Làn sóng dân chủ thứ tư và một trật tự thế giới mới (tiếp)
27 THÁNG 6 · MỌI NGƯỜI
KHAI SÁNG KỶ NGUYÊN THỨ HAI
Dự Án Chính Trị Dân Chủ Đa Nguyên 2015
II. Làn sóng dân chủ thứ tư và một trật tự thế giới mới (tiếp)
2. Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực Thái Bình Dương
Dù trọng lượng tương đối đã sút giảm và sẽ còn tiếp tục sút giảm một cách tự nhiên trong một thế giới mà ngày càng nhiều dân tộc vươn lên hoặc nhìn thấy hướng vươn lên, Hoa Kỳ vẫn vừa là cường quốc vượt trội về mọi mặt, nhất là về sức mạnh quân sự, đồng thời cũng là cường quốc sáng tạo nhất và có nhiều tiềm năng tiến lên nhất, do đó thế thượng phong của Hoa Kỳ sẽ còn kéo dài trong thế kỷ này. Trong vài thập niên nữa sẽ khó có vấn đề quốc tế quan trọng nào có thể giải quyết được nếu không có sự thỏa thuận của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ vì vậy là một vấn đề thế giới, và quốc gia nào dù muốn hay không cũng có vấn đề Hoa Kỳ của mình. Điều đáng mừng là cùng với sức mạnh vô địch đó Hoa Kỳ đồng thời cũng tỏ ra là cường quốc tích cực đem các vấn đề dân chủ và nhân quyền vào chính sách đối ngoại. Điều đáng lo là người Mỹ ít quan tâm tìm hiểu thế giới và thường chọn các cấp lãnh đạo cũng như các định hướng lớn trên những tiêu chuẩn gần như thuần túy nội bộ, đôi khi trên những quyền lợi kinh tế ngắn hạn. Tuy nhiên với thế lực ngày càng bị cạnh tranh trong một thế giới toàn cầu hóa người Mỹ đang dần dần ý thức rằng họ chỉ có thể an toàn trong một thế giới dân chủ. Vì vậy sự tích cực bảo vệ các giá trị dân chủ và nhân quyền của Hoa Kỳ từ nay chỉ có thể tăng lên.
Nhưng nếu cả thế giới có vấn đề Hoa Kỳ thì các nước Đông Nam Á lại có thêm vấn đề Trung Quốc. Nhờ trao đổi với các nước dân chủ phát triển Trung Quốc đã mạnh lên nhiều về mặt kinh tế và nhờ đó đã gia tăng đáng kể sức mạnh quân sự. Điều đáng lo ngại là dù đã mạnh lên Trung Quốc cho tới nay vẫn là một chế độ độc tài toàn trị phủ nhận trắng trợn các giá trị dân chủ và nhân quyền, không những thế còn tỏ ra muốn sử dụng sức mạnh quân sự của mình cho một chính sách bá quyền khu vực. Châu Á là khu vực có nhiều hiểm họa chiến tranh trên quy mô lớn nhất trên thế giới hiện nay. Sự kiện Trung Quốc vừa gia tăng sức mạnh quân sự vừa để lộ một số tham vọng bá quyền đã làm thế giới, nhất là các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, lo ngại. Mối quan tâm đối với Trung Quốc đã là nguyên nhân cho một cuộc chạy đua võ trang tốn kém và nguy hiểm trong vùng, làm cho tình hình căng thẳng thêm.
Trong tình huống đó, Việt Nam là nước có nhiều tranh chấp nhất với Trung Quốc lại cũng là nước không có khả năng tài chánh để tân trang vũ khí và tăng cường khả năng chiến đấu về không quân và hải quân, hai binh chủng cốt lõi trong thời đại này. Như vậy chính sách quốc phòng khôn ngoan và bắt buộc của nước ta là quả quyết dân chủ hóa để hội nhập triệt để vào thế giới dân chủ và được sự bảo vệ của các nước dân chủ theo luật pháp quốc tế, đồng thời để tranh thủ lại cảm tình và sự liên đới của hai nước láng giềng Campuchia và Lào đang bị Trung Quốc mua chuộc trong chiến lược vây bọc và khống chế Việt Nam. Đó cũng là điều kiện để chúng ta có thể sống chung hòa bình và hữu nghị với Trung Quốc.
Viễn ảnh tương lai tuy vậy không hoàn toàn đen tối. Sự kiện Trung Quốc tuy chưa phải là một nước giầu - sản lượng trên mỗi đầu người còn kém xa mức trung bình thế giới - mà đã gia tăng một cách không bình thường chi phí quân sự và các hành động khiêu khích đang tạo ra một mối lo ngại toàn cầu đối với Trung Quốc có nguy cơ trở thành một phong trào bài Trung Quốc và buộc Trung Quốc phải xét lại mình nếu không muốn bị cô lập. Việc thành lập Khối Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm tất cả các nước trong khu vực Thái Bình Dương trừ Trung Quốc phản ánh mối lo ngại này. Đã có những chỉ dấu là nhân dân Trung Quốc và một số lãnh đạo bắt đầu ý thức được sự nguy hiểm của chính sách bá quyền khu vực mà Trung Quốc không nên và cũng không có khả năng theo đuổi. Chúng ta có lý do để hy vọng Trung Quốc sẽ chuyển hướng về một chính sách có lợi hơn cho thế giới và cho chính họ. Càng có lý do vì Nhật, vốn đã mạnh hơn Trung Quốc về mọi mặt, đang mạnh lên và khẳng định khả năng cũng như ý chí đóng góp bảo vệ trật tự dân chủ và luật pháp quốc tế trong khu vực.
Nhưng mối lo ngại lớn nhất của thế giới và chúng ta là những gì có thể sắp xẩy ra tại Trung Quốc. Chế độ cộng sản Trung Quốc đã chọn mô hình tăng trưởng hoang dại bất chấp con người và môi trường và đã tích lũy đủ mâu thuẫn cho một cuộc khủng hoảng lớn. Trong những năm gần đây trong khi cả thế giới lâm vào khủng hoảng kinh tế Trung Quốc đã che đậy những khó khăn của mình bằng cách gia tăng tín dụng và chi phí công cộng để duy trì mức tăng trưởng giả tạo. Chính sách phiêu lưu này tuy trong nhất thời có thể trì hoãn cuộc khủng hoảng nhưng chỉ làm cho nó trở thành nghiêm trọng hơn khi không còn trì hoãn được nữa. Những dấu hiệu khủng hoảng của Trung Quốc đang trở thành rõ rệt và cuộc khủng hoảng này có thể rất bi đát và kéo dài rất lâu, thậm chí có thể khiến Trung Quốc tan vỡ trong bạo loạn. Mặt khác khát vọng dân chủ đã dần dần chín muồi trong nhân dân Trung Quốc và không có gì bảo đảm Trung Quốc sẽ còn tồn tại với lãnh thổ và dân số hiện nay sau cuộc chuyển hóa bắt buộc và không thể trì hoãn lâu nữa về dân chủ bởi vì cho tới nay sự thống nhất của Trung Quốc đã chỉ được duy trì bằng bạo lực. Thế giới có thể không cần lo ngại rằng Trung Quốc sẽ gây chiến tranh để giải quyết những mâu thuẫn nội bộ trong hoàn cảnh bối rối. Do cấu tạo của nó và như lịch sử đã chứng tỏ Trung Quốc chỉ gây hấn khi có sức mạnh chứ không phải khi gặp khó khăn. Tuy vậy, do dân số của nó, mọi thảm kịch của Trung Quốc cũng là thảm kịch cho thế giới. Việt Nam càng dễ bị ảnh hưởng vì chúng ta ở sát Trung Quốc và tùy thuộc Trung Quốc trên nhiều mặt. Hơn nữa chính chúng ta cũng đang đứng trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng lớn.
Nếu Trung Quốc đang là một mối lo âu thì ngược lại Nhật đang ngày càng trở thành một bảo đảm. Nhật đã hoàn tất cuộc chuyển hóa khó khăn nhưng bắt buộc từ một xã hội Nhật truyền thống sang một xã hội Nhật thực sự tiên tiến đồng điệu với nếp sống và các giá trị của các nước tiên tiến phương Tây. Cuộc chuyển hóa này đã khiến Nhật bối rối trong gần ba thập niên vì phải xét lại toàn bộ mô hình xã hội, từ cấu trúc sản xuất đến quan hệ công nhân - công ty để thay thế một nền kinh tế đặt nền tảng trên cố gắng, sản xuất và xuất khẩu sang một nền kinh tế sáng tạo và phẩm chất, từ chỗ ứng dụng những kỹ thuật hiện đại đến chỗ phát minh những kỹ thuật mới. Nhưng Nhật đã thành công và ngày nay Nhật đã là một nước dân chủ chân chính, ổn vững và tự tin, đã ra khỏi khủng hoảng và đứng hàng đầu thế giới về văn hóa, khoa học và kỹ thuật. Nhật tỏ ra ngày càng quả quyết và mạnh dạn trong chính sách đối ngoại để đảm nhiệm vai trò của một đồng minh bình đẳng của Hoa Kỳ trong khu vực Thái Bình Dương, góp phần quyết định bảo đảm dân chủ, hòa bình và hợp tác trong vùng.
Sức mạnh mới của Nhật củng cố một khuynh hướng ngày càng mãnh liệt là khu vực Châu Á Thái Bình Dương đang tiến một cách quả quyết về dân chủ. Hàn Quốc và Đài Loan, hai nước dân chủ tiên phong trong khu vực, đã trở thành những nước tiên tiến. Với sự chuyển hướng của Myanma dân chủ trở thành đồng thuận của ASEAN, chế độ cộng sản Việt Nam trở thành nước chống dân chủ duy nhất trong khối và sẽ nhanh chóng bị cô lập nếu không thích nghi kịp thời.
Thêm vào đó phải kể đến sự trỗi dậy mạnh mẽ của Ấn Độ, nước dân chủ đông dân nhất hiện nay và sắp trở thành nước đông dân nhất thế giới. Ấn Độ đang gia tăng sự hiện diện trên khắp thế giới và trong khu vực. Sự hiện diện này kích thích khuynh hướng dân chủ và chỉ có thể có lợi cho hòa bình và hợp tác.
3. Phong trào toàn cầu hóa đe dọa mọi quốc gia
Hiện tượng cần được ý thức đúng mức là sự xuống cấp toàn cầu của ý niệm quốc gia. Nhiều quốc gia tan vỡ mà không hề bị ngoại xâm, tan vỡ trong hỗn loạn, như tại nhiều nước Châu Phi, hay tan vỡ thành những quốc gia nhỏ, như Tiệp Khắc, Nam Tư và Ethiopia. Sự toàn vẹn của nhiều nước dân chủ và phồn vinh, như Canada, Anh và Bỉ, cũng ít nhiều bị đe dọa.
Ý niệm quốc gia dân tộc đang bị công phá từ mọi phía. Từ bên ngoài do những kết hợp khu vực hứa hẹn một không gian hoạt động lớn hơn không gian quốc gia, từ bên trong do các cộng đồng sắc tộc đòi tự trị, và từ cả trong lẫn ngoài do những công ty đa quốc và những trao đổi dồn dập và ngày càng gia tăng vận tốc. Các phương tiện giao thông và truyền thông hiện đại cũng đã làm cho trái đất nhỏ lại và đem con người tới gần nhau.
Khuynh hướng áp đảo hiện nay là khuynh hướng toàn cầu hóa. Tư bản không còn tổ quốc. Các công ty lớn tìm cơ hội đầu tư trên khắp thế giới và lập các kế hoạch sản xuất, tiếp thị, phân phối trên quy mô toàn cầu. Trong cố gắng tìm trọng lượng và địa bàn hoạt động lớn hơn, các công ty ngày càng sáp nhập với nhau tạo ra những tổ hợp với tầm vóc vĩ đại. Nhiều tổ hợp có tích sản lớn hơn tổng sản lượng của nhiều quốc gia cộng lại. Trong một thế giới hòa bình, quyền lực kinh tế tự nó đã là quyền lực quan trọng nhất, nhưng nó cũng có thể xâm lấn quyền lực chính trị. Sự xuất hiện của những công ty đa quốc khổng lồ là một thách đố ngày càng lớn cho các quốc gia và cho chính ý niệm quốc gia. Các quy luật thương mại đang nhanh chóng được thỏa thuận và áp dụng cho cả thế giới. Các quyền con người ngày càng được nhìn nhận là phổ cập, được coi như bước đầu của luật pháp quốc tế và được đặt lên trên luật pháp của các quốc gia. Các mạng lưới truyền thông, đặc biệt là mạng lưới Internet cho phép những con người ở rất xa nhau trao đổi và làm việc trực tiếp với nhau. Một người có thể làm việc cho một cơ quan cách nửa vòng trái đất nơi mình cư trú. Khoảng cách đang biến mất. Sự hiện diện ảo đang trở thành thực và có tác dụng không kém sự hiện diện thân xác. Một công dân có thể thường trú ở nước ngoài mà vẫn phục vụ được đất nước mình một cách thường trực và đều đặn như một người trong nước. Cả một "thế giới ảo" đã hình thành với tầm quan trọng gia tăng nhanh chóng. Ngay lúc này những trao đổi văn hóa, khoa học, kỹ thuật tài chính và thương mại trong thế giới ảo này, qua mạng lưới Internet, đã rất quan trọng. Trong một tương lai không xa thế giới ảo này sẽ lấn át thế giới thực, biến thế giới thực thành một trong những biểu hiện của nó.
Cuộc chuyển hóa vĩ đại này - về bản chất đáng mừng - ngày càng biến mỗi người thành một con người của thế giới trước khi là công dân của một nước. Ý niệm quốc gia dân tộc bị tương đối hóa. Quốc gia không còn là một cứu cánh thiêng liêng mà phải là một điều kiện để xây dựng hạnh phúc cho dân tộc và cho mỗi cá nhân trong dân tộc. Trong bối cảnh thế giới hiện nay và sắp tới, một quốc gia không được quan niệm như một tình cảm, một đồng thuận, một dự án tương lai chung và một không gian liên đới sẽ không thể tồn tại lâu dài. Một quốc gia không đảm bảo an ninh và nhân phẩm, không đem lại phúc lợi và niềm tự hào cho người dân chắc chắn sẽ tan rã, càng tan rã nhanh hơn và bi đát hơn nếu biên giới quốc gia được coi như tường thành ngăn cản các giá trị tiến bộ và quy định một vùng lộng hành an toàn của các tập đoàn bạo ngược. Trong thời đại mới này, chúng ta cần ý thức rằng các tập đoàn cầm quyền thiếu văn hóa và thiếu tầm nhìn là những tai họa cho sự tồn vong của các quốc gia. Các chế độ độc tài bạo ngược giết chết các quốc gia, càng tồi dở và độc ác bao nhiêu chúng càng giết chết nhanh chóng các quốc gia bấy nhiêu.
4. Các liên minh ý thức hệ nhường chỗ cho những hợp tác phát triển
Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản đã chấm dứt cuộc tranh luận ý thức hệ. Dân chủ và nhân quyền đã được nhìn nhận như những giá trị phổ cập mà ngay cả các chế độ độc tài còn lại cũng chỉ biện luận lúng túng để trì hoãn chứ không dám phủ nhận. Các liên minh ý thức hệ vì thế không còn lý do tồn tại. Thay vào đó đã xuất hiện ngày càng nhiều những liên minh hợp tác, nổi bật nhất là các kết hợp khu vực. Thế giới đang dần dần được phân chia thành một số tập hợp địa lý lớn trong đó các quốc gia vừa cạnh tranh với nhau vừa nương tựa lẫn nhau trong cuộc thi đua với phần còn lại của thế giới. Trong lòng các tập hợp này các biên giới quốc gia, các hàng rào quan thuế càng ngày càng mờ nhạt đi, sự di chuyển của người, hàng hóa và tư tưởng ngày càng dễ dàng. Biên giới giữa ngoại giao và ngoại thương ngày càng khó xác định. Các quốc gia tìm mọi cơ hội, dựa vào mọi lý do địa lý, tôn giáo, ngôn ngữ, đồng dạng về sản xuất, v.v. để thắt những mối bang giao, tạo những liên hệ hợp tác, thành lập các liên minh. Trong thế giới ngày nay cô lập là chết. Các quốc gia không muốn hay không thể tham gia hoặc vận dụng những liên hệ hợp tác này kể như tuyệt vọng, vì bị gạt ra ngoài lề sinh hoạt của một thế giới liên lập. Luật chơi chung của các kết hợp này ngày càng bao gồm sự tôn trọng các giá trị dân chủ, như luật pháp đúng đắn và được tôn trọng, công đoàn độc lập, nhà nước không can thiệp vào việc quản trị của các công ty, tự do thông tin, tự do di chuyển, sự minh bạch, sự cạnh tranh bình đẳng giữa các công ty. Một cách mặc nhiên các kết hợp này áp đặt một trật tự dân chủ. Với sự phá sản của chủ nghĩa thực tiễn, khả năng tham gia và vận dụng các liên minh hợp tác này sẽ ngày càng tùy thuộc vào sự tôn trọng và thể hiện các giá trị phổ cập của nhân loại. Các chế độ bạo ngược còn lại sẽ ngày càng bị cô lập.
5. Các nước chưa phát triển và bối cảnh thế giới mới
Trỗi dậy hoặc tiêu vong là định mệnh của các nước tụt hậu. Các quốc gia chậm tiến không hiểu điều này chắc chắn sẽ không thể tồn tại. Vươn lên là bắt buộc sống còn nhưng cũng là con đường đầy chông gai và cạm bẫy.
Chúng ta có thể tiên liệu rằng, trước khi đi tới cạnh tranh về mọi mặt, thế giới sẽ trải qua một giai đoạn chuyển tiếp khá dài trong đó, nói chung, các nước vừa mới mở mang sẽ sản xuất phần lớn hàng hóa, vật dụng và bán thành phẩm trong khi các nước đã đạt tới mức phát triển cao cung cấp phần lớn tư bản, dịch vụ, hàng hóa phẩm chất cao và thiết bị sản xuất. Cho nên đối với những quốc gia kém mở mang, trong một vài thập niên nữa, sự cạnh tranh gay go nhất sẽ là sự tranh đua giữa chính họ với nhau. Sự tranh đua này sẽ rất khó khăn đối với các nước hoặc kém mở mang nhất, hoặc không thích nghi thật nhanh với tình thế.
Mối nguy đầu tiên là sự tranh giành gay go những nguồn đầu tư có thể biến các nước nghèo thành con tin và nạn nhân của các công ty đa quốc lớn. Sẽ luôn luôn có những nước chấp nhận những điều kiện dễ dãi hơn để tranh thủ vốn đầu tư: mức lương thấp, những điều kiện lao động nhọc nhằn và thiếu bảo đảm, những chuẩn mực lỏng lẻo về môi trường, v.v.
Tình trạng càng khó khăn hơn vì những tiến bộ dồn dập và trọng đại trong các ngành tự động, vi điện tử và tin học đang đưa tới một trào lưu tự động hóa càng ngày càng cao khiến cho nhân công rẻ không còn là một yếu tố tự nó đủ sức thuyết phục để lôi kéo đầu tư nữa; các nước kém mở mang đang mất dần đi một vũ khí chiến lược. Đã thế sau cuộc khủng hoảng gần đây, bắt đầu năm 2008 và vẫn chưa chấm dứt hẳn, các nước giầu mạnh cũng dồn mọi cố gắng để, một mặt, giữ các nguồn đầu tư ở lại trên đất nước họ và, mặt khác, để giới hạn nhập khẩu và giữ thăng bằng cán cân mậu dịch. Chính trị ổn vững, chính quyền không tham nhũng, con người lương thiện, xã hội yên bình, trật tự bảo đảm, luật pháp giản dị, thuế khóa nhẹ nhàng, những điều kiện địa lý thuận lợi, thị trường tiêu thụ lớn, nguồn nhân lực có kỹ năng và hiệu năng là những vũ khí chiến lược phải có để tranh thủ đầu tư quốc tế. Đó lại thường là những yếu tố mà các nước kém mở mang khó hội đủ. Trong điều kiện khó khăn đó những hy sinh bắt buộc phải được chia sẻ một cách công bình nhất, quốc gia phải được người dân cảm nhận như một tình cảm, một không gian liên đới và dự án tương lai chung mới có thể được chấp nhận. Nếu không những phần tử tinh hoa nhất và đã đòi hỏi những đầu tư tốn kém nhất về giáo dục và đào tạo sẽ tìm cách di chuyển sang các nước phát triển. Như thế, điều kiện tiên quyết là phải có những cấp lãnh đạo thực sự yêu nước, tài giỏi, đạo đức, có kiến thức cao và tầm nhìn xa, có tình cảm dân tộc sâu đậm và có khả năng thuyết phục nhân dân chấp nhận những cố gắng cần thiết, nghĩa là hơn cả lãnh đạo của những nước tiên tiến.
Ngược lại, bối cảnh thế giới mới cũng có những lợi điểm mà các nước kém mở mang có thể vận dụng.
Một là, các chế độ độc tài, dù công khai hay trá hình, sẽ không còn được dung dưỡng vì những liên minh ý thức hệ nữa và sẽ bị đào thải. Các dân tộc sẽ được cởi trói, nhiều sinh lực sẽ được giải tỏa, các quốc gia sẽ được quản trị một cách hợp lý hơn, dù là sau một thời gian dò dẫm. Từ nay họ sẽ có vũ khí chính đã khiến nhiều dân tộc vượt hẳn phần còn lại của thế giới: dân chủ. Sự đào thải của các chế độ độc tài là may mắn rất lớn cho các nước chậm tiến. Kinh nghiệm đã cho thấy mọi chế độ độc tài đều độc hại. Dưới những chiêu bài dành ưu tiên cho phát triển kinh tế, duy trì kỷ luật và trật tự, các chế độ độc tài chỉ là những sào huyệt tham nhũng và lạm quyền, cho phép những tập đoàn lưu manh, thoái hóa kềm kẹp nhân dân, ngăn cản mọi tiến bộ và làm đất nước lụn bại. Loại bỏ các chế độ bạo ngược là điều dễ hơn nhiều so với trước đây nhưng cũng là điều các dân tộc tụt hậu phải làm thực nhanh trong cuộc phấn đấu sống còn này.
Hai là, kinh tế trở thành mối ưu tư hàng đầu của mọi quốc gia. Sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước giàu mạnh với nhau trong một thế giới mà ngôi vị thay đổi không ngừng cũng khiến các công ty lớn và các nước đã mở mang luôn luôn phải tìm những thị trường mới và những vận hội đầu tư mới. Các nước kém mở mang nếu biết tạo một bối cảnh xã hội ổn vững, những điều kiện kinh tế thuận lợi, nếu không bị lên án và cô lập sẽ có khả năng tìm được những nguồn hợp tác rất có lợi.
Ba là, do những tiến bộ về truyền thông và giao thông vận tải, cũng như do dân số trên trái đất càng ngày càng đông, thế giới đã nhỏ lại và các quốc gia đều trở thành liên thuộc với nhau và lệ thuộc lẫn nhau. Một ý thức mới đã ra đời theo đó trái đất là quê hương chung của cả nhân loại. Mọi quốc gia đều cảm thấy nhu cầu được sống trong một thế giới không bị đe dọa. Càng giàu có và phát triển các dân tộc càng thấy cần phải đảm bảo những thành tựu của mình bằng cách đóng góp cho một thế giới an bình và ổn vững. Do đó dù muốn dù không, các nước giàu mạnh cũng không thể để mặc các quốc gia khác sống trong sự bần cùng. Đây không phải chỉ là một bắt buộc do lòng nhân đạo, mà còn do thế liên thuộc mật thiết. Một thí dụ cụ thể là vấn đề môi sinh. Chernobyl không phải đã chỉ là một tai họa của riêng Ukraine. Các ống thoát khói tại Trung Quốc không phải chỉ ô nhiễm không gian của Trung Quốc, do đó không phải chỉ là vấn đề của Trung Quốc mà là vấn đề của cả thế giới. Sự phá hủy rừng Amazon không phải là vấn đề riêng của nước Brazil. Những ô nhiễm của vùng biển của một nước là vấn đề của nhiều nước. Một thí dụ khác là phong trào di dân từ các nước nghèo sang các nước giàu, đặt cho các nước giàu mạnh hàng loạt những vấn đề nan giải. Thế liên thuộc này bắt buộc các nước mở mang tạo điều kiện giúp các nước chậm tiến có cơ hội để phát triển. Sự tương trợ này, dù xuất phát trước hết từ nguyện vọng của các nước phát triển là khỏi phải sống trong một thế giới quá nhiều hiểm họa, cũng là cơ may mà các nước thua kém có thể lợi dụng để vươn lên.
Bốn là, những đòi hỏi về hạnh phúc và tiện nghi của các dân tộc đã mở mang tăng lên mau chóng, có phần nhanh hơn cả đà phát triển kinh tế của họ. Số giờ làm việc ngày càng giảm đi, lương bổng ngày càng tăng thêm, tỷ lệ người lớn tuổi và đã nghỉ hưu ngày càng cao, các chi tiêu công cộng về xã hội, văn hóa, nghệ thuật, sức khỏe và tiện nghi sẽ tăng cao kéo theo sự gia tăng về thuế khóa. Dĩ nhiên những phát minh mới sẽ không ngừng xuất hiện để hạ giá thành xuống và nâng phẩm chất lên, nhưng trong thế giới truyền thông hiện nay các phát minh này nếu xuất hiện ở các nước đã phát triển cũng sẽ mau chóng được phổ biến sang các nước khác. Cuối cùng khuynh hướng chung tại các nước có mức sống cao vẫn là giá thành, tỷ lệ lợi nhuận và phần tái đầu tư của tổng sản lượng quốc gia chênh lệch một cách bất lợi so với các nước đang phát triển. Trong tình trạng này, nhân dân các nước kém mở mang, vì ít đòi hỏi về tiện nghi và tiêu thụ hơn, sẽ có khả năng chấp nhận những hy sinh và cố gắng hơn hẳn, do đó có triển vọng cạnh tranh hữu hiệu với các nước mở mang, với điều kiện là những hy sinh và cố gắng này được phân chia một cách công bình để không đưa tới xung đột.
(Đọc phần đầu chương II: Làn sóng dân chủ thứ tư và một trật tự thế giới mới)
- Dàn ý thảo luận
- Chương I: Nhiệm vụ lịch sử
- Chương II: Làn sóng dân chủ thứ tư và một trật tự thế giới mới - Phần I - Phần II
- Chương III: Việt Nam trước một khúc quanh lịch sử trọng đại
- Chương IV: Nền tảng tư tưởng cho kỷ nguyên dân chủ - Phần I - Phần II
- Chương V: Những định hướng lớn của mô thức Việt Nam - Phần I - Phần II
- Chương VI: Thể chế và hiến pháp nào cho Việt Nam?
- Chương VII: Đấu tranh thiết lập dân chủ đa nguyên - Phần I - Phần II
- Chương VIII: Chuyển tiếp thành công về dân chủ
- Chương IX: Chung một giấc mơ Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.