Tại sao phải bảo vệ “Đồi Dinh Thị trưởng cũ”?
Mai Thái Lĩnh
21-3-2019
Đầu năm 2018, khi phê bình “đồ án quy hoạch khu trung tâm Đà Lạt”, tôi đã nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ “Đồi Dinh Thị trưởng cũ” như một di sản kiến trúc quý giá của thành phố. Nhân dịp nhiều kiến trúc sư và nhiều tờ báo trong nước đang phản biện việc chính quyền Tỉnh Lâm Đồng phê duyệt “Đồ án quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình – Đà Lạt” của kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị, tôi xin mạn phép làm rõ thêm luận điểm này.
Trước hết, cần xác định lại danh xưng: “Dinh Thị trưởng” hay “Dinh Tỉnh Trưởng”? Trong các bản đồ thời Pháp thuộc, vị trí này được ghi là “Résidence de l’Administrateur-Maire”, như trên bản đồ Đà Lạt năm 1952 [i] – được lưu trữ tại Thư viện của Đại học Toronto – Canada (xem hình 1). Trong các bản đồ xuất bản thời Việt Nam Cộng Hòa (vd: Bản đồ Đà Lạt 1960, hay Bản đồ du lịch Đà Lạt 1971 in trong Tập san Sử Địa số 23-24 – số đặc khảo Dalat), địa điểm này cũng được ghi là “Dinh Thị trưởng Đà Lạt” (xem hình 2).
Điều đó có nghĩa là công thự này được dành cho Thị trưởng Đà Lạt. Do có những thời kỳ Tỉnh trưởng Tuyên Đức kiêm chức Thị trưởng Đà Lạt mới sinh ra sự lẫn lộn, nhiều người gọi nhầm là “Dinh Tỉnh trưởng”.
Nhưng tại sao vị trí này lại được chọn để xây dựng Dinh Thị trưởng Đà Lạt? Theo tôi, có hai lý do chủ yếu:
1) Trước hết là do cao độ của ngọn đồi và tầm nhìn bao quát từ vị trí đó. Trên bản đồ 1952, chúng ta thấy ghi 1525,6 m, còn trên bản đồ 1960, con số đó là 1525,3 m. Tạm gọi là Đồi 1525.
Nhìn vào hai tấm ảnh cũ trên đây (hình 3 và hình 4), chúng ta thấy từ vị trí của Dinh, người nắm chức vụ Thị trưởng có thể nhìn bao quát và do đó có thể giám sát một cách thường xuyên việc xây dựng trong phạm vi thành phố – ít nhất là toàn bộ khu trung tâm. Cũng xin lưu ý điều này: trước năm 1975, Dinh Thị trưởng là một công thự dành cho người giữ chức vụ Thị trưởng chứ không phải tài sản riêng của Ông hay Bà Thị trưởng.
Chúng ta có thể đặt câu hỏi: nếu từ năm 1975 đến nay, chức vụ Thị trưởng và chức năng của Dinh Thị trưởng được tiếp tục duy trì thì có thể xảy ra tình trạng xây dựng nhà cửa một cách bừa bãi như hiện nay (xem hình 5 và hình 6) hay không?
2) Mặt khác, “Đồi 1525 và Dinh Thị trưởng cũ” có thể được coi như một thắng cảnh nằm ngay trong lòng thành phố. Nếu chỉ nhìn riêng ngôi biệt thự trước đây từng là nơi trú ngụ của người đứng đầu chính quyền thành phố, nhiều người có thể còn băn khoăn vì chưa hiểu rõ lý do tại sao ngôi nhà giản dị đó (xem hình 7) lại là một “di sản kiến trúc” cần phải bảo tồn?
Nhưng nếu nhìn ngôi biệt thự này lồng trong khung cảnh thiên nhiên xung quanh (hình 8), người ta sẽ hiểu được tại sao ngày xưa các nhà văn, nhà thơ, nhà soạn nhạc, nhà nhiếp ảnh và các họa sĩ luôn ca ngợi Đà Lạt là một “thành phố lãng mạn, thơ mộng”:
Có thể nói: đối với Đà Lạt, Dinh Thị trưởng và Đồi 1525 có tầm quan trọng đặc biệt về mặt thiết kế đô thị. Chính từ cách nhìn đó mà trong bài báo nêu trên, tôi đã đề nghị: “… Đồi Dinh Thị trưởng không chỉ bao gồm một công trình kiến trúc mà còn là một phong cảnh tuyệt đẹp, một vị trí hiếm có. Nếu xây dựng xung quanh dinh thự này một công viên, chúng ta sẽ có được một điểm ngoạn cảnh tuyệt vời, từ đó du khách có thể ngắm được toàn cảnh thành phố với nhiều góc nhìn khác nhau. Trong thời đại ngày nay, với những máy ảnh, điện thoại thông minh, máy tính bảng,… du khách có thể chụp được những tấm ảnh tuyệt đẹp.”[1]
Biến khu vực “Đồi 1525” (tức Đồi Dinh Thị trưởng cũ) thành một công viên, một điểm ngoạn cảnh (scenic viewpoint, point de vue panoramique, ở Úc, New Zealand hay Hoa Kỳ thường được gọi là lookout) chính là cách tối ưu để bảo vệ một di sản kiến trúc, đồng thời tạo điều kiện cho mọi người dân cũng như du khách tham gia vào công việc chỉnh trang, làm đẹp thành phố. Ngược lại, nếu các nhà lãnh đạo vẫn tiếp tục thực hiện đồ án quy hoạch đã được chính thức phê duyệt theo cách “việc đã rồi” (fait accompli) thì điều đó đồng nghĩa với hành động xóa bỏ căn cước của Đà Lạt, phá hoại bản sắc của thành phố lãng mạn, thơ mộng này.
Điều nghịch lý lớn nhất là: trong khi những người cộng sản ngày xưa nhân danh “công nông” (nghĩa là những người lao động nghèo khổ) để cướp chính quyền và tịch thu tài sản từ tay người giàu (địa chủ, tư sản) thì ngày nay, những người cộng sản đời mới lại nhân danh “chủ nghĩa xã hội” để tiếp tay cho các “doanh nhân”, các “nhà đầu tư” (mà thực chất là các nhà tư bản đỏ, tư bản đen) làm giàu bằng phương thức chiếm đất công làm đất tư, hủy hoại thiên nhiên để thay bằng cao ốc hào nhoáng và tiện nghi hiện đại. Nhưng xưa nay, Đà Lạt thành danh và được các văn nghệ sĩ đưa vào văn chương, vào thi ca, vào hội họa … là do giữ gìn được màu xanh của cây cỏ, của núi rừng, là nhờ vào sự hòa hợp giữa bàn tay con người (nhân tạo) và thiên nhiên chứ đâu phải nhờ vào những cao ốc hàng chục tầng hay những trung tâm thương mại – khách sạn cao cấp?
Các bạn trẻ có thể đến thăm nước Pháp và Thụy sĩ như lời gợi ý của Tiến sĩ – Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn.[2] Hoặc các bạn thử tìm đến các thành phố ở Châu Đại dương như Úc, New Zealand để xem các nước tiên tiến ấy vừa hiện đại hóa, vừa giữ gìn các di sản kiến trúc, vừa bảo vệ màu xanh của thiên nhiên như thế nào… Trong một thế giới mà sự hiểu biết là vốn liếng quý giá nhất của con người, không nên chạy theo đồng tiền một cách mù quáng mà trước hết phải biết sử dụng đồng tiền một cách thông minh. Bởi vì đồng tiền có thể đem lại lạc thú và niềm vui nhưng cũng là cái bẫycó khả năng hủy hoại cuộc đời của một cá nhân, một dòng họ và thậm chí cả một dân tộc!!!
Đà Lạt, ngày 21/3/2019
MAI THÁI LĨNH
[1] Mai Thái Lĩnh, “Trung tâm Đà Lạt: làm đẹp hay phá vỡ không gian kiến trúc?”, ngày 15/01/2018.
[2] “Đà Lạt quy hoạch khu Hòa Bình: Lời cảnh báo về một thành phố vô hồn!” (Nguyễn Vĩnh Nguyên phỏng vấn Tiến sĩ- Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn), Người đô thị 16/03/2019.
[i] Plan de Dalat 1:5.000, Feuille N°5, Service Géographique de l’Indochine, 1952: https://mdl.library.utoronto.ca/collections/scanned-maps/dalat
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.