Báo chí “chính thống”
29-3-2019
Các dự án bất động sản lấn sông Hàn đang được triển khai rầm rộ, vài nơi đã bắt đầu rao bán biệt thự và shophouse. Và như nhiều dự án gây lo ngại về môi trường trước đây, lần này cũng không thể thiếu cái tên nghe đến nhàm tai: Sun Group. Có khác chăng là lần này, sự việc lại diễn ra công khai, bên kia sông, ngay trước mặt Trung tâm hành chính của thành phố Đà Nẵng.
Chưa nói về tác động hạn chế thoát lũ ở cửa sông như thế nào, liệu có thể gây ra một trận ngập tồi tệ hơn trận ngập lịch sử vừa rồi hay không nhưng có thể thấy ngay là khu vực mặt tiền sông thì chỉ nên thiết kế cảnh quan, làm công viên cây xanh hay các hạng mục công cộng cho cộng đồng xung quanh. Và liệu ĐN có thiếu quỹ đất đến mức cho phép nhiều doanh nghiệp thi nhau lấn sông chỉ để phân lô bán nền?
Nhưng điều kỳ lạ là ở thành phố có mật độ nhà báo cao nhất nước như ĐN lại không thấy bất kỳ tờ báo nào làm các tuyến bài điều tra nghiêm túc, không nhà báo nào cảm thấy mình bị thôi thúc phải lên tiếng về những vấn đề nhức nhối xảy ra ngay trước mặt này.
Trong đợt kỷ niệm 10 năm khánh thành khu du lịch Bà Nà Hills ngày 25/3, thật trùng hợp là toàn bộ báo chí nhà nước đều viết cùng một chủ đề và cùng về một nội dung. Có tờ không ngần ngại ca ngợi ngay từ những chữ đầu tiên, có tờ công phu làm phóng sự nhiều kỳ rồi cuối cùng mới dẫn dắt bạn đọc phải biết ơn Sun Group vì những đóng góp cho địa phương.
Cần nói rõ thêm lần nữa, rằng những đóng góp mà báo chí tô đậm đó, nếu có, thì còn gây tranh cãi nhưng những thứ mà Sun Group lấy đi thì đã rất rõ ràng. Từ Bà Nà với việc thâu tóm cả quả núi không thông qua đấu giá đến việc chặn con đường bộ duy nhất có từ lâu đời để lên đỉnh. Từ phá một phần bán đảo Sơn Trà để xây resort Intercon đến chặn lối xuống biển của dân làm khu nghỉ dưỡng Primier Village, từ lấp sông, cưỡng chế giáo xứ Cồn Dầu ở Hoà Xuân để phân lô bán nền (một phần nguyên nhân gây ra trận lụt lịch sử vừa rồi) đến chiếm đất của nhà đầu tư nhỏ để mở rộng Công viên Á Châu, từ đòi lấn biển làm Công viên đại dương, đe dọa tàn phá hệ sinh thái, gây nguy cơ đẩy hàng trăm hộ ngư dân thất nghiệp đến xây dựng cả sòng bài ngay vùng lõi của Vườn Quốc gia Tam Đảo… Không dự án nào của Sun Group mà không giấu giếm Bảng đánh giá tác động môi trường (DTM) và không dự án nào mà không gây ồn ào dư luận về sự khuất tất, thiếu minh bạch của mình.
Để ý sẽ thấy, hầu hết các dự án mà Sun Group lựa chọn đầu tư đều nằm ở những vị trí độc nhất vô nhị và đều ở những nơi cần được bảo vệ nghiêm ngặt nhất. Không Vườn Quốc gia thì cũng khu bảo tồn thiên nhiên. Tất cả đều núp bóng “sinh thái” và “tạo động lực phát triển du lịch cho địa phương”. Tất cả đều chỉ làm lợi cho một nhóm thiểu số trong khi bắt cả thành phố phải gánh chịu hậu quả.
Nhưng báo chí thì hết lần này đến lần khác, hầu như không bao giờ nhắc đến những sai phạm của nhà đầu tư quá nhiều tai tiếng như Sun Group. Từ tờ báo nhỏ sống qua ngày bằng các hợp đồng truyền thông đến tờ báo lớn nguyện mãi phụng sự bạn đọc, tất cả chỉ đề cập đến mặt lấp lánh của tấm huy chương mà cố tình né tránh những góc khuất mà lẽ ra, đạo đức nghề nghiệp buộc họ phải dấn thân, theo đuổi.
Bởi nhà báo không chỉ là người quan sát hay ghi chép lại sự việc, nhà báo còn có bổn phận vạch trần sự thật và giải thích cho độc giả của họ hiểu thêm về những phức tạp của thời cuộc.
Nhờ nhà báo, người dân mới có cơ hội để giám sát cơ quan công quyền và các định chế khổng lồ; nhờ nhà báo, nhiều tiếng nói nhỏ bé bên dưới mới có điều kiện được cất lên. Nên ở thời nào cũng vậy, báo chí bao giờ cũng là quyền lực thứ tư, là điểm tựa để nhiều tầng lớp trong xã hội dựa vào.
Và ví von như Joseph Pulitzer, người mà tên tuổi được gắn với giải thưởng báo chí danh giá nhất toàn cầu: “Nhà báo là người canh chừng trên chiếc cầu của con thuyền nhà nước. Anh ghi nhận mỗi cánh buồm lướt qua, những dấu hiệu nhỏ nhoi cần phải chú ý ở chân trời khi thời tiết tốt. Anh tường thuật những gì đang nổi lềnh bềnh mà chiếc tàu có thể cứu vớt được. Anh xuất hiện qua sương mù và bão tố để dẫn đầu trong việc báo trước những hiểm nguy. Anh không nghĩ đến tiền lương của anh hoặc đến số lời của ông chủ anh. Anh ở đó để coi chừng an ninh và hạnh phúc của nhân dân, (người đã) tín nhiệm anh”.
Nhà báo, vì vậy không đơn giản là danh xưng của một nghề, mà còn là một sứ mệnh: Sứ mệnh cổ xuý cho tự do ngôn luận và canh giữ cho sự công bằng của xã hội. Trong môi trường thông tin bị kiểm duyệt gắt gao như Việt Nam, nhà báo, nếu không viết được gì để phụng sự lý tưởng cao đẹp đó thì hãy cố gắng, đừng tự rẻ rúng mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.