Ở Việt Nam, công lý là… ổn định chế độ?
bauxitevnWed 9:34 AM
Trả lời báo chí về văn bản cam kết không khởi tố hình sự người dân Đồng Tâm về chuyện “giữ người” của ông Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, có vô hiệu hay không, vì ở đây thuộc thẩm quyền tư pháp, chứ không phải bên hành pháp, ông Nguyễn Sĩ Dũng - cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội, cho rằng ông Chung đủ thẩm quyền.
Ông cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã nói gì?
Nguyên văn lời của ông Nguyễn Sĩ Dũng: “Nhiều người băn khăn hiện nay là cam kết của anh Nguyễn Đức Chung không truy cứu trách nhiệm hình sự bà con Đồng Tâm. Một cam kết như vậy có căn cứ pháp luật không? Anh Chung có thẩm quyền để cam kết khác với các quy định của pháp luật không? Hay anh Chung bắt buộc phải làm như vậy để giải cứu con tin? Xin thưa, anh Nguyễn Đức Chung hoàn toàn có căn cứ để cam kết như vậy. Mà căn cứ của anh là quy định của văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất ở nước ta - Hiến pháp năm 2013.
Là người tham gia biên tập Hiến pháp năm 2013, tôi có điều kiện biết được những điểm sáng đổi mới quan trọng của Hiến pháp. Một trong những điểm sáng chói lọi nhất của Hiến pháp mới là quy định: “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý” (Khoản 3, Điều 102, Hiến pháp năm 2013).
Công lý là giá trị Tòa án được giao nhiệm vụ bảo vệ, chứ không phải pháp luật. Điều đáng nhấn mạnh hơn nữa ở đây là Hiến pháp còn không hề nhắc tới việc Tòa án có nhiệm vụ phải bảo vệ pháp luật. Công lý là giá trị gì mà Hiến pháp lại coi trọng đến như vậy?
Xin thưa, công lý là sự kết tinh của lẽ phải, của lương tri và đạo đức. Đây là cái không phải người Việt Nam nào cũng có thể định nghĩa được, nhưng lại là cái người Việt Nam nào cũng cảm nhận được bằng tất cả con tim và khối óc của mình.
Hơn thế nữa tất cả chúng ta đều mang công lý trong tim. Chính vì mang công lý trong tim, mà những người dân Đồng Tâm đã phản ứng lại một cách tương thích với hành vi bắt giữ người rất tệ của những người đại diện cho chính quyền. Trừng trị người dân vì một sự đáp trả như vậy có đạt được công lý không?
Xin thưa là không!
Vậy thì có căn cứ gì để truy tố những người dân Đồng Tâm ra Tòa án, khi Tòa án chỉ bảo vệ công lý không?
Rõ ràng là không!
Ở đây, tôi chỉ xin nhấn mạnh một điều, nếu người dân Đồng Tâm bắt giữ con tin chỉ để mặc cả với chính quyền, thì họ chắc chắn không có được công lý. Và truy tố họ ra Tòa án để bảo vệ công lý sẽ là việc mà chính quyền hoàn toàn có căn cứ để làm. Đây là điều mà những người dân đang tranh chấp đất đai cũng cần biết.
Nhân đây, vì Tòa án chỉ được giao nhiệm vụ bảo vệ công lý, thì các nhà lập pháp cũng cần hiểu rằng pháp luật mà họ ban hành phải tiếp cận được công lý. Tỷ lệ thông qua luật cao không phải là một sự bảo đảm ở đây”. [https://goo.gl/FI5nhh]
Dễ nhận ra lập luận nói trên của ông Nguyễn Sĩ Dũng là… trật lất. Đúng là Hiến pháp có đề cập đến toà án “có nhiệm vụ bảo vệ công lý”, nhưng lại không định nghĩa “công lý” là gì? Trong tất cả hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam cũng không có cái khái niệm “công lý” là gì? Nôm na ở một phiên toà, nếu ông Nguyễn Sĩ Dũng tranh biện với một vị thẩm phán rằng “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý” chứ không phải pháp luật, chắc chắn ông Nguyễn Sĩ Dũng sẽ bị… đuổi ra khỏi phiên toà ngay lập tức.
Điều mà ông cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội… lãng tránh
Là người từng tham gia biên tập Hiến pháp 2013, chắc chắn ông Nguyễn Sĩ Dũng hiểu rất rõ là nhiều điều khoản của Hiến pháp cũng chỉ để cho đẹp chứ không có giá trị thực thi. Ví dụ, Điều 25 của Hiến pháp quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Nhưng pháp luật về biểu tình thì Quốc hội đã nợ nhân dân nhiều chục năm chưa trả.
Vậy ông Nguyễn Sĩ Dũng đã lãng tránh vấn đề gì trong câu chuyện cam kết ở Đồng Tâm của ông Nguyễn Đức Chung?
Bởi theo Điều 4, Hiến pháp thì ở Việt Nam tổ chức bộ máy Nhà nước theo nguyên tắc tập quyền, mọi quyền lực đều do Đảng lãnh đạo. Ông Chủ tịch thành phố bao giờ cũng là Phó Bí thư Thành uỷ. Trong khi Viện trưởng Viện kiểm sát và Giám đốc Công an Hà Nội chỉ là Uỷ viên ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội, tức chức nhỏ hơn Phó Bí thư. Trong khi đó Thành ủy Hà Nội đã họp và giao ông Chung toàn quyền xử lý.
Như vậy, về mặt Đảng ông Nguyễn Đức Chung có toàn quyền chỉ đạo công an, viện kiểm sát không điều tra truy tố các hành vi xảy ra tại Đồng Tâm. Nghĩa là giờ đây chỉ cần Thành ủy Hà Nội phát hành văn bản chỉ đạo yêu cầu “ổn định chính trị địa phương”, là đầy đủ căn cứ không truy tố bà con Đồng Tâm.
Và dĩ nhiên rủi ro pháp lý vẫn còn, vì trên ông Chung là ông Bí thư Hà Nội. Cao hơn nữa là ông Tổng Bí thư. Khi đó pháp luật lại được dẫn giải theo cách khác. Song điều đó chắc chắn không xảy ra trong bối cảnh Việt Nam đang cần ổn định chính trị.
Như vậy ở thời điểm này, “công lý” có thể được định nghĩa là “ổn định chế độ”.
T.G.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.