Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017

Nhớ lại và suy ngẫm từ mấy câu chuyện sau 30-4-1975

bauxitevnFri 9:28 AM

Đào Công Tiến
Ngày 30-4-2017 đang đến gần, tiếp tục gợi nhớ và thôi thúc suy ngẫm về những sự kiện lớn – kết thúc chiến tranh Việt Nam kéo dài 30 năm (1945-1975) và bắt đầu một “giai đoạn mới” cho thời hậu chiến của miền Nam nói riêng và Việt Nam nói chung. 
Mừng hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước, chia sẻ khát vọng “xua kẻ thù đi mau”, “dập tắt chiến tranh đẫm máu”, “đập tan bao đau khổ và chia ly” của cố nhạc sĩ Hoàng Việt đã thành hiện thực [[1]]. Tuy nhiên, còn nhiều khát vọng vẫn chưa thành. 
“Giai đoạn mới” lẽ ra phải dành cho việc khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội trên tinh thần “khoan sức dân”, vì dân sinh dân chủ, nhưng điều đó không diễn ra được vì những sai lầm của việc áp đặt một mô hình được gọi là “xã hội chủ nghĩa Xô Viết” và cả “xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc” cùng tự nhận là của chủ thuyết Mác-Lênin, đã từng bị phá sản và thậm chí đã sụp đổ sau đó ở Liên Xô và Đông Âu cùng hệ thống xã hội chủ nghĩa của nó. 
Mô hình sai lầm đó đã kìm hãm đất nước trong suốt hơn 40 năm qua kể từ 30-4-1975, từ đỉnh cao kết thúc chiến tranh thắng lợi rơi xuống vũng bùn của sự trì trệ và lạc hậu so với những nước trong khu vực từng có cùng một xuất phát điểm về trình độ kinh tế và năng suất lao động như Việt Nam, nay muốn đuổi kịp họ phải mất từ 30 đến 50 năm (với một giả thiết ngớ ngẩn là họ dừng lại để đợi ta!). 

Khát vọng từ dân – khơi nguồn cho suy ngẫm

Môi trường hòa bình độc lập thống nhất đất nước sau 30-4-1975 khơi dậy nhiều khát vọng trong cộng đồng các dân tộc Việt với niềm hy vọng thiết tha là có được cơ hội để mọi gia đình được đoàn tụ, láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau, cùng cắm nén tâm hương, tưởng niệm dành cho nạn nhân chiến tranh với cả nhiều triệu người thân yêu của hàng triệu gia đình, đã đi với chiến tranh mãi không về. Ưu tiên hàng đầu vì thế mà cũng rất hiển nhiên là cùng chung sức chung lòng lo chữa lành các vết thương chiến tranh và giữ cho chúng không rỉ máu trở lại, lo xóa đói giảm nghèo, lo cho con trẻ được đến trường, người bệnh được chữa trị, người già cả, neo đơn được chăm sóc. Và, để xây dựng lại non sông, đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, rút ngắn khoảng cách tụt hậu để “cùng sánh vai với các nước trên thế giới”. 

“Giai đoạn mới” và những lựa chọn phải trả giá đắt

Đại hội Đảng IV (1976) và Đại hội Đảng V (1982) đều có nói đến “giai đoạn mới”, “khôi phục cải tạo và phát triển kinh tế, cải tạo và phát triển văn hóa”, được coi là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa cơ bản của “giai đoạn mới” – giai đoạn bắt đầu của Cách mạng Việt Nam thời hậu chiến [[2]]. 
Tuy nhiên, với tâm lý chủ quan duy ý chí, thậm chí cả bệnh kiêu ngạo thường có ở “người thắng cuộc” cùng với bệnh giáo điều tiếp tục “trung thành vô hạn” – với chủ nghĩa xã hội theo chủ thuyết Mác - Lênin [[3]] vốn rất mù mờ về lý thuyết và trên thực tế đã và đang lún sâu vào khủng hoảng rồi phá sản và sụp đổ. Nhận thức lệch lạc đó đã đưa đến những quyết sách sai lầm khiến cho dân tộc phải trả cái giá quá sức nghiệt ngã. 
1. Hệ thống phát ngôn của Đảng, bằng bộ máy thông tin tuyên truyền từ trung ương đến địa phương, đến cả loại hình “văn hóa loa phường”, vẫn tiếp tục một chiều, nặng về “thắng và thua”, “công lao, thành tích và tội lỗi”, “ta, bạn, thù và kích động hận thù”, và gần đây còn là “suy thoái tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa”… Cứ thế mà duy trì sự khác biệt và phân biệt đối xử trong cộng đồng các dân tộc Việt và ngay cả trong nội bộ Đảng Cộng sản. 
Chiến tranh đã dần lùi xa mà mức độ nặng nề của sự khác biệt và phân biệt đối xử từ lúc chiến tranh vẫn còn cứ đeo bám trong tâm lý đời thường. Duy trì sự khác biệt và phân biệt đối xử, còn tạo ra sự thiếu công bằng trong giáo dục, y tế… thậm chí còn gây thảm họa cả trong tình yêu đôi lứa – yêu nhau mà không lấy được nhau vì khác biệt và phân biệt đối xử. 
Vẫn cứ một cách tuyên truyền sáo mòn cũ rích, nhai đi nhai lại những luận điệu mà không hiểu được rằng “một sự kiện chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn” như nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời đã nhắc nhở điều đó và ông từng đòi hỏi “đó là vết thương chung của dân tộc cần được chữa lành, thay vì tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. 
2. Trong cuộc chiến tranh kéo dài suốt 30 năm (1945-1975) máu người Việt đã thấm đẫm trên mảnh đất quê hương. Có lẽ cũng khỏi phải nhắc lại những con số thống kê về bom đạn rải xuống ruộng đồng, sông suối, núi rừng trên đất nước này bằng bao nhiêu phần bom đạn trong chiến tranh thế giới lần thứ hai! Cũng chẳng cần phải nhắc lại những di hại của chất độc dioxin sẽ còn để lại những di chứng trong bao nhiêu lâu nữa trên da thịt của bao thế hệ Việt, cho nòi giống Việt! Những tranh cãi dai dẳng về “ý thức hệ” rồi sẽ theo thời gian mà trôi vào dĩ vãng, song truyền thống Việt Nam mà ông cha bao đời gây dựng và truyền lại thì vẫn mãi mãi lưu chảy trong huyết quản người Việt vốn là một dân tộc chưa bao giờ chịu khuất phục. Đó là một chân lý không bao giờ thay đổi, như mặt trời mọc từ hướng Đông và lặn về hướng Tây. 
“Chiến tranh Việt Nam” mà người Việt và bè bạn trên thế giới thường nhắc đến là như vậy đấy – là một cuộc chiến mang đậm bản chất truyền thống yêu nước của người Việt. Song, chiến tranh Việt Nam đó cũng là cuộc chiến bị can thiệp, bị lợi dụng và phụ thuộc bởi tham vọng bá quyền của các nước lớn “theo cộng sản” và “chống cộng sản” trong “cục diện chiến tranh lạnh” trên thế giới sau Đại thế chiến thứ II. 
Có những nghiên cứu về Trung Quốc, không xếp Trung Quốc vào phe “theo cộng sản” trong “cục diện chiến tranh lạnh” bởi, thực chất mà nói thì Trung Quốc đã và đang theo “chủ nghĩa Đại Hán” chứ không theo chủ nghĩa xã hội - chủ nghĩa cộng sản và quốc tế vô sản của chủ thuyết Mác - Lênin, mà mộng bành trướng bá quyền của “chủ nghĩa Đại Hán” không “cho phép” Trung Quốc lép vế với các nước lớn khác trong “cục diện chiến tranh lạnh”. Từ khi kết thúc nội chiến, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, trên danh nghĩa đứng trong phe xã hội chủ nghĩa nhưng Trung Quốc không bao giờ phục tùng Liên Xô mà còn tranh chấp với Liên Xô, thậm chí còn đi với Mỹ chống Liên Xô. Với Việt Nam, Trung Quốc nhúng tay “lèo lái” việc chọn giải pháp “chia đôi đất nước” thành hai miền Nam, Bắc tại vĩ tuyến 17 ngay sau cuộc kháng chiến chống Pháp với Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi – sự kiện bị coi là “ươm mầm chia rẽ dân tộc” và dẫn đến cuộc chiến tranh phải trả giá đắt. Trung Quốc “ủng hộ” Việt Nam chống Mỹ còn nhằm mục tiêu đẩy vòng vây chống cộng sản của Mỹ ra xa biên giới Trung Quốc và cũng sẵn sàng quay lưng lại với Việt Nam, chống Việt Nam khi chuyển sang đi với Mỹ, nhất là vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh 30 năm. [[4]
Sự can thiệp, lợi dụng của các nước lớn như đã nêu ở trên đã biến cuộc “chiến tranh Việt Nam” thành cuộc chiến tranh nóng (trong cục diện chiến tranh lạnh) lớn nhất, kéo dài nhất, đẫm máu nhất và là cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn” tồi tệ nhất trong lịch sử chiến tranh của Việt Nam và thế giới sau Đại thế chiến thứ II. Và cái giá mà đất nước và con người Việt Nam phải gánh chịu, là quá lớn, quá đắt. Trong chiến tranh, có nhiều triệu người ngã xuống, nhiều triệu gia đình mất người thân yêu và sống trong đau khổ và chia ly… Trong hậu chiến, với trên 40 năm đã qua mà còn cả triệu người mang thương tích chiến tranh trên mình chưa chữa lành, môi trường sống bị chiến tranh tàn phá còn chưa khôi phục được, chất độc dioxin, bom mìn sót lại vẫn còn gây đau thương cho người dân vô tội… Và, cuộc chiến tranh đó đã và đang còn để lại trong cộng đồng các dân tộc Việt những vết thương của sự chia rẽ và lòng người ly tán do bất đồng ý thức hệ và thù hằn bởi “chiến tranh đẫm máu”, “đau khổ và chia ly” còn hằn sâu chưa tháo gỡ được. Vì thế đạo lý cần có sau khi chiến tranh kết thúc không phải là chia rẽ người Việt với nhau do vẫn tiếp tục duy trì sự khác biệt và phân biệt đối xử, càng không thể là kích động hận thù và trả thù của bên này đối với bên kia, mà phải là hòa giải hòa hợp dân tộc trên nền tảng của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn, với lòng nhân ái, sự chân thành và khoan dung của con người Việt Nam. Những hành xử không trên tinh thần đó, chẳng hạn như tập trung cải tạo, phạt vạ, tù đày… của “bên thắng cuộc” đối với “bên thua cuộc” đã đến lúc phải có lời thành tâm sám hối và xin lỗi. 
3. Cuộc chiến hết sức khốc liệt kéo dài 30 năm đã vắt kiệt sức dân ta, sau 30-4-1975 nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá đó lẽ ra phải được khôi phục và phát triển trên tinh thần “khoan sức dân”. Nhưng điều đó không diễn ra được vì đường lối cải tạo xã hội chủ nghĩa đã giành hết chỗ cho nó, còn đâu cho khôi phục và phát triển vì dân sinh, dân chủ. Một bộ phận không nhỏ dân nghèo đô thị bị đưa đi kinh tế mới lâm vào cảnh sống “khốn cùng” – “không còn gì để ăn, còn đất (ở vùng kinh tế mới) đâu dễ cạp”. Câu nói này xác thực cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của sự “khốn cùng” đó. Trên những cánh đồng trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải miền Trung, các hộ gia đình nông dân phải gác lại những công việc đồng áng vốn quen thuộc để đi vào con đường “làm ăn tập thể” theo mô hình hợp tác xã của miền Bắc được tạo dựng một cách trầy trật suốt 16 năm vẫn không gượng đứng dậy được, bị lún sâu vào khủng hoảng và đứng trên bờ vực của sự phá sản, để rồi người trồng lúa thiếu gạo ăn, cả nước phải gặm bột mì và ăn bo bo. 
Trong công nghiệp, thương nghiệp, Đảng chủ trương “đánh” kinh tế tư hữu, cấm đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân, “xây” kinh tế công hữu bằng những cách làm từ mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa vốn không thành công ở miền Bắc, đã làm cho kinh tế miền Nam mới ra khỏi chiến tranh vốn đã khó khăn, khó khăn hơn, đời sống của dân vốn đã cơ cực, cơ cực hơn. 
Thời hậu chiến đã qua trên 40 năm sau 30-4-1975 mà tinh thần “khoan sức dân” vẫn chưa thấm được vào nhiều chính sách kinh tế. Chính sách giá, lương, thuế, phí vẫn tiếp tục vắt kiệt sức dân. Trong khi mức thu nhập GDP bình quân đầu người ở Việt Nam còn quá thấp và đang đội sổ thế giới (chỉ bằng 0.262 lần Trung Quốc, 0.257 lần Thái Lan, 0.158 lần Malaysia, 0.392 lần Indonesia và 0.604 lần Philippines) mà phải chịu những khoản thuế, phí quá cao, kéo dài nhiều năm, kể cả khi kinh tế khó khăn. Tiền lương tuy có điều chỉnh, nhưng chính sách tiền lương cơ bản không đổi vẫn trên nền lương tối thiểu không đáp ứng đủ nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Với thu nhập có được từ tiền lương không đủ sống như vậy, người dân lại phải chịu nhiều khoản thuế, phí quá cao, bởi phân phối trong nền kinh tế nghiêng quá nhiều về thu ngân sách cho đầu tư, chi phí và trả nợ công, cho cả thất thoát vì lãng phí và tham nhũng quá lớn. Thu ngân sách Nhà nước trung bình giai đoạn 2007-2011 so với GDP cùng kỳ lên tới 29%, chỉ tính riêng thuế, phí cũng đã lên đến 26.3%, cao gấp 1.4 đến 3 lần so với các nước trong khu vực (tỉ lệ này của Trung Quốc là 17.3%, Thái Lan và Malaysia là 13%, Indonesia là 12% và Ấn Độ là 7.8%). [[5]
4. Hiện tình kinh tế như vậy đòi hỏi phải thay đổi cách nghĩ cách làm – phải Đổi mới. Người dân miền Nam nói riêng và cả nước nói chung, nhất là người dân tại nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình nông dân, thợ thủ công và tiểu thương vì cuộc sống và lẽ sống của mình, họ đã tự phát “xé rào” vượt cơ chế chính sách hiện hữu đầy sai trái để cứu nguy kinh tế và đời sống. Đó là mũi đột phá từ dân – là cơ sở, gốc rễ của Đổi mới. Và, về cơ bản Đảng chấp nhận việc làm của dân như là chấp nhận giải pháp tình thế trước áp lực của khủng hoảng đã đến mức không chịu nổi. Đại hội Đảng VI với Nghị quyết Đổi mới đã chấp nhận cho phát triển sản xuất hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế có sự kết hợp giữa kế hoạch với thị trường và có sự điều tiết của Nhà nước. Theo đó, những rào cản “ngăn sông cấm chợ” được tháo gỡ trả lại sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho người sản xuất và người tiêu dùng, hợp thức hóa cách “khoán sản phẩm” trong hợp tác xã, mở đường cho kinh tế hộ gia đình được tự chủ và trở lại với vai trò của đơn vị kinh tế cơ sở ở nông thôn. 
Đổi mới với hai mũi đột phá đó đã đưa kinh tế ra khỏi khủng hoảng và tạo được đà cho tăng trưởng. Thế nhưng, một số không nhỏ lý luận gia và những nhà lãnh đạo của Đảng, với kết quả Đổi mới vui một họ lo hai, ba thậm chí chín, mười, vì sợ “Đổi mới được kinh tế nhưng mất tư tưởng, được bộ phận nhưng mất tổng thể, được trước mắt nhưng mất lâu dài, được kết quả hiển nhiên nhưng xa rời mục đích và những nguyên tắc cơ bản, được của cải nhưng hỏng quan hệ sản xuất và con người”. Sự mơ hồ trong tư duy Đổi mới như vậy đã làm cho Đổi mới không toàn diện, không triệt để – do dự, thiếu dứt khoát, nhất là đối với đòi hỏi đổi mới thể chế chính trị đi liền với đổi mới kinh tế. 
5. Chiến tranh đã kết thúc và “giai đoạn mới” cũng đã đi được một khoảng thời gian dài, thế mà cách hành xử với nhân quyền, pháp quyền, quyền tự do dân chủ của công dân còn nhiều bất cập quá tệ hại: 
Đạo luật cơ bản của Việt Nam, với Hiến pháp năm 1946 và với các lần sửa đổi sau đó, đã ghi “Tât cả quyền bính” hay “tất cả quyền lực” hoặc “tất cả quyền lực Nhà nước” “thuộc về nhân dân” [[6]]. Những quyền “thuộc về nhân dân đó” về danh nghĩa cũng không trọn, làm gì có thực chất vì với pháp quyền xã hội chủ nghĩa, giới lập pháp Việt Nam tự cho mình có quyền đưa vào Hiến pháp sửa đổi năm 1980, 1992 và 2013 những điều vi hiến – lấy quyền lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội duy nhất thuộc về Đảng Cộng sản, đặt lên trên các quyền thuộc về Nhân dân. 
Để có một Nhà nước và một xã hội chấp nhận phục tùng “siêu quyền lực” đó của Đảng, Đảng đã thao túng việc bầu chọn sắp xếp nhân sự cho nó bằng một quy trình “đảng cử, dân bầu” chứ không phải “dân cử, dân bầu” để nó hành xử việc dân, việc nước theo ý Đảng chứ không phải ý nguyện của nhân dân. 
Nhiều quyền tự do, dân chủ được ghi trong Hiến pháp quá hiển nhiên, nhưng trên thực tế không được thực hiện bởi có nhiều rào cản khó vượt: quyền tiếp cận thông tin không vượt qua được rào cản từ sự lạm dụng của việc giữ bí mật và bưng bít thông tin; quyền tự do bày tỏ chính kiến không vượt qua rào cản từ cấm “đa nguyên”, và tương tự như vậy, quyền tự do hội họp, lập hội cũng không vượt qua được rào cản từ cấm “đa đảng”. 
Nổi cộm lên trong bức xúc của người dân là “quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước” có lúc bị ách tắc dẫn đến lén lút vượt biên, tạo nên thảm trạng “thuyền nhân”. Quyền biểu tình chưa cho thực hiện vì chưa có luật biểu tình, bởi Quốc hội chưa quyết tâm, thậm chí chưa muốn làm. Quyển sở hữu tư nhân về đất đai là tư liệu sản xuất, là tài sản của công dân chưa được công nhận là nguyên nhân gây nhiều cản ngại đối với sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều tranh chấp gây bất ổn xã hội. 
6. Cái giá phải trả cho những lựa chọn thiếu thấu tình, đạt lý trong cả quá trình dài của “giai đoạn mới” sau 30-4-1975 là quá lớn, quá đắt: tài nguyên và môi trường thiên nhiên bị phá nát, các thang giá trị bị đảo lộn, bất công xã hội gia tăng. Thiếu việc làm, lương thấp, thu nhập không đủ sống, đời sống khó khăn kéo dài suốt hơn 40 năm sau chiến tranh và hiện vẫn còn thấp xa so với hầu hết các nước trong khu vực. Thiếu an ninh, an toàn đối với người dân trong giao thông, phòng tránh bão lũ; bạo lực bạo hành từ trong gia đình đến ngoài xã hội, kể cả từ sự lạm dụng quyền lực của hệ thống công quyền gia tăng. Tham nhũng đã trở thành quốc nạn, không còn đơn thuần là tham nhũng tiền của mà còn là tham nhũng quyền lực và cấu kết với quyền lực trong các hệ thống nhóm lợi ích bất chính. Nền kinh tế vẫn bị chi phối bởi sự rối rắm về lý thuyết và sự hỗn loạn trong vận hành, vẫn kinh tế công hữu, kinh tế nhà nước là nền tảng, là chủ đạo, nắm giữ một bộ phận nguồn lực lớn nhất và cũng là nơi bị đục khoét lớn nhất bởi lãng phí và tham nhũng, nguồn lực trong dân với khu vực kinh tế dân doanh không được xem trọng nên làm cho nền kinh tế yếu từ gốc, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn nặng về khai thác nên góp sức chưa nhiều vào việc làm cho nền kinh tế mạnh lên và phát triển bền vững hơn, các lĩnh vực kinh tế nhạy cảm – tài chính, tín dụng, chứng khoán, bất động sản và một số ngành kinh doanh dịch vụ khác vẫn tiềm ẩn bất ổn. 

Mấy đề xuất những việc cần làm 

1. Cần tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân chiến tranh của cuộc chiến 30 năm (1945-1975) ở Việt Nam ngang tầm quốc lễ, thay vì chỉ là lễ mừng hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước, như đã được tổ chức hàng năm suốt 41 năm qua. Quốc lễ tưởng niệm hàng năm, mỗi năm một lần, vào thời điểm thích hợp là lúc 11h30 ngày 30 tháng 4 (lúc đó của năm 1975 là thời điểm đội quân can thiệp Mỹ đã rút hết khỏi Việt Nam và tướng Dương Văn Minh – Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đọc trên đài phát thanh Sài Gòn Tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam). 
2. Cần có lời thành tâm sám hối và xin lỗi từ Đảng Cộng sản tới nhân dân – cộng đồng các dân tộc Việt về những quyết sách sai lầm từng đưa đến những đau thương mà dân tộc phải gánh chịu như đã nêu ở trên. 
3. Hòa giải, hòa hợp dân tộc là chuyện lớn của dân của nước không thể tiếp tục quay lưng lại được. Sám hối và xin lỗi nếu được thực hiện là sự thành tâm, thiết nghĩ rất cần có cho hòa giải hòa hợp dân tộc. 
Cũng không dừng ở đó, những người có trách nhiệm phải dám đối mặt với sự thật, để nhận biết vấn đề căn cơ, gốc rễ là lòng tin của nhân dân đối với Đảng đã bị xói mòn đến cạn kiệt mà nguyên nhân cơ bản là sự độc đoán chuyên quyền, phản dân chủ trong định hình thể chế và điều hành bộ máy quản lý nhà nước và quản lý xã hội. Sự tha hóa của quyền lực càng ngày càng trầm trọng, đẩy tới sự tham nhũng ngày càng ăn sâu vào cốt tủy, càng chống càng tăng, đẩy tới nguy cơ sụp đổ không cứu vãn được. Chính điều này đã phá nát nền tảng của một xã hội như xã hội mà ta đang sống. Để giữ lấy độc quyền và siêu quyền cho mình, đảng đã quay lưng lại, loại bỏ mọi ý kiến khác của trí thức, nhân sĩ yêu nước, những tư vấn và phản biện tâm huyết và có tính khoa học để rồi không tránh được những sai lầm trong nhiều sự lựa chọn quyết sách phải trả giá đắt. 
Lòng tin mà mất thì mất tất cả! Từ trong gia đình, đến ngoài xã hội, trong quan hệ giữa người với người không còn gì để tin cậy nhau thì chẳng còn gì để hòa giải, hòa hợp. Sẽ không có ngoại lệ cho hòa hợp, hòa giải dân tộc mà Việt Nam đang cần. 

Thay lời kết

Càng ngẫm, càng buồn – cái buồn của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về một “nước Việt buồn”. [[7]
Từ một “nước Việt buồn” thời “ngàn năm”, “trăm năm” nô lệ bởi giặc Tàu, đô hộ bởi giặc Tây, đến một “nước Việt buồn” của cuộc chiến tranh “bốn nhất” – chiến tranh nóng (trong “cục diện chiến tranh lạnh”) lớn nhất, kéo dài nhất, đẫm máu nhất và là cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn” tồi tệ nhất. Rồi lại tiếp nỗi buồn từ sự “ngoảnh mặt, quay lưng” với một “nước Việt buồn” của một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng người Việt (cả quan chức của bộ máy công quyền, của doanh nghiệp Nhà nước của đảng viên cộng sản và cả người dân), bời “ngu lâu” nên không nhận ra được “một nước Việt buồn”; bởi “tha hóa” vì “bả” vinh hoa phú quý và vì “quyền lực tuyệt đối, tha hóa tuyệt đối” nên mặc kệ một “nước Việt buồn”, bởi “mất lòng tin” lâm vào chơi vơi, vô cảm với chính “nước Việt buồn”. 
Nỗi buồn về một “nước Việt buồn” như đã nêu ở trên là những câu chuyện thật, mà nguyên nhân không thể nào né tránh được – là thuộc về Đảng với sự độc quyền lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội bằng siêu quyền lực và với thể chế chính trị mà Đảng chọn và vẫn một mực trung thành với nó một cách “kiên định” bởi một “ý chí” gọi là “kiên cường” của sự bảo thủ – bảo thủ đến mức ngoan cố! 
Đảng Cộng sản như vậy, không thể giải được buồn – nỗi buồn của dân tộc. Giải nỗi buồn đó phải là chuyện của dân. Đã đến lúc các quyền thuộc về Đảng, mà lẽ ra phải thuộc về dân, phải trao trả lại cho dân để dân giải nỗi buồn của mình bằng “tất cả quyền bính”, “quyền lực”, “quyền lực Nhà nước” đích thực thuộc về nhân dân 
Tp Hồ Chí Minh, tháng 4/2017

[1] Nghe lại bản “Tình ca” của cố nhạc sĩ Hoàng Việt để cùng chia sẻ khát vọng “xua kẻ thù đi mau”, “dập tắt chiến tranh đẫm máu, đập tan ngay bao đau khổ và chia ly” của ông. 
[2] Trong báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ V (1982), Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng định: “Từ Đại hội lần thứ IV đến Đại hội lần thứ V của Đảng là những năm đầu Cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới. Đó là những năm khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, cải tạo và phát triển văn hóa”. 
Đ. C. T.
Tác giả gửi BVN
[3] Trong bài diễn văn khai mạc Đại hội Đảng V (1982), cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã khẳng định “Đảng Cộng sản Việt Nam là một Đảng cách mạng kiên cường, trung thành vô hạn với chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa quốc tế vô sản”. 
[4] Xem bài khai bút đầu tháng 1- 2017 “Tìm hiểu thêm về thế giới đã sang trang (bài 5)” của tác giả Nguyễn Trung. https://anhbasam.wordpress.com/2017/01/05/11-225-tim-hieu-them-ve-the-gioi-da-sang-trang-bai-5/
[5] Dữ liệu từ “Báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2012” của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, qua bài “Thuế, phí cao chót vót”, báo Tuổi Trẻ ngày 4-9-2012 và bài “Oằn vai thuế thu nhập cá nhân”, báo Thanh Niên ngày 5-9-2012. 
[6] Hiến pháp sửa đổi năm 2013 và các Hiến pháp trước đó đều cùng có chế định “Tất cả quyền bính” hay “Tất cả quyền lực” hoặc “Tất cả quyền lực Nhà nước” đều thuộc về nhân dân. Tuy nhiên, Hiến pháp sửa đổi năm 1980, 1992 và 2013 đã bị giới lập pháp Việt Nam tự cho mình cái quyền “vi hiến”, đã mặc nhiên đặt quyền lãnh đạo cao nhất và duy nhất của Đảng đối với Nhà nước và xã hội trên các quyền thuộc về nhân dân. Đây đích thực là rào cản không thể vượt qua được để thực thi dân quyền, mặc dù đã có chế định của pháp quyền. 
[7] Nghe lại bài “Gia tài của mẹ” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, để chia sẻ với ông về “nước Việt buồn” thời “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây”, “hai mươi năm nội chiến từng ngày” và “gia tài của me để lại cho con, gia tài của mẹ là nước Việt buồn”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.