Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017

Thảm họa Formosa – một năm nhìn lại

Thảm họa Formosa – một năm nhìn lại

bauxitevn10:12 AM

Trịnh Anh Tuấn
Phần 1: THẢM HỌA VẪN TIẾP DIỄN 
1. Môi trường sau thảm họa 
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thảm họa môi sinh trường này sẽ khiến toàn bộ hệ sinh thái khu vực biển miền Trung bị hủy hoại nghiêm trọng và mất vài chục cho đến hàng trăm năm mới có thể khôi phục được. Theo một phóng sự ngắn của báo Dân Việt và Sài Gòn Giải Phóng, rặng san hô trên vùng biển của tỉnh Quảng Bình đã bị hủy hoại hoàn toàn. Chưa có một đảm bảo về tính khoa học nào rằng biển đã an toàn trừ những phát ngôn không có cơ sở của một số lãnh đạo như ông Trương Hòa Bình, Mai Tiến Dũng. Liên tiếp nhiều lần xảy ra những vệt nước đáng nghi màu đỏ xuất hiện quanh khu vực Vũng Áng gần Formosa. Trong một nghiên cứu độc lập, nhóm Green Trees, một nhóm bảo vệ môi trường đã đưa ra kết quả xét nghiệm nước biển lấy từ biển Kỳ Hà, Kỳ Anh vào tháng 2/2017 cho thấy mức độ nhiễm độc là rất nguy hiểm. Gần đây nhất, sáng 4/4/2017, một vệt nước đỏ đáng nghi xuất hiện ngay cầu cảng Vũng Áng ngay trong lúc đoàn kiểm tra môi trường của trung ương đang kiểm tra tại Formosa. 
Ngay khi nhận tiền bồi thường từ Formosa, Chính phủ đã tuyên bố rằng sẽ dùng số tiền đó vào việc làm sạch biển. Tuy nhiên đã một năm trôi qua, chưa thấy thông tin nào xác nhận rằng Chính phủ đã tiến hành việc khôi phục lại môi trường biển.

Việc xử lý số lượng cá chết tại bờ biển cũng như xử lý hàng ngàn tấn hải sản nhiễm độc trong các kho đông lạnh cũng hết sức yếu kém. Hàng trăm tấn cá chết dạt bờ chỉ được đem chôn theo phương pháp thủ công. Hải sản nhiễm độc phần lớn không được tiêu hủy theo đúng phương pháp khoa học. Theo một bài báo trên Dân trí và Đại Đoàn Kết thì hàng trăm tấn sứa trữ tại các kho đông lạnh tại xã Thạch Kim và Thạch Bằng hiện đã hôi thối, bốc mùi nhưng chính quyền vẫn không hướng dẫn và hỗ trợ người dân tiêu hủy an toàn. Số sứa hư hại này vẫn đang bốc mùi hôi thối, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần người dân địa phương. 
Những người ngư dân cũng khẳng định rằng số lượng tôm cá trên vùng biển họ đánh bắt đã giảm đáng kể so với năm trước. Không có một báo cáo nghiên cứu cụ thể nào về vấn đề này, nhưng với số lượng cá chết năm ngoái không chỉ dạt vào bờ mà còn chết dưới đáy biển, thì sự giảm sút là không thể không xảy ra. 
Đã một năm trôi qua, những mối nguy hại về môi trường không những không được giải quyết mà mối lo ngại vẫn tiếp tục khi Formosa vẫn hoạt động. Theo dự kiến, khi đưa vào sản xuất, lượng chất thải đổ ra môi trường sẽ lớn hơn nhiều lần so với đợt chạy thử nghiệm gây ô nhiễm năm 2016. 
2. Kinh tế 
Theo báo cáo kinh tế - xã hội cuối năm vào ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thảm họa Formosa đã gây thiệt hại 0.3% GDP. Với 200 tỷ đô la Mỹ GDP trong năm 2016, ước tính thiệt hại chung cho nền kinh tế quốc dân năm ngoái là 600 triệu đô la Mỹ, nhiều hơn số tiền Chính phủ nhận bồi thường từ Formosa. Trước đó, vào tháng 7/2016, Chính phủ đã công bố thiệt hại sơ bộ về thảm họa này với hơn 200 000 lao động và 17 600 tàu cá bị ảnh hưởng; 9 triệu tôm giống bị chết; sản lượng khai thác du lịch chưa tới 50%, nhiều nơi chỉ còn 10-20%,… 
Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và cả Nghệ An đều có những báo cáo thiệt hại riêng với những con số rất lớn. Trong báo cáo ở phiên họp Hội đồng nhân dân, Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh thông báo rằng GDP của tăng trưởng ở mức -17.06%. Đối với một tỉnh mà thu ngân sách năm 2015 là hơn 10 ngàn tỷ thì đây là con số thảm họa. Tốc độ tăng trưởng của Quảng Bình chỉ đạt 4,2% so với mục tiêu 8%. Đối với Quảng Trị, báo cáo đưa ra là thiệt hại mỗi tháng 98 tỷ đồng. Thừa Thiên - Huế báo cáo thiệt hại là 988,5 tỷ đồng. Nghệ An, một tỉnh không được đền bù theo Quyết định của Chính phủ cũng đề nghị hỗ trợ 415 tỷ đồng. 
Hiện tại, với sự lo lắng về vệ sinh an toàn thực phẩm, giá thủy hải sản so với năm trước chỉ còn ½ làm cho lợi nhuận từ việc đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản vô cùng hạn chế. Các dịch vụ du lịch, thương mại biển vẫn trong tình trạng hết sức bết bát. Các ngành nghề khác liên quan đến biển cũng tiếp tục bị ảnh hưởng theo. Theo thống kê sơ bộ, số lượng người thất nghiệp là 40 000 người, trong đó Hà Tĩnh là 24 500 người. Chính quyền dự định đưa số người này đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, việc xuất khẩu lao động đang gặp khó khăn vì nhiều thị trường xuất khẩu lao động như Hàn Quốc, Đài Loan hạn chế vì số lượng lao động xuất khẩu trốn ở lại với tỷ lệ cao. Vì vậy, người dân tìm cách qua Lào và Thái Lan lao động chui. Báo chí nhà nước đưa tin rằng đầu năm 2017, số lượng người dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đổ xô đi làm hộ chiếu, với số lượng hơn 500 người mỗi ngày mỗi tỉnh. 
Ảnh hưởng về kinh tế của thảm họa Formosa không chỉ diễn ra trong năm 2016 mà chắc chắn còn ảnh hưởng không nhỏ đối với những năm tiếp theo. Báo cáo kinh tế - xã hội của các tỉnh miền Trung và cả nước quý 1/2017 so với cùng kì năm ngoái đều sụt giảm lớn. 
3. Chính trị 
Thảm họa Formosa gây ra do sự quản lý, cấp phép và điều hành của Trung ương, địa phương đã được nhận định rõ ràng. Tuy nhiên, việc thông tin thiếu minh bạch, lập lờ cùng với việc xử lý cá nhân sai phạm chậm trễ, có dấu hiệu bao che đã khiến niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trở nên cạn kiệt. 
Thảm họa diễn ra từ đầu tháng 4/2016 với nhiều thông tin được người dân và báo chí đưa ra. Ngày 12/04, ông Đặng Ngọc Sơn trả lời báo chí rằng ăn cá an toàn trong khi cá vẫn chết hàng loạt. Ngày 27/4/2016, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường trả lời nguyên nhân cá chết là do thủy triều đỏ. Ngày 28/4, Chu Xuân Phàm, Phó Giám đốc đối ngoại của Formosa Hà Tĩnh trả lời Lan Anh, phóng viên VTC14 rằng: “Chọn thép hay chọn cá?”. Hai sự việc này đã gây ra sự phẫn nộ công chúng. Hàng loạt các cuộc biểu tình đã diễn ra tại Hà Nội, Sài Gòn, Nghệ An,… đã diễn ra. Tệ hại hơn, những cuộc biểu tình này chịu sự đàn áp quyết liệt tại Hà Nội và Sài Gòn làm sự dồn nén càng tăng cao. Thay vì dồn mục tiêu vào Formosa, những người biểu tình dồn sự phản ứng vào chính quyền khi họ cho rằng chính quyền đang thiếu minh bạch trong việc xử lý thảm họa và bao che cho Formosa. 
Mãi đến 3 tháng sau, ngày 30/06/2016, Chính phủ mới họp báo công bố thủ phạm chính là Formosa Hà Tĩnh đã xả thải gây ô nhiễm. 
Đồng thời tuyên bố đứng ra nhận 500 triệu đô la Mỹ tiền bồi thường từ Formosa. Tuyên bố này làm công luận thêm một lần dậy sóng vì họ cho rằng việc giải quyết thảm họa này tốn ít nhất vài trăm tỷ đô và số tiền 500 triệu đô la là quá ít. Việc phản ứng này hoàn toàn có cơ sở khi báo cáo cuối năm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng thảm họa đã làm mất đi 0.3% GPD. Với khoảng 200 tỷ đô la GDP năm 2016, thì số thiệt hại riêng trong năm là 600 triệu đô la, hơn số tiền Chính phủ nhận từ Formosa. Trong khi đó, chưa tính đến số tiền bồi thường cho người dân, chi phí hành chính để phục vụ quá trình bồi thường, chi phí làm sạch biển cũng như những thiệt hại còn tiếp diễn cho những năm sau đó. Số tiền 500 triệu đô la mà Chính phủ nhận từ Formosa trở thành một chủ đề công kích và đàm tiếu từ người dân khi Chính phủ không hề tính đến thiệt hại cũng như tham khảo ý kiến người dân và chuyên gia. Người dân đã đặt nghi ngại về khả năng lãnh đạo, điều hành của nhà nước khi nhận một số tiền quá ít cho một vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà thủ phạm gần như chỉ đưa một số tiền ít ỏi và phủi tay khỏi mọi trách nhiệm. 
Sau khi nhận tiền từ Formosa, Chính phủ tuyên bố sẽ tiến hành bồi thường xong cho người dân trong tháng 8/2016. Tuy vậy, lời hứa chuyển sang tháng 10, rồi tháng 12 và bây giờ tiếp tục hứa đến 6/2017. Quá trình bồi thường hết sức chậm chạp cũng như người dân nhiều nơi cho rằng việc bồi thường không đảm bảo công bằng đã khiến tình hình chính trị tại các địa phương trở nên hỗn loạn. Hàng loạt các cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra liên tục từ tháng 10 cho đến tận hôm nay 4/2017. Người dân liên tục biểu tình yêu cầu bồi thường nhanh chóng và thỏa đáng tại các địa phương như tại Quảng Trạch (Quảng Bình), Kỳ Lợi, Kỳ Hà, Kỳ Phương, Kỳ Nam (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã làm giao thông nhiều lần bị đình trệ trong nhiều giờ. Các cơ quan hành chính cấp xã, huyện và tỉnh gần như ngày nào cũng có người dân tập trung lên đòi tiền bồi thường. Tình hình nghiêm trọng đến mức ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh phải ra văn bản yêu cầu và quy trách nhiệm cho các huyện, xã không được để người dân kéo lên UBND tỉnh đòi tiền. Tuy vậy, tình hình khiếu nại bồi thường vẫn không hề giảm sút dù rằng trên phương tiện truyền thông Trung ương và địa phương cho rằng người dân gần như đồng tình với việc bồi thường. Ngày 3/4/2017, hàng ngàn người dân tại hai xã Thạch Bằng và Thạch Kim (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã chiếm lấy UBND huyện Lộc Hà để yêu cầu bồi thường. Cùng ngày hôm đó, người dân tại Kỳ Phương, Kỳ Nam (TX Kỳ Anh) biểu tình và làm tắc nghẽn giao thông trên quốc lộ 1A hơn 6 giờ đồng hồ tại khu vực Đèo Con, TX Kỳ Anh. Với tình hình này, tình trạng phản đối, khiếu nại việc bồi thường sẽ vẫn tiếp diễn và bức xúc của người dân càng ngày càng lớn hơn vì khả năng xử lý hành chính, đối thoại của địa phương với người dân trong việc bồi thường thực sự có vấn đề nghiêm trọng. 
Trong khi đó, tại Nghệ An, một tỉnh không nằm trong danh sách bồi thường của Chính phủ, thì yêu cầu hỗ trợ từ cấp tỉnh lên Trung ương không được chấp thuận. Ngư dân bị thiệt hại không hề nhận được bồi thường. Vì vậy, họ tiến hành thủ tục khởi kiện dân sự Formosa Hà Tĩnh ra Tòa án nhân dân TX Kỳ Anh, nơi Formosa đặt trụ sở. Tuy vậy, chính quyền tìm cách không thụ lý vụ kiện này. 506 lá đơn của người dân xã An Hòa (Quỳnh Lưu) đã bị Tòa trả lại với lý do không hề chính đáng. Hơn 1000 người dân khác tại ba xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Thọ và Sơn Hải (Quỳnh Lưu) khi trên đường di chuyển vào Kỳ Anh để nộp đơn kiện thì bị ngăn chặn và đàn áp bằng bạo lực tại Diễn Châu. 
Thảm họa Formosa gây ra thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng môi trường hiện tại và tương lai; cùng với đó là cách xử lý thiếu minh bạch, yếu kém và thiếu sự tôn trọng người dân; cùng với mối nghi ngờ về sự bao che đã khiến cho tình hình chính trị tại các tỉnh bị ảnh hưởng trở nên rất mất ổn định. Chính phủ cũng không hề công khai cụ thể 53 lỗi của Formosa là gì khiến cho sự nghi ngờ luôn tồn tại. Chưa khi nào khả năng điều hành, quản lý của chính quyền bị người dân đánh giá tệ hại và niềm tin vào Đảng Cộng sản Việt Nam đi xuống trầm trọng như hiện nay. Chỉ dấu cho sự thay đổi tích cực không hề tồn tại khi chính quyền vẫn không nhận ra sai lầm cũng như thay đổi một cách triệt để thói quen điều hành đất nước như hiện nay. 
5.4.2017 
Các nguồn số liệu lấy từ các báo cáo tình hình kinh tế - xã hội các địa phương và trung ương.
Một số nguồn lấy từ báo chí nhà nước.
Phần 2: SAU THẢM HỌA FORMOSA LÀ THẢM HỌA BỒI THƯỜNG 
1. Tiến trình bồi thường chậm chạp, gặp nhiều sự phản đối của người dân 
Ngày 30/06, Chính phủ tuyên bố nhận 500 triệu đô la tiền bồi thường từ Formosa và chi trả cho người dân trong tháng 8. Đến 1.9, Chính phủ lại trả lời sẽ hoàn thành bồi thường trong tháng 10. Đến hôm nay, lời hứa chuyển sang tháng 6/2017. Ngày 11/10/2016, Bộ Tài chính cho biết đã chuyển 3000 tỷ cho các địa phương đền bù cho dân. Ngày 8/2/2017, Bộ Tài chính chuyển tiếp 1680 tỷ đồng cho đợt 2. Tổng cộng đã chi 4680 tỷ đồng trong số 11 500 tỷ nhận từ Formosa. 
Tuy thảm họa diễn ra từ tháng 4, Chính phủ nhận tiền từ cuối tháng 6 nhưng mãi đến 29/09/2016 mới ban hành định mức bồi thường cho người dân. Tuy nhiên, lại bỏ sót nhiều đối tượng bị thiệt hại thực sự. Đến ngày 9/3/2017, chỉ có duy nhất một đối tượng được thêm vào trong Quyết định bổ sung số 309 của Thủ tướng. 
Trên các phương tiện truyền thông chính thống đưa tin rằng người dân phấn khởi và đồng tình với quyết định bồi thường của Chính phủ. Nhưng trên thực tế, gần như toàn bộ các địa phương đều có việc khiếu nại, phản đối vì họ cho rằng quá trình bồi thường quá chậm chạp và không công bằng. Một số ít các bài báo online được đưa lên một thời gian ngắn sau đó bị xóa tại trang chủ. Có một chỉ đạo ngầm về việc hạn chế đưa những tin tiêu cực về quá trình này. 
Tại Hà Tĩnh, chính quyền thông báo đã chuyển hơn 1000 tỷ đồng tiền bồi thường đến dân nhưng ở các cơ quan hành chính cấp xã, huyện và tỉnh ngày nào cũng có người dân đến đòi tiền. Nhà riêng của Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh và Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch thường xuyên bị người dân khiếu nại đến. Tình trạng khiếu nại còn lên tận Trung ương khi ông Đặng Ngọc Sơn phải ra Hà Nội không ít lần để đàm phán đề nghị. Nhiều người dân ở một số nơi còn liên tục tổ chức các cuộc biểu tình liên quan đến vấn đề bồi thường. Đặc biệt, nhiều cuộc biểu tình ở các nơi như Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Quảng Trạch, Ba Đồn (Quảng Bình),… đã nhiều lần làm tắc nghẽn giao thông trên các tuyến quốc lộ nhiều giờ. Ngày 3/4/2017, người dân còn biểu tình chiếm luôn cả trụ sở UBND huyện Lộc Hà khi các quan chức đứng đầu huyện không xuất hiện để trả lời yêu cầu của họ. Các tỉnh khác cũng diễn ra tình trạng tương tự. Đó là một sự hỗn loạn thực sự trên một địa bàn trải dài vài trăm cây số ven biển. 
2. Nguyên nhân của tình trạng người dân phản ứng với quá trình bồi thường 
Đầu tiên, là sự chậm trễ, thiếu sót trong các quyết định ban hành từ Trung ương. Nhận tiền từ cuối tháng 6 nhưng đến 29/09, Thủ tướng mới ban hành quyết định 1880 định mức bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, nhiều đối tượng thiệt hại thực sự và giá trị lớn đã bị bỏ qua; ví như như các nhà hàng hải sản, khách sạn, khu du lịch. 3/7 đối tượng bị thiệt hại trong quyết định 1880 này không có số tiền cụ thể. Ngày 9/3/2017, PTT Trương Hòa Bình ký quyết định số 309 bổ sung duy nhất một đối tượng là lao động ven biển không thường xuyên, với định mức 1.405 ngàn đồng/tháng và nhà hàng, khách sạn chỉ được bồi thường lao động, những thiệt hại khác không được bồi thường. Đồng thời, các quyết định này nêu rõ chỉ những xã, phường VEN BIỂN mới được bồi thường thiệt hại; những xã phường lân cận dù mức độ thiệt hại như thế nào cũng bị bỏ qua. Chủ nhà hàng Hải Đường, Chương ở bên cầu Hộ Độ (Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) cho biết rằng trong năm 2015 họ đóng thuế gần 500 triệu đồng, nhưng hiện nay đang lỗ nặng mà không được bồi thường gì. Cách tính toán số tiền bồi thường trong nhiều trường hợp rối rắm, phức tạp và vượt quá khả năng của cán bộ địa phương. 
Thứ hai, là số tiền bồi thường không đủ so với thiệt hại hiện tại của người dân và chỉ bồi thường trong vòng 6 tháng, từ 4-9/2016, những thiệt hại thời gian tiếp không được quan tâm đến. Những người kinh doanh, buôn bán thủy hải sản cho rằng thu nhập thực tế của họ nếu không có thảm họa lớn hơn nhiều lần so với con số 2 910 ngàn/tháng. Tương tự, những chủ tàu cá, ngư dân khẳng định trước đây thu nhập của họ đủ nuôi sống gia đình, cao hơn số tiền 3 690 ngàn/tháng như mức bồi thường. Hiện tại, nhiều ngư dân đã bỏ nghề để đi làm các công việc khác vì giá hải sản hiện tại quá thấp, không thể tiếp tục theo nghề. Nhiều ngành nghề khác như nuôi trồng hay dịch vụ đều phải tiếp tục tạm dừng hoặc ế ẩm vô thời hạn. 
Thứ ba, ở cấp địa phương, trình độ của cán bộ hạn chế và thói quen làm việc quan liêu, thiếu minh bạch. Theo hướng dẫn kê khai thiệt hại từ bộ nông nghiệp, mỗi thôn xóm đều có một ban thẩm định, đánh giá công khai. Tuy nhiên, với trình độ hạn chế và kiểu cửa quyền, văn hóa quen thân khiến nhiều người dân bức xúc. Cụ thể là có một Thôn trưởng tại Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh đã bị ném mìn vào nhà vì vấn đề này. Khi hồ sơ kê khai được cấp xã, huyện thì nhiều trường hợp bị đưa ra khỏi danh sách bồi thường mà không được thông báo lý do. Người dân ở xã Kỳ Phương và Kỳ Nam, Kỳ Anh nhiều lần chặn đường quốc lộ 1A để phản đối vì khi niêm yết danh sách bồi thường, họ bất ngờ bị gạch tên và thôn trưởng hay ban thẩm định ở thôn, xóm đều không được hỏi ý kiến hay biết lý do là gì. Bức xúc của người dân càng tăng cao hơn khi khả năng đối thoại của địa phương thực sự yếu kém. Người dân lên cơ quan hành chính chất vấn thì các quan chức chịu trách nhiệm tìm cách né tránh và ít khi giải đáp một cách thỏa đáng những yêu cầu từ phía người dân. 
Thứ tư, từ phía người dân, vẫn tồn tại nhiều trường hợp kê khai không đúng với thực tế và sự hiểu biết còn hạn chế. Một số báo đã đưa tin có sự tiếp tay từ cán bộ thôn, xóm nên có một số trường hợp người buôn bán dưa cà ngoài chợ vẫn được bồi thường, trong khi lao động liên quan đến biển lại không. Việc này những mâu thuẫn và kiện cáo diễn ra phức tạp. Nhiều người dân đi đòi quyền lợi mà không hề tiếp cận những văn bản liên quan, dẫn đến việc những người tiếp nhận không hiểu rõ. Trên thực tế, nhiều cán bộ cấp xã khi người dân đưa ra Quyết định 1880 để đòi hỏi thì họ mới công nhận là không hề biết văn bản này (!). Chuyện này không hiểu nguyên nhân từ việc yếu kém, lơ là của cấp địa phương hay là lí do khác, nhưng hiện tại Quyết đinh bổ sung 309, một quyết định quan trọng liên quan đến việc bồi thường lại không hề tồn tại trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ trong khi các văn bản khác đều có. 
3. Giải pháp cho vấn đề bồi thường 
Phải khẳng định rằng 500 triệu đô la là quá ít so với thiệt hại thực tế hiện tại và tương lai. Chính phủ phải thừa nhận đây là một sai lầm vì đã tự động nhận một số tiền mà không có một đánh giá định lượng cũng như tham vấn của người dân và chuyên gia. Một trong những nguyên nhân chính của quá trình bồi thường chậm chạp, hỗn loạn như hiện nay cũng bắt nguồn từ chính quyền. Tuy nhiên, năng lực của cán bộ hành chính địa phương không thể thay đổi ngay lập tức. Việc đòi thêm tiền bồi thường từ Formosa cũng là bất khả thi (!). 
Với thói quen làm việc của một chính quyền toàn trị là luôn muốn tự mình giải quyết mọi vấn đề, ví dụ như việc nhận 500 triệu đô tiền bồi thường mà người dân không hề được tham vấn. Chính quyền phải nhìn nhận thực sự lại vấn đề và kêu gọi sự tham gia của xã hội trong việc chi trả tiền bồi thường từ Formosa. Đầu tiên, là phải có một cơ chế giám sát minh bạch, độc lập trong việc kê khai thiệt hại. Ngoài những tổ chức thuộc đảng như các hội đoàn địa phương, sự tham gia của xã hội dân sự trong quá trình giám sát, hỗ trợ tiến trình bồi thường. Hiện tại, sự tham gia này không không được khuyến khích mà còn bị hạn chế, cấm đoán. Đơn cử như ít văn phòng luật sư đóng trên địa bàn Hà Tĩnh nào dám nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường của dân vì mối lo bị chính quyền hỏi thăm, phiền nhiễu. Các tổ chức xã hội dân sự có giấy phép cũng bỏ quên dải đất miền Trung hỗn loạn này. Các tổ chức xã hội dân sự không giấy phép thì bị chính quyền tuyên truyền xấu và ngăn cấm triệt để. 
Ngoài ra, chính quyền cũng phải xem xét ban hành các quyết định chi trả đầy đủ, hướng dẫn và phân công nhân sự trực tiếp tham gia vấn đề bồi thường này. Các hướng dẫn thiếu sót, mập mờ mà với trình độ hạn chế của địa phương quá khả năng của họ. Vấn đề bồi thường hiện nay như một cái lò xo nén những bức xúc, phẫn nộ của người dân cùng với những khó khăn về đời sống gần như quá mức chịu đựng của họ. 
Chính quyền đã sai lầm quá nhiều trong vụ Formosa, từ việc cấp phép, giám sát cho đến đàm phán nhận tiền bồi thường. Cơ hội để chứng tỏ giá trị của mình với nhân dân qua việc bồi thường một cách công bằng có thể là cơ hội cuối cùng của họ. Một khi mất hoàn toàn niềm tin của người dân và trở thành một lực lượng tệ hại trong mắt họ, thì hệ lụy không hề nhỏ. Cái lò xo dồn nén bao nhiêu đau khổ, nước mắt và chịu đựng của triệu người dân miền Trung vốn chịu nhiều mất mát, thiên tai và nghèo khó một khi đã bung ra thì khó mà cưỡng lại được. 
6.4.2017 
(Phần 3: VẤN ĐỀ KHÔNG CHỈ LÀ BỒI THƯỜNG, MÀ CÒN LÀ CÔNG LÝ, MINH BẠCH VÀ TƯƠNG LAI) 
T. A. T.
Nguồn: FB Trịnh Anh Tuấn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.