Vụ Đồng Tâm thu hút dư luận trong nước
bauxitevn8:45 AM
FACEBOOK THAI VAN DUONG - Đã xảy ra đối đầu giữa người dân Đồng Tâm với công an hôm 15/4
Nhiều ý kiến bày tỏ bất bình với cách chính quyền giải quyết căng thẳng giữa dân và chính quyền tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
Kinh tế gia Vũ Thành Tự Anh viết trên Facebook cá nhân mô tả vụ việc này "chính quyền xa dân, gần thân hữu".
Ông Tự Anh dẫn chiếu tới một video clip đưa lên mạng cho thấy một người lãnh đạo cộng đồng là ông Lê Đình Kình đã lên tiếng để chống lại sự bất công của chính quyền địa phương, bảo vệ sinh kế và quyền cơ bản của người dân Mỹ Đức.
"Một con người như vậy mà chính quyền địa phương không tìm cách đối thoại, trái lại còn đàn áp và bắt đi thì chính quyền này quả thật đã xa dân và gần các nhóm thân hữu quá mất rồi!
"Dưới con mắt của chính quyền địa phương, người dân nơi đây – trong đó có cụ Kình – bị quy giản thành những người "thiếu hiểu biết pháp luật" và "không hợp tác", bị quy chụp "vi phạm đất quốc phòng", và bị quy kết "gây rối trật tự công cộng".
"Sự kiện Mỹ Đức – giống như Ninh Hiệp, Dương Nội, hay Văn Giang trước đây – là hệ quả của nhiều sai lầm nghiêm trọng kéo dài của chính sách đất đai – trong đó quan trọng nhất là chế độ sở hữu đất đai, quyền tài sản của người dân, và quyền thu hồi đất của chính quyền địa phương", ông Tự Anh viết.
'Đối đầu nguy hiểm'
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cũng bày tỏ bất bình về vụ việc này và nhận định sự kiện Đồng Tâm một lần nữa cảnh báo rằng pháp luật về đất đai đang có vấn đề.
"Có lẽ là vấn đề lớn nhất của thế chế. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân mà toàn dân không có cách gì để thực thi quyền sở hữu của mình; đất đai thuộc sở hữu toàn dân mà toàn bộ chênh lệch địa tô chỉ làm giàu cho các nhóm lợi ích nhỏ bé trong xã hội, thì đó chỉ là một sự đánh tráo khái niệm", ông Dũng viết trên Facebook.
Trên Facebook cá nhân, ông cũng kêu gọi lãnh đạo Hà Nội và cấp cao hơn nữa, hãy lắng nghe cụ Kình.
"Chỉ có Cụ mới nói được cho dân nghe. Chỉ có Cụ mới giúp giải tỏa được sự đối đầu đầy nguy hiểm và đầy định mệnh hiện nay.
Trong khi đó nhà hoạt động chống tiêu cực, cụ bà Lê Hiền Đức nói với BBC rằng không có Chủ tịch hay Bí thư Thành ủy nào có thể xuống tận nơi để biết cái mảnh đất này ai bán ai mua.
"Họ có đọc được đơn từ của dân đâu mà biết vì đơn có đến tay họ đâu.
"Cách đây chưa đến một năm dân Đông Anh tới phòng tiếp dân thành phố Hà Nội ở 34 Lý Thái Tổ mang nộp đơn thì thấy ở đây họ mang hai bao tải đơn từ ra bán đồng nát ở dạng giấy vụn.
"Dân bức xúc quá đuổi theo người mua đồng nát thì lấy lại được một bao tải và đã gọi điện cho tôi và tôi đã mời công an tới lập biên bản ngay tại hiên trưởng, trong bao tải đó vẫn còn đơn từ gửi Chủ tịch, Phó chủ tịch thành phố, thậm chí còn chưa bóc ra".
Tuy nhiên bà Đức mô tả là muốn làm rõ đúng sai về đất đai ở xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức thì cứ "gõ mấy ông cấp huyện cấp xã là ra hết vì họ ăn đất của dân".
"Vấn đề là xã đẩy lên huyện, huyện đẩy lên thành phố và thành phố thì viết vào đó là 'xin chuyển về địa phương giải quyết theo thẩm quyền'.
"Tôi vẫn thường nói dưới thường đẩy lên trên, trên thì đá xuống dưới. Họ biến dân thành quả bóng", bà Đức nói.
Tôi vẫn thường nói dưới thường đẩy lên trên, trên thì đá xuống dưới - Lê Hiền Đức
Bà Đức dẫn chiếu tới những bất cập xảy ra với hai cựu Thanh tra chính phủ là Trần Văn Truyền và Huỳnh Phong Tranh.
Bà Đức nói: "Những người này khi tôi tiếp xúc họ đều nói với tôi là họ đang làm đúng qui trình.
"Vậy đến lúc họ chịu kỷ luật thì những cái sai trái đó nó là qui trình gì", bà Đức nói.
Từ Hà Nội, nhà quan sát, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nói với BBC rằng ông "rất thất vọng" với cách ứng xử của chính quyền.
"Lẽ ra đây có thể là cơ hội để họ sửa chữa những sai lầm nhưng rất tiếc là đầu óc họ đã bị xơ cứng suốt nhiều chục năm qua và cách phản ứng của họ vẫn rập khuôn, máy móc giống hệt như phản ứng của thời xa xưa".
Ông Nguyễn Quang A cho rằng trước vụ việc ở xã Đồng Tâm đã từng có các vụ tương tự.
"Nó có nguyên nhân rất sâu xa và cơ bản là chính sách đất đai của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà người ta luôn lên tiếng hô hào là 'đất đai thuộc sở hữu của toàn dân'".
"Đây là mấu chốt của vấn đề, không giải quyết cái đó thì tất cả mọi thứ khác chỉ là vấn đề kỹ thuật".
Phải thay đổi Hiến pháp, thay đổi luật đất đai, một vài quy định, và thực sự Đảng Cộng sản Việt Nam phải thừa nhận sai lầm của mình và phải thay đổi - Nguyễn Quang A
Ông Quang A kêu gọi: "Phải thay đổi Hiến pháp, thay đổi luật đất đai, một vài quy định, và thực sự Đảng Cộng sản Việt Nam phải thừa nhận sai lầm của mình và phải thay đổi".
"Nhìn từ quan điểm của chính họ, lợi ích của họ thì đó là những chính sách rất khôn ngoan cho họ, nhưng lại là tai họa cho đất nước".
Ông nhận xét: "Có thể một số người dân cũng vi phạm pháp luật trong sự kiện vừa rồi vì người ta bức xúc quá".
"Nhưng nếu có nền tư pháp độc lập như thế thì có lẽ là 99% tội phải quy cho quan chức nhà nước".
"Luận điệu mà họ nói là người dân vi phạm pháp luật thế này thế kia, còn họ như thiên thần thì đó là luận điệu muôn thuở của họ".
Đọc thêm:
Đồng Tâm: Đất quốc phòng hay đất nông nghiệp?
YOUTUBE - Cụ Lê Đình Kình giải thích trong một video về tình hình đất đai ở xã Đồng Tâm
Chủ đề tranh chấp đất đai ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, đã nhiều lần được truyền thông trong nước đề cập đến.
Các tường thuật, cả dạng báo viết lẫn báo hình, đã được đưa từ nhiều năm trước.
Mới đây nhất, sau diễn biến 'chính quyền bắn dân dân bắt cảnh sát' hôm 15/4, sau hai ngày đầu không đăng tin, từ 17/4 nhiều báo có bài nói về tình trạng "vi phạm trên đất quốc phòng", sau khi Thành ủy Hà Nội chính thức ra thông tin vào chiều 16/4.
Tuy nhiên, dân địa phương cáo buộc chính quyền cấp xã và cấp huyện muốn lấy đất nông nghiệp để trao cho công ty Viettel làm dự án.
BBC điểm lại một số thông tin đăng trên báo ở Việt Nam về vụ việc.
Nhập nhằng giữa đất quốc phòng và đất nông nghiệp
Hồi đầu năm 2016, báo Người cao tuổi có bài 'Chuyện lạ: Xẻ 'đất công' để bán?' dẫn nguồn đơn thư khiếu nại của dân địa phương theo đó nói hồi đầu thập niên 1980 Chính phủ có quyết định thu hồi 47,36ha đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm, cùng đất của một số xã khác lân cận để chuyển sang phục vụ mục đích an ninh quốc phòng.
Diện tích đất trên được giao cho Lữ đoàn 28 thuộc Quân chủng Phòng không, Không quân quản lý, với mục đích xây dựng sân bay Miếu Môn.
Việt Nam có 33 triệu hectare đất nhưng trong số đó chỉ còn 6,9 triệu hectare (21%) là để dùng vào nông nghiệp và trồng lúa. Người dân nông thôn Việt Nam, nhất là những người sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp để có thu nhập chính, vẫn chiếm hai phần ba số người nghèo cả nước - Ngân hàng Thế giới (06/2016)
Do dự án không khả thi nên tới 2007, Lữ đoàn 28 đã bàn giao lại diện tích từng là đất nông nghiệp này lại cho UNBD Đồng Tâm, với việc xác định lại mốc giới giữa đất quốc phòng và đất nông nghiệp được tiến hành vào ngày 30/7 năm đó, báo Người cao tuổi viết.
Vụ việc lại được truyền thông trong nước đồng loạt nhắc lại sau khi Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội ra tiếp thông tin vào sáng 18/4/2017.
Báo Thanh niên cùng ngày 18/4 nói rằng vào tháng 10/2014, Bộ Quốc phòng đã giao cho Quân chủng Phòng không Không quân tiếp tục sử dụng làm vị trí đóng quân cho Lữ đoàn 28 với "các mốc giới không thay đổi".
Tuy nhiên, các báo không nhắc tới việc bàn giao xác định mốc giới giữa địa phương và đơn vị Lữ đoàn 28 hồi 2007.
YOUTUBE - Đoạn video clip được cho là ghi lại buổi gặp đầu tiên giữa đại diện Viettel với đại diện dân xã Đồng Tâm về chuyện bàn giao đất dự án, hồi đầu năm 2017
Về phần mình, người dân địa phương từ nhiều năm nay nói rằng dựa vào giới mốc đã được xác định hồi tháng 7/2007 thì phần đất mà giới chức nói là dân vi phạm trên thực tế không thuộc đất quốc phòng mà nằm trong phần đất nông nghiệp của xã.
Báo Người cao tuổitrong bài đăng hồi 2016 mặc dù ghi nhận rằng theo một văn bản của Lữ đoàn 28 cũng như tuyên bố của cán bộ xã Đồng Tâm thì diện tích đất mà người dân khiếu nại 'là đất của quốc phòng', tuy nhiên nói việc 'xác minh' của phóng viên cho thấy những lô đất này 'có dấu hiệu nằm ngoài mốc giới đất quốc phòng'.
Trong một video clip đăng trên mạng xã hội, một cụ ông cao tuổi, được cho là cụ Lê Đình Kình đại diện dân xã Đồng Tâm, giải thích rằng diện tích đất dân đang khiếu nại trước đây 'từng nằm trong dự án [an ninh quốc phòng]... nhưng chưa bị thu hồi' và đã được trao lại cho xã vào năm 2007.
Cụ ông cũng giải thích chỗ đất này hoàn toàn nằm ngoài khu vực 47,36ha đất mà xã Đồng Tâm đã giao cho nhà nước hồi 37 năm trước.
BBC được gia đình cụ ông Kình, người hiện đang nằm điều trị ở Bệnh viện Việt Đức sau vụ bị bắt đi hôm 15/4/2017 xác nhận rằng đoạn video đó được ghi cách đây khoảng hơn một tháng, khi đại diện Viettel lần đầu tiên tới tiếp xúc với người dân địa phương, với đại diện là cụ Kình, để trao đổi về vấn đề đất đai được giao cho Viettel.
Cụ Kình nói trong video clip là vào cuối 2016, chính quyền huyện Mỹ Đức đã đưa khoảng gần 600 công an, an ninh, cảnh sát cùng xe vòi rồng, xe thùng bắt người xuống cưỡng chế đất đang có khiếu kiện này, khiến người dân phản đối mạnh mẽ và từ đó dẫn đến hàng loạt vụ tranh chấp căng thẳng diễn ra vào đầu năm 2017.
Hôm 15/4/2017, chính quyền địa phương mời đại diện người dân trong xã 'ra khu vực đất đang tranh chấp để cùng đo đạc, xác định mốc, ranh giới giữa đất quốc phòng và đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm".
Sau đó, đã xảy ra chuyện giới chức bắt chín người dân xã, và đổi lại, phía dân Đồng Tâm bắt hơn 30 công an, an ninh.
Tất cả người dân Đồng Tâm bị bắt hôm 15/4 đều đã được thả, trừ cụ ông Kình hiện đang phải nằm viện vì 'phải phẫu thuật xương đùi', một người cháu ngoại của cụ ông Kình nói với BBC hôm 18/4.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.