Những Đại đế thời hiện đại: từ V.Putin đến Nguyễn Tấn Dũng
Nguyễn Hiền
Trong một bài viết gần đây trên VOA, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng đã đặt ông Nguyễn Tấn Dũng trong hình hài của V.Putin. Điều này là đáng cân nhắc, bởi ông Dũng có những đặc điểm giống như V.Putin về cả sự “dân chủ mị dân” đến cả xuất thân từ ngành Công an.
|
Putin - Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội năm 2013
Nếu có một ví dụ tồi tệ về nhân quyền thì Nga xứng đáng được gọi tên.
Nếu có một ví dụ tồi tệ về chuyển biến thể chế từ cộng sản sang tư bản nhưng bản chất vẫn giữ nguyên thì Nga cũng xứng đáng được gọi tên.
Bằng những thủ thuật lách Hiến pháp, Nga thời V.Putin vẫn là một nhà nước độc tài, nhưng thay vì là “vua tập thể”, V.Putin trở thành “đại đế”. Và bản chất của nước Nga thời hiện đại là một nước dân chủ giả tạo.
Quốc hội Nga dưới sự giật dây của V.Putin tiếp tục siết chặt quyền dân sự và chính trị của nước này, gần đây nhất là thông qua thông qua luật trừng phạt xúc phạm nhà nước.
Nhưng rõ ràng, chúng ta sẽ không thể đòi hỏi gì hơn một quốc gia mà người đứng đầu của nó lại là một mật vụ thời Liên Xô (KGB), một lực lượng từng được ĐCS Liên Xô cưng chiều như một đứa con đẻ tốt nhất và duy nhất của chế độ. Và V.Putin cùng các đồng nghiệp của mình đã theo dõi và tống giam những nhà bất đồng chính kiến, những người “chống lại chế độ nhân dân” Liên Xô.
V. Putin từng bày tỏ không thích cuộc cách mạng 1917, ông cũng từng bày tỏ sự phản ứng với thời kỳ Stalin gắn với việc tham dự lễ khai trường Đài tưởng niệm nạn nhân của Stalin năm 2017. Ông khẳng định, "đàn áp chính trị là bi kịch cho tất cả nhân dân, cho toàn xã hội".
Putin không thích Cách mạng kiểu Lenin, Stalin,… nhưng V.Putin cũng không thích kiểu nhà nước dân chủ Tây Âu. Với V.Putin, ông muốn là một “đại đế”, một Sa Hoàng thời hiện đại.
Trong một bài viết gần đây trên VOA, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng đã đặt ông Nguyễn Tấn Dũng trong hình hài của V.Putin. Điều này là đáng cân nhắc, bởi ông Dũng có những đặc điểm giống như V.Putin về cả sự “dân chủ mị dân” đến cả xuất thân từ ngành Công an.
Một “Tổng thống Nguyễn Tấn Dũng” từng được kỳ vọng sẽ phá vỡ sự “độc tài toàn trị”, nhưng có vẻ đó là sự thơ ngây, ít nhất nhìn qua Nga như một tấm gương chói lòa về “cách mạng vô sản” cũng như sự chuyển đổi thể chế sang tư bản sau biến cố 1991.
Nga ngày hôm nay, đã thừa nhận giá trị nền dân chủ, nhưng nó lại không đóng vai trò nào trong cuộc sống hằng ngày của người Nga. Bản thân nhà nước Nga không phải là nhà nước pháp quyền, thay vào đó, nó được điều hành bởi một nhóm những người đàn ông kiểm soát nhà nước và tài nguyên quốc gia.
Điều này có vẻ giống như Việt Nam thời kỳ ông Dũng, với những quả đấm thép, các dự án boxit Tây Nguyên. Và khi ông Dũng nói nhiều về chủ quyền Biển Đông với lời lẽ cứng rắn, thì Trung Quốc liên tục xâm hại chủ quyền quốc gia. Và những câu vuốt ve về cái gọi là luật biểu tình không khiến người bất động chính kiến thôi phải ngồi tù. Lực lượng công an thời kỳ ông Nguyễn Tấn Dũng trở thành một lực lượng không ai có thể đụng chạm đến, một siêu lực lượng nằm trong một nhà nước.
Đặt giả thuyết rằng, ông Nguyễn Tấn Dũng có thể vươn lên vũ đài chính trị cao hơn, đánh bật được các đối thủ,… thì cuối cùng, cách ông ta điều hành Nhà nước cũng sẽ không khác V.Putin mấy. Có một sự lệch pha giữa nói và làm, và nhân quyền sẽ chết khi mà chủ nghĩa độc tài bắt đầu - dưới một hình thức khác.
Những “đại đế” như vậy tồn tại và biến chuyển liên tục theo nhiều mô thức, nhưng suy cho cùng, biểu hiện của nó là người bất đồng chính kiến vẫn phải vào tù bởi một nền luật pháp chuyên chính. Sự tự do - nhân bản chỉ là thứ son phấn tô trét cho bộ mặt nhà nước, để nó bớt kệch cỡm và bạo tàn hơn khi giao du với các nước bên ngoài.
Gần đây, một trang báo chính thống trong nước đặt câu hỏi về “sâu chúa” trong phi vụ mất trắng 500 triệu USD khi đầu tư sang Venezuela, và nhiều người nhìn thấy được hình ảnh ông Nguyễn Tấn Dũng sau đó. Nhưng ông Dũng, dù là “sâu chúa”, “bạo chúa”, “đại đế” hay “kẻ độc tài”, thì ông ta cũng là sản phẩm của chính nền chính trị Việt Nam, của Bộ Chính trị, và một nhà nước chuyên chính quyền lực.
Cơ chế không thay đổi triệt để, thì không có Dũng này thì sẽ có Dũng khác lên thay, và tiếp tục đốt tài nguyên quốc gia, tiềm lực dân tộc để giữ quyền lực. Chính nó trở thành sự nhắc nhở toàn diện nhất, cảnh giác nhất đối với các hiện tượng mong muốn “hóa dân chủ” chỉ sau 1 đêm, với 1 cá nhân. Bởi dân chủ sẽ không phải là chỗ kẻ độc tài còn đứng vững, dù hắn ta có nói hay đến mức độ nào, và ví dụ về nước Nga hậu Xô Viết trở thành một bài học đắt giá cho sự thiếu cảnh giác đó.
Dân chủ hóa luôn là tiến trình dài, và phải từ dưới lên...
N.H.VNTB gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.