Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

Chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh

Chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh

bauxitevnFri 7:27 AM

LS Nguyễn Văn Thân
Trong lúc nhâm nhi trà đàm và ăn bánh ngọt tráng miệng với Tập Cận Bình tại ‘’Nhà Trắng Mùa Đông’’ (Mar-A-Lago), Tổng thống Trump lạnh lùng buột miệng cho biết là vừa mới ra lệnh cho hai tàu chiến Mỹ USS Ross và USS Porter từ Biển Địa Trung Hải bắn 59 hoả tiễn Tomahawk phá hủy căn cứ không quân al-Shayrat trong thành phố Homs của Syria. Chỉ mấy ngày trước đó, không quân của Tổng Thống Assad đã tấn công bằng bom hóa học giết chết 86 thường dân trong đó có 27 trẻ em tại thị trấn Khan Sheikhoun nằm trong vòng kiểm soát của quân đối lập. Theo tin tình báo thì căn cứ al-Shayrat là nơi mà máy bay ném bom chứa vũ khí hóa học xuất phát.
Syria đang trải qua một cuộc nội chiến hỗn độn và thảm khốc. Syria đỡ đầu cho Hezbola, một tổ chức mà Hoa Kỳ đặt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Nhà độc tài Bashar al-Assad nối ngôi cha từ năm 2000. Cha ông Hafez al-Assad đã cai trị Syria trong 30 năm từ 1971 tới năm 2000. Phe chống đối gồm có các nhóm chống độc tài và đòi hỏi cải cách dân chủ, Nhà nước Hồi Giáo, phong trào tự trị Kursdish và các nhóm thánh chiến. Assad nhờ Nga và Iran chống lưng để đánh lại họ. Mỹ cũng muốn tiêu diệt Nhà nước Hồi Giáo nhưng không chấp nhận được Assad và Iran nên chọn đứng ngoài vòng chiến.

Trước đây, Obama đã cảnh cáo Assad chớ có ‘’vượt đèn đỏ’’ và sử dụng vũ khí hóa học. Thế nhưng khi Assad làm vậy thì Obama lại không trừng phạt dạy cho Assad một bài học. Thay vào đó, Assad đồng ý cho Nga giải giới vũ khí hóa học. Nhưng rõ ràng thỏa thuận này có lỗ hổng mà theo lời của Ngoại trưởng Rex Tillerson thì Nga phải chịu trách nhiệm rất lớn. Một là bất tín, hai là bất tài. Nga thì biện bạch rằng Assad không sử dụng vũ khí mà không quân Syria đánh bom vào phòng thí nghiệm của phiến quân có chứa vũ khí hóa học. Ai đúng ai sai vẫn chưa biết được.
Thật ra lập trường của Tổng thống Trump về Syria cũng như về chính sách một nước Trung Hoa đã xoay chuyển 180 độ. Ngay từ khi tranh cử, Trump luôn nhất quán bày tỏ quan điểm là Mỹ phải đặt trọng tâm tiêu diệt Nhà nước Hồi Giáo là kẻ thù nguy hiểm nhất. Assad không tốt đẹp gì nhưng Mỹ nên chấp nhận thực tế vì chưa chắc tay lãnh đạo kế tiếp sẽ tốt hơn. Về mặt này thì Trump đồng quan điểm với Nga cho dù Assad đã nhiều lần đối xử tàn nhẫn với chính người dân Syria mà ông cai trị. Có người hoài nghi cho rằng lý do mà Trump thay đổi quan điểm về Syria là muốn chứng minh cho người Mỹ và thế giới thấy tư thế độc lập của ông với Putin trong lúc có hàng chục cuộc điều tra về mối quan hệ giữa tay chân thân tín của Trump với Moscow cũng như chiến dịch đánh phá Hillary Clinton của Nga để giúp Trump thắng cử. Người khác thì cho rằng Trump đã không dằn được khi nhìn thấy công chúa Ivanka rơi lệ trước hình ảnh các em bé chết thể thảm vì bom sarin. Hoặc cũng có thể Trump muốn dằn mặt Tập Cận Bình. “Sát kê hách hầu” (Giết gà dọa khỉ) là một trong những kế lớn trong binh pháp Tôn Tử. Có thể Trump muốn nhắn với Tập là hãy dạy dỗ cho Kim Chánh Ân nếu Bắc Hàn không muốn bị Mỹ cho ăn Tomahawk.
Trong suốt cuộc tranh cử, Trump thường ca ngợi Putin là một lãnh tụ có bản lĩnh và quyết đoán. Còn Putin thì cũng khen Trump là một người thông minh. Cả hai đều bày tỏ ý định xây dựng quan hệ Mỹ-Nga tốt đẹp hơn sau một thời gian dài căng thẳng đặc biệt gần đây là lệnh cấm vận của Obama sau khi Putin đưa quân xâm chiếm Crimea. Dù động cơ thế nào nhưng cuộc tấn công Syria bằng hỏa tiễn tomahawk đã ảnh hưởng tới quan hệ giữa Trump và Putin, chẳng khác nào đánh chó mà không nể chủ. Nga đã phản ứng lập tức bằng cách đình chỉ thoả thuận về hợp tác ngăn chặn đụng độ và bảo đảm an ninh trên không với không quân Mỹ. Ngoài ra, Putin cũng điều tàu chiến Grigorovich RFS-494 vào Địa Trung Hải để giám sát tàu chiến của Mỹ. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev phát biểu trên mạng xã hội rằng hành động của Mỹ là bất hợp pháp và chỉ cần nhích thêm một bước là dẫn đến đụng độ quân sự với Nga. Cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Nga đã kết thúc vào năm 1991 khi Liên bang Xô Viết chính thức tan rã. Thế thì những cuộc tấn công mạng do tình báo của Nga đánh vào Đảng Dân chủ Mỹ cũng như niềm tin vào hệ thống bầu cử Tổng thống sẽ khơi mào cho một cuộc chiến khác hay không?
Vladimir Putin sinh ngày 7/10/1952 tại thành phố Stalingrad. Putin là đứa con út thứ ba. Hai người  anh lớn đều qua đời sớm. Có vóc dáng nhỏ và yếu, Putin bắt đầu tập võ Samba của Nga và Judo của Nhật từ lúc 12 tuổi. Lên trung học, Putin học tiếng Đức và nói thành thạo tiếng Đức. Hết trung học, Putin ghi danh học luật tại Đại học Saint Petersburg State University và ra trường vào năm 1975. Ngay lập tức, Putin gia nhập KGB. Vào năm 1985, Putin được gửi đi công tác tại Dresden Đông Đức cho tới 1990 khi bức tường Bá Linh sụp đổ. Trở về Leningrad, Putin được phong quân hàm Trung tá. Putin rút khỏi KGB vào năm 1991 để trở thành chính khách và Phó Thị trưởng Saint Petersburg. Tới năm 1996, Putin quyết định tới thủ đô làm việc cho Phủ Tổng thống tại điện Kremlin. Tại đây, sự nghiệp chính trị của Putin thăng tiến nhanh chóng. Chỉ ba năm sau, Putin được Boris Yeltsin chỉ định làm Phó Thủ tướng rồi Thủ tướng Xử lý Thường vụ vào tháng 8 năm 1999. Vào ngày 31/12/1999, Yeltsin tuyên bố từ chức và Putin trở thành Tổng Thống Xử lý Thường vụ. Trong cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 26/3/2000, Putin thắng với 53% số phiếu. Trong cuộc bầu cử kế tiếp vào năm 2004, tỷ lệ ủng hộ Putin tăng lên tới 71%. Vì Hiến pháp Nga không cho làm Tổng thống 3 nhiệm kỳ liên tiếp, Putin dàn xếp để Thủ tướng Dmitry Medvedev lên thay thế. Vào ngày 8/5/2008, Putin và Medvedev trao đổi chức vụ với nhau. Putin trao chức Tổng thống cho Medvedev và Medvedev lập tức bổ nhiệm Putin làm Thủ tướng tiếp tục kiểm soát quyền lực cai trị nước Nga. Sau đó, Medvedev đổi Hiến pháp và gia hạn nhiệm kỳ Tổng thống từ 4 tới 6 năm.
Vào ngày 4/3/2012, Putin đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ ba. Vào năm 2014, cuộc cách mạng Cam tại Ukraine dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Viktor Yanukovich. Yanukovich chạy sang Nga cầu cứu. Lợi dụng tình thế hỗn loạn, Putin đưa quân xâm chiếm Crimea thuộc miền Nam Ukraine. Ngoài ra, Putin yểm trợ vũ khí và chống lưng cho quân ly khai tại Donetsk và Lugansk thuộc phía Đông Ukraine. Tất cả là vì Putin muốn trừng phạt Ukraine vì họ ngỏ ý muốn gia nhập Liên Âu. Vào ngày 30/9/2015, Putin chính thức đưa quân can thiệp vào cuộc nội chiến Syria theo lời yêu cầu của Assad.
Khi Putin mới lên ngôi, kinh tế Nga mới vừa thoát khỏi đà phá sản dưới thời của Yeltsin. Vận may đến với Putin vì giá dầu tăng vọt. GDP tăng trung bình 7% hàng năm cộng với dân số tụt giảm làm thu nhập mỗi đầu người tăng gần gấp đôi. Nhưng từ khi xâm chiếm Crimea, Nga đã bị Mỹ và Liên Âu cấm vận cùng với giá dầu xuống dốc làm kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. GDP tụt giảm liên tiếp 0.6% vào năm 2014, 2.87% năm 2015 và 0.2% trong năm 2016.
Putin cho rằng sự bành trướng của NATO vào Đông Âu là mối đe dọa an ninh đối với Nga và đã có phản ứng mạnh bằng những hoạt động quân sự. Nhưng sự kiện quan trọng làm thay đổi quan điểm của Putin đối với Mỹ là quyết định đánh Iraq lật đổ Saddam Hussein của Tổng thống Bush trước sự phản đối của nhiều nước trên thế giới. Trước đó, Nga đã hết lòng ủng hộ khi Mỹ đánh đuổi Taliban và tìm cách vây bắt Osama Bin Laden tại A Phú Hãn. Nhưng khi Bush ào ạt đưa quân đánh tan nát Iraq mà không tìm ra được vũ khí giết người hàng loạt thì Putin cho rằng Mỹ hầu như muốn đánh ai thì đánh không coi mọi người chung quanh trong đó có Nga ra gì. Một thời oai hùng Liên bang Xô Viết nay còn đâu. Bằng không thì Mỹ đâu dễ dàng tung hoành ngang dọc.
Tuy Obama không diều hâu như Bush, nhưng Putin cũng kiếm cớ bày tỏ bất mãn vì sự hậu thuẫn của Obama đối với các cuộc cách mạng mùa xuân Ả Rập lật đổ các nhà độc tài tại Tunisia, Ai Cập và Libya. Putin cho rằng Mỹ luôn tìm cách gây rối hoặc lợi dụng thời cơ xen vào chuyện nội bộ của nước khác. Do đó, lãnh tụ phải mạnh bạo đáp trả. Yếu đuối là sẽ bị Mỹ cho ăn đòn. Đây cũng là lối suy nghĩ của Kim Chánh Nhật và Kim Chánh Ân.
Putin chọn cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ để khai pháo chiến tranh mạng với Mỹ với hai mục đích: một là đánh phá Hillary Clinton người mà Putin cho rằng sẽ tiếp tục đối đầu mạnh mẽ với Nga và hai là đánh vào niềm tin hệ thống bầu cử dân chủ của Mỹ. Hacker và tình báo Nga dễ dàng xâm nhập vào hệ thống mạng của Đảng Dân chủ đánh cắp tư liệu rồi chuyển cho Wikileaks để xì ra tin mật nhằm bôi bẩn ứng cử viên Hillary Clinton. Rõ ràng, Putin đã bắt đầu chuyển sang thế công để trả đũa cho đòn cấm vận của Mỹ.
Phát súng đầu tiên của Thế chiến thứ Ba sẽ bắt đầu bằng con chuột (mouse) hoặc một cái nhấn trên bàn phím. Có nghĩa trước tiên là đánh gục và làm tê liệt hệ thống điện tử của đối phương. Sau đó mới là hỏa tiễn nguyên tử. Trước đây thì mọi người đều nghĩ Trump sẽ hòa hoãn với Putin để nắn gân Tập. Nhưng sau hai ngày quấn quít bên nhau tại Mar-A-Lago với những hình ảnh âu yếm gồm có cảnh cháu ngoại của Trump hát dân ca bằng tiếng Quan thoại cho Tập và phu nhân Bành nghe thì không biết mối tình tay ba sắp tới sẽ diễn ra thế nào. Riêng đối với người Việt Nam, với nghị trình dày đặc gồm có Bắc Hàn, Syria, Nga, cán cân mậu dịch... liệu Tổng thống Trump còn có thời gian quan tâm tới các đảo xa xôi ở Trường Sa hay không, nơi mà Trung Quốc hầu như đã hoàn tất biến thành các căn cứ quân sự với ý đồ thâu tóm trọn Biển Đông.
N.V.T.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.