Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Xử lý rác thải công nghiệp ra sao?

Xử lý rác thải công nghiệp ra sao?

bauxitevnWed 7:42 AM


Gia Minh, PGĐ ban Việt Ngữ RFA
clip_image001
Một dòng sông ở Mexico bị ô nhiểm từ chất thải nhà máy. Ảnh chụp vào ngày 04 tháng 7 năm 2015. AFP photo
Thảm họa môi trường do hóa chất độc hại mà Formosa thải ra biển vẫn chưa lắng xuống, tin tức về chất thải chưa qua xử lý của nhà máy này được tẩu tán đưa đi chôn lấp tại một số nơi trên đất liền lại nổi lên.
Thực trạng đó cho thấy công tác xử lý chất thải công nghiệp độc hại tại Việt Nam lâu nay thế nào?
Mời quí vị cùng theo dõi trong chuyên mục Khoa học-Môi trường hôm nay.

Thực trạng

Mạng báo Người Đưa tin vào ngày 12 tháng 7 vừa qua loan tin nói qua nguồn tin do một người dân địa phương cung cấp thì phóng viên báo này phát hiện ra tình trạng hằng ngàn mét khối rác thải công nghiệp được vận chuyển đến một trang trại giữa rừng tràm để chôn.
Khối rác thải được mô tả ‘đen kịt, bốc mùi nồng nặc’ được đưa từ nhà máy Formosa Hà Tĩnh đến khu trang trại có tên Hoàng Trinh rộng hàng ngàn mét vuông ở vùng thượng Kỳ Trinh. Trang trại nằm cạnh thượng nguồn Sông Trí và đập tràn cung cấp nuớc sinh hoạt và sản xuất cho hằng ngàn hộ dân trong vùng nằm cách đó không xa.
Tờ báo trích dẫn phát biểu của một cán bộ đang làm việc tại Formosa Hà Tĩnh cho biết khối chất thải được mang đi chôn lấp ở trang trại Hoàng Trinh chính là chất thải kim lọai nặng, được lắng sau quá trình xử lý nước thải. Chất thải này đọng dưới đáy hồ, sau đó được múc lên, cho vào bao chở đi chôn lấp.
Mạng báo Người Đưa tin còn cho biết thêm chi tiết trang trại Hoàng Trinh thuộc sở hữu của ông giám đốc Công ty Môi trường Đô thị thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh - ông Lê Quang Hòa.
Tin vừa nêu được cả truyền thông chính thức của nhà nước cũng như cộng đồng cư dân mạng quan tâm như là một tin nóng nhất trong ngày 12 tháng 7.
Một facebooker có biệt danh Bạch Hoàn viết trên trang cá nhân là bản thân người này không lấy làm ngạc nhiên cho lắm về phát hiện xe tải chở hơn 100 tấn chất thải chưa qua xử lý màu đen, sền sệt, bốc mùi hôi thối, kèm mùi hóa chất nồng nặc đến chôn trộm tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Facebooker Bạch Hoàn cho rằng theo hiểu biết của bản thân thì việc xử lý không đúng qui trình của Formosa Hà Tĩnh từng xảy ra nhiều lần; lần bị phát hiện hôm ngày 12 tháng 7 chỉ là ‘phát huy kinh nghiệm đã được tích lũy’.
Truyền thông trong nuớc vào ngày 16 tháng 7 cho biết tổng số chất thải có nguồn gốc từ nhà máy Formosa Hà Tĩnh được chôn lấp tại khu vực trang trại của ông Lê Quang Hòa là chừng 270 tấn.
Ngoài trang trại của ông giám đốc Công ty Môi trường Đô thị Thị xã Kỳ Anh còn có hai điểm chôn lấp khác cũng được phát hiện bên dưới là chất thải có nguồn gốc từ nhà máy Formosa Hà Tĩnh.
Ba hôm sau, vào ngày 19 tháng 7, dân chúng cư ngụ tại phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh phát hiện hàng trăm tấc rác thải có nguồn gốc từ Formosa Hà Tĩnh tại khuôn viên trang trại của một người dân trên địa bàn phường. Ngòai số rác xây dựng, có cả bùn thải màu đen đã khô cứng.
Rác thải của Formosa Hà Tĩnh, mà trong đó có chất thải công nghiệp độc hại, được cho biết còn được chuyển ra đổ tại bãi rác Thiên Cầm.
Ông Lê Văn Khoa, giảng viên môi trường thuộc Đại học Bách Khoa Sài Gòn, nói về tình trạng chất thải độc hại tại Việt Nam như sau:
“Tôi nghĩ họ đều có trung tâm làm xử lý chất thải hết: hoặc của tư nhân hoặc của nhà nước. Hiện nay chất thải công nghiệp của các doanh nghiệp buộc phải đem đến nơi xử lý cho đúng. Còn đối với người dân thì chưa phân loại được; vì (để xử lý) phải phân loại.
Theo tôi biết tại thành phố Hồ Chí Minh, người ta có tổ chức ngày hội tái chế chất thải. Trong ngày đó người dân đem những chất thải nguy hại trong gia đình đến nơi đó. Một số phường ở thành phố (Hồ Chí Minh) họ cũng nhận những chất thải nguy hại.
Ở cấp phường thì người ta làm nhiều lần, còn ở (cấp) thành phố người ta chỉ làm một năm một ngày. Mục đích nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng thôi. Còn bất cập lắm! Chất thải trong gia đình như pin cũ, đồ đựng hóa chất như thuốc xịt muỗi... rõ ràng chưa quản lý được đâu! Việc đó còn tùy thuộc vào nhận thức của từng người”.

Qui định luật pháp

clip_image003
Rác thải Formosa chôn lấp sai quy trình. Photo courtesy of danviet.vn
Thông tư mang số 12/2011/TT-BTN-MT qui định về quản lý chất thải nguy hại của Bộ Tài Nguyên- Môi trường Việt Nam được đưa ra hồi tháng tư năm 2011. Theo đó đối tượng áp dụng của thông tư gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong nước hoặc tổ chức, cá nhân nước ngòai có họat động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ liên quan đến phát sinh chất thải nguy hại trên lãnh thổ Việt Nam.
Giáo sư Lê Huy Bá, nguyên Viện truởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, có ý kiến về vấn đề luật pháp và công tác thực thi trong lĩnh vực xử lý chất thải công nghiệp nguy hại:
“ Luật, nghị định... đều có đầy đủ; tuy nhiên lỗ hổng trong quản lý là chủ yếu.
Luật nói rõ chủ đầu tư mà có công ty nào đó (nhận) xử lý chất thải nguy hại cho họ (công ty) thì phải theo đến cùng - đến khi chất thải nguy hại đó hết nguy hại rồi hay thành một dạng chất thải ở dạng có thể chấp nhận được. Như vậy mới được. Tuy nhiên ở đây là chỉ qua hàng rào của nhà máy rồi là xong; thế là không ổn.
Trong trường hợp Formosa là ký hợp đồng với một công ty không có trách nhiệm, không có giấy phép trong (hoạt động) xử lý chất thải. Như vậy là không đúng luật.
Chất thải của Formosa thường là chất thải độc hại; bùn thải của họ là bùn thải độc hại.
Theo qui định mới đây của Bộ Tài nguyên & Môi trường thì một công ty, một khu công nghiệp vừa có chất thải thường, vừa có chất thải độc hại là được xếp vào loại chất thải độc hại và xử lý, hành xử theo dạng có chất thải độc hại. Trường hợp Formosa phải xử lý theo dạng chất thải độc hại.
Chất thải độc hại tại các khu công nghiệp, các nhà máy phải để riêng ra và đánh dấu như hình ‘sọ dừa’ bên ngoài bao bì cho thấy đó là chất thải độc hại. Khi vận chuyển cũng phải theo cung cách riêng của chất thải độc hại.
Nơi tiếp nhận phải có đầy đủ chức năng, máy móc-trang thiết bị để xử lý chất thải độc hại.
Đó là theo qui định, còn người ta làm được bao nhiêu là chuyện khác!”
Giáo sư Lê Huy Bá tiếp tục đưa ra nhận định về thực tế trang bị các cơ sở hạ tầng xử lý chất thải công nghiệp độc hại cũng như trở ngại trong công tác này tại Việt Nam:
“Vấn đề xử lý chất thải độc hại tại Việt Nam hiện chỉ có một số công ty có trang thiết bị cần thiết. Như ở (khu công nghiệp) Lê Minh Xuân có một công ty có thiết bị đốt chất thải độc hại.
Tuy nhiên trong quá trình làm, nói chung việc xử lý không triệt để gọi là đối phó; phần lớn đem đổ hay chôn lấp ‘bậy bạ’ ở đâu đó.
(Vụ việc) Formosa gióng lên tiếng chuông báo động việc quản lý chất thải độc hại của mình (Việt Nam) ‘rất nguy hiểm’.
Bây giờ tại các tỉnh (khu công nghiệp của tỉnh) đều có bộ phận xử lý chất thải độc hại. Tuy nhiên khả năng thu gom chưa được hoàn toàn. Người dân thì không có ý thức, khi bỏ chất thải độc hại ra thì chung với chất thải bình thường. Vì vậy khi đổ ra bãi thải, tất cả bỏ ‘lộn’ với nhau. Đó cũng là một trở ngại”.
Cũng theo giáo sư Lê Huy Bá thì thông tin cho biết Formosa Hà Tĩnh vẫn còn trong kho chừng 800 tấn chất thải ngòai số đã đưa đến các nơi như bị phát hiện vừa qua.
Vụ Formosa chưa kết thúc
Qua theo dõi thì vị chuyên gia môi trường này cho rằng biện pháp xử lý của nhà cầm quyền Hà Nội đối với những vi phạm của Formosa Hà Tĩnh cho đến nay vẫn còn chậm mặc dù theo ông ghi nhận có một số nỗ lực:
“Tất nhiên có cố gắng nhưng tiến hành vẫn chậm. Ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của những ê kíp mới. Đối với ê kíp cũ có nhiều cái đáng trách lắm, có thể gọi là tiêu cực Ê kíp mới có vẻ cũng tính cực, năng nổ, cũng đi đúng hướng; tuy nhiên quá trình làm như thế là quá chậm. Vẫn chưa có sự công khai, minh bạch một cách hoàn toàn. Ví dụ những bản phân tích cụ thể quá trình thải của Formosa… vẫn chưa được công bố một cách rộng rãi để cho những nhà khoa học không phải trong số 100 người được chọn ra làm trực tiếp để biết tường tận các quá trình, diễn tiến, tai biến do Formosa.
Có những cái lý giải chưa được, chưa ổn!”
Vụ việc Formosa Hà Tĩnh thông qua các đơn vị môi trường trong nước đưa chất thải công nghiệp chưa qua xử lý đến chôn lấp tại nhiều nơi như tin tức loan đi khiến dư luận nhớ lại vụ Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái chôn thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng và các chất thải nguy hại ở Thanh Hóa suốt từ năm 1999 đến năm 2009.
Hành vi này được nói có dấu hiệu tội ‘gây ô nhiễm môi trường’ theo điều 239 Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999, sửa đổi năm 2009. Tuy nhiên sau đó các cơ quan chức năng Việt Nam cho rằng chưa đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự.
Nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường của các tập đoàn, công ty trong cũng như ngoài nước tuơng tự vụ NicoTex Thanh Thái ở Thanh Hóa chỉ bị xử lý bằng phạt tiền.
Mức bồi thuờng mà nhiều người cho nhẹ. Mức bồi thường 500 triệu đô la trong vụ Formosa Hà Tĩnh vì đã xả thải chất độc ra biển khiến cá chết hàng loạt dọc theo bờ biển miền trung cũng bị dư luận cho là giá quá rẻ mạt; từ đó khiến các thủ phạm gây ô nhiễm môi trường tiếp tục vi phạm để rồi sẵn sang chịu phạt.
Hầu như nếu như người dân không phát hiện và mạnh mẽ lên tiếng tố cáo những hành vi gây hại như thế, các vụ việc nghiêm trọng vẫn không được xử lý đến nơi đến chốn.
G.M.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.