Thứ Tư, 27 tháng 3, 2019

Đà Lạt của ai? Từ những bảng tên đường

Đà Lạt của ai? Từ những bảng tên đường

26-3-2019
Đà Lạt chưa đi hết tầm nhìn kiến tạo ra nó, thực chất vẫn đang là một dự án phát triển dang dở. Đích đến một Paris phương đông trên cấu trúc một đô thị nghỉ dưỡng, một thành phố giáo dục, một trung tâm thanh niên có thể bắt gặp thời đại phục hưng của mình trong thế kỉ hiện tại. Thử nhìn vào nơi ngày nay người ta lăm le tạo một điểm nhấn mới cho trung tâm Đà Lạt.
Từ đình Đà Lạt, đến ấp Ánh Sáng, chợ Hoà Bình rồi khu đồi rừng dinh tỉnh trưởng chẳng phải đã là một triển lãm trực quan về qui luật phát triển Đà Lạt? Một quần thể làng, phố, rừng, dinh thự như được xếp đặt tài tình trên triền một thung lũng, lại cũng kết nối nhịp nhàng uyển chuyển trong tổng thể đô thị Châu Âu dưới tán thông xanh. Một điểm nhấn tuyệt đẹp như vậy còn có thể nhấn cách nào thêm nữa?
Một Đà Lạt mà mọi hành vi đô thị phải nương theo thiên nhiên, xây cất men theo địa hình.
Một Đà Lạt luôn dành chỗ cho sự tham gia của cư dân vào mọi biến đổi của nó. Một Đà Lạt lãng mạn thơ mộng từ thiên nhiên đến lối sống con người. Những lí do người ta muốn cải biến khu trung tâm này phải chăng chính là những giá trị Đà Lạt bị mất đi đó?
Xung quanh khu trung tâm này, thật đáng ngạc nhiên, đã biến mất hoàn toàn những lối phố bậc thang. Đà Lạt mất đi những bậc thang phố ấy đã mất phương nhìn nghiêng của nó. Đà Lạt nồn nả, chụp giựt và ồn ào hơn trong những không gian phố chiều thẳng đứng.
Một hạ tầng phố như vậy cũng đã tước đi của người Đà Lạt nét đẹp lịch lãm, sang trọng của áo khoác, của giày, của dù. Nhất là mất vẻ quyến rũ trong mưa, trong sương mù từng làm nên vẻ thơ mộng, lãng mạn của Đà Lạt.
Đà Lạt cũng không còn vẻ đẹp của những chàng trai, cô gái với trang phục dân tộc ngay tại chính khu vực chợ nơi vốn là ngôi chợ lầu đầu tiên ở Việt Nam, lại mang nhiều chi tiết kiến trúc thể hiện được văn hoá của chính họ.
Cả một khu vực lịch sử dày dạn dấu ấn văn hoá bản địa được kết thúc bằng một đồi rừng như một công viên nhìn ra hồ Xuân Hương và bao quát cả trung tâm Đà Lạt cũng sửa soạn mất.
Cả một đồi rừng thông 15 – 16 ha, còn như hoang sơ để nghe được tiếng đại ngàn ngay sát kề phố chợ. Nơi đó thiên nhiên tình cờ lưu giữ 18 cây thông đỏ đặc hữu trong nhóm sách đỏ.
Trên đó là một dinh thự vào hàng tuyệt đẹp của Đà Lạt, nơi làm việc của viên chức đứng đầu địa phương trong các chính quyền trước. Chính quyền sau nhiều năm tháng gần như bỏ hoang dinh thự này đã làm một việc rất có ý nghĩa là biến nơi đây thanh dinh trưng bày kỉ vật Đà Lạt. Một ý tưởng có thể nói là độc đáo. Hàng ngàn hiện vật của những gia đình Đà Lạt lưu lại kí ức về lối sống Đà Lạt đã không thể nói tiếng nói của mình ngay tại khu vực có thể nói là xứng đáng nhất của nó.
Con đường nhỏ dẫn lên đỉnh đồi vốn đã là con đường tình nhân của nhiều thế hệ cư dân Đà Lạt từng mang tên đường Hoa Hồng, Tình Nhân, Cộng Hoà rồi là đường Lý Tự Trọng để chờ hoá kiếp thành phố thị tấp nập bán mua.
Không phải là mức sống mà chính là sự hụt hẫng về văn hoá đã đánh cắp của Đà Lạt những nền tảng mà nó thuộc về. Dựng đứng những thung lũng theo chiều cọc nhồi cường lực rồi thì người ta xâu lại ký ức Đà Lạt bằng những kết nối cạn cợt, trơn lán. Cứ nhìn thấy sự hụt hẫng ấy rõ ràng trên các biển tên đường ở Đà Lạt.
Đại lộ chính của Đà Lạt từng mang tên người phát hiện ra Đà Lạt nhường chỗ cho tên một người cộng sản. Các đường phố trung tâm đều mang tên những người cộng sản như vậy. Người ta cũng cập nhật đến nỗi Đặng Thuỳ Trâm còn có tên đường ở đây. Khỏi phải nói những nhân vật thực sự có công trạng với sự phát triển của Đà Lạt có lẽ còn chợ xét duyệt lí lịch hơi bị lâu. Thậm chí đến những công dân trứ danh của Đà Lạt như Nam Phương hoàng hậu, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam… hẳn cũng phải đợi một điều chỉnh qui hoạch nào đó. “Người ta” chính là thể chế luôn nhận mình bất cập trong việc quản lí Đà Lạt hơn 40 năm qua.
Đà Lạt có tìm gặp thời đại phục hưng cho nó được hay không cũng chính ở chỗ Đà Lạt có tìm thấy một “người ta” thích hợp cho sự phát triển những giá trị Đà Lạt. Trong hình dung của tôi, Đà Lạt cần một khuôn khổ chính sách đặc biệt để khai thác tối ưu các giá trị của nó.
Một mô hình đặc khu có vẻ thích hợp cho Đà Lạt, một đặc khu giáo dục, khoa học và văn hoá trong nền kinh tế tri thức và sáng tạo. Cũng là một mô hình cải cách của Việt Nam. Hoàng triều cương thổ và cách thức tiếp cận của Tổng thống Ngô Đình Diệm có thể là một tham chiếu cho một nghiên cứu để đi nốt hành trình trứ danh của Đà Lạt – một Paris phương Đông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.