Thứ Hai, 4 tháng 7, 2016

Biển Đông : Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa trước ngày Tòa ra phán quyết

Biển Đông : Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa trước ngày Tòa ra phán quyết 


media
Ảnh vệ tinh chụp những hoạt động của Trung Quốc quân sự hóa đảo Phú Lâm, Hoàng Sa. Reuters

           

Hôm nay, Chủ nhật 03/07/2016, chính quyền Bắc Kinh thông báo sẽ tổ chức cuộc tập trận kéo dài một tuần, xung quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa. Cuộc tập trận dự kiến kết thúc hôm trước ngày Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông.

Theo AFP, Cơ quan Quản Lý An Toàn Hàng Hải Trung Quốc ra một thông báo ngắn gọn, yêu cầu tàu thuyền không đi vào khu vực tập trận giữa phía đông của đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa, từ ngày 05/07/2016 đến ngày 11/07/2016. Quần đảo Hoàng Sa là nơi Việt Nam đòi hỏi chủ quyền.
Ngày 12/07/2016, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực có trụ sở tại La Haye - Hà Lan, sẽ ra phán quyết về các khiếu nại của Philippines, trong đó đặc biệt có vấn đề bản đồ 9 đoạn, thường được gọi là « Đường Lưỡi Bò », bị nhiều nước láng giềng phản đối. Bản đồ yêu sách này của Trung Quốc lấn sâu vào cả vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng. Theo các nghiên cứu, yêu sách 9 đoạn nói trên chỉ bắt đầu xuất hiện trên các tấm bản đồ của Trung Quốc từ những năm 1940.
Năm 2013, chính quyền Philippines yêu cầu Tòa Án Trọng Tài Thường Trực tuyên bố các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh vi phạm Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà cả Philippines và Trung Quốc cùng ký kết. Trung Quốc không thừa nhận thẩm quyền của tòa án nói trên và không tham gia vụ kiện. Hôm thứ Sáu, 01/07/2016, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa tuyên bố không nhân nhượng về chủ quyền tại Biển Đông.
Trong thời gian gần đây, căng thẳng tại Biển Đông gia tăng, đặc biệt với các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo quy mô lớn của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa. Quốc tế lo ngại xung đột bùng phát. Hoa Kỳ nhiều lần đưa tàu chiến áp sát đảo nhân tạo do Bắc Kinh kiểm soát, để răn đe tham vọng thái quá của Trung Quốc, bảo vệ « quyền tự do hàng hải » tại khu vực huyết mạch của nền kinh tế toàn cầu, với tổng lượng hàng hóa khoảng 5.000 tỷ đô la qua lại hàng năm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.