn các cuốn sách của tôi mang kết quả của một quá trình nghiên cứu, khảo sát, điều tra, điền dã… trong nhiều năm; thì làm sao viếtngắn gọn, súc tích. Nếu bạn biết cách giới thiệu đầy đủ các kết quả nghiên cứu dài hơi này bằng các bài ngắn gọn, súc tích, xin bạn cứ chỉ giáo, riêng tôi thì nghiên cứu làm ra công trình, còn nếu biến công trình thành bài viết ngắn gọn, súc tích thì đó cũng là cách“xiết cổ” nghiên cứu, trong học thuật phương Tây thì người ta tối kỵ cách “ám sát” này!
– Bạn bị sa lầy, sa lưới, sa vào mê luận, giờ sa sâu vào ảo luận, vì bạn đã là nạn nhân, phải lãnh nhận tất cả hậu quả mà nền giáo dục tuân theo giáo điều của độc đảng bằng độc tài hiện nay tại Việt Nam chỉ cho phép các người nghiên cứu là mô tả tin tức rồi kể lể dữ kiện. Đảng trị không cho các bạn có tự chủ để phân tích, có tự tin để giải thích, có tự do để phê bình, mà chính sự khách quan phê bình là hùng lực của học thuật, hùng lực này không hề được cổ súy trong một chế độ chính trị độc tài (lại bất tài) hiện nay tại Việt Nam.
Tại các quốc gia có dân chủ, tự do, nhân quyền, nên lãnh đạo dựa vào văn hóa, nên có nghiên cứu dựa vào văn minh, nên có học thuật dựa vào văn hiến; mà giới trí thức trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn còn tự cho phép mình khi có tác phẩm riêng thì đi tiếp bước nữa để tự xây sự nghiệp riêng, và sự nghiệp này sẽ làm nền cho tư tưởng riêng của tác giả đó, mà không bị ý thức hệ độc đoán (vì độc tôn) nào vu cáo, buộc tội, bỏ tù đâu bạn ạ.
Nếu không có phương trình tác giả riêng-tác phẩm riêng-sự nghiệp riêng-tư tưởng riêng thì đừng mong có một nền học thuật sáng tạo, đừng mong chuyện nghiên cứu hiện nay của Việt Nam được song hành với các nền học thuật tiến bộ trong dân chủ, văn minh trong nhân quyền. Nên ở đây từ: riêng quý báo vô cùng, đó là chỉ báo khoa học cho sự nghiệp nghiên cứu, nơi mà tự do riêng của mỗi người làm nên nhân cách liêm chính của người đó trong học thuật.
– Bạn giảng cho tôi trong thế chòng chành vụng chèo khéo chống của bạn, đó là câu:“Những bài anh viết cho giới trẻ Việt tộc mà dài dằng dặc như thế thì “tuổi trẻ” nào có đủ thời gian và trải nghiệm cuộc đời để đọc từ đầu đến cuối…”. Đồng ý với bạn là các bạn trẻ hiện nay đa số ít đọc, nhưng cũng có các bạn trẻ đọc nhiều và kỹ vì họ chăm chỉ, để đi tìm hệ chuyên, lấy chuyên cần để tạo ra tinh chuyên, thực sự chuyên nghiệp để được công nhận là chuyên gia trong chuyên môn của mình.
Những bài mà bạn đọc rồi bị bạn hiểu lầm rồi kết luận vội là dài dằng dặc, tới từ ba cuốn sách[3]: cuốn thứ nhất Tri Luận, với tiểu tựa tuổi trẻ soi, tuổi trẻ sáng, xây lại nhân sinh quan có nhân tính, thế giới quan có nhân loại, vũ trụ quan có muôn loài, để tuổi trẻ đủ sung lực mà bứng được vị kỷ, rồi thế vào bằng vị tha, mà cưu mang đời.
Cuốn thứ hai Mỹ Luận, với tiểu tựa mỹ luận nhập mỹ quan, mỹ thuật, mỹ học trong quá trình đi tìm cái đẹp không những trong nghệ thuật tạo hình mà cả trong thi ca, không những qua kinh nghiệm của mỹ quan khi thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật, mà phải hiểu các công đoạn của sáng tạo trong nghệ thuật làm nên mỹ thuật, từ đó nắm được mỹ học mà làm đẹp cuộc sống.
Cuốn thứ ba Duyên Luận, bằng phương pháp của tổ tiên ta là: nhờ duyên ta biết quê mình nơi đây, lấy chuyện tầm sư học đạo, làm kim chỉ nam cho nhân cách cá nhân biết tôn sự trọng đạo; thậm chí khi không gặp được minh sư thì cứ chọn thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ làm bạn để được xem họ là thầy của mình. Tại đây, tôi đã lập chân dung của Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Thành Tâm Tuyền, Phạm Duy, Đinh Cường, Tô Thùy Yên… đó chính là cơ duyên biến sơ ngộ rồi thành hội ngộ làm nên tái ngộđể được hạnh ngộ cho cả kiếp người, vì họ là những người bạn-người anh-người cha-người thầy của tôi.
– Nếu các bạn trẻ hiện nay, đọc nhiều để hiểu nhiều theo lời khuyên của Rousseau: “Les hommes soyez humains” (Con người ơi hay giữ nhân tính), tôi thấy nhiều chớ không ít qua Facebook, tôi trao đổi mà không biết chán, mà không biết mệt với các bạn trẻ về chuyện học, đọc và viết, vì các bạn ấy biết tầm sư học đạo,vì hiểu chuyện học làm người qua tôn sư trọng đạo.
Ngược lại, tôi rất xa lạ với các bạn trẻ không học cũng chẳng đọc, suốt ngày tụ họp trong quán nhậu, rồi la cà qua các quán cà phê, trong khi Tàu tặc ngoại xâm đang cướp lãnh thổ và lãnh hải của Việt tộc, trong khi giặc nội xâm là tà quyền tham nhũng đang bòn rút tận xương tủy tiền của của dân tộc và tài nguyên của đất nước.
Tôi càng lạ lẫm hơn khi các bạn trẻ thích nhậu, thích la cà tán gẫu mang đầy ảo tưởng khi họ tán dóc với nhau là: dân tộc Việt rất thông minh, người Việt Nam rất giỏi… mà họ không thấy là chế độ độc tài-nhưng- bất tài hiện nay đang vùi tuổi trẻ xuống bùn nhơ, trai thì đi làm lao nô, gái thì đi làm tiện tỳ cho các nước làng giềng.
– Bạn bị sa lầy, sa lưới, sa vào mê luận, sa sâu vào ảo luận, giờ lại bị thêm sa cơ trong ngữ pháp, khi bạn viết “… không trùng lặp…”. Thưa bạn, khi bạn xem lại các tác giả có tác phẩm riêng-sự nghiệp riêng-tư tưởng riêng, bạn sẽ thấy một điều là mỗi bài viết là , mỗi tác phẩm là cành, mỗi tuyển tập là cội, đều dựa trên nền là tư tưởng riêng có rễ chính là tác giả. Tại đây, không còn là chuyện trùng lặpkhi ta lấy nền để phân tích , khi lấy rễ để giải tích cội. Một công hai việc, nhân cơ hội này tôi xin được tỏ bày cái riêng nhỏ cho cái rễ nhỏ của tôi, để chúng ta thông cảm nhau hơn bạn nhé. Trong tất cả nghiên cứu của tôi từ bài tới sách, bạn sẽ thấy sự trùng lặp của:
+ Hệ lý, tức là lấy lý luận để lập luận, tìm giải luận để diễn luận, qua hành trình đi tìm hệ nhân, tức là lấy nhân tính để đi tìm nhân lý qua nhân tri tạo nên nhân trí; rồi đào nhân tâm, xới nhân từ, vung nhân nghĩa để tạo nhân bản, giữ nhân văn, và bảo vệ nhân vị, để vượt thoát các thử thách của nhân thế, để vượt thắng các thăng trầm đang đe dọa nhân sinh.
Hệ công, đấu tranh vì công bằng, để xã hội có công pháp, dân tộc có công luật, giữ vững công tâm để hiểu hệ lương, nơi mà hành động lương thiện tạo ra hành tác có lương tri, nơi đây tri thức của thiện luôn có nguồn là lương tâm, làm nên cái sạchcho nhân phẩm, làm nên cái trong cho nhân tính, sạch và trong chế tác ra cặp đôi “chung lưng đấu cật”công cạnh lương.
Hệ tự, dùng tự do để xây tự chủ, dùng tự tin để giữ tự trọng, lấy tự quyết để gạt bạo quyền lãnh đạo buôn chức bán quyền, tà quyền tham quan buôn bằng bán cấp, ma quyền buôn thần bán thánh, chính hệ tự này sẽ cho ra đời hai đứa con sinh đôi: hệ thông, nơi mà thông minh làm nên thông thái; và hệ sáng, nơi mà sáng kiếnmở đường cho sáng tạo.
Bạn ơi, bạn phải thấy rõ hơn tôi vì bạn đang ở quê nhà, nơi mà độc đảng với độc đoán của nó đã giết hệ luận; nơi mà độc trị sinh ra quái thai của nó là toàn trị đã giết đi hệ nhân; nơi mà độc quyền trong lạm quyền đã giết đi hệ công; nơi mà độc trị trong độc tôn đã giết đi hệ lương; nơi mà độc tài trong bất tài đã giết đi hệ công, rồi tiêu diệt luôn cả ba hệ: tự, thông, sáng đó sao!
Thư gởi người bạn vô sản khuyên tôi vô vi
Tôi là người Việt Nam, tôi từ chối:
Vô sản-vụ lợi trong cộng sản-tư lợi
_____
[1] Bạn có thể tham khảo qua trang Facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa)
NHÂN LUẬN (l’argumentation humaine)CHÍNH LUẬN (l’argumentation politique)
TÂM LUẬN (l’argumentation affective)
[2] www.facebook.com: VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa)
TỰ LUẬN (l’argumentation libérée)
DÂN LUÂN (l’argumentation démocratique)
NHÂN LUẬN (l’argumentation humaine)
[3] Facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa)
TRI LUẬN (l’argumentation cognitive)
MỸ LUẬN (l’argumentation esthétique)
DUYÊN LUẬN (l’argumentation relationnelle)
___
Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.
Các bài của giáo sư LÊ HỮU KHOÁ trên Tiếng Dân đã được ANTHRPOL-ASIE xuất bản và các bạn đọc có thể chuyển tải trực tiếp hai tác phẩm Trực Luận (l’argumentation directe), Xã Luận (l’argumentation sociétale), qua Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).
Mời đọc lại các bài cùng tác giả tại đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.