Thứ Năm, 16 tháng 2, 2017

Ngân hàng HSBC Vietnam cộng tác với công an để xâm hại lợi ích khách hàng?

Ngân hàng HSBC Vietnam cộng tác với công an để xâm hại lợi ích khách hàng?

bauxitevnTue 12:19 AM

Phạm Chí Dũng

13-2-2017 
Đòi chứng từ và ‘nguồn gốc, mục đích, lý do giao dịch’
Tiêu chí “hỗ trợ nhu cầu của khách hàng một cách tốt nhất” của Ngân hàng HSBC Vietnam đã được “đưa vào thực tiễn” một cách cấp tốc đối với tôi – nhà báo chuyên viết phản biện. 
Sau một thời gian mở tài khoản tại HSBC Vietnam, đến giữa tháng 12/2016, tôi bất ngờ nhận được một bản thông báo của ngân hàng này, người gửi là Trần Thu Hoài ở bộ phận Quản lý dịch vụ khách hàng nhưng không chữ ký và không dấu, yêu cầu tôi phải cập nhật một số thông tin cá nhân để “bảo vệ quý khách trước nguy cơ tội phạm lừa đảo và tội phạm tài chính ngày càng gia tăng”. 
Ngay sau đó, tôi đã đến một chi nhánh của HSBC Vietnam ở TP.HCM để xuất trình bản sao chứng minh nhân dân và hộ khẩu của tôi theo yêu cầu cập nhật thông tin trên.

Tuy nhiên, nhân viên của HSBC Vietnam là Trần Thu Hoài vẫn yêu cầu tôi phải xuất trình những chứng từ giao dịch, đặc biệt là giao dịch nhận tiền từ nước ngoài, và nếu không trình ra được chứng từ thì tài khoản của tôi sẽ bị HSBC Vietnam đóng. 
Tôi đã cố gắng giải thích với nhân viên HSBC Vietnam là tài khoản của tôi chỉ dùng để nhận nhuận bút của cá nhân tôi và để chuyển nhuận bút cho các tác giả viết cho trang mạng Việt Nam Thời Báo (trang này thuộc Hội Nhà báo độc lập Việt Nam – một tổ chức xã hội dân sự không thuộc kiểm soát của nhà cầm quyền). Đây là những giao dịch rất thông thường với giá trị tiền quá nhỏ và không có chứng từ. 
Sau giải thích của tôi, phía HSBC Vietnam vẫn tiếp tục đòi tôi phải xuất trình chứng từ, và hơn nữa phải nói rõ nguồn gốc, mục đích và lý do giao dịch thì mới không đóng tài khoản của tôi. 
Đến lúc này, tôi rất ngạc nhiên. Tôi đã tham khảo một số người quen có tài khoản ở một số ngân hàng Việt Nam và cả ngân hàng nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam, họ cho biết hiếm ngân hàng nào có yêu cầu khách hàng phải nói rõ với ngân hàng về nguồn gốc, mục đích, lý do các giao dịch, trừ trường hợp đặc biệt. 
Thấy quá vô lý về trường hợp của mình, tôi đã phản ánh với HSBC Vietnam về đòi hỏi trên. Tôi bắt đầu tự hỏi HSBC Vietnam cập nhật thông tin của tôi có thật để “bảo vệ khách hàng” hay nhằm một mục đích khác – thâm sâu và rất thiếu thiện ý? 
Nhưng đến ngày 17/1/2017, HSBC Vietnam đã chính thức gửi thông báo (không dấu, không chữ ký) cho tôi về việc tài khoản của tôi tại ngân hàng này đã bị tạm khóa và không thể có bất cứ giao dịch nào. Cảm thấy bị xúc phạm nặng nề, tôi đã yêu cầu HSBC Vietnam tất toán tài khoản của tôi và đóng vĩnh viễn tài khoản này. 
Vào lúc này, tôi bắt buộc phải liên hệ trường hợp mình với nhiều trường hợp những người đấu tranh dân chủ nhân quyền ở Việt Nam. Theo thông tin lan rộng trong giới đấu tranh dân chủ nhân quyền, nhiều người đấu tranh đã bị ngân hàng – nơi họ mở tài khoản – ngăn chặn những khoản tiền của người Việt hải ngoại gửi về cho họ để giúp dân oan đất đai, nạn nhân môi trường, tù nhân lương tâm… mà không nêu lý do. Một số khoản tiền của người Việt hải ngoại gửi về đã bị trả lại. 
Nhưng vì sao ngân hàng lại dùng cái cách ngăn chặn thô thiển và sống sượng như thế? 
“Lệnh của Bộ Công an”
Trường hợp của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang – sinh năm 1936, một hội viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, sống tại Hà Nội, đã bị Ngân hàng Vietcombank không trả tiền trong tài khoản của ông – là minh chứng điển hình mà tôi thấy cần tóm lược lại dưới đây: 
Năm 1995, ông Nguyễn Thanh Giang mở tài khoản tại Vietcombank. Mọi việc bình thường đến cuối năm 2011, bỗng dưng chi nhánh Vietcombank không cho ông rút tiền mà không có lý do chính đáng nào được đưa ra một cách nghiêm túc tối thiểu (tức bằng văn bản). Cả chục lần ông tới chi nhánh đều quay về trong tức tưởi. Nhân viên ngân hàng luôn nói làm “Theo lệnh cấp trên”. Thỉnh thoảng có nhân viên lại nói “Theo lệnh Bộ Công An”. Họ bảo ông lên trụ sở chính Vietcombank mà hỏi. Dù ông yêu cầu thế nào chi nhánh này cũng nhất quyết không lập bất kỳ biên bản làm việc hay ghi giấy giới thiệu ông đến gặp “cấp trên” hay “Bộ Công An” thần bí nào đó để làm việc, nếu như chi nhánh này không làm gì sai. 
Sự việc cứ thế kéo dài suốt 5 năm. Ông Nguyễn Thanh Giang rất mệt mỏi, phẫn nộ và bế tắc đến nỗi gửi chi nhánh 1 lá thư tuyên bố nếu chi nhánh không trả tiền cho ông và vẫn cứ im lặng khinh thường, vô luật với khách hàng như vậy thì ông sẽ đến chi nhánh ngân hàng này tuyệt thực cho đến khi nào họ giải quyết hoặc đến chết ! 
Khi biết tin này, những người bạn của ông Nguyễn Thanh Giang đã rất phẫn nộ, không tưởng tượng nổi ngân hàng Vietcombank được coi là lớn, chuyên nghiệp và uy tín nhất nước, giao dịch toàn cầu lại hành xử như vậy. Ngay lập tức, họ đã đến chi nhánh Vietcombank để yêu cầu lần cuối cùng – có trả tiền cho ông Nguyễn Thanh Giang hay không. Nếu không trả thì phải làm giấy giới thiệu nói rõ phải đến chỗ nào đề đòi. 
Khi họ đến chi nhánh Vietcombank Thanh Xuân, đầu tiên ông Nguyễn Thành Trung (ban đầu còn không xưng tên) – Phó phòng Giao dịch, nói là “Theo lệnh Bộ Công an”. Sau đó, ông Viễn (xưng tên cộc lốc, hỏi họ tên đầy đủ thì không nói) – Phó Giám đốc chi nhánh, nói “ Trụ sở chính Vietcombank khóa tài khoản. Chi nhánh không liên quan gì và không làm gì được”. Khi họ hỏi tại sao anh Trung kia lại nói là “Theo lệnh Bộ Công an”, ông Viễn luống cuống đáp “Làm gì có lệnh Bộ Công an nào” trong khi anh Trung vẫn đứng ngay đấy… Mãi sau, ông Viễn mới đưa họ xem một công văn của chi nhánh này gửi Trụ sở chính Vietcombank, trong đó ghi rõ việc khóa tài khoản là theo lệnh Bộ Công an
Tóm lại, chỉ sau cuộc biểu tình mini quyết liệt ấy, Vietcombank mới chịu trả tiền lại cho ông Nguyễn Thanh Giang. 
Cộng tác với công an?
Sẽ chẳng ngạc nhiên nếu nối kết câu chuyện của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang với trường hợp tài khoản của tôi bị HSBC Vietnam nhanh nhẩu khóa lại. Những ai sống ở Việt Nam đều có ít nhất một lần cảm thấy bàn tay can thiệp và cả thao túng của ngành công an trong lĩnh vực kinh tế, kể cả vào khối ngân hàng nước ngoài. Lý do ngắn gọn và mơ hồ nhất được nêu ra là “bảo vệ an ninh quốc gia”. 
Khó mà hiểu theo cách nào khác, tôi phải đặt nặng mối nghi ngờ về việc đã có bàn tay của công an gây sức ép đối với HSBC Vietnam để đưa ra những đòi hỏi khó khăn về thủ tục đối với tôi, về thái độ tự nguyện cộng tác của HSBC Vietnam với công an, khiến tài khoản của tôi tại HSBC Vietnam phải bị “giam” vĩnh viễn. 
Tôi cũng nghi ngờ rằng biết đâu đấy, nhân viên nào đó của HSBC Vietnam lại là “đặc tình” của ngành công an… 
Tôi còn nghi ngờ rằng nếu quả thực Bộ Công an can dự vào việc ngăn chặn tiền của “kiều bào ta” gửi về nhằm giúp cho từ thiện xã hội, chủ trương vận động và thu hút kiều hối càng nhiều càng tốt của “đảng và nhà nước ta” sẽ càng thất bại thê thảm. 
Trong khi chưa quyết định việc khởi kiện HSBC Vietnam về việc “giam” tài khoản một cách hết sức vô lý, tôi thật tiếc rằng HSBC Vietnam đã thẳng tay “bảo vệ khách hàng” như đối với trường hợp tôi. Một ngân hàng nước ngoài được xem là uy tín mà làm ăn như thế thì làm sao tránh được việc khách hàng có thể liên tưởng ngay một thực tế rằng HSBC Vietnam đã cộng tác với công an để xâm hại lợi ích khách hàng? Và làm sao những người có chút am hiểu về chính trị còn an tâm để gửi tiền và giao dịch tại HSBC Vietnam? 
P.C.D.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.