Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2019

Khi nào Slovakia trục xuất đại sứ Việt Nam?

Khi nào Slovakia trục xuất đại sứ Việt Nam?

Cập nhật lúc 14-03-2019 17:34:56 (GMT+1)
500_thumb.jpg
Ảnh minh họa
Có lẽ vì lợi ích lớn nên chính quyền ba quốc gia Liên minh châu Âu là Đức, Séc và Slovakia bất đắc dĩ bị lôi kéo vào vụ mật vụ Việt Nam bắt cóc cựu quan chức Cộng sản cao cấp đào tẩu Trịnh Xuân Thanh giữa thanh thiên bạch nhật ở trung tâm thủ đô Berlin, đều muốn sự việc chìm vào quên lãng. Thế nhưng vì là các thể chế dân chủ, nên chuyện lấp liếm thực tế không hề đơn giản.
Như mới đây, truyền thông Séc tiện thể khi nói đến chuyện mạng lưới mật vụ Việt Nam được xây dựng nhiều năm và hoạt động hiệu quả ở CH Séc- là thực tế trên thế giới quốc gia nào cũng có- đã bị lọt vào vòng ngắm của các cơ quan phản gián Séc sau vụ Trịnh Xuân Thanh quá lộ liễu; cũng lưu ý tới thực tiễn các cơ quan nhà nước đã nhẹ giọng hơn rất nhiều khi đề cập tới khả năng trừng phạt Việt Nam.
Còn tại Slovakia, trong diễn biến mới nhất đảng đối lập Tự do và Đoàn kết (SaS) trong Quốc hội lại lên tiếng đòi bộ trưởng Ngoại giao và các vấn đề châu Âu Miroslav Lajčák do đảng cầm quyền Smer đề cử, ngay lập tức yêu cầu đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHXHCH Việt Nam rời khỏi lãnh thổ Slovakia.Trong khi đó, lí do SaS đưa là dựa vào phán quyết của tòa án Đức khi kết tội Nguyễn Hải Long, nói đến việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Đức và đưa ra khỏi lãnh thổ Schengen bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia.
Theo SaS điều đó cho thấy, là đại sứ Việt Nam ở Slovakia đã lừa dối cơ quan ngoại giao. Phản ứng lại đòi hỏi mới nhất này, bộ Ngoại giao Slovakia lưu ý, là vào thời điểm hiện nay tòa án Đức chưa phán xét đơn khiếu nại của Nguyễn Hải Long, cho nên bộ Ngoại giao không muốn vội vàng.
"Vì bao giờ chúng tôi tiến hành các bước đi ngoại giao đàng hoàng và nghiêm túc, nếu chưa có phán quyết của tòa án thì mọi bước đi như vậy là vội vàng và thiếu trách nhiệm. Bộ Ngoại giao và các vấn đề châu Âu tôn trọng thông lệ ngoại giao cũng như nguyên tắc luật pháp quốc tế và chúng tôi tiếp tục hành động trong tinh thần này," ban báo chí bộ Ngoại giao tuyên bố và lưu ý, rằng phán quyết mà SaS dựa vào đã có từ tháng Bẩy năm ngoái.
Bộ Ngoại giao cũng nhấn mạnh tới đoạn khác trong phán quyết: "Tại trang 19 của phán quyết tòa án nêu rất rõ, rằng hội thẩm đoàn không đi đến kết luận, là có thành viên nào của chính phủ Slovakia biết gì về mảng tối của sự kiện." Bộ Ngoại giao đồng thời công nhận, là cho tới nay phía Việt Nam vẫn chưa giải thích một cách đáng tin cậy các tình tiết xung quanh vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Bộ Ngoại giao cho biết, rằng phán quyết có hiệu lực pháp lý của tòa án phúc thẩm sẽ là đòn bẩy toàn bộ vụ việc lên phía trước.
Còn với SaS thì chỉ riêng phán quyết mặc dù đã cũ này cũng đã thể hiện rõ, là chính phủ Slovakia đã bị Việt Nam lừa trắng trợn. "Chúng tôi cũng lưu ý lại, rằng phía Việt Nam chưa bao giờ thèm trả lời cả câu hỏi của Ngoại trưởng Miroslav Lajčák, đã đưa công dân Trịnh Xuân Thanh của họ về Việt Nam như thế nào," nghị sĩ SaS Martin Klus tuyên bố và bổ xung, rằng đáng lo ngại là trong vụ việc nhạy cảm tầm cỡ quốc tế này chính phủ Slovakia "rơi vào tình thế trơ trẽn" vì thái độ dửng dưng, thay vì tự tin bảo vệ danh dự và quyền lợi quốc gia. "Điều đó chỉ là thêm bằng chứng gián tiếp, rằng tình báo Việt Nam tại Slovakia đã có tay chân của mình trong hàng ngũ thành viên chính phủ cấp cao," Martin Klus kết luận.
David Nguyen – DennikN, Pravda

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.