Đổi tên quy hoạch, mở đường siêu dự án sông Hồng?
bauxitevnWed 6:50 AM
“Tôi cũng đặt ra nghi ngại không biết đây có phải là có ý đồ để hợp thức hóa một số dự án hiện nay đang có sự tranh cãi hay không?.
Chắc chắn theo tôi sẽ có những ý đồ sau chuyện xin điều chỉnh tên, chứ không viện cớ gì phải thay đổi tên của quy hoạch" - PGS. TS Phạm Hồng Giang
“Thông tin về dự án [hàng ngàn] tỉ đồng trên sông Hồng hay dự án 1,1 tỉ USD trị thủy sông Hồng theo đề xuất của Công ty TNHH Xuân Thiện Thành đang là tâm điểm chú ý của dư luận xã hội. Và dù nó vẫn chỉ đang là dự án trên giấy, ở mức sơ khai, đề xuất thì vẫn có rất nhiều câu hỏi được giới chuyên gia, các nhà phân tích đặt ra xung quanh dự án này. Đó là vấn đề môi trường, thủy văn, thủy lợi, là sự sinh tồn của vùng Đồng bằng sông Hồng...
Tuy nhiên, có một câu hỏi được nhiều người đặt ra nhất vào là với việc bỏ ra 25 ngàn tỉ đồng, khoảng 1,1 tỉ USD theo dự kiến ban đầu, ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) sẽ thu được gì từ dự án tỉ đô trên sông Hồng?
Trả lời cho câu hỏi này, đề cập với báo chí, giới phân tích cho rằng, nếu dự án này được triển khai và những “yêu sách” ưu đãi cho dự án được thông qua, mỗi năm, bầu Thụy có thể thu về khoảng 1.300 tỉ lợi nhuận thuần” (Bầu Thụy “âm mưu” gì với dự án tỉ đô trên sông Hồng?).
Vâng, lợi cho Bầu Thụy và những quan nha từ trên xuống dưới bám vào Bầu Thụy mà ăn. Nhưng liệu... răng của dân có còn không?
Thật dễ sợ với các vị, dùng những trò đổi tên thật nhố nhăng mà thực chất thì chẳng có gì thay đổi để dễ dàng trôi qua được miếng xương cá của dư luận, mặc bao nhiêu cảnh báo rành rành trước mắt, cảnh báo bằng sự trả giá khủng khiếp về môi trường, an ninh... ở những vùng khác mà những dự án tương tự hoặc kém đồ sộ hơn đã thực hiện.
Vì sao lương tâm mờ tối đến vậy, trước sau chỉ biết có... tiàn, tiền, tiền hay còn chứa mưu đồ gì nữa? Than ôi, đấy có phải là phẩm chất cộng sản thời @ hay không?
Các vị nên xuống suối vàng sớm mà hỏi Tiến sĩ Lê Quýnh thời Lê xem khi kéo nhau sang bên đó phải “gióc tóc” như thế nào nhé.
Bauxite Việt Nam
|
(Quan điểm) - "Hiện nay, có những dự án mọi người đang rất lo ngại và phản đối, nếu thông qua việc này để hợp thức hóa thì vô cùng nghiêm trọng".
Vì siêu dự án mới làm quy hoạch
Trước việc, Bộ TN&MT vừa ký văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh tên Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng thành Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình, bên cạnh đó, là xin thêm kinh phí để triển khai nhanh quy hoạch, trao đổi với Đất Việt, ngày 27/5, TS Nguyễn Nhân Quảng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Quản lý Tổng hợp Tài nguyên Nước (CIWAREM), nguyên Phó tổng thư ký Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam cho rằng, chúng ta đã từng làm quy hoạch khai thác tổng thể hệ thống sông Hồng.
Theo ông Quảng, khi đó đã thành lập Ủy ban khai thác và trị thủy sông Hồng thuộc Bộ Thủy lợi từ những năm 1957-1959, bây giờ đã đổi tên thành Viện Quy hoạch thủy lợi, mà lại do Bộ NN&PTNT tiếp quản.
Chính vì thế, Bộ TN&MT muốn đổi tên quy hoạch để không trùng với quy hoạch cũ, hơn nữa, cũng vì mới xuất hiện một đề xuất siêu dự án giao thông thủy xuyên Á qua sông Hồng.
Đổi tên quy hoạch khai thác tổng thể sông Hồng
"Tôi tin chắc là vì siêu dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng nên họ mới làm lại quy hoạch cho phù hợp, đồng nhất với nhau.
Lẽ ra, Bộ TN&MT phải cập nhật quy hoạch tổng thể về tài nguyên nước hệ thống sông Hồng, Thái Bình, để xem với các công trình hiện có, các yêu cầu của quốc gia, các ngành, các địa phương, xem xét cần thêm bớt, sửa đổi những gì.
Đáng lẽ quy hoạch phải đi trước 1 bước, giờ chạy đuổi theo. Trong khi, xây dựng quy hoạch thì phải dựa trên phát triển của quy hoạch đã có, kèm theo đó là nhu cầu mới về phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, các địa phương, rồi lựa chọn dự án ưu tiên", ông Quảng chỉ rõ.
Với quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình, theo ông Quảng, nếu có triển khai thì cũng phải kế thừa toàn bộ những gì đã làm ở quy hoạch khai thác tổng thể sông Hồng trước đó.
Bởi ngày xưa những đập Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Na Hang (Tuyên Quang), Thác Bà, đã được xây dựng theo quy hoạch cũ do ủy ban trị thủy sông Hồng làm. Còn quy hoạch Bộ làm sắp tới phải cập nhật thêm tình hình mới nhất.
Ông Quảng chốt lại: "Nếu bây giờ chuyển tên thành quy hoạch tài nguyên nước thì sẽ phù hợp với Luật tài nguyên nước, đặc biệt, phù hợp với chức năng của Bộ TN&MT khi bản thân Bộ được giao chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước, nên về mặt pháp lý thì không có gì sai.
Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta phải hiểu là quy hoạch tổng thể tài nguyên nước, nhưng các Bộ có liên quan đến nước đều phải tham gia vào quy hoạch trên, chứ không phải đổi tên thì chỉ Bộ TN&MT được tham gia".
Lo ngại hợp thức hóa một số dự án
Cũng đưa ra nhận định về thông tin trên, bày tỏ quan điểm, PGS. TS Phạm Hồng Giang - Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam nhấn mạnh: "Quy hoạch tổng thể là quy định các công việc phải làm, để khai thác lợi ích của sông Hồng, chỗ nào làm công trình gì, chỗ nào lấy nước phục vụ mục đích sản xuất.
Còn quy định tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình nghe thì khá mông lung. Theo tôi, đây là một tên gọi rất tối nghĩa, chung chung.
Hơn nữa, quy hoạch có nghĩa tính toán về tài nguyên nước dùng và nước tự nhiên. Tôi cũng đặt ra nghi ngại không biết đây có phải là có ý đồ để hợp thức hóa một số dự án hiện nay đang có sự tranh cãi hay không?
Chắc chắn theo tôi sẽ có những ý đồ sau chuyện xin điều chỉnh tên, chứ không viện cớ gì phải thay đổi tên của quy hoạch".
Theo ông Giang, quy hoạch khai thác tổng thể đã có từ lâu, việc thực hiện cũng đã thực hiện gần hết ở các nhánh sông, riêng chỉ còn nhánh sông Hồng từ Lào Cai đi Việt Trì chưa thực hiện, thì lại xuất hiện siêu dự án giao thông thủy xuyên Á.
Đặc biệt, trong bối cảnh, hiện nay, đang có những dự án mọi người rất lo ngại, phản đối, chỉ sợ thông qua việc này để hợp thức hóa thì vô cùng nghiêm trọng.
Và dự án đó thông qua thì chỉ dựa trên quy hoạch về tài nguyên nước chung chung như trên thì khó chấp nhận, vì đã là dự án làm trên sông Hồng thì sẽ liên quan nhiều yếu tố.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.