“Ngồi xổm” lên hiến pháp để tham nhũng
19-3-2019
Mời đọc lại: Đánh phủ đầu báo chí, “dân chơi” vươn ra biển lớn!
Như tôi đã đề cập ở bài trước, việc đầu tư vào dầu khí Venezuela theo quyết định của Chính phủ do ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng không thông qua Quốc hội là phạm luật. Nhưng các dân chơi vụ này vẫn cẩn thận “xin ý kiến” Bộ Chính trị.
Trừ hai ông không đồng ý, bảo phải đưa ra Quốc hội là ông Nguyễn Phú Trọng và ông Trương Tấn Sang, còn bao nhiêu đồng ý hết. Tôi nghĩ rằng nhiều Ủy viên Bộ Chính trị khi ký đồng ý cứ nghĩ chủ trương này sẽ đưa ra Quốc Hội, nhưng đám dân chơi kia mặc nhiên không coi Quốc hội ra thể thống gì, cứ lấy ý kiến đa số Ủy viên Bộ Chính trị thay cho luật pháp.
Làm đến chức Tổng Bí thư và Thủ tướng, nhưng ông Nông Đức Mạnh và ông Nguyễn Tấn Dũng không tiếp cận nổi những thành tựu của công cuộc đổi mới do các vị lãnh đạo tiền nhiệm khởi xướng và kiên trì thực hiện mới đạt được, trong đó có việc xác lập Nhà nước pháp quyền. Theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, bất kỳ chủ trương nào của Đảng Cộng sản Việt Nam đều phải được thể chế hóa bằng luật pháp thông qua Quốc hội.
Chính Hiến pháp cũng đã thể hiện rõ, Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Lấy chủ trương của Bộ Chính trị thay cho luật pháp là “ngồi xổm” lên Hiến pháp. Đám dân chơi muốn ngồi nhưng không tự mình ngồi được, nên phải bốc một loạt Ủy viên Bộ Chính trị cùng ngồi, có thể nhiều vị không biết âm mưu.
Hiện nay, các dân chơi đang nướng vào dự án này hơn nửa tỷ đô la, trong đó có 442 triệu USD tiền hoa hồng dù chưa khai thác được giọt dầu nào. Nghe đồn rằng ở Venezuela, tiền hoa hồng này thường “lại quả” cho bên đưa khoảng 25% gì đó (tôi chỉ nghe nói, không có bằng chứng gì, ai muốn điều tra thì tự đi điều tra nhé). Phàm là tiền lại quả thì bên nhận không chứng không bằng, chỉ có điều tra bên đưa thì mới biết, nhưng Venezuela là nước vô pháp vô thiên điều tra thế quái nào được.
Đó phải chăng là lý do đám dân chơi quyết lách cho được việc đưa ra Quốc hội? Đừng tưởng Quốc hội ta là “bù nhìn”. Quốc hội ta phần lớn đại biểu là đảng viên, nên biểu quyết theo Nghị quyết của Đảng không có gì khó hiểu. Tuy nhiên, trong sự việc cụ thể này, nhiều Bộ đã có ý kiến cảnh báo, những văn bản cảnh báo hiện nay vẫn còn.
Tôi biết Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc thời đó đã rất cẩn thận không cho đóng dấu “Mật” vào văn bản cảnh báo này, ông ấy tiên liệu được những gì sẽ xảy ra, nếu đóng dấu “Mật” thì rất khó mà mang ra công khai đối chứng. Cho nên, đám dân chơi biết rõ, có thể ỉm mọi thông tin để lừa các Ủy viên Bộ Chính trị, còn nếu đưa ra Quốc hội thì mọi tài liệu sẽ được mang ra thảo luận, khi ấy chưa chắc Quốc hội đã phê duyệt dự án này.
Tôi không có chứng cứ để nói các dân chơi này tham nhũng trong vụ đầu tư trên, nhưng chỉ có mục tiêu tham nhũng thì mới “ngồi xổm” lên Hiến pháp.
Ảnh: Hai trang chụp tài liệu nhiều trang bản kiến nghị cảnh báo rủi ro do Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc ký gửi Thủ tướng. Văn bản không đóng dấu “Mật”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.