Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

Biểu tình và luận điệu về sự an toàn chính trị

Biểu tình và luận điệu về sự an toàn chính trị

bauxitevn12:52 PM

Hiện Hữu
Tác giả gởi đến cho Dân Luận 
clip_image002
Người dân biểu tình vụ cá chết ở các tỉnh miền Trung. Ảnh: EPA 
Một đạo luật Luật Biểu tình hẳn hoi có thể nói là món nợ đã bị treo khá lâu và tất nhiên là điều này là không lạ khi phải tồn tại trong một đất nước theo sự nhất nguyên chính trị, thể chế tập trung quyền lực. Hiển nhiên đối với những đòi hỏi từ nhân dân mà chúng lại có liên quan hay có nguy cơ làm ảnh hưởng đến sự ổn định về chính trị mà Đảng Cộng sản đã gắng duy trì để bảo vệ vị thế cầm quyền của họ thì chúng phải bị treo trong khoảng thời gian như vậy. Thiết nghĩ những quốc gia có một đảng cầm quyền duy nhất thì chắc chắn chẳng có mấy thiện cảm với cái gọi là biểu tình, bởi lẽ biểu tình thường hay đi đôi với cái gì đó đối lập với nhà nước (lối suy nghĩ có lẽ là thường trực đối với các nước chỉ có một đảng cầm quyền duy nhất), thế nên các quốc gia cộng sản hay những thể chế tập quyền cùng nhau chia sẻ mối quan tâm chung lẫn thái độ của họ về việc biểu tình của nhân dân, bởi vì từ trong bản chất thì họ chẳng ưu thích những động thái có ảnh hưởng đến vị thế chính trị của họ.

Giới cầm quyền hay những người làm trong ngành an ninh của chính quyền hay thậm chí là một số quan khách nước ngoài từ lâu hay có nhận định về Việt Nam là quốc gia có “nền chính trị rất an toàn” và có nhiều người cũng cho rằng nếu so với những quốc gia đa nguyên thì Việt Nam an bình hơn nhiều, người dân vẫn cứ hàng ngày sinh hoạt một cách bình thường mà chẳng có chuyện gì xảy ra và rồi có nhiều người đã đưa ra viễn cảnh “loạn lạc” kiểu Thái Lan là quốc gia hay nổi tiếng với những cuộc biểu tình để cho thấy Việt Nam an toàn về chính trị như thế nào. 
Xin thưa rằng, biểu tình là một trong những nhu cầu chính đáng của con người, tuy không cơ bản đến mức như là nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi của con người nhưng khi con người sống trong một xã hội mà có sự tồn tại của nhà nước (nhất là đối với nền chính trị hiện đại), bắt đầu xác lập những mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân và nhà nước, nhà nước bắt đầu thi hành quyền lực của mình đối với xã hội thì biểu tình là quyền bất khả xâm phạm của công dân, khi sống trong một xã hội có nhà nước thì việc dân chúng có thể sẽ có lúc không đồng tình hay đồng tình với nhà nước về một vấn đề nào đó và họ hoàn toàn có thể lập tức xuống đường để biểu thị thái độ ủng hộ hoặc bất bình với nhà nước về vấn đề đó, đó có thể là về một chính sách, một đạo luật nào đó và đặc biệt nếu nhà nước có xu hướng thi hành, áp đặt quyền lực thô bạo xuống xã hội và nhân dân thì biểu tình là cách thức duy nhất để phản ứng với chính quyền, tức là nhân dân phải có cách thức, phương tiện để bày tỏ thái độ của họ đối với với sự tha hóa quyền lực của nhà nước (suy tư về sự tha hóa quyền lực của nhà nước và cách thức tổ chức quyền lực của nhà nước như thế nào để làm sao cho quyền lực nhà nước không có xu hướng trở nên chuyên chế là chủ đề rất quan trọng đối với các nhà tư tưởng chính trị ở các thời kỳ, đặc biệt là vào thế kỷ 17, 18 ở phương Tây). Vậy nên phải nhấn mạnh rằng cho dù giới cầm quyền có trì hoãn đến bao lâu đi nữa thì quyền biểu tình của nhân dân cũng đã là một quyền tự nhiên vốn có của con người, đã được hiến định trong Hiến pháp Việt Nam (điều 25), đó là sự thể hiện về quyền tự do của nhân dân về chính trị và không phải Luật Biểu tình ra đời thì người dân mới được biểu tình mà Luật Biểu tình phải là thứ ra đời để kịp thời đáp ứng quyền được biểu tình của nhân dân. 
Có thể nói biểu tình xuất hiện như một hiện tượng một cách rất tự nhiên trong trạng thái có nhà nước và trong mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân - xã hội thì dù là quốc gia đa nguyên như Thái Lan hay nhất nguyên chính trị thì cũng đều có khả năng xuất hiện những cuộc biểu tình của nhân dân, điều này thì không thiếu những thực tiễn để chứng minh, thế nên không thể mang biểu tình, diễu hành, những hoạt động chính đáng của công dân ra để mà làm tiêu chuẩn so sánh với quốc gia Thái Lan (qua thông tin truyền thông chính thống tại Việt Nam thì có lẽ những cuộc biểu tình của các phe phái ở Thái Lan đã trở thành “bài học xương máu” đối với Việt Nam) về sự an toàn hay không an toàn về chính trị và cũng xin nói về cái gọi là “sự an toàn chính trị của Việt Nam”, điều này rõ ràng là rất nực cười, sự “an toàn chính trị” ở đây nên được hiểu như thế nào trong một thể chế nhất nguyên như Việt Nam, với những gì đã xảy ra trên thực tế từ trước đến nay? Có thể nó nên được hiểu là một sự bảo đảm là càng có ít thành phần bất đồng với nhà nước thì càng tốt bất kể là những người bất đồng là có xu hướng ôn hòa đối thoại đi chăng nữa và lúc này thì khá nhiều điều luật khác được áp dụng thay thế (chắc chúng ta không lạ với điều 258, điều 88 Bộ luật Hình sự v.v.), hoặc thậm chí trên thế giới chúng ta có thể có những thể chế toàn trị đến mức độ chẳng thể nghe nói về bất cứ một cuộc biểu tình tại quốc gia đó, Bắc Triều Tiên là một ví dụ, vậy thì có thể kết luận Bắc Triều Tiên lại là quốc gia “an toàn về chính trị nhất thế giới” được không? 
Tóm lại được biểu tình là một điều kiện đầu tiên mà nhân dân thể hiện ý chí của mình đối với nhà nước. Và có lẽ sẽ an toàn hơn hết khi xã hội nên có sự phản biện mạnh mẽ đối với nhà cầm quyền bằng các hành động cụ thể, trong đó biểu tình là phương cách vừa thể hiện nguyện vọng của nhân dân mà vừa là thể hiện sự phản biện của họ được cụ thể hóa bằng hành động biểu tình. Trong lịch sử đều cho ta biết rằng trong một xã hội nếu quyền lực của nhà nước càng tập trung bao nhiêu, mà nếu xã hội đó không thể có điều kiện xuất hiện những tổ chức xã hội dân sự thực hiện sự phản biện hoặc quần chúng không dám lên tiếng phản biện, thì nhà nước đó hay đi đến chỗ bị tha hóa nặng nề bởi quyền lực trong tay. Và khi càng có nhiều quyền lực thì xu hướng làm tổn hại hay đàn áp của nhà nước đối với xã hội cũng sẽ theo đó mà xuất hiện. Chính vì vậy nên có những sự kiềm chế lại điều đó từ chính xã hội - công dân và đây mới chính là sự an toàn đúng nghĩa mà chúng ta nên lưu ý và theo đuổi. 
H.H.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.