Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2019

Cao tốc, uổng tử và không có gì quý!

Cao tốc, uổng tử và không có gì quý!

Trân Văn
15-3-2019
Dải bê tông gây chết người. Nguồn: VNN
Thân nhân Lý Vũ Hảo, 26 tuổi, dân Cà Mau chỉ có thể thở dài, ngậm ngùi vì anh vắn số. Sẽ không có ai chịu trách nhiệm về chuyện đặt một khối bê tông giữa làn đường dẫn vào cao tốc Long Thành – Dầu Giây, dành cho xe hai bánh gắn máy.
Sở Giao thông – Vận tải (GTVT) TP.HCM bảo rằng, việc Hảo uổng tử khi đâm vào khối bê tông là… đáng tiếc! Khối bê tông ấy nằm giữa đường không phải do bất cẩn. Giới hữu trách xác nhận, họ chủ động đặt nó ở đó để chặn xe hơi đi vào làn đường vốn chỉ dành riêng cho xe hai bánh gắn máy và hai năm nay, ý tưởng đó rõ ràng là hữu dụng, chưa làm ai chết hay bị thương. Giờ, sau khi Hảo uổng tử, họ sẽ nghiên cứu tìm một giải pháp khác, chẳng hạn thay vật liệu làm chướng ngại vật bằng… cao su (1).
Chắc chắn Sở GTVT TP.HCM không nói ngoa về chuyện xe hơi xông vào làn đường dành cho xe hai bánh gắn máy từng khiến giao thông trên đường dẫn vào cao tốc Long Thành – Dầu Giây trở nên hỗn loạn, tắc nghẽn. Vấn đề nằm ở chỗ, dẫu có nhiều giải pháp để ngăn chặn, xóa bỏ hiện tượng này nhưng Sở GTVT TP.HCM, Khu Quản lý giao thông đô thị số 2, UBND quận 2 nhất trí chọn giải pháp đơn giản nhất và cũng là giải pháp nguy hiểm nhất cho người tham gia giao thông – dựng chướng ngại vật giữa đường.
Các cơ quan, viên chức hữu trách có biết đem chướng ngại vật kiên cố dựng giữa đường nguy hiểm ra sao không? Họ không chỉ biết mà còn biết rất rõ! Phân biện sau khi Lý Vũ Hảo uổng tử, Sở GTVT TP.HCM nhấn mạnh, họ đã gắn nhiều biển cảnh báo (có chướng ngại vật phía trước, giảm tốc độ), ngoài ra còn tạo năm gờ giảm tốc. Thế thì tại sao các cơ quan, viên chức hữu trách lại chọn giải pháp này? Chỉ có một câu trả lời: Vì giải pháp đó đơn giản, dễ thực hiện và để rũ bỏ trách nhiệm, họ sử dụng các biển báo, gờ giảm tốc chuyển nghĩa vụ gánh vác ẩn họa sang phía tham gia giao thông.
***
Từ khi Việt Nam có cao tốc, quản lý – điều hành hoạt động giao thông trên cao tốc phát sinh đủ thứ chuyện để bàn: Chạy ngược chiều (2), lùi xe (3), trải bạt ăn uống trên làn dành cho trường hợp khẩn cấp (4), dàn hàng ngang để chụp ảnh (5),… Chẳng cần chờ giới hữu trách lên tiếng, công chúng vẫn nhận ra, lên án lối hành xử thiếu ý thức, vô trách nhiệm cả với tính mạng của những cá nhân có liên quan đến scandal lẫn người khác trên cao tốc. Thậm chí việc truy cứu trách nhiệm, xử phạt những kiểu hành xử như đã kể trên cao tốc luôn luôn đi sau cả dư luận lẫn công luận.
Vì sao một số không nhỏ cá nhân tham gia giao thông xem – sử dụng cao tốc như… đường làng? Xét cho kỹ, lối hành xử thiếu ý thức, vô trách nhiệm cả với tính mạng của mình lẫn người khác trên cao tốc phát xuất từ cách quản lý – điều hành cao tốc của hệ thống công quyền cũng chắc khác gì quản lý – điều hành… đường làng. Đặt chướng ngại vật kiên cố giữa làn đường dẫn vào cao tốc Long Thành – Dầu Giây chính là một ví dụ minh họa cho kiểu quản lý – điều hành đó. Không chỉ có vậy!
Quản lý – điều hành cao tốc như… đường làng nên Bộ GTVT cho phép xe bồn chở nước nhẩn nha tưới cây trên dải phân cách cao tốc TP.HCM – Trung Lương, khiến xe đò đâm vào đuôi xe bồn làm năm người mất mạng (6). Quản lý – điều hành cao tốc như… đường làng nên việc vệ sinh, bảo dưỡng, xử lý các vấn đề phát sinh trên cao tốc (tai nạn, thu nhặt chướng ngại vật,…) ở Việt Nam khác hẳn thiên hạ. Thiên hạ buộc phải rải cọc phân luồng (7), đặt đèn, dựng các loại biển báo hiệu cách điểm cần vệ sinh, bảo dưỡng, tai nạn, thu nhặt chướng ngại vật hàng cây số, điều động cảnh sát giữ an toàn cho cả công nhân, nhân viên cứu nạn, lẫn tài xế (8) nhưng Việt Nam không bận tâm. Dù công nhân làm việc trên cao tốc uổng tử vì thiếu các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt (9) nhưng không ai màng. Thậm chí, vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống của ngành GTVT, Bộ GTVT còn điều động sinh viên Đại học GTVT và nhân viên ra cao tốc nhặt, quét rác (10).
Cũng với lối quản lý – điều hành cao tốc như… đường làng nên Bộ Công an vẫn để cảnh sát giao thông (CSGT) tới lui, chặn đầu các phương tiện đang lưu thông trên cao tốc. Năm 2017, một sĩ quan CSGT chết, một sĩ quan khác trọng thương khi chặn đầu một xe hai bánh gắn máy lưu thông trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên (11), một sĩ quan CSGT khác chết trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương (12). Tuy nhiên việc lập chốt giữa cao tốc, chặn đầu các phương tiện đang lưu thông với tốc độ cao vẫn tiếp diễn. Năm ngoái, vì bị chặn đầu, buộc phải dừng xe trên cao tốc vì CSGT muốn… kiểm tra, một người dân uổng mạng, một CSGT trọng thương (13), công chúng phẫn nộ đòi khởi tố nhóm CSGT lập chốt kiểm tra trên cao tốc nhưng vô hiệu vì không có qui phạm pháp luật nào cấm (14). Xem cao tốc như… đường làng nên hệ thống tư pháp thản nhiên khởi tố, tống giam, phạt tù tài xế tông vào chiếc xe đang di chuyển trên cao tốc đột nhiên chạy giật lùi!
***
Khi cao tốc – đặc trưng của hệ thống giao thông hiện đại – được quản lý, điều hành theo kiểu… đường làng, rõ ràng còn lâu, việc sử dụng cao tốc mới văn minh. So với cách nay ba thập niên, dù hệ thống giao thông tốt hơn nhưng trật tự, an toàn giao thông tồi tệ hơn, bởi quản lý – điều hành giao thông vẫn giống như đang nằm trong tay các… trưởng thôn, trưởng bản. Cũng vì vậy mới có những chuyện như dựng chướng ngại vật giữa đường để ngăn không cho xe hơi đi vào làn dành riêng cho xe hai bánh! Tư duy quản lý – điều hành giao thông chỉ ở tầm thôn, bản nên mới có chuyện tổ chức nhặt, quét rác trên cao tốc để kỷ niệm… ngày truyền thống của ngành GTVT, hay lập chốt chặn đầu các phương tiện đang lưu thông trên cao tốc để… kiểm tra, hoặc buộc người mất giấy phép lái xe phải thi lại để chống tình trạng một số tài xế từng vi phạm luật giao thông lạm dụng việc cấp lại giấy phép lái xe, vô hiệu hóa các hình thức chế tài.
Tại Việt Nam, số người uổng mạng vì tai nạn giao thông (TNGT) hàng năm vẫn ở mức chục ngàn. Trong vài năm gần đây, hệ thống công quyền loan báo, thiệt hại nhân mạng do TNGT đang giảm. Đầu năm nay, Bộ Công an cho biết, số người uổng mạng vì TNGT tiếp tục giảm, trong cả năm 2018 chỉ có… 8.248 người uổng mạng do TNGT, thấp hơn năm 2017. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không đồng ý cả về nhận định lẫn số liệu. WHO cho biết, sau khi ứng dụng mô hình xử lý tất cả các yếu tố đầu vào có ảnh hưởng đến TNGT (mức độ an toàn của phương tiện giao thông, mức độ an toàn của hạ tầng, thực trạng thực thi pháp luật), máy móc xác định, số người uổng mạng vì TNGT trong năm 2018 ở Việt Nam là 22.409 người. Chẳng riêng WHO, dựa trên dữ liệu tử vong mà hệ thống y tế ghi nhận, Bô Y tế cho rằng, số người uổng mạng vì TNGT trong năm 2018 là 15.856 – gần gấp đôi con số do Bộ Công an công bố (15).
Có nhiều bằng chứng cho thấy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không quý uy tín, chẳng thèm bận tâm đến niềm tin của công chúng nơi mình. Không thiếu những bằng chứng khác cho thấy, ngay cả nhân mạng – vốn vẫn được thiên hạ xem như vô giá – hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cũng không màng. Chẳng riêng mạng công dân, mạng công nhân, sinh viên, nhân viên ngành GTVT, ngay cả mạng công an cũng không có gì đáng để quý. Cứ quan sát lề lối quản lý – điều hành cao tốc sẽ nhận ra ngay điều đó. Nếu lui lại một chút để nhìn sang các lĩnh vực khác ắt sẽ thấy y hệt như vậy: Không có gì quý. Do vậy, loạn là tất nhiên. Ổn định mới lạ!
Chú thích

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.