Việt Nam trong tầm ngắm của Mỹ nhằm đối phó thâm thủng mậu dịch
bauxitevnWed 11:19 AM
Cán cân trao đổi mậu dịch năm 2015 giữa Mỹ và các nước Á Châu-Thái Bình Dương. (Hình: Nguồn Bloomberg)
WASHINGTON (NV) – Việt Nam là một trong số 11 đối tác thương mại tại Á Châu của Mỹ hiện đang trong tầm ngắm mà Hoa Thịnh Ðốn muốn giảm bớt mức thâm thủng mậu dịch và đem việc làm về cho người Mỹ.
Hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ tại Á Châu đều có mức thặng dư mậu dịch rất lớn. Ðặc biệt là Trung Quốc, hàng hóa tiêu dùng tràn ngập thị trường Mỹ từ cái chổi chà, cá đông lạnh, củ tỏi, hộp bánh, quần áo, đến máy computer.
Năm ngoái, khi vận động tranh cử, ông Donald Trump nhiều hơn một lần tuyên bố sẽ đánh thuế quan nặng các loại hàng hóa ngoại nhập từ các nước có mức mậu dịch bất thăng bằng cao với Mỹ. Ông nêu tên Trung Quốc và đe dọa sẽ áp đặt mức thuế quan tới 35% vào hàng nước này mà ông cho là đã và đang gây thiệt hại cho nền kinh tế và sản xuất của Mỹ. Việt Nam cũng là một nước bị ông nêu tên.
Nay sau khi bước chân vào Tòa Bạch Ốc chính thức nắm quyền tổng thống, ông Donald Trump đã ký một loạt các quyết định, trong đó có cả quyết định rút ra khỏi Hiệp Ðịnh Ðối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tuy cả Việt Nam, Ấn Ðộ, Malaysia, Indonesia chưa thấy chính phủ Trump động chạm đến, nhưng theo một bản tin của báo tài chính Bloomberg hôm Thứ Hai, 13 Tháng Hai 2017, có thể sẽ là điều mà Tòa Bạch Ốc không bỏ qua trong những ngày sắp tới nhằm tạo thêm công ăn việc làm cho người Mỹ qua gia tăng hàng hóa xuất cảng.
Năm ngoái, ông Peter Navarro, người cầm đầu Hội Ðồng Thương Mại Quốc Gia của chính phủ Trump và ông Wilbur Ross, Bộ trưởng Thương Mại bây giờ, đã viết báo xác định những thâm thủng mậu dịch của Mỹ với các đối tác là thủ phạm đã làm cho nước Mỹ chậm tăng trưởng.
Dưới đây là một số nền kinh tế Á Châu có mức thặng dư mậu dịch rất lớn với Mỹ:
- Trung Quốc: Quan hệ mậu dịch với Trung Quốc được thực hiện theo luật lệ của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO). Trung Quốc là đối tượng chính mà ông Trump muốn đối phó. Tuy hiện chưa thấy ông đưa ra quyết định nào dù từng đe dọa sẽ áp dụng thuế quan rất nặng cho hàng Trung Quốc, nhưng ngoài hàng hóa ông cũng từng chỉ trích chính sách hạ giá trị giá tiền tệ của nước này để hậu thuẫn xuất cảng. Một trong những lý do chưa thấy ông Trump ra tay, theo Bloomberg, có thể ông còn đang nghĩ đến lời đe dọa của Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng nếu một trận chiến thương mại diễn ra, cả hai đều chịu thiệt hại.
- Nhật Bản: Quan hệ mậu dịch với Nhật Bản cũng theo các quy định của WTO. Nhật vừa là đối tác thương mại lớn, vừa là đồng minh số một của Mỹ tại Á Châu về mặt an ninh quốc phòng. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã hai lần bay đến Mỹ từ khi ông Trump đắc cử. Lần gặp sau diễn ra mới ngày 10 Tháng Hai 2017 vừa qua.
Theo Bloomberg, ông Trump có phàn nàn với ông Abe là xe hơi của Mỹ khó xâm nhập thị trường Nhật nhưng ông Abe lại cho rằng các nhà xuất cảng Mỹ chưa có nhiều cố gắng.
- Việt Nam: Thương mại với Việt Nam cũng nằm trong các quy định của WTO và bản Hiệp định khung về Thương Mại và Ðầu Tư giữa hai nước. Hà Nội trông mong Hiệp Ðịnh TPP được thông qua để hy vọng sớm thoát khỏi những khó khăn kinh tế nhờ gia tăng đầu tư ngoại quốc và xuất cảng. Thặng dư mậu dịch của Việt Nam với Mỹ chiếm 15% của nền kinh tế Việt Nam, với những loại hàng hóa chủ lực như hàng dệt may, đồ nội thất. Xuất cảng từ Việt Nam sang Mỹ đã gia tăng gấp đôi từ năm 2010 khi mà nhiều nhà sản xuất của Trung Quốc đã chuyển các cơ sở của họ từ Hoa Lục sang Việt Nam, lợi dụng giá nhân công quá rẻ nơi đây để sản xuất xuất cảng sang Mỹ.
- Hàn Quốc: Mậu dịch với Hàn Quốc theo bản Hiệp Ðịnh Tự Do Mậu Dịch Song Phương (KORUS) ký năm 2012. Tổng Thống Trump gọi bản hiệp định này là “tiêu diệt việc làm” của người Mỹ. Hơn 80% tầm mức thâm thủng mậu dịch của Mỹ với Hàn Quốc nằm ở số xe hơi đổ vào nước Mỹ năm 2016. (TN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.