Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

Chính phủ muốn lùi sửa Luật Đất đai đến sau năm 2020

Chính phủ muốn lùi sửa Luật Đất đai đến sau năm 2020

RFA
2019-03-27
Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm gây ra hệ lụy cho dân chúng ở địa phương này trong suốt 2 thập niên qua.Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm gây ra hệ lụy cho dân chúng ở địa phương này trong suốt 2 thập niên qua.RFA
Chính phủ Việt Nam đề nghị rút dự án Luật Đất đai sửa đổi khỏi chương trình năm 2019 cho đến sau năm 2020, với lý do để cho việc sửa đổi thật “chín”.
Đề nghị vừa nêu được Chính phủ đưa ra tại phiên họp của Ủy ban Pháp luật, diễn ra trong hai ngày 25 và 26 tháng 3.
Chính phủ cho biết kể từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành từ đầu tháng 7 năm 2013 cho đến giờ trong 5 năm là thời gian quá ngắn nên muốn được Quốc Hội cho sửa không phải là điều dễ dàng. Mặc dù vậy, Chính phủ nhận thấy Luật Đất đai cần được sửa đổi, bổ sung để được hoàn thiện hơn.
Dự án Luật Đất đai sửa đổi được Chính phủ lên kế hoạch sẽ trình Quốc Hội trong năm 2019. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài Nguyên-Môi Trường Trần Hồng Hà, đại diện của cơ quan được chỉ định nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai 2013 nói rằng đất đai tại Việt Nam là một lãnh vực nhạy cảm và phức tạp và khi thực hiện sửa đổi thì càng thấy khó khăn và vướng mắc. Ông Bộ trưởng Trần Hồng Hà dẫn chứng chẳng hạn như vấn đề về giá đất vẫn là một bài toán rất khó và Chính phủ muốn xin lùi thời hạn đến sau năm 2020 để việc sửa đổi thật “chín”.
Trước đề nghị này của Chính phủ, truyền thông trong nước cho biết một số ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Pháp luật yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ để sẵn sàng đưa vào chương trình trình Quốc Hội.
Luật Đất đai của Việt Nam lần đầu tiên được ban hành hồi đầu tháng 1 năm 1988 và sau đó được thay thế bằng Luật Đất đai năm 1993, có hiệu lực từ giữa tháng 10 cùng năm. Luật Đất đai năm 1993 đã được sửa đổi 2 lần vào năm 2003 và năm 2013. Giới chuyên gia cho rằng Luật Đất đai năm 1993 được soạn thảo theo chủ trương của Nhà nước Việt Nam là “sở hữu toàn dân” có rất nhiều sai sót, bất cập trong việc quản lý và sử dụng đất đai.
Theo số liệu ghi nhận của Bộ Tài nguyên-Môi trường đến hết tháng 6 năm 2012, khiếu kiện về đất đai chiếm hơn 90% trong tổng số các các vụ khiếu kiện, khiếu nại tại Việt Nam. Vào giữa năm 2018, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) cũng cho biết có đến 75% khiếu nại ở thành phố này liên quan nhà đất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.