Tranh chấp Biển Ðông: Dân đánh cá Trung Quốc đảm nhận vai trò thô bạo
bauxitevnWed 2:22 AM
Marc Leonhard, tagesschau.de 11/07/2016
Trần Huê dịch
12/07/2016 (DĐVN21) - Hôm nay, trong vụ Philippines kiện Trung Quốc Tòa án Trọng tài thường trực (Permanent Court of Arbitration PCA) ở La Haye sẽ ra phán quyết. Trong dịp này ký giả Marc Leonhard của chương trình Tagesschau thuộc đài truyền hình Đức ARD đã có bài viết về mánh khoé của Trung Quốc là dùng đội dân quân biển trá hình làm ngư phủ để uy hiếp, đánh đắm các tàu đánh cá Việt Nam trong vùng tranh chấp Biển Đông, điều này không khỏi cho người đọc liên tưởng đến lực lượng công an đội lốt côn đồ đàn áp dân chúng biểu tình đỏi hỏi nhà cầm quyền Hà Nội minh bạch trong sự kiện Formosa Hà Tĩnh làm ô nhiễm biển gây thiệt hại vô lường cho ngư phủ ở bốn tỉnh miền Trung. Đánh cá vùng cận duyên thì cá đã chết, đi xa ra khu Hoàng Sa thì bị dân quân biển Trung Quốc đánh chìm tàu, còn nỗi khổ nào hơn cho ngư dân Việt Nam nhưng nhà cầm quyền Hà Nội vẫn nhắm mắt làm ngơ! Sau đây là bài của ký giả Marc Leonhard do Trần Huê chuyển sang tiếng Việt.
* * *
Bề ngoài thì trông họ như những người đánh cá bình thường, nhưng các thuyền đánh cá Trung Quốc ở Biển Ðông đang đảm nhận công tác quân sự. Giới lãnh đạo ở Bắc Kinh đặt tin cậy vào lực lượng dân quân đánh cá trong vấn đề tranh chấp lãnh hải – điều này không phải chỉ hải quân Hoa Kỳ đã phải nếm mùi.
Tàu tuần tiễu trang bị võ khí điều khiển, tàu sân bay tự chế biến, tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử – đó là một mặt của việc tăng cường lực lượng hải quân Trung Quốc đang gây lo ngại và chú ý của Hoa Kỳ cũng như nhiều quốc gia Á châu. Ngược lại, lực lượng dân quân đánh cá vẫn chưa được để ý đến. Thực ra bộ phận không chính quy này đóng một vai trò quan trọng trong vùng hải phận quốc tế đang có tranh chấp ở Biển Ðông. Nơi đây Trung Quốc giành lấy quyền lợi bằng những biện pháp có khi rất hung tợn.
Những dân quân biển này được tuyển chọn từ thành phần ngư phủ ở các tỉnh duyên hải, một phần khác có những cựu quân nhân hải quân cũng phục vụ trong các đơn vị này. Các con số chính xác về số lượng và tầm vóc của bộ phận dân quân không ai biết – nhất là vì chính quyền không hề lên tiếng.
Dùng ngành đánh cá để khẳng định tham vọng lãnh hải
Lợi thế chính trị lớn nhất của lực lượng dân quân đánh cá là bề ngoài dân sự của nó. Sự hiện diện của họ không có tính chất đối mặt, nhưng có thể đóng góp hữu hiệu nhằm bảo vệ quyền lợi trên biển của Trung Quốc như lực lượng tuần duyên, theo nhà phân tích Michael Paul thuộc Viện Khoa Học và Chính Trị (SWP) nói với tagesschau.de. Hơn thế nữa, “các hoạt động bình thường” như việc hành nghề đánh cá xác quyết tham vọng lãnh hải một cách tối ưu ở Biển Ðông.
Ông Paul ước tính trong những năm sắp tới, Trung Quốc sẽ dùng chiến thuật “tằm ăn dâu” để giành quyền đánh cá và lấn áp các quốc gia khác – kể cả những nưóc không can dự vào vòng tranh chấp như Nam Dương (Indonesia) chẳng hạn. Và để đạt mục đích này lực lượng dân quân đánh cá mà một phần được huấn luyện về quân sự thật “vô cùng thích hợp”.
Dân quân đánh cá ở đảo Hải Nam đóng vai trò quan trọng cho tham vọng Biển Ðông của Trung Quốc
Mặc đồng phục? Chỉ để chống nắng thôi
Việc Chủ tịch Tập Cận Bình viếng thăm một địa điểm duyên hải nhỏ như Đàm Môn (Tanmen) trên đảo Hải Nam vào tháng Tư 2013 càng cho thấy rõ vai trò ngày càng quan trọng của lực lượng dân quân đánh cá. Nơi đây là căn cứ của một trong những lực lượng dân quân biển hoạt động mạnh nhất, đã nhiều lần được sử dụng rất thành công trong các vụ tranh chấp ở Biển Ðông.
Nhưng ở Đàm Môn không ai không muốn nói về chuyện này – ít nhất là với những ký giả nước ngoài. Khi một nhóm nhân viên của đài Al Jazeera thấy được những người mặc đồng phục tập dượt tại hải cảng của thành phố nhỏ này thì người ta giải thích rằng đó là những người thuộc một toán diễn viên làm phim. Thậm chí ngư phủ Vương Thụ Mao (Wang Shumao) còn nói là những bộ đồng phục mặc để che nắng thôi. Ông ta không biết gì về lực lượng dân quân biển. Sau đó Al Jazeera mới biết được họ Vương chính là viên chỉ huy phó của lực lượng dân quân đánh cá Đàm Môn.
Các tàu đánh cá mới có tầm hoạt động xa hơn
Sau chuyến viếng thăm của Tập Cận Bình ở Đàm Môn, chính quyền địa phương đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng dân quân, như Andrew Enrickson và Conor Kennedy tường trình cho tạp chí Hoa Kỳ “National Interess”. Theo đó, ngân sách hỗ trợ rộng rãi được chi cho việc đóng các tàu đánh cá lớn hơn, có sườn thép với tầm hoạt động đến 2000 hải lý. Các tàu mới 500 tấn thay thế các tàu gỗ nhỏ chỉ có thể hoạt động trong vùng cận duyên có nhiều cá. Vẫn theo Enrickson và Kennedy, các cơ quan chính quyền khác nhau đảm nhận 1,8 triệu trong tổng số 5 triệu nhân dân tệ cho chi phí chế tạo (tương đương khoảng 675.000 Euro). Nhờ vậy, các tàu này có thể ra khơi lâu hơn, sườn tàu bằng thép cũng kiên cố hơn khi đụng chạm với tàu khác.
Chi phí đóng tàu không phải là cách yểm trợ tài chính duy nhất cho lực lượng dân quân biển. Theo sự điều tra của tờ Washington Post, nhiên liệu dùng cho các chuyến đi đánh cá cũng được bao cấp và 50.000 tàu đánh cá ở Hải Nam được trang bị hệ thống định vị GPS và hệ thống viễn liên mà hầu như không phải trả tiền. Nhờ đó, các ngư phủ có thể gọi tàu của lực lượng tuần duyên cứu trợ nhanh chóng.
Các tàu gỗ đánh cá Trung Quốc ở Hải Nam. Ra khơi xa hơn có các tàu thép lớn hơn
Các vụ đụng tàu và xịt vòi nước
Trong thời gian qua sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng chính quy và dân quân ở Biển Ðông đã quá rõ ràng. Giữa tháng 5 và tháng 7 năm 2014 các tàu tuần duyên, tàu dân quân đánh cá và lực lượng hải quân đã hộ tống giàn khoan HYSY 981 đến một vị trí phía Tây Nam của quần đảo Hoàng Sa đang có tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Các tàu dân quân lập vòng phòng thủ phía trong, tàu tuần duyên và hải quân lập thành vòng phòng thủ phía ngoài xa. Theo sự tìm hiểu của Enrickson và Kennedy, có 29 tàu dân quân đánh cá của Tam Á (Sanya), một thành phố ở phía Nam của Hải Nam, tham dự vào cuộc hành quân này, những đơn vị này vẫn thường đụng độ với tàu đánh cá Việt Nam. Sau những vụ chạm trán, đụng tàu nhau và sử dụng các vòi xịt nước, đã có 3 tàu gỗ đánh cá Việt Nam bị đánh chìm.
Chuyên viên SWP Paul nói về cách hợp tác theo chiến lược “bắp cải”: cũng giống như các lá bắp cải, tàu đánh cá, tàu tuần duyên và ở xa hơn tàu chiến của hải quân lập thành nhiều vòng vây bao quanh một đối tượng – có thể là một giàn khoan, một chiếc tàu hoặc một hòn đảo. Từ lớp này sang lớp khác, đối tượng ở chính giữa được bảo vệ tốt hơn hoặc bị xiết chặt lại.
Không có cách đối phó với dân đánh cá
Người ta thấy chiến lược “bắp cải” có thể được sử dụng như thế nào qua vụ việc hồi tháng 10 năm ngoái ở gần quần đảo tranh chấp Trường Sa. Khi khu trục hạm Hoa Kỳ Lassen đi xuyên qua vùng biển đó để khẳng định quyền tự do hàng hải, tàu chiến này bị các tàu đánh cá quấy nhiễu liên tục. Dù không có bằng chứng rõ ràng là các tàu này thuộc lực lượng dân quân đánh cá, nhưng Enrickson cho là không có lực lượng nào khác nữa và nói tới một “đội quân trá hình”.
Ðối với hải quân Hoa Kỳ các vụ đụng chạm với những tàu bè có vẻ dân sự quả là phức tạp bởi vì không có sẵn luật lệ giao lưu và ứng xử rõ ràng. Nếu là tàu hải quân Trung Quốc tiến gần tới khu trục hạm “Lassen”, Hoa Kỳ có thể khiếu kiện chính thức hành động của Trung Quốc. Nhưng với tàu dân quân đánh cá thì không vì Bắc Kinh sẽ dễ dàng chối bỏ trách nhiệm.
“Ðụng độ liên tục”
Sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng tuần duyên Trung Quốc và tàu đánh cá, theo Washington Post đã diễn ra ngày 20 tháng 03 cách đảo Hải Nam khoảng 900 hải lý. Gần quần đảo Natuna của Nam Dương một tàu đánh cá trái phép của Trung Quốc bị phát giác và dẫn độ. Trong khi tàu này bị kéo đi thì một tàu của tuần duyên Trung Quốc tiến gần lại và đẩy tàu đánh cá Trung Quốc nhiều lần để lái tàu này ra huớng Biển Ðông. Nam Dương sau đó đã cắt dây kéo, theo báo chí Hoa Kỳ.
Hầu hết những vụ đụng độ xảy ra với lực lượng dân quân đánh cá nằm ở dưới cần tường trình, theo chuyên viên phòng thủ Paul. Vì vậy, khó mà nói rõ các vụ đụng độ giữa lực lượng dân quân Trung Quốc và dân đánh cá thuộc các quốc gia khác đã xảy ra thường xuyên như thế nào. Tuy nhiên, giới chức chính quyền Việt Nam và Nam Dương xác nhận các vụ đụng độ xảy ra “liên tục”.
Sau phán quyết của Toà án vấn đề tranh chấp sẽ đi đến đâu?
Thứ ba này, Toà trọng tài quốc tế ở La Haye sẽ phán quyết về tranh chấp lãnh hải ở Biển Ðông. Có nhiều triển vọng là các tham vọng của Bắc Kinh sẽ bị bác bỏ. Sau đó, cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều sẽ phô trương lập trường của mình mạnh mẽ hơn, theo sự đánh giá của ông Thomas Eder thuộc Viện nghiên cứu Merics. Vì Trung Quốc không muốn có sự leo thang mạnh, họ sẽ chọn giải pháp sử dụng lực lượng dân quân đánh cá thay vì hải quân, theo nhà công pháp quốc tế khi trao đổi với tagesschau.de, vì Trung Quốc muốn giữ khả năng có thể chối bỏ việc làm của họ. Vì vậy trong tương lai lực lượng dân quân đánh cá có lẽ vẫn đóng vai trò quan trọng ở Biển Ðông.
M. L.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.