Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2017

Đắc danh, vô danh

Đắc danh, vô danh

bauxitevnTue 2:17 AM

Huy Đức
(Mấy ngày nay, thấy bà con nói nhiều về chuyện "trồng cây" của các quan chức, nhớ bài viết của tôi năm 2007; thời 360): 
Đoàn xe, chủ yếu là xe máy, rẹt qua, huyên náo Côn Đảo trong chốc lát. Tiếng loa âm vang kêu gọi dân chúng chấp hành luật lệ giao thông. Một khoản kinh phí coi như đã được giải ngân. Cả nước sục sôi chống tai nạn giao thông, Đảo cũng chống. Cho dù ở đây, đôi khi đi suốt cả đoạn đường dài không thấy bóng người. 
Côn Đảo chỉ có 5.000 dân. Trong khi, theo anh Hó – người mà 7 năm trước, ra tìm mộ cha, rồi “kết” Đảo, trở thành cán bộ trông coi nghĩa trang Hàng Dương – có ít nhất 20.000 tù nhân đã lần lượt chết trên đảo. Như vậy, mỗi người dân ở đây đang gánh vác nhang khói cho khoảng 4 cụ linh hồn. Bất cứ góc phố trung tâm nào của Đảo cũng có thể bật ra một mảng tường đen, những mảng tường xây từ thời Pháp, những mảng tường xây trước 75. Những bức tường nhà tù. 
Tuy nhiên, ở Côn Đảo, còn có những bãi biển rất đẹp, nhất là cái bãi Đầm Trầu nằm sát sân bay Cỏ Ống. Những bãi biển đó, đã có từ trước khi người Pháp đến. Những bãi biển đó, đã có trước sự xuất hiện của hệ thống nhà tù. Tôi không nghĩ là các tù nhân mỗi chiều vẫn tắm trên những bãi cát mịn màng, trắng như những cặp chân trần, của mấy cô gái, mà chiều nay tôi thấy. Trên bức tường các trại giam, không thấy người tù vẽ áo tắm. Chỉ thấy những câu thơ viết bằng máu. Chỉ thấy chuồng cọp, gông xiềng.
Những người bị đày ra Côn Đảo, thảy, đều là các chiến sỹ, các chí sỹ. Hơn hai mươi ngàn người chết, nhưng chỉ có 1.912 ngôi mộ. Trong số gần hai nghìn ngôi mộ, chỉ có 709 ngôi có ghi tên, của người, có lẽ đang nằm dưới ba tấc đất ấy. Có bia mộ, như mộ bà Võ Thị Sáu, mộ cụ Lê Hồng Phong, được xây khá hoành tráng bằng granit. Hàng ngàn ngôi mộ khác, được xếp bởi đá hộc đơn sơ, cát phủ, và vô vàn lá dương khô phủ. Tôi thích những cột bia mộ dong dỏng, giản dị, có ngôi sao nhỏ gắn giữa một miếng đá con. Trên đó, chủ yếu, khắc một cái tên. Không họ. Không quê quán. Không ngày tháng. 
Hai trăm nghìn tù nhân đã từng bị đày ra Côn Đảo kể từ năm 1862. Phần lớn đã kiên cường sống và kiên cường chết. Nhưng những đòn khảo tra cũng khiến cho nhiều người không chịu nổi. Có hàng tấn hồ sơ đã bị đốt trong ngày 1/5/1975. Có người đã nhanh tay thiêu huỷ những gì có thể lưu trong những đống giấy tờ của Đảo. Thế rồi vàng, thau lẫn lộn. Thôi thì thân tù, ai chẳng tiều tuỵ như nhau. 
Nhiều người trở về từ Đảo, sau, có được những chức rất to. Nhiều người, vốn đã can trường trước những đòn tra tấn, về sau, vẫn giữ lấy sự can trường ấy. Cuộc đời họ, tiếp tục, trầy vi, tróc vảy. 
Rồi, nhà tù đóng cửa, có biết bao nhiêu vị đã đến thăm Côn Đảo. Đã tắm trên những bãi biển ì oạp, hiền lành. Đã thưởng thức những sản vật không nơi nào sánh được. Đã lên nghĩa trang. Đã đốt nhang cho cụ Lê Hồng Phong, cho bà Võ Thị Sáu. Đã đến vị trí trang trọng nhất. Được mời tới một cái cây đặt sẵn. Được trao cho những chiếc xẻng sạch sẽ. Xúc một vài vốc đất. Thẩy xuống. 
Núi Chúa vẫn thâm trầm. Biển chiều hôm thẫm lại. Những hàng bia mộ vẫn lặng lẽ. Những cây “lưu niệm” đã dần lớn. Nay, được gắn thêm những tấm đá hoa cương, bóng đen. Khắc tên tuổi. khắc ngày tháng. Khắc chức vụ người trồng. Lưu danh muôn thuở. 
H. Đ.
Nguồn: FB Huy Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.