Thứ Hai, 20 tháng 6, 2016

Hãy làm cho báo chí TỰ DO

Hãy làm cho báo chí TỰ DO

bauxitevnSat 7:32 AM


Nguyễn Khắc Mai
1. Xin đăng lại bài báo của Phan Đăng Lưu:
VỀ TỰ DO BÁO CHÍ
Phan Đăng Lưu
Tự do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền vì nhiều lẽ:
  1. Khi các báo được tự do xuất bản, thì chỉ những tờ báo có dân chúng ủng hộ, mới có thể sống, còn không thì chết, hoặc sống ngắc ngoải, chẳng có ảnh hưởng gì đáng sợ. 
  2. Một tờ báo đã sống, đương nhiên, nó đại diện cho một tầng lớp dân chúng, nó diễn đạt tất cả hoài vọng và chí hướng của đám dân ấy. Nhà cầm quyền muốn cai trị được hoàn thiện, không thể bỏ qua những hoài vọng hoặc chí hướng của đám dân này. Tất nhiên cũng cần đọc hết tờ báo ấy. 
  3. Mỗi tờ báo, nói vượt qua trình độ dân chúng, kêu gọi dân chúng làm những việc tày trời, không bao giờ dẫn đạo được dân chúng, sẽ bị dân chúng gạt qua bên mặt trận thù địch. 
  4. Một tờ báo sống một cách mạnh mẽ, có ảnh hưởng trong dân chúng, đưa ra những vấn đề trái ngược với quyền lợi của nhà cầm quyền, cũng chẳng có hại cho cuộc trị an. Nó chỉ là một tiếng còi báo trước cho chánh phủ hãy thay đổi chánh sách cai trị để chuộc lòng dân. 
Căn cứ vào những lẽ đó, chúng tôi quả quyết rằng Tự Do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền. Có hại chăng là một chánh sách cai trị hẹp hòi, đi ngược với sự tiến hóa của dân chúng mà thôi. /. 
(Báo Dân Tiến số 10-11-1938). 

2. Đôi điều về tác giả bài báo. Phan Đăng Lưu quê Nghệ An, sinh năm 1902, mất năm 1941, trong một gia đình nho học, yêu nước. Ông từng có sở học Hán học, đi thi hương, khoa thi cuối cùng 1918, từng học Quốc học Huế, trường Canh nông thực hành (Tuyên Quang). Làm việc ở Sở Canh nông nhiều tỉnh, tham gia Đảng Tân Việt, rồi chuyển sang lập trường cộng sản, ủy viên BCH TW (1937), rồi ủy viên thường vụ Trung ương – tức Bộ Chính trị (1938). Từng bị Pháp bắt giam ở Ban Mê Thuột. Từ cuối 1940 khi từ Bắc vào chỉ đạo Khởi nghĩa Nam kỳ, bị Pháp bắt, xử tử hình năm 1941 tại Hóc Môn. 
Ông từng viết báo, xuất bản nhiều sách tuyên truyền chủ nghĩa Mác. Đây là bài báo ông viết trên tờ Dân Tiến, tờ báo của cộng sản ở Huế. 
3. Bài báo ngắn, chỉ có bốn ý bênh vực cho Tự do báo chí. Lý lẽ thực dụng, không giống như Các Mác từng viết cả mấy trăm trang sách “Tranh luận về Tự do báo chí”, mà dẫu rất bác học, rất tâm huyết, nhiều giá trị, vẫn bị các đảng cộng sản vứt vào sọt rác! Các Ban Tuyên huấn của các đảng cộng sản có cái tệ là một mặt cứ treo ảnh ông Mác ở hội trường mặt khác lại “ị” vào trước tác của Tổ sư của mình. 
Về bài báo Tự do báo chí của Phan Đăng Lưu cũng thế. Tôi tin rằng ông Trọng hay ông Huynh chắc chưa bao giờ đọc bài báo của bậc tiền bối của mình. Và khi họ không tiếp nhận được tư duy dẫu còn thô sơ, nhưng đã phản ảnh một khuynh hướng tư tưởng có thật ở Việt Nam, họ đã làm gì? Họ hiện ra là những kẻ vọng ngoại, sùng bái những tư tưởng Mác Lê, Mao ít, Mao nhiều. Và người ta không thể nghĩ khác rằng họ đang quản lý báo chí với những tư tưởng và mô hình nô dịch. Trong trường hợp này chính họ là kẻ phản bội lại tư tưởng, lý tưởng của những bậc tiền bối của mình. 
Dẫu sao Phan Đăng Lưu cũng đã sớm đề xướng một tư tưởng tiến bộ hợp lý, một yêu cầu vẫn rất kim nhật kim thì (ngay hôm nay, ngay thời này!). Một Dân tộc để độc lập, để phục hưng, để sánh vai không lép vế, không lệ thuộc, không bị trói mình lẽo đẽo chạy theo cỗ xe bá quyền Đại Hán làm hại làm nhục mình, không thể không có tự do báo chí. Một xã hội trăn trở để thoát khỏi đói nghèo lạc hậu, mất nhân tính, thoát khỏi sự suy đồi mất nhân cách, vươn lên làm người tự do, đạt tới dân trí và văn hóa, vừa giàu có về vật chất vừa mạnh mẽ về tinh thần, nói như mơ ước của Nguyễn Đình Thi “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”… nhất định phải có tự do báo chí. 
Nếu nhà cầm quyền cộng sản hiện nay đã đánh mất và phản bội lại những tư tưởng tiến bộ của tiền bối sáng lập đảng thì tự do báo chí vẫn là một yêu cầu khách quan của dân tộc và thời đại. Một bộ phận trí thức và thanh niên cấp tiến đã tiếp nhận xu thế này và họ đã cho chúng ta niềm tin rằng lương tri của dân tộc, của xã hội vẫn tồn tại. 
Đọc lại “Về tự do báo chí” của Phan Đăng Lưu, không thể không khẳng định rằng dân ta, xã hội ta, chính quyền thật sự của dân do dân vì dân, ngày nay rất cần có tự do báo chí. 
Những người cầm quyền hiện nay hãy nghe Phan Đăng Lưu: “Chúng tôi quả quyết rằng tự do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền”. 
Tất nhiên phải nói cho rõ: nhũng kẻ cầm quyền phản dân hại nước luôn dị ứng với tự do báo chí. 
Viết nhân cái ngày gọi là ngày báo chí cách mạng, mà đã là cách mạng thì không có tự do, như nhà báo chó Như Phong, chỉ có nhà báo chó, không làm gì có báo chí tự do. 
Báo chí tự do phải là báo chí của con người tự do!
N. K. M.
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.