Xử lý nợ xấu vẫn hoàn toàn bế tắc: Ai là ‘tội đồ’?
bauxitevnMon 1:02 PM
Cựu thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình
Không chỉ nhiều chuyên gia trong nước, mà giới chuyên gia nước ngoài có vẻ cũng thấu cáy vấn đề thực chất của “xử lý nợ xấu” ở Việt Nam ra sao.
“Những cải cách đang được thực hiện trong lĩnh vực ngân hàng chưa đủ mạnh như kỳ vọng. Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN (VAMC) hiện như một cái kho xử lý nợ xấu chứ chưa giải quyết được các khoản nợ xấu. Họ chỉ đang lấy nợ xấu ra khỏi bảng tạm tính của các ngân hàng trong vài năm và đem về cất đó. Điều này không phù hợp quan điểm của công ty chúng tôi trong xếp hạng tín nhiệm của mỗi quốc gia”, ông Vincent Conti, chuyên gia kinh tế của Standard & Poor’s (S&P) nói mát mẻ tại Hội thảo Triển vọng kinh tế VN 2017 do Ngân hàng HSBC tổ chức và tuần cuối tháng 3/2017.
Trong một cuộc tranh luận trước đây trên diễn đàn xử lý nợ xấu, Tiến sĩ Lê Hồng Giang, Công ty Quản lý quỹ TGM tại Australia, cũng nói toạc ra: “VAMC thực chất chỉ là một dạng “thủ thuật kế toán” để đưa nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán của các ngân hàng”.
“Tin mừng” là cho đến nay, đã gần như chưa có bất kỳ khoản nợ xấu đáng kể nào được xử lý. Vài trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu mà VAMC khoe khoang là đã mua của các ngân hàng thương mại, rốt cuộc vẫn chỉ nằm trên giấy.
Trong thực tế, nợ xấu bất động sản lại chiếm đến ít nhất 70% tổng nợ xấu lên đến 500.000 tỷ đồng trong khối ngân hàng. Nhưng bản thành tích của VAMC chỉ xử lý trên giấy được khoảng 10% số nợ xấu mua lại từ các ngân hàng thương mại cho thấy triển vọng để khoảng một phần ba khối tổ chức tín dụng “một đi không trở lại” là rất cao trong vài năm tới.
Cho đến nay, toàn bộ 500 hồ sơ chào bán nợ xấu mà VAMC gửi cho các tổ chức tài chính nước ngoài từ năm 2014 vẫn không có hồi âm chính thức. Nếu cả VAMC mà còn không thuyết mị nổi những doanh nghiệp cá mập trong nước “ôm” lại nợ xấu, sẽ chẳng một tập đoàn nước ngoài nào dại dột rước lấy “của nợ Việt Nam”.
Tình hình trở nên xấu đến nỗi vào tháng 8/2016, sau hàng loạt thú nhận gián tiếp của giới lãnh đạo VAMC về triển vọng vô vọng đối với kết quả xử lý nợ xấu mà đơn vị này đã nhận lãnh trách nhiệm từ năm 2013 và không ít lần khoe khoang, một lần nữa giới tham mưu tài chính cho Chính phủ là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính lại âm thầm bày mưu tính kế “dùng ngân sách để xử lý nợ xấu” - mà về thực chất là “ăn cướp” tiền đóng thuế của nhân dân và của cả những người nghèo, rất nghèo.
“Lấy ngân sách xử lý nợ xấu là lấy của người nghèo chia cho người giàu!” - Tiến sĩ Bùi Trinh thốt lên, vào lúc một số cơ quan Chính phủ đang tổ chức một chiến dịch “mồi” trên công luận để rút rỉa bằng được ngân sách nhằm xóa đi những khoản nợ xấu khổng lồ do các ngân hàng thương mại gây ra vào thời “đại loạn”.
“Không có lý do gì để dùng ngân sách nhà nước xử lý nợ xấu!” - Tiến sĩ Phan Minh Ngọc phản bác quyết liệt.
Theo quan điểm của Tiến sĩ Phan Minh Ngọc, nợ xấu do lỗi của các ngân hàng, người nộp thuế chẳng có tội tình gì mà phải chịu nhìn đồng tiền thuế của mình được tiêu vào những hố đen do người khác tạo ra.
Nhiều ý kiến khác cũng đang quá bức bối trước âm mưu rút rỉa ngân sách và do đó là rút rỉa tiền đóng thuế của dân để xử lý nợ xấu.
Trước đó vào tháng Mười năm 2014, ba năm sau khi triển khai đề án xử lý nợ xấu, Chính phủ của Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Văn Bình đã đưa kiến nghị “xem xét dành một phần chi ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước” ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sau khi Nguyễn Tấn Dũng bị “ngã ngựa” tại Đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016, nhân vật còn lại là Nguyễn Văn Bình đã nghiễm nhiên “nhảy” vào Bộ Chính trị phụ trách Ban Kinh tế Trung ương. Nhưng vẫn rất nhiều người không thể quên việc ông Bình đã là một “tội đồ” về chuyện gây ra và bưng bít khối nợ xấu khổng lồ ở Việt Nam.
M.Q.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.