Vài nhời trao đổi với con trai ông Lê Duẩn
bauxitevnMon 2:36 AM
Gã quý trọng tâm huyết và cả những tư duy cấp tiến của ông Lê Kiên Thành con trai của ông Lê Duẩn về hiện trạng và tương lai đất nước.
Gã quen biết nhiều con của các ông là lãnh đạo cấp cao nhất của đất nước một thời, rất buồn là đa số họ co vòi, hoặc lo làm ăn, hoặc bo bo yên phận với những gì đã có, hoặc bảo thủ bởi những vòng kim cô mà các phụ huynh để lại như một truyền thống, duy Lê Kiên Thành khác. Ông nồng nhiệt quan tâm vận nước và thẳng thắn lên tiếng đấu tranh với những gì trì kéo dân tộc, hăng hái đóng góp ý kiến cho con đường phát triển của dân tộc.
Tuy vậy cái khó của ông Thành là ông chưa dám nhìn thẳng vào sự thật của đất nước có căn nguyên cả từ thời cha ông là vua ngự trị đất nước này.
Gần đây ông Thành trả lời trên Tuần Việt Nam về những gì ông biết qua cha ông về sự kiện ngày 17 tháng Hai năm 1979 tạo nên một làn sóng không nhỏ trong dư luận nước nhà.
Điều rõ nhất là qua bài trả lời phỏng vấn, gã và người đọc tin tưởng ông Thành luôn đứng về phía dân tộc chứ không hề bao che, núp bóng những thế lực nào đó để biện minh cho kẻ thù dân tộc. Gã và người đọc tin rằng ông Lê Duẩn luôn đứng về dân tộc để chống lại bọn ngoại xâm.
Tuy vậy, có một sự thật khác, còn một sự thật khác mà vì là bổn phận người con kính yêu cha nên ông Thành không thể và có thể cả không đủ nhận thức để đánh giá đầy đủ vai trò của cha ông đối với vận nước, và con đường đi của đất nước.
Đó là, nếu ông Thành cho rằng cha ông biết rất rõ âm mưu của Mao và Đặng Tiểu Bình từ trước cả năm 1975 sẽ tìm mọi cách thôn tính Việt Nam như trả lời của ông Thành trên báo thì tại sao, cha ông không hề có phương án chuẩn bị tốt nhất cho đất nước?
Chắc chưa ai quên ông Lê Duẩn đã tuyên bố hào hứng thế nào khi đất nước thống nhất 1975: Vĩnh viễn từ nay đất nước ta sạch bóng quân thù.
Nếu ông Lê Duẩn như ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu có tầm nhìn chiến lược về Trung Cộng ngay từ năm 1954, lo sợ VN sẽ bị Trung Cộng thôn tính, thì tại sao ông lại vội vã khẳng định "vĩnh viễn không còn kẻ thù" như thế?
Nếu ông Lê Duẩn có ý thức chiến lược về kẻ thù tiềm ẩn và nguy cơ bị xâm chiếm qua bài học năm 1974 Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa và năm 1972 Trung Quốc bắt tay với Mỹ bán rẻ VN vì lợi ích của Trung Quốc thì ông có chịu coi Đặng Tiểu Bình là người bạn thân thiết chí cốt của mình không để rồi sau này ông ngỡ ngàng về cái gọi là sự phản bội tình bạn ấy?
Liệu ông Lê Duẩn có dám cao ngạo cộng sản, cao ngạo kẻ chiến thắng để đưa đất nước vào cảnh bị cô lập trên thế giới, để dân tộc VN bị chia rẽ, hàng trăm ngàn người của chế độ cũ bị tù đày, ruồng bỏ, hàng ngàn trí thức của dân tộc, những tinh hoa làm nòng cốt cho sức mạnh dân tộc bị đẩy ra biển, vượt biên không?
Hơn ai hết, là người kế thừa ông Hồ Chí Minh, ông Lê Duẩn thừa biết dân tộc đoàn kết mới có sức mạnh.
Ông Lê Duẩn là người am hiểu lịch sử Dân tộc, hơn ai hết ông biết nước mạnh về kinh tế, chính trị, đoàn kết thì không kẻ nào có thể xâm chiếm được.
Lòng dân thì tan hoang vậy.
Kinh tế thì ông Lê Duẩn kiên định và duy ý chí theo chủ thuyết "làm chủ tập thể và kinh tế tập trung bao cấp" phá bỏ mọi quy luật thị trường đã dẫn đến nghèo đói, sức dân, lực nước kiệt quệ mà di hại của nó còn đến tận bây giờ.
Sự thật phải là sự thật.
Gã tin cha của ông Thành là người yêu nước. Nhưng gã không tin cha ông Thành là người sáng suốt và có tầm nhìn chiến lược, toàn diện về vận nước về kẻ thù và về con đường đi của đất nước.
Vì không sáng suốt nên mới chủ quan trước những cảnh báo về quân xâm lược, mới bị động hầu như không hay biết sẽ có 600.000 quân Trung Quốc tràn qua nước ta vào sớm 17.2.1979.
Đó là chưa kể có vấn đề khó hiểu về nhân tâm khi chính cái tối 17.2.1979, lúc nước sôi lửa bỏng như thế, khi mà hàng ngàn chiến sĩ, người dân bị Trung Quốc giết hại dã man, khi lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc bị dày xéo bởi quân xâm lược thì hầu hết lãnh đạo cao nhất của đất nước cùng ông Lê Duẩn tổng tư lệnh tối cao vẫn đến dự đám cưới của ông Thành, con trai ông Duẩn. Và, theo tường thuật của ông Thành thì các vị vẫn nói cười bình thường như chiến tranh chưa hề xảy ra.
Những người cha, người mẹ, người con, người vợ của những người bị quân xâm lược thảm sát sẽ nghĩ sao khi người thân và quê hương của họ chìm trong máu lửa thì những vị lãnh đạo có trách nhiệm cao nhất với đất nước vẫn dành thời gian cho một cuộc vui của con lãnh tụ?
Gã nghĩ lịch sử đã đến lúc cần lên án hành động thiếu nhân văn và trách nhiệm này.
Có thể đêm ấy có đám cưới của một người lính, rồi ngày mai người lính ra trận.Và có thể người lính sau đêm tân hôn vĩnh viễn không trở về.
Nhân dân vẫn chia vui cùng người lính ấy.
Ông Thành cũng là người lính lúc ấy.
Nhưng ông Thành còn là con của tổng tư lệnh. Hành động phải đạo nhất là chính ông Thành quyết định hoãn đám cưới ngày vui của mình để cha mình, tổng tư lệnh tập trung vào việc chỉ huy chiến trận trong lúc đất nước trong tình thế nguy nan này.
Nếu người con không sẵn sàng hoãn đám cưới thì chính người cha tổng tư lệnh phải đề nghị con hoãn đám cưới vì lúc này tình hình đất nước chưa cho phép.
Còn không thì, cứ đám cưới thật đơn giản người cha cùng dàn lãnh đạo tới có lời chúc mừng trong mấy phút rồi rút về vị trí chỉ huy của mình.
Nhưng sự thực qua lời kể của ông Thành thì đám cưới của ông không diễn ra theo kịch bản như gã vừa nêu.
Tiếc rằng sau 38 năm chính ông Thành cũng không nhận ra lỗ hổng nhân tâm này.
Câu chuyện ông Thành kể về sự kiện ngày 17.2.1979 theo gã vẫn nóng hổi bài học cho những ai đang cầm quyền và cho cả những nhà viết sử.
***
CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI PHÍA BẮC: CẦN MỘT SỰ SÒNG PHẲNG
Facebooker Han Times
Trong hồi ký của ông Lý Quang Diệu (cố Thủ tướng Singapore) có một đoạn ghi chép về việc gặp ông Phạm Văn Đồng, qua ngòi bút của Lý mới thấy Việt Nam sau 30/4/1975 ngông cuồng, ngạo mạn đến mức độ nào.
Mọi người có thể nhớ về ông Lê Duẩn như hoài niệm về một lãnh đạo Cộng sản Việt Nam không sợ Tàu, sẵn sàng đánh nhau với Tàu. Tôi thì không! Không hay gì việc không sợ đánh nhau cả.
Tôi muốn hỏi tại sao Đặng Tiểu Bình tuyên bố "dạy cho Việt Nam một bài học"? Và rằng Việt Nam có cơ hội để tránh một cuộc chiến mang tính hủy diệt tại biên giới phía Bắc không?
Những chính sách đối ngoại (đặc biệt là cuộc chiến với Khơme), đối nội của ông Duẩn thời sau 30/4/1975 liệu có phải là một trong những nguyên nhân gây ra cuộc chiến đẫm máu này? Và tại sao, Lịch sử lại cứ bắt cái dân tộc bi thương này gánh lấy những sứ mệnh nặng nề như vậy?
Hãy điểm lại những tuyên ngôn của Việt Nam, nào là chúng ta là tiền đồn của Chủ nghĩa Xã hội, nào là phải đóng góp cho hòa bình thế giới, nào là phải đóng góp vào sự nghiệp cách mạng thế giới! Còn ông Tố Hữu thì uyển ngữ rằng: Thức ngủ canh giữ hòa bình thế giới...
Nhưng tuyên ngôn sặc một mùi hiếu chiến, sặc mùi sovanh!
Dãi thây trăm họ làm công một người! Kiêu ngạo không biết trên trời dưới đất còn ai nữa!
Và nhiều người nói rằng chúng ta đã thắng ư? Không, chúng ta thua lấm lưng, trắng váy. Chúng ta có thể buộc phía Trung Quốc không đạt được các mục tiêu chiến thuật của họ, nhưng chúng ta thua về mặt chiến lược. Hầu khắp các mục tiêu chiến lược mà Đặng Tiểu Bình đặt ra ngay trước cuộc chiến đều đã đạt được, họ cứu Khơ me đỏ thoát chết, họ bắt tay với Hoa Kỳ để hiện đại quốc gia, họ vây chẹt Việt Nam cuối cùng cũng bắt được kẻ ngông cuồng này sang đến Thành Đô.
Còn Việt Nam được cái gì sau cuộc chiến? Được cái gì?
Sức nước kiệt quệ, thế giới rẻ rúng nhìn Việt Nam như kẻ mọi dị hiếu chiến! Cuối cùng khi sức tàn lực tận, Việt Nam vẫn phải Cầu hòa với China cộng sản đó sao? Từ năm 1990 đến nay chẳng phải vẫn gắn kết với China bởi "tứ tương" đó sao? Thế thì ai thắng, ai bại?
Mà thắng thế thì được cái gì? Và còn lại cái gì? Sau năm 1975, thế giới ầm ầm tiến còn ta thì… ngồi trên xác pháo và chửi nhau với khắp thế giới, đánh nhau với cả một quốc gia hơn tỷ dân. Ích lợi điều chi?
Ngày hôm nay, chúng ta nhớ về cuộc chiến của 38 năm trước! Nhưng nhớ không phải là để báo thù, để dâng trào cừu hận mà nhớ là để sòng phẳng với lịch sử với chính mình và sòng phẳng với sự thật.
Khi sòng phẳng với lịch sử nghĩa là tương lai được định hình!
H.T.
***
ÔNG LÊ KIÊN THÀNH NÓI VỀ CHA VÀ NGÀY 17/2/1979
17/02/2017 10:29 GMT+7
Quốc Việt thực hiện
Sáng 17 tháng 2 năm 1979, khi chúng ta vừa mới ra khỏi cuộc kháng chiến chống Mỹ, súng đã bất ngờ nổ đỏ dọc một rẻo đất hẹp ở biên giới phía bắc. Nhà cầm quyền Trung Quốc muốn chúng ta cảm nhận được sức nặng của một tỷ người đến cỡ nào. Trước sự ngoan cường của người Việt Nam, 3 tuần sau họ đã phải rút quân về nước.
Chiến tranh biên giới 1979: Không thể lãng quên Chiến tranh biên giới 1979: Những ngày trong trại tập trung bên kia biên giới
Thiếu tướng Lê Mã Lương có nhận định rằng sau 1975, Tổng bí thư Lê Duẩn là người đầu tiên khẳng định Trung Quốc sẽ đánh Việt Nam, trong khi đó, nhiều tướng tá vẫn tin rằng khả năng này ít xảy ra. Sự nhận thức về khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh của ông Lê Duẩn bắt đầu từ thời điểm nào, thưa ông?
Ông Lê Kiên Thành: Đấy là thời điểm xa hơn đấy rất nhiều, chắc từ những năm đầu thập niên 1960. Trong một chuyến đi thăm Trung Quốc, trong cuộc tiếp Mao Trạch Đông hỏi Việt Nam có bao nhiêu dân, ông Lê Duẩn trả lời là 30 triệu. Sau đó, Mao Trạch Đông hỏi về dân số của Lào, Campuchia, Thái Lan. Khi đó, Mao Trạch Đông nói “Thế thì ít quá, tôi sẽ dẫn 400 triệu bần nông xuống làm cách mạng ở Đông Nam Á”. Hồi đó dân số Trung Quốc vào khoảng 700 triệu.
Sau này có lúc Trung Quốc muốn đưa 200 xe ô tô tải giúp chúng ta chở hàng vào miền Nam với điều kiện lái xe là người Trung Quốc. Ông Ba kiên quyết không nhận cái xe nào. Giữa cuộc họp, ông đập bàn nói rằng thà không có còn hơn đưa sinh mệnh của đất nước vào sự nguy hiểm.
Thực ra, trong suốt cả cuộc kháng chiến, Trung Quốc ủng hộ mình bao nhiêu thì họ cũng luôn nghĩ về lợi ích của họ bấy nhiêu. Thế nhưng thiếu sự ủng hộ của họ, chúng ta cũng không chiến thắng được.
Ông Lê Kiên Thành (Ảnh do tác giả cung cấp)
Liệu có phải sự cảnh giác từ rất sớm đó góp phần khiến ông Lê Duẩn bị đánh giá là quá quyết liệt trong mối quan hệ với Trung Quốc thời kỳ sau 1975?
Ông Lê Kiên Thành: Ông ấy quyết liệt đủ đến độ để họ không thể hiện dã tâm từ đầu. Nhưng cũng ít đến độ họ vẫn phải tiếp tục ủng hộ mình. Nhiều người nói là vì ông găng quá nên xảy ra cuộc chiến. Nhưng tôi nghĩ điều đó sai.
Nếu nhìn về lịch sử từ xưa đến nay sẽ rõ. Cho nên đừng mơ hồ chuyện đó.
Có một hình ảnh rất hay là bầy sư tử khi ngủ, nó luôn quay về phía mà nó nghĩ là có kẻ thù mạnh hơn. Sư tử là kẻ mạnh nhất trong khu rừng mà còn cảnh giác đến độ như vậy huống hồ chúng ta.
Năm 1979, đất nước chúng ta vừa ra khỏi cuộc chiến tranh có 4 năm. Với chúng ta bây giờ bốn năm là một khoảnh khắc. Còn đối với một dân tộc vừa đi ra khỏi một cuộc chiến tranh hàng chục năm, trên người đầy vết thương, đầy tang tóc... bốn năm đó thực sự đáng giá.
Thế nhưng, súng đã nổ trên một rẻo đất hẹp ở biên giới phía Bắc. Trong tất cả lịch sử chiến tranh của đất nước chưa bao giờ có chuyện như thế. Nước Mỹ mang 500.000 ngàn quân nhưng phải trải qua một thời gian rất dài, trong một không gian rất rộng gồm cả miền Nam.
Nhà cầm quyền Trung Quốc muốn chúng ta cảm nhận được sức nặng của một tỷ người đến cỡ nào. Nhưng chúng ta đã chứng tỏ cho họ thấy điều đó là vô nghĩa. Từ biên giới vào có mười mấy cây số nhưng 1 tháng sau họ mới đặt chân được vào thành phố Lạng Sơn. Đó là điều ngay cả người Trung Quốc cũng không nghĩ tới.
Sau này, tướng tá Trung Quốc đều nói với phương Tây rằng họ không tưởng tượng được tổn thất có thể khủng khiếp như thế. Hồi đó, chúng ta chỉ có một sư đoàn đóng ở biên giới, còn lại là dân quân, tự vệ, bộ đội địa phương. Trong khi đó Trung Quốc sử dụng tới 600.000 quân, tức là 60 sư đoàn.
Hình ảnh thị xã Cao Bằng bị quân Trung Quốc bắn phá tan hoang do nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường ghi lại. Ảnh tư liệu
Một số tài liệu nói rằng, trong cả hai chuyến thăm Trung Quốc trên cương vị Tổng bí thư năm 1975 và 1977, ông Lê Duẩn đều rút ngắn thời gian và không tổ chức tiệc đáp lễ như truyền thống?
Ông Lê Kiên Thành: Đó là thông tin sai, tất cả những chuyến thăm ấy đều trọn vẹn.
Thật ra đến năm 1976 hoặc trước đó, ông có gặp Đặng Tiểu Bình và hai người vẫn nói chuyện với nhau vẫn rất tình cảm. Chính Đặng Tiểu Bình là người nêu vấn đề là chuyện mấy hòn đảo đừng nói của ai vội, đấy là vấn đề lịch sử mà chúng ta đều phải bình tĩnh nhìn nhận.
Giai đoạn 1978, ông Đặng Tiểu Bình đi thăm nhiều nước và tuyên bố sẽ dạy cho Việt Nam một bài học. Khi đó, ông Lê Duẩn nghĩ gì?
Ông Lê Kiên Thành: Về mặt cá nhân thì tôi không rõ, nhưng hai con người đó cũng là hai con người có trách nhiệm với hai Tổ quốc. Chắc là họ cũng chỉ nghĩ nhiều về Tổ quốc hơn là nghĩ về cá nhân. Đặng Tiểu Bình sẽ nghĩ là làm thế nào cho Trung Quốc tốt nhất và ông Lê Duẩn sẽ nghĩ làm thế nào cho Việt Nam tốt nhất. Đối với những con người ở vị trí đó, cái cá nhân như chúng ta vẫn nói là thứ gì đó rất khác.
Từ 1977, những văn kiện gửi cho quân khu Quảng Châu nhấn mạnh tinh thần phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh. Tại sao đến thời điểm đó, vẫn có rất ít người dự đoán được thời điểm Trung Quốc tấn công Việt Nam?
Ông Lê Kiên Thành:Trước chiến tranh nổ ra, có mời thư ký của ông Nguyễn Duy Trinh đến nói chuyện với cán bộ về tình hình và các khả năng. Ông nói hết tình hình, khả năng như nào, logic thì nó sẽ thế nào.
Vậy, những động thái từ phía Việt Nam để chuẩn bị cho một cuộc chiến ở phía Bắc thực ra đã bắt đầu từ thời điểm nào?
Ông Lê Kiên Thành: Có lẽ từ khi chúng ta giúp Campuchia tiêu diệt chế độ Polpot. Chúng ta vẫn nghĩ rằng chiến tranh nếu nổ ra chắc vẫn còn xa. Còn gần đến cỡ đó thì ít người nghĩ đến thật.
Chỉ hai tuần sau Tết, ngày 17/2, Trung Quốc bất ngờ nổ súng trên toàn tuyến biên giới phía Bắc?
Ông Lê Kiên Thành: Ừ thì cuộc chiến xảy ra sớm nhưng là điều mình nghĩ từ 10-20 năm. Thực tế đã xảy ra như thế. Một tháng sau người Trung Quốc mới đặt chân đến thị xã Lạng Sơn, cách biên giới có 12 km. Nếu đi bình thường chỉ mất 20 phút nhưng Trung Quốc với từng ấy quân lính, từng ấy xe tăng thì một tháng sau mới chiếm được thị xã nhỏ bé của mình. Đừng nghĩ sẽ đi đâu xa.
Xác xe tăng Trung Quốc bị bắn gục tại bản Sẩy (Hòa An, Cao Bằng). Ảnh tư liệu.
Sau khi Trung Quốc rút, ông Lê Duẩn là người quyết định không truy kích. Quyết định đó được đưa ra như thế nào?
Ông Lê Kiên Thành: Thực ra cái mình muốn nhất là Trung Quốc không đánh. Nhưng điều đó lại xảy ra rồi. Giết thêm 1-2 vạn quân nữa thì không có ý nghĩa, chỉ thêm nhiều người Trung Quốc căm thù người mình.
Cũng chính ông Lê Duẩn khi miền Nam giải phóng, có người đã xin xử bắn một số người kẻ ác phía hàng ngũ Việt Nam cộng hoà, ông không đồng ý. Những người ấy ác thật, họ mổ bụng, họ tra tấn đồng chí của mình thật. Trong chiến tranh, người ta có thể chấp nhận cái chết, nhưng trong hoà bình thì lại không thể chấp nhận được.
Còn ý kiến cho rằng Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh biên giới là để thử khả năng phòng ngự của Việt Nam và khả năng Liên Xô sẽ giúp đỡ Việt Nam như thế nào?
Ông Lê Kiên Thành: Tôi không nghĩ Trung Quốc thử. Hiệp định Việt Nam ký với Liên Xô diễn ra là sau 17/2. Người Việt Nam đều hiểu chúng ta trông đợi nhất vào chính chúng ta thôi, khó có thể trông đợi người nào khác.
Tôi cũng không nghĩ Trung Quốc đánh để thử Liên Xô, vì đó là một trò chơi quá đắt tiền, quá mạo hiểm và quá dã man. Họ có những mưu đồ khác. Sâu xa nếu mà được là phải rút được quân Việt Nam ra khỏi Campuchia để cứu Pol Pot, nhưng điều đó không thực hiện được. Thứ hai là Trung Quốc muốn chứng tỏ điều Trung Quốc làm được mà Mỹ không làm được. Cuối cùng thì Trung Quốc cũng không làm được.
Ông Lê Duẩn có lường được rằng cuộc chiến tranh biên giới sẽ kéo dài đến 10 năm sau mới kết thúc không?
Ông Lê Kiên Thành: Ngay cả bây giờ, Trung Quốc vẫn muốn người Việt Nam không thích ông Lê Duẩn chỉ vì một vấn đề là ông ấy đại diện cho một ý chí của những người muốn cảnh giác với Trung Quốc.
Tôi lên biên giới, vào Mục Nam Quan (sau này đổi thành Hữu Nghị Quan), họ treo ảnh các lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc, trừ ông Lê Duẩn. Và tôi lại cảm thấy tự hào kinh khủng vì có một người ba hay thật, người mà đến khi chết vẫn nghĩ giữ nguyên vẹn đất nước Việt Nam này, không mua bán, không mặc cả. Nếu là anh em thì hoà thuận, còn không thì chết chúng tôi cũng giữ đất nước này.
Quốc Việt thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.