Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

Kính gửi bà Tôn Nữ Thị Ninh

Kính gửi bà Tôn Nữ Thị Ninh

bauxitevnFri 3:40 AM


Lưu Văn Vượng
Xin minh định. Tôi chỉ muốn trao đổi với bà về chủ đề nên hay không bổ nhiệm Bob Kerry làm Chủ tịch điều hành trường Đại học Fulbright Việt Nam.
Thưa bà, tôi cũng cũng giống như bà không tán thành kiểu khép những người phản đối việc bổ nhiệm Bob Kerrey là bảo thủ không hướng về tương lai, “không ủng hộ hòa giải”. Nhưng khi nghe bà nói “Lẽ nào nước Mỹ không còn ai ngoài Bob Kerrey?” hay viện dẫn những lời tuyên bố của PGS. Jonathan London và Tiến sĩ Mark Ashwill để chứng minh lập luận của bà là đúng thì xem ra cũng quá khiên cưỡng, chưa thuyết phục tôi lắm như bà đã giải thích trong lá thư gửi cho người Việt này. Tại sao lại như vậy? Xin thưa rằng khi Tiến sĩ Mark Ashwill nói: “Việc bổ nhiệm Bob Kerrey làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Đại học Fulbright Việt Nam, tôi chỉ dùng một từ thôi, là một nỗi hổ thẹn (disgrace). Và việc ông ta [Bob Kerrey] nhận cương vị này cũng là một nỗi hổ thẹn không kém”. Vâng! Đó là suy nghĩ riêng của TS Mark Ashwill. Nếu mình đã đưa ra lời bình phẩm đó là một về một cá nhân rồi thì hãy để cho cá nhân đó giải thích xem lời bình phẩm đó có thuyết phục hay không? Và đây, ông Bob Kerry đã nói “Lời xin lỗi với nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ là đủ và không thể thay đổi những gì tôi đã gây ra, mà chỉ có thể bù đắp phần nào bằng hành động”. Bob Kerrey ít ra cũng đã nói lời xin lỗi thành lời dù lương tâm ông đến nay vẫn còn cắn rứt. Hành động của Bob Kerrey đã và đang làm là những việc thiết thực để chuộc lại lỗi lầm của mình. Bob Kerrey không chỉ nói nhưng làm, làm âm thầm từ bao lâu nay. Nếu bà ở vị thế như Bob Kerrey tháng 2 năm 1969 thì tôi tin rằng bà cũng sẽ mang theo quá khứ nặng nề cũng như Bob Kerrey mà thôi! Mang theo nhưng có hành động sửa sai lỗi lầm hay không lại là chuyện khác.

Có một điều lạ lùng ở đây là bà đã đặt trọng tâm quá nhiều trong thư gửi về tài chánh hoặc quỹ điều hành của nhà trường, hay là lý luận với chữ nghĩa một cách bác học và trừu tượng (ngôn ngữ ngoại giao). Với suy nghĩ và hiểu biết hạn hẹp của tôi thì người Mỹ họ rất thực dụng và không quan trọng tiểu tiết. Việc bổ nhiệm Bob Kerrey ở phía Mỹ, ít nhất họ cũng đã nhìn thấy ông ta đã làm được những gì, đóng góp ra sao trước khi quyết định bổ nhiệm. Nói một cách đơn giản, đây cũng là một kế hoạch đào tạo lâu dài mang tính bền vững cho tương lai. Do đó có những nguyên tắc cơ bản cần thiết đòi hỏi để Điều hành và Quản trị cho một trường Đại học phi lợi nhuận là: ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, người giữ cương vị Chủ tịch ít nhất phải có khả năng giỏi “lobby” để vận động đóng góp tài chánh và nhân lực cho sự điều hành và quản trị được suôn sẻ. Người ta thường gọi là vận động hành lang. Về phía chính quyền Mỹ, có thể một phần vì lợi ích quốc gia và thực tế họ muốn quên đi quá khứ, muốn trở thành người bạn, giúp Việt Nam phát triển mọi mặt ở tương lai, nhất là về một nền giáo dục đang bị trì trệ và lỗi thời. Chắc chắn Chính phủ Mỹ và ban lãnh đạo Đại học Fulbright sẽ có quyết định đúng đắn, phù hợp. Bởi vì chỉ tiêu của nhà trường mỗi năm là sẽ thu nhận từ khoảng 6.000-10.000 sinh viên. Một con số không nhỏ cho chi phí điều hành phi lợi nhuận Đại học Fulbright Việt Nam. Nếu thấy sai hoặc bị phản ứng đúng, họ sẽ xem lại.
Cũng xin nói thêm ở đây đôi chút về Tiến sĩ Mark Ashwill, Giám đốc điều hành CEO của Capstone Việt Nam. Công việc của Capstone Vietnam là chuyên tư vấn, tổ chức triển lãm và sự kiện giáo dục, du học các cấp học tại Mỹ, Anh, Canada v.v... Không cần nói rõ thì chúng ta cũng hiểu chức năng CEO là gì. Cái gì cũng có giá của nó! Ở nước ngoài có một thành ngữ mà ai cũng phải biết. “Không có việc gì mà làm không công cả”. Đây mới chính là sự khác nhau giữa Lợi nhuận và Phi lợi nhuận. Thương trường và chiến trường cũng chẳng khác nhau là mấy!
Tôi cũng đã từng ngưỡng phục bà là một phụ nữ giỏi, có văn hóa và có tài hùng biện trong công việc ngoại giao. Nhưng ở một góc độ hiểu biết giới hạn của mình, thỉnh thoảng đâu đây tôi vẫn còn đôi chút lăn tăn về những lời phát biểu mang tính “bề trên” của bà khi bà còn làm việc trong ngành ngoại giao. Vì đây là thư bà gửi cho người Việt, mang tính tổng quát và là bàn tròn đối thoại, bạn đọc và người nghe là những cá nhân tham dự. Không ai cấm mình nói lên suy nghĩ của mình. Phản ứng hay bình luận thì cứ việc thoải mái mà nói ra suy nghĩ của mình, cho nên tôi mới gửi đến bà. Đây chính là nét hay và dân chủ đang hình thành mà bản thân tôi đã biết cách dùng để nói lên cảm nghĩ!
Là người tự trọng, người dân Việt sẽ không đánh đổi tất cả để được cái trước mắt là việc học miễn phí mà phải trả giá bằng nỗi đau hay tội ác mà người lính Mỹ đã gây cho dân tộc mình. Tuy nhiên điều này thuộc về phạm trù ý thức hệ. Tôi không muốn bàn luận ở đây vì bàn ra là nó sẽ lan man đến yếu tố chính trị. Thưa bà, cho phép tôi xin được hỏi bà một câu, một câu công tâm thôi. Bà đã thấy, làm và đạt được gì cho dân, cho nước trên con đường chính trị và hoạt động mà bà đã đi qua. Bà là người gốc Huế, là hậu duệ của hoàng tộc nhà Nguyễn. Chắc bà cũng không quên cái Tết Mậu Thân 1968 đâu nhỉ? Cuộc chiến nào cũng tàn nhẫn và là nỗi đau mất mát cho cả hai phía. Nếu đã gọi là thực tâm tha thứ cho nhau thì những vết sẹo chiến tranh tuy vẫn còn đó nhưng chúng ta chỉ nên nhìn về hướng phía trước mà đi tới. Chẳng ai vừa đi vừa quay mặt lại phía sau mà có thể thấy được con đường mình đi. Hơn 40 năm rồi, ý thức hệ của người dân Việt Nam cũng đã khác xưa. Bà và tôi cũng chẳng ai có quyền tha thứ hay không tha thứ, chỉ có những nạn nhân trong cuộc mới có quyền lên tiếng. Hy vọng bà hiểu cho.
Quan trọng trong vấn đề này là chúng ta hãy chờ xem sẽ có bao nhiêu sinh viên nạp đơn để xin học bổng để học tại trường Đại học Fulbright Việt Nam. Nếu số cầu vượt quá số cung thì đây cũng chính là một tín hiệu tốt. Chúc các bạn trẻ hiếu học, có tinh thần cầu tiến nhưng không có điều kiện kinh tế để theo học một trường Đại học ở Mỹ sẽ có cơ hội nhận học bổng theo học ngay tại quê hương và trở thành người hữu ích cho đất nước trong tương lai.
Tha thứ cho nhau hay không chỉ có chính mình mới hiểu lòng mình. Tuy nhiên dù sao tôi cũng cầu chúc bà luôn thâm tâm luôn an lạc, vạn sự kiết tường.
Trọng kính
L.V.V.
__________
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.