Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2017

Putin nguy hiểm đến mức nào?

Putin nguy hiểm đến mức nào?

bauxitevn2:39 AM

Robert Harvey
Phạm Nguyên Trườngdịch 
Chính phủ Putin đã đưa sang phương Tây nhiều gián điệp đến mức số gián điệp ở Anh hiện nay còn nhiều hơn cả thời kì Chiến tranh Lạnh.
clip_image002




Tổng thống Mỹ, Donald Trump, có lí hay không khi tỏ ra có cảm tình với nước Nga? Mới nhìn qua thì chắc chắn là không. Ở Nga, các cuộc bầu cử thường bị gian lận và lực lượng đối lập có tổ chức thường bị đàn áp. Còn dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, nước này đã quay trở lại với chiến thuật của thời Chiến tranh Lạnh trong việc chống lại những người bất đồng chính kiến trong nước và các mục tiêu ở nước ngoài, trong đó có Mỹ.

Chính phủ Putin đã đưa sang phương Tây nhiều gián điệp đến mức số gián điệp ở Anh hiện nay còn nhiều hơn cả thời kì Chiến tranh Lạnh. Nước này đã tiến hành những vụ giết người ở nước ngoài và được cho là đã giết nhiều đối thủ của ông ta [Putin] – trong đó có các nhà báo, nhà hoạt động, và các nhà lãnh đạo chính trị – ở trong nước. Việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014 là vụ xâm lược đơn phương đầu tiên ở châu Âu kể từ năm 1945. Quân đội Nga đã can thiệp vào khu vực Donbas, phía đông Ukraine, đã ném bom một cách tàn nhẫn dân thường và các nhóm nổi dậy ở thành phố Aleppo của Syria, và đối xử một cách tàn bạo với Georgia và Chechnya. 
Danh sách những nỗi kinh hoàng – chỉ là một phần – dường như đủ để chấm dứt được rồi. Chắc chắn Trump đã lầm khi tin tưởng một nhà lãnh đạo tàn nhẫn nhất của nước Nga, kể từ thời Stalin. 
Nhưng mối đe dọa của Nga đối với phương Tây thực sự lớn đến mức nào? Nói cho cùng, Nga thường tôn trọng các thỏa thuận về kiểm soát vũ khí đã kí với Mỹ. Và trong khi Nga đang gia tăng lực lượng vũ trang của mình và đưa ra những chiếc xe tăng mới từ cơ sở cũ kĩ của nó, nước này không có đủ sức mạnh kinh tế và công nghiệp để có thể duy trì nỗ lực chiến tranh trong thời gian dài – các nhà lãnh đạo của họ biết rõ như thế. 
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga đã cứng rắn đến mức Điện Kremlin có thể để Ukraine – trung tâm công nghiệp và vựa lúa mì trước đây của đế chế – chuyển sang chế độ dân chủ ôn hòa (theo tiêu chuẩn của Nga) và độc lập. Nhưng Điện Kremlin sẽ thiệt hại rất lớn nếu Ukraine thực sự gia nhập Liên minh châu Âu hay NATO, như một số người ở phương Tây đã đề nghị. 
Tuy nhiên, mặc dù có sự can thiệp thô bạo của Nga ở Donbas, Nghị định thư Minsk nhằm kết thúc chiến tranh đã được tuân thủ, dù ít dù nhiều. Nga, biết rằng cuộc chiến sẽ không bao giờ kết thúc, đã không đưa ra bất kỳ tín hiệu nào chứng tỏ họ có ý định sáp nhập những tỉnh ủng hộ Nga là Donetsk và Luhansk. 
Ở Syria, cuộc chiến của Nga nhằm bảo vệ vương quốc cuối cùng của họ còn lại ở Trung Đông dường như đã đến hồi tuyệt vọng. Cần phải nhớ rằng Kremlin từng có những nước như Algeria, Iraq, Nam Yemen và Ai Cập nằm trong phe với mình. Putin chỉ có lỗi phần nào trong việc gây ra hoàn cảnh khó khăn hiện nay ở Syria, nhưng ông ta có thể sẽ gặp khó khăn, và sẽ sa vào vũng lầy như Liên Xô ở Afghanistan cách đây 30 năm. Chỉ là vấn đề thời gian, khi các chiến binh thánh chiến bắt đầu tìm cách trả thù người Nga, chứ không phải là trả thù phương Tây nữa. 
Như đã thấy, địa vị của Nga hiện nay thậm chí còn không an toàn bằng những năm 1980, khi nền kinh tế suy yếu của Liên Xô không còn khả năng kiểm soát vùng đệm Đông Âu và các nước chư hầu khác. Nga hiện đang phải vật lộn nhằm giành lại lòng tự trọng và nước này đang theo đuổi các mục tiêu của chính sách đối ngoại truyền thống là nỗi ám ảnh lịch sử về việc bị bao vây – lúc này là những người Hồi giáo cực đoan ở phía nam, nước Trung Quốc có khả năng bành trướng ở phía đông và cựu thù thời Chiến tranh Lạnh ở phía tây. 
Nếu những ám ảnh này dường như là không có cơ sở, thì cũng cần nhớ rằng Siberia đã từng là một phần của Trung Quốc và Nga đã bị xâm lược hai lần – lần thứ nhất là Napoleon, lần thứ hai là Hitler. Thật vậy, nỗi sợ hãi có từ thời thượng cổ này là hiện tượng đã làm cho Stalin tham gia liên minh phòng thủ và cuối cùng trở thành liên minh đầy tai họa với Đức quốc xã vào năm 1939. 
Đáng tiếc là, ngay cả sau khi bức tường Berlin sụp đổ, não trạng thời Chiến tranh Lạnh vẫn ăn sâu bén rễ vào cả hai bên. Trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống đầy hỗn loạn của Boris Yeltsin trong những năm 1990, phương Tây đã không làm theo châm ngôn của Winston Churchill: “Cao thượng trong chiến thắng”. Với sự cáo chung của Khối Warsaw, NATO đã mở rộng đến tận biên giới Nga. Khối quân sự này đã bỏ lỡ cơ hội trong việc trấn an nước Nga dân chủ đang tìm kiếm hợp tác, và thái độ khinh thị trắng trợn của nó đã tạo điều kiện cho Putin xuất hiện. 
Điều này đưa chúng ta quay lại với Trump, sự lạc quan của ông này về quan hệ Mỹ-Nga chắc chắn sẽ chuyển thành thất vọng. Chúng ta đã nhìn thấy điều này từ trước rồi. Tương tự như Trump hiện nay, ban đầu cựu Tổng thống Mỹ, George W. Bush, và cựu Thủ tướng Anh, Tony Blair, cũng coi Putin là người có thể hợp tác được. Nhưng, bây giờ, sau khi nắm quyền lực suốt 17 năm qua, Putin đã thể hiện là một nhà lãnh đạo [không] dễ bị mua chuộc và hung bạo, ông ta đã lợi dụng vụ bùng nổ giá dầu khí để làm giàu cho mình và cho những người được mình che chở. 
Năm 1989, Mikhail Gorbachev để cho bá quyền Liên Xô ở Đông Âu sụp đổ không phải vì ý nghĩ bốc đồng nào đó, mà vì bá quyền đã trở thành gánh nặng không thể chịu đựng nổi. Nhưng hiện nay, Nga cảm thấy áp lực kinh tế còn khủng khiếp hơn. Do chủ nghĩa tư bản thân hữu và năng lực quản lý kinh tế yếu kém của Putin, đời sống của người Nga chỉ được cải thiện một cách vừa phải, nền kinh tế Nga không thể cạnh tranh trên bình diện toàn cầu, và các mỏ dầu và khí đốt của đất nước này bị khai thác không đúng cách. Với giá dầu giảm hơn một nửa so với năm 2014, nền kinh tế Nga đang chịu sức ép nặng nề. 
Trump đã đúng khi chìa tay ra, nhưng ông ta cũng phải tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt trước những hành động vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực quốc tế. Là một doanh nhân, ông phải biết rằng người không có tiền thì không thể đánh nhau. Chẳng bao lâu nữa, sự kém cỏi trong lĩnh vực kinh tế của Putin sẽ hiện ra trước mắt ông ta. Khi điều đó xảy ra, Mỹ, NATO và EU không được bỏ lỡ cơ hội đưa nước Nga thời hậu Putin Nga vào gia đình của các nước văn minh. 
P.N.T.
Robert Harvey, là cựu thành viên của Ủy ban đối ngoại Viện Thứ Dân (Anh) và là tác giả hai cuốn sách Global Disorder và A Few Bloody Noses: The Realities and Mythologies of the American Revolution
VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.